Lưu ý : Lặp lại
của kỳ trước vài dòng, để có đầu
có đuôi cho dễ hiểu.
…………………………….
Một khi ta đã hiểu rõ
thiên giới theo nghĩa thần học như thế
rồi, sẽ dễ hiểu tại sao biến cố
Tử nạn của Đức Giêsu xảy ra trong thời
gian lịch sử cách đây 2000 năm và tại một
địa điểm là Đồi Canvê, nhưng trước mắt Thiên
Chúa, Người lại “nhìn
thấy” biến cố ấy là một hiến tế đang dâng trên cõi
trời, trên thiên giới, trước thánh Nhan
Người. Gọi cách
vắn tắt là :
PHỤNG VỤ THIÊN
GIỚI.
Và cái nhìn
ấy của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã soi sáng cho các tác
giả Thánh Kinh, cách riêng thư Do Thái (mà chúng ta đã
dẫn giải trên kia), viết ra cho nhân loại biết.
Và đặc biệt còn cho biết : chúng ta cũng
được đưa vào tham dự Phụng Vụ Thiên
Giới ấy, cử hành trước Nhan thánh Thiên Chúa
Cha ! Thật là Kỳ diệu !
Trong cách
diễn tả của các Sách thánh, vì những lý do văn
chương hay lý do dạy đạo cho các tín hữu trong
cộng đoàn, gồm nhiều người từ dân
ngoại mới gia nhập Hội Thánh, hoặc những
người Do Thái cải đạo từ Do Thái giáo vào
đạo Chúa, các tác giả Sách Thánh thời đó buộc
lòng phải sử dụng hình ảnh phụng vụ
của cộng đoàn dưới thế, hoặc phải
so sánh với nghi lễ của đạo cũ Do Thái,
(chẳng hạn như ở thư gửi tín hữu Do
Thái hay sách Khải Huyền), hoặc phải sử
dụng những hình ảnh về không gian và thời gian,
như thể các việc xảy ra trong thời gian cái
trước cái sau, xảy ra ở chỗ này chỗ kia.
Dầu
vậy, khi đọc các sách Thánh Kinh ấy, ta phải nhìn
theo cách nhìn của Thiên Chúa nói trên kia, vì nơi Thiên Chúa
mọi sự đều đơn thuần ; trong cái nhìn
của Thiên Chúa, mọi sự đều duy nhất :
Đức Giêsu tử nạn dưới đất, Thiên
Chúa lại thấy là đồng thời Người
đang dâng hiến tế trên trời.
---oo X oo---
QUAN ĐIỂM CỦA CÁC NHÀ CHÚ GIẢI
Trước khi tiến xa
hơn, xin trích dẫn quan điểm của một vài nhà
chú giải Thánh Kinh có uy tín, để thấy rằng các
vị không những cũng đồng quan điểm
với chúng ta, mà hơn thế còn giảng giải cho
ta hiểu vấn đề thêm sâu sắc.
Cha Spicq, OP (Dòng Đa Minh), căn cứ vào
những đoạn thư Do Thái đã trích dẫn trên kia,
viết đại ý thế này :
Lập
luận của đoạn Dt 8.1-5 cho phép ta quả quyết
rằng :
+ Có
một việc dâng tế lễ trên thiên giới.
Đây ta hãy xem :
a/ "Chúa Giêsu
Thượng tế đã đi vào cõi trời (Dt 9.12,24)
để tiếp tục thi hành ở đó chức vụ
tư tế dưới một hình thức mới (9.24)",
Người thi hành chức vụ tư tế trong
một phụng vụ ở Cung thánh thiên giới.
Mà đó là "điểm chính yếu" mà thư Do Thái
muốn trình bày (8.1), tức là "chúng ta có một vị thượng tế... thánh, vô
tội, tinh tuyền” (7.26-28), đang ngự bên hữu
Thiên Chúa (8.1), không phải để nghỉ ngơi, song "phục vụ” trong Cung thánh
và Nhà Tạm đích thực Thiên Chúa đã dựng lên,
chứ không phải người phàm" (8.1-2).
b/ Thiết
yếu Người là Thượng tế ở thiên
giới, tác giả thư nói tiếp, còn ở trần
gian, Người đã chẳng là tư tế vì đã có
các kẻ khác thuộc dòng họ Lêvi, đã được
Lề luật thiết lập làm tư tế (Dt 8.4).
