Ngài là ai? – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
Đức Giêsu sống một thời
gian dài ở Nadarét, như một người bình
thường, một người thợ làm vất vả
mới có đủ lương thực sống. Sau ba mươi năm trời, nghe tin
Gioan làm phép rửa thống hối tại sông Giordan,
Đức Giêsu được thúc đẩy để
đi chịu phép rửa, rồi Ngài được Thánh
Thần dẫn vào sa mạc để ăn chay cầu
nguyện, Ngài thấy sứ mạng và bắt đầu
ra đi rao giảng, thu tập các môn đồ. Hôm nay Tin Mừng cho thấy Ngài xuất hiện
ở tiệc cưới Cana.
Đức
Maria tin vào Con mình
Đức
Maria cảm thông với đôi tân hôn và những
người trong gia đình: nếu hết rượu
giữa chừng, người ta sẽ đàm tiếu, và
gia đình nghèo này làm sao vượt qua được?
Đức Maria nói với Đức Giêsu: “Họ hết
rượu rồi”. Tại sao Đức
Mẹ lại nói với Đức Giêsu? Như
thể Đức Mẹ hiểu phản ứng của
Đức Giêsu trước những hoàn cảnh như
vậy!
Hãy
đặt mình vào trường hợp những
người ở bên Đức Giêsu và Đức Mẹ
lúc đó: họ hiểu gì? Có lẽ họ chẳng
hiểu gì! Có thể có người nghĩ: “bà này vô duyên! Họ hết rượu thì kệ họ, con bà
làm gì được!” Và Đức Giêsu đã trả
lời Đức Mẹ như vậy: “Việc đó có
liên quan gì đến bà và tôi?”. Tuy
vậy, Đức Mẹ vẫn nói với những
người giúp việc: “Ngài nói sao cứ làm như
vậy”. Đức Maria hiểu Đức
Giêsu hơn bất cứ ai, dường như Đức
Mẹ biết Đức Giêsu sẽ làm một cái gì đó
để cứu gỡ cặp hôn nhân và gia đình trong
cảnh khốn cùng này. Quá tuyệt thái
độ của hai người hiểu nhau ở đây.
Đức Giêsu đã làm điều Ngài
đã làm. Phải
chăng vì Đức Mẹ, hay cứ bình thường Ngài
phản ứng như vậy? Có thể không vì Đức
Mẹ, nhưng Đức Mẹ biết Đức Giêsu
sẽ phản ứng trước hoàn cảnh như
vậy: Ngài vẫn động lòng trước nỗi
khổ của con người.
Các môn
đồ tin vào Đức Giêsu
Những người giúp việc
biết nước đã biến thành rượu. Người chủ
tiệc không biết rượu từ đâu có, nhưng
các người giúp việc thì biết. Chắc
là những người giúp việc ngạc nhiên và thán
phục Đức Giêsu.
Ngài là người của Thiên Chúa, vì
đã làm được việc phi thường. Các môn đồ đã tin
vào Ngài. Ở vào thời điểm này,
chưa có ai biết Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa,
là Thiên Chúa nhập thể. Sở dĩ vậy vì người
Do Thái tin Thiên Chúa là Đấng duy nhất, họ chưa
biết Thiên Chúa là Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa là Ba Ngôi chỉ
được mặc khải nhờ Đức Giêsu sau
khi Ngài phục sinh từ cõi chết mà thôi.
Niềm
tin và sự hiểu biết của các tông đồ
mỗi ngày mỗi tăng, và cũng có những khủng
hoảng như khi Đức Giêsu mặc khải “mình Ta
thật là của ăn, máu Ta thật là của uống”.
Một số môn đồ bỏ đi vì thấy lời
của Đức Giêsu chói tai quá (Ga.6,
60.67). Cuộc khủng hoảng cao độ
nhất là biến cố Đức Giêsu bị giết trên
thập giá. Sau khi Đức Giêsu sống lại,
nhờ ơn của Thánh Thần các tông đồ đã
nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập
thể.
Hồng ân và đặc sủng đều do Thánh
Thần
Thánh
Phaolô cho biết, tất cả đều do Thánh Thần,
ngay cả hồng ân đức tin: “không
ai có thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà lại
không do Thánh Thần” (1Cor.12, 3).
Tất
cả đều từ Thiên Chúa mà đến, đều
do một Chúa, đều nhờ Thánh Thần. Ơn
phục vụ, ơn khôn ngoan, ơn chữa bệnh, ơn
làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định các
thần, ơn ngôn ngữ, ơn giải thích, v.v… tất
cả đều từ Thiên Chúa, đều do Thánh Thần
mà có.
Ơn sủng Thiên Chúa đang bao trùm
chúng ta. Chúng ta hiện
hữu, ăn uống, nghỉ ngơi,
làm việc, sức khỏe, học hành, hiểu biết,
v.v…. tất cả đều bởi Thiên Chúa, đều do
Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong tình yêu. Hãy nhận biết điều đó, để
hạnh phúc và cảm tạ Thiên Chúa.
Chính nhờ Đức Giêsu mà chúng ta có
tất cả.
Đức Giêsu là qùa tặng qúy nhất mà Thiên Chúa đã ban
tặng chúng ta, thì Ngài còn gì với chúng ta nữa! Thiên Chúa là quà tặng qúy nhất mà mỗi
người chúng ta có, và không ai có thể tước
mất được. Tạ ơn Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có kinh nghiệm về
hai người hiểu nhau không? Xin bạn chia sẻ kinh
nghiệm đó nếu có thể được.
2. Bạn có kinh nghiệm (tin)
Thiên Chúa yêu bạn, và sẽ làm điều tốt nhất
cho bạn không? Bạn có kinh nghiệm “muốn gì Thiên Chúa
cũng chiều” bạn không? Xin chia sẻ nếu có
thể được.
3. Điều gì quý nhất
với bạn? Bạn hay cầu nguyện để
được điều gì nhất? Bạn có hay cầu
nguyện xin Chúa ban cho bạn điều bạn cho là qúy
nhất không? Nếu không thì tại sao?
4. Bạn có kinh nghiệm
“khủng hoảng đức tin” không? Làm sao bạn
vượt qua được?
|