“Ngài có bảo gì, hãy
làm theo!”
(Trích
trong ‘Tin Mừng Chúa Nhật’)
Sở dĩ gọi Cana trong miền Galilê là
để phân biệt với Cana miền Coelo-Syria. Đây là một làng
rất gần Nadaret. Thánh Hiêrônimô, người
từng ở Palestine bảo rằng, từ Nadaret ông có
thể nhìn thấy Cana. Tại đó đang có
một đám cưới, Đức Maria được
mời đến dự và giữ một vai trò đặc
biệt, chắc liên quan đến việc tổ chức
nên bà đã tỏ ra lo lắng khi thấy thiếu
rượu. Bà cũng có đủ
quyền để ra lệnh cho đầy tớ làm
bất cứ điều gì Chúa bảo.
Tại xứ Palestine, lễ cưới là
một cơ hội thật sự quan trọng. Theo
luật Do thái, lễ cưới của một trinh nữ
phải tổ chức vào ngày thứ tư.
Điều này rất thú vị, vì nó cho chúng ta căn
cứ để tính lui lại: nếu đám cưới
nhằm ngày thứ Tư, thì ngày Chúa Giêsu gặp Anrê và Gioan
lần đầu tiên phải là ngày sa-bát, và cả hai
đều ở với Ngài trọn ngày đó. Tại Palestine tiệc cưới kéo dài hơn
một ngày, lễ cưới chính thức cử hành vào
buổi xế chiều sau khi dự tiệc. Sau buổi tiệc, đôi tân hôn được
đưa về nhà mới. Bấy giờ trời
đã tối, họ được đưa đi qua các
con đường làng, dưới ánh đuốc, có
lọng che đầu. Họ được đưa theo con đường càng dài càng tốt
để có thể gặp được nhiều
người chúc mừng. Tại Palestine
vợ chồng mới cưới không đi hưởng
tuần trăng mật. Họ ở
tại nhà mở cửa suốt tuần để tiếp
khách. Họ đội vương
miện và mặc y phục hôn lễ. Họ
được đối xử như vị vua và hoàng
hậu, và lời nói của họ là luật. Nếu suốt đời người ta phải
sống cơ cực vất vả, thì được
một tuần tiệc tùng, vui vẻ, quả thực là
cơ hội vô cùng đặc biệt trong đời
người. Chúa Giêsu đã vui vẻ tham
dự ngày hạnh phúc ấy. Nhưng
đã có trục trặc xảy ra.
Trong đám tiệc của người
Do thái, rất cần rượu. Các Rabi vẫn nói: “Không
rượu thì không vui”. Không phải vì mọi
người nghiện rượu, nhưng bên Đông
phương món rượu thật quan trọng.
Sự thật, đối với họ say rượu là
một điều xấu hổ, nên họ uống pha hai phần rượu và ba phần
nước lã. Lúc nào thiếu thức ăn,
thức uống là có vấn đề, vì ở Đông
phương tiếp khách là một nhiệm vụ thiêng
liêng; thiếu thức ăn, thức uống trong một
tiệc cưới là điều xấu hổ, nhục
nhã cho cả cô dâu lẫn chú rể. Vì
thế Đức Maria đã báo cho Chúa Giêsu biết sự
việc này. Mà Chúa Giêsu đã bày tỏ
quyền năng của Ngài để cứu gia đình
mộc mạc này khỏi bị tổn thương
nhục nhã. Ngài đã hành động vì lòng ưu ái,
tử tế, thông cảm với những người
mộc mạc đơn sơ.
Câu chuyện đã được
kể lại cách sống động nên rõ ràng phải là do
người đã chứng kiến tận mắt ghi
lại, nhưng không phải là ghi lại ngay sau khi xảy
ra mà là bảy mươi năm sau, và cũng ghi lại tác
dụng của phép lạ ấy: “Đức Giêsu làm
dấu lạ đầu tiên này tại Cana và bày tỏ vinh
quang của Người.” Chúa làm phép lạ này
bày tỏ vinh quang của Người. Chúng
ta cố gắng tìm biết các nguyên tắc bày tỏ
tỏ vinh quang này.