Thật vậy, Đức Giêsu thuộc dòng họ Giuđa
không có phận sự phục vụ bàn thờ (7.13-14).
c/ Nếu
Đức Giêsu làm Thượng tế ở thiên giới,
thì quan niệm Do Thái đòi
buộc rằng chức vụ Thượng tế
phải đi kèm với việc hiến dâng lễ
vật, hay hiến tế (xem Dt 5.1 ; 8.3), cũng
như đền thờ đòi buộc phải có tư
tế phục vụ : "Đối với tác giả
thư Do Thái, một chức tư tế mà không có hiến
dâng lễ vật là điều không thể quan niệm
được… Vì thế ta thấy nói ở đoạn
8.1-5 là cần thiết Người phải hiến dâng
một cái gì." (Spicq, Epitre aux Hébreux, quyển
I. tr.311tt.)
Toàn cả
cảnh trí là trên Thiên Quốc. Vị Thượng tế ngự
bên hữu Thiên Chúa, không có nghĩa là ngồi bên
hữu, song phải hiểu là được suy tôn lên
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa bởi vinh
hiển phục sinh (Cv. 2.33 ; Pl 2.9-11; Dt 8.1-7,26),
Người cũng lại là "Thừa
tác viên của Cung Thánh và của Nhà Tạm đích
thực" (Dt 8.2).
Chữ
“thừa tác viên” đây ,
theo cha Spicq, là thuật ngữ tế tự và hàm ý hoạt
động, chứ không phải là một chức (danh dự)
suông không làm gì. Chính nhờ so sánh với công việc các
tư tế Lêvi làm (“bất
cứ ai được phong làm thượng tế cũng
là để dâng lễ vật và tế phẩm”), mà tác
giả Thánh thư rút ra kết luận: "Vậy Người cũng phải có gì
để dâng" (c.3) : Dâng lễ vật là điều
cần thiết (c.3). Không dâng lễ vật, thì chẳng
(cần) tư tế làm gì !
+ Chúa Giêsu Thượng
tế thiên giới dâng gì ?
Thư Do Thái
viết : Dâng chính máu mình (9.12)
tức là mạng sống mình,
và đặc biệt còn thêm câu này : "Chúa Kitô, nhờ
Thần Khí hằng có mà tiến mình làm lễ hy sinh vô tì
tích dâng lên Thiên Chúa" (9.14). Mà Thần Khí hằng có là
thực tại thiên giới, thực tại của Thiên
Chúa, cho nên cha F.X.Durrwell, CSsR (Dòng Chúa Cứu Thế),
lập luận : "Hiến
tế được dâng lên nhờ Thần Khí hằng có
(9.14) thì dù thập giá cắm ở trên đất, hiến
tế ấy không còn là của trần gian nữa (8.4) vì
được dâng bởi Thần Khí vĩnh hằng, nên
đã vào cõi thiên giới..."
+ Hơn nữa, lại là
một dâng hiến tồn tại vĩnh viễn
Cha
Durrwell nêu ra một
điểm quan trọng : Việc Đức Giêsu dâng
mình chịu chết làm lễ tế lên Thiên Chúa, một khi được Chúa
Cha chấp nhận – một sự chấp nhận
vĩnh viễn không bao giờ qua đi – thì lễ tế
ấy được thành vĩnh cửu.
Xin giải thích :
· Của lễ nào dâng lên Thiên
Chúa mà đẹp lòng Người thì Người chấp
nhận. / Mà việc Hiến Tế chính Mình Chúa Giêsu thì
dĩ nhiên rất đẹp lòng Thiên Chúa, (vì vâng phục
thánh Ý Cha hoàn toàn). / Vậy tất nhiên được Chúa
Cha chấp
nhận.
· Khi đã chấp nhận thì
Thiên Chúa tỏ sự ấy ra bằng một hành
động : đó là phục sinh và tôn vinh Chúa Giêsu,
hay nói cách khác, là thần hóa thân mình Chúa Giêsu (xem
tr.179tt).
·
Mà việc
phục sinh và tôn vinh thần hóa Chúa Giêsu, tự nó là một
hành động tồn tại vĩnh viễn :
Việc phục sinh : “Chúng ta
biết rằng : một khi Đức Ki-tô đã sống
lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người
chết nữa” (Rm 6.9) ; “Chúa Giêsu phán: “Ta đã chết, và
nay Ta sống đến muôn muôn đời” (Kh 1.18) ;
Việc thần hóa : “Thiên Chúa
đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn
danh hiệu.
Như vậy, khi nghe
danh Đức Giê-su,
cả trên trời dưới đất và trong nơi âm
phủ,
muôn vật phải bái quỳ ;
và mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng :
“Đức
Giê-su Ki-tô là Chúa”,
để
tôn vinh Thiên Chúa Cha.” (Pl 2.9-11)
Sở dĩ
việc phục sinh và thần hóa Chúa Giêsu sẽ tồn
tại vĩnh viễn, không bao giờ qua đi hay chấm
dứt, là bởi vì nơi Thiên Chúa hằng hữu, không
có gì là tạm bợ mau qua như nơi trần gian
của chúng ta ! Nhất là việc thần hóa Đức
Giêsu là việc nâng Chúa Giêsu lên bằng Thiên Chúa Cha, thì
việc đó nhất thiết phải trường
tồn vĩnh cửu muôn muôn ngàn đời ! Vĩnh
cửu như Thiên Chúa là vĩnh cửu vậy !
Vậy nếu
hành động phục sinh và tôn vinh ấy tồn
tại vĩnh viễn, thì việc hiến tế –
đối tượng của việc phục sinh, tôn
vinh – cũng tồn tại vĩnh viễn,
hai cái đó luôn đi đôi với nhau không thể phân ly. Chẳng
lẽ hành động tôn vinh thì còn mãi, mà việc hiến
tế là đối tượng của nó thì không còn
nữa, vậy hành động ấy sẽ tác động
vào chỗ trống không ? Như thế là không hợp lý.
Nắm chắc được sự thật này, nên Thư
Do Thái viết :
“Quả
thế, Đức Ki-tô đã… vào chính cõi trời, … không
phải để dâng đi dâng lại việc hiến
tế chính mình nhiều lần, Nhưng chỉ một lần … thì đã đủ
(vì hiến tế tồn tại vĩnh viễn)
-
để tiêu diệt tội lỗi mãi mãi (Dt 9.24-26);
- Người trở nên nguồn ơn cứu
độ vĩnh cửu cho tất cả những ai
tùng phục Người (5.9; 9.12) ;
- Mà vĩnh viễn làm cho những
kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn
hảo (10.14).
Vì
vậy trên đây nói rất đúng rằng : đây là một điểm quan trọng,
là bởi vì nếu việc hiến tế thiên
giới của Chúa Giêsu tồn tại, thì mới có thể “tái
hiện” trong Thánh Lễ
dưới trần, để thờ phượng
Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho loài
người. (Sau này sẽ nói rõ hơn).*
-------------------------------------
**
Như vậy, không được hiểu hiến
tế đó là một việc Đức Giêsu lập công
nghiệp và Thánh Lễ là nơi phân phát công nghiệp.
Đây
là một điểm thần học khá lạ lẫm
đối với giáo hữu VN. Vậy cần giải
thích đôi chút. Có một nền thần học hồi
trước chủ trương rằng : hiến tế
của Chúa Kitô là một việc đã
được làm xong và hoàn toàn chấm dứt
trong thời gian (chiều thứ Sáu Tuần thánh trên
Đồi Canvê), chứ không còn tồn tại và vĩnh
cửu hóa như trên vừa nói. Nay Chúa Kitô đã phục
sinh và về trời yên nghỉ bên hữu Chúa Cha,
hưởng phúc đời đời, và chỉ còn lại
hiệu quả là các công nghiệp do cái
chết cứu chuộc Người lập
được, (giống như có công làm việc mà tậu
được của), và Chúa sẽ dùng các Bí tích như
dụng cụ mà ban phát các công nghiệp ấy cho loài
người hưởng.
Theo
chủ trương đó, thì Thánh Lễ bàn thờ chỉ
là việc “diễn lại” tế lễ xưa trên
thập giá để ban phát Ơn Cứu Chuộc, là
công nghiệp Chúa Giêsu đã lập được
bởi cái chết đền tội của mình.
Chủ
trương này không được Công Đồng Vatican II
ủng hộ trong Hiến Chế Phụng vụ thánh,
số 7 và 8 sẽ được trích dẫn dưới
đây (tr.222tt), vì ngược với lời dạy
của thư Do Thái chương 8.1-5 mà chúng ta đã xem trên
đây.
-----------------------------------------
Cũng xem : F.X.Durrwell, La Résurrection de Jésus, 166.
|