- Bước đường cùng
khiến người ta quay về với Chúa, cung
cấp dịp tiện cho Người hành động, ân huệ của Chúa được ban cho ai
thành khẩn kêu cầu Ngài. Dầu có
người chê cầu nguyện là mê tín, hay bình
thường thì chẳng bao giờ cầu nguyện,
nhưng một khi đã lâm vào cảnh khốn cùng,
chẳng ai không ngước mắt lên trời mà kêu
cầu.
- Đức Maria là người
thân trong gia đình này, được mới tới
dự tiệc cưới, khi thấy rượu đã
hết, biết ngay chủ nhà sẽ rất bối
rối, sẽ bị bẽ mặt, và các thực khách
sẽ mất vui. Không kể đến địa vị
làm mẹ, đến với Đức Giêsu mà cầu
khẩn: “Họ hết rượu rồi.” Làm
mẹ, mà hạ mình cầu cứu con, không phải dễ
lắm đâu. Đàng khác chưa biết ý Chúa ra sao,
đường đột đưa ra một lời
cầu như vậy mà không thăm dò trước có khi
rước lấy tai họa. Thế
nhưng đến nước này, nếu không kêu cầu
Chúa thì còn biết trông cậy vào ai nữa!
Lời cầu nguyện
của Đức Maria bị thôi thúc vì hoàn cảnh mà
Mẹ đảm trách lấy, là kiểu mẫu cho
những lời cầu bầu của chúng ta.
Vì chúng ta thấy lời cầu của
Đức Maria là lời cầu “Ý Cha thực hiện” vì
Ngài chỉ nói: “Họ hết rượu rồi” chứ
không thêm gì vào nữa! Một lời cầu nguyện
tốt nhất là “trình lên Chúa các nhu cầu của mình”
rồi để Ngài làm theo ý Ngài.
Đức Maria đã làm như thế; còn phần chúng ta,
ngoài việc trình nhu cầu lên Chúa, thường hay bày thêm
cách này cách kia, đôi khi còn đòi Chúa
phải làm theo ý của mình. Đức Maria không ép Chúa, Ngài
để Chúa tự do địnhh liệu. Trong Tin
Mừng, chúng ta thấy có người đã làm theo gương Đức Maria, khi Ladarô
đau nặng, hai chị em Matta và Maria sai người
đi thưa Chúa “người Thày yêu đau nặng.”
- Lời cầu nguyện của
Đức Maria là lời cầu nguyện hạ mình: đây là lời cầu xin của bà
mẹ đối với con. Nếu còn giữ thể
diện thì không dễ gì một bà mẹ sẵn lòng hạ
mình kêu cầu con; đã thế lại còn nhận
được một lời đáp ứng dường
như cứng cỏi của Chúa Giêsu: “Thứa bà,
chuyện đó can gì đến bà và con, giờ của con
chưa đến.” Thế nhưng,
Đức Maria đã từ bỏ mình trước rồi,
chỉ nghĩ đến tình hình khẩn cấp chứ
không nghĩ đến thể diện cá nhân. Lời câu xin không kể đến thể
diện mình quả là phép mầu để Chúa
được vinh hiển. Chẳng những tại
đây, do lời cầu của Đức Maria mà Chúa
được vinh hiển, mà khắp nơi qua Kinh Thánh
đều thấy Chúa làm phép lạ là do có người kêu
cầu.
-
Này,
có một người phong đến gần Ngài thưa:
“Lạy Chúa, nếu Chúa ưng, xin cho con được lành
mạnh. Chúa giơ tay sờ đến
anh phá: Ta muốn, anh được lành sạch. Tức thì
người phong được sạch.”
-
Khi
Chúa vào Caphanaum, có một sĩ quan đến thưa Ngài:
“Con gái tôi đau gần chết, xin Thày đến
đặt tay trên nó, để được sống.”
Chúa bèn đứng dậy đi theo ông.”
-
Phêrô
hòng chìm xuống nước la lên: “Thầy ơi cứu con
với, tức thì Chúa giơ tay ra cứu ông.”
-
Hai
người mù thưa: “Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi
được sáng. Chúa động lòng thương,
liền sờ đến mắt và hai người thấy
được”
Có thể trưng nhiều hơn,
nhưng cũng đủ để thấy Chúa
thường hay mượn cớ người ta cầu
nguyện để ban ơn, để tỏ bày vinh
hiển của Ngài. Nguyện lời
cầu của chúng ta cũng giống thế.
Thấy nhà chủ hết rượu
Đức Maria trình lên Chúa nhu cầu, thì nhận
được một lời đáp ứng không mấy
tích cực: “Chuyện đó can chi đến bà và con,
giờ của con chưa đến.” Làm thân
bà mẹ mà phải hạ mình xin con đã là khó, nay lại
nhận được một câu trả lời như
thế, rất dễ nản lòng, mất hết cậy trông.
Đức Maria không thế, Ngài vẫn bình tĩnh bảo
những người giúp việc Đức Giêsu bảo gì
cứ làm theo đó. Tại
sao Đức Maria biết Chúa sẽ ra lệnh cho các
kẻ giúp việc? Đó chỉ do bà tin. Bà chẳng vì
cảm xúc mà nghi ngờ điều mình xin, nhưng lấy
đức tin mà nắm lấy lời hứa của
việc cầu nguyện: “Cứ xin thì được.”
Chính vì đức tin mà Maria dặn bảo các người
giúp việc phải tuân theo lệnh Chúa.
Trình bày nhu cầu xong, phải tin vào
lời hứa của Chúa mà chắc chắn mình
được nhận lời. Thiếu
đức tin thì không bao giờ thấy vinh hiển của
Chúa. Các vĩ nhân trong lịch sử thánh đều là
những anh hùng đức tin: bởi đức tin,
nước Biển Đỏ rẽ đôi, bởi
đức tin có thể qua sông Giođan, bởi đức
tin có thể đánh lui toán quân của ngoại bang, bởi
đức tin có thể khiến thành Giêricô sụp
đổ, khiến người mù được sáng, què
được đi, kẻ phong được sạch,
người chết rồi cũng được sống
lại. Có việc nào không bởi đức
tin mà tỏ bày vinh quang của Chúa đâu. Thế nên,
Chúa từng phán với Matta rằng: “Ta đã chẳng nói
với con rằng nếu con tin con sẽ xem thấy vinh
quang của Thiên Chúa.” Giả như lúc này Đức Maria
không dặn bảo những người giúp việc
sẵn sàng làm theo lệnh Chúa thì Chúa
cũng chẳng bảo họ làm gì nữa, mà dầu có
bảo họ cũng chẳng nghe theo. Thế
thì đã không có phép lạ nước hóa ra rượu…
nhưng vì đức tin của Đức Maria quá lớn,
nên phép lạ đã xảy ra.
Sở dĩ chúng ta không được
thấy vinh hiển Chúa trong đời sống, không
phải vì chúng ta không cầu xin, nhưng vì cầu xin trong
sự không tin. Hãy bắt chước Đức Maria,
nghĩa là phải lấy đức tin mà nhận
điều mình cầu xin dầu hoàn cảnh là thập
phần khó khăn, cảm giác thập phần lạt
lẽo, nhưng phải làm xong điều gì phải làm
như Đức Maria đã từng làm thì Chúa sẽ
phải giữ lời Ngài đã hứa mà ban ơn cho ta
để tỏ vinh quang Ngài.
Với lòng đầy tin tưởng,
Đức Maria nói gì: “Người bảo gì cứ làm theo đó.” Phải ghi
chặt vào lòng câu nói đó. Vì đó là
việc buộc phải làm về phương diện loài
người. Nếu ta không chịu vâng phục mà làm theo, vinh quang của Chúa có thể bị
cản trở vì bất tuân của loài người. Các bạn có tin Thiên Chúa rẽ đôi nước
Biển Đỏ không? Tin chứ,
nhưng nếu bất tuân mà không giơ cây gậy lên thì
nước Hằng Hải đâu có phân đôi tả
hữu; các bạn có tin nước Giođan nhưng
chảy không? Tin chứ, nhưng nếu
vì bất tuân mà không đặt chân vào dòng sông thì
nước không dồn lại thành đống. Bạn có tin Chúa có thể làm sụp đổ
tường thành Giêricô không? Tin chứ,
nhưng nếu không nghe lời Chúa mà đi vòng quanh thành
đủ bảy ngày, thì tường thành không tự nhiên
đổ xuống đâu. Người teo tay phải
vâng lời Chúa mà giơ tay ra, mới được lành;
người phong phải vâng lời Chúa đem thân
đến cho thấy tư tế khám nghiệm mới
được sạch phong; người mù phải vâng
lời Chúa đi xuống ao Silôê mà rửa mới xem
thấy được. Trong Kinh Thánh có
rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng sự
vâng phục là điều kiện buộc phải có
để Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài.
Trong tiệc cưới, các gia nhân
đang bận rộn, vậy mà Chúa bảo họ phải
đổ đầy nước vào sáu cái chum đá,
thế mà họ vâng lệnh “đổ đầy tới
miệng”. Rồi tiếp theo lệnh
thứ hai: “Bây giờ hãy múc đưa cho người
quản tiệc. Họ liền đem cho ông.”
Chữ ‘liền’ ở đây rất ý
nghĩa, đây chính là thái độ tỏ rõ vinh quang Chúa.
Có gì buộc mà họ phải vâng lời Ngài, Ngài đâu có
phải là chủ của họ, họ đang bận
rộn, gặp lúc thiếu rượu lại còn quýnh lên;
lại nữa lời bảo của Chúa chẳng hợp
lẽ chút nào: đổ nước vào chum đá đã là
phiền hà, lại còn múc đem cho người quản
tiệc để làm gì? Bảo làm thế,
để làm gì trong tình thế khó khăn này? Thế
nhưng gia nhân đã vâng theo không hề
phản kháng càu nhàu, Chúa bảo làm gì họ làm thế.
Họ đem lại cho Chúa cơ hội hoàn toàn tự do
để bày tỏ quyền năng là biến nước
thành rượu. Nếu người ta không chịu vâng
phục mà đổ nước vào rồi lại múc nước
ra, hay tuy là vâng theo, nhưng không trọn
vẹn, chỉ để lưng chừng, thì thế nào
cũng giảm bớt hay làm bế tắc vinh hiển
của Chúa. Thế mới biết vâng lời không cần
lý do mới khó làm sao! Nhưng vâng phục không cần lý do
quả thực là điều kiện duy nhất của
những ai giúp việc Chúa!
Đến với Chúa, chúng ta
chỉ có sự cầu xin thì không đủ, cần
phải có đức tin nữa; chỉ có đức tin
cũng chưa đủ, còn phải có sự vâng phục
nữa. Chắc có nhiều người nói mình đã có
đức tin rồi, nhưng thử hỏi thật lòng
mình đã có vâng phục hoàn toàn chưa. Chúa bảo
bạn làm điều gì cứ làm ngay điều đó,
đừng nhìn xen hoàn cảnh, đừng đòi lý do,
“cứ làm theo đi” một người đi theo Chúa,
quả có nhiều bài phải học, mà bài khó học
hơn hết là vâng phục, có thể nói rằng hễ ai
tiến bộ trong sự vâng phục là có tiến bộ
trong đời thuộc linh. Vâng phục là đem chủ
quyền của mình mà nhường cho Chúa, để Chúa
cai trị, khi nào người môn đệ hoàn toàn vâng
phục Chúa, Chúa mới hoàn toàn làm chủ người môn
đệ. Phải biết chắc rằng
bạn có vâng phục Chúa, Chúa mới vâng phục bạn
(nghe lời bạn cầu xin).
|