Sau khi đã biết cái chết
của Đức Giêsu trên thập giá thực sự là
một hiến tế, hơn nữa, còn là hiến
tế thực thụ mà các hiến tế của loài
người chỉ là hình bóng, nay ta lại hỏi
:
Hiến tế của
Đức Giêsu có được Thiên Chúa chấp nhận không ?
Thưa : Hiến
tế của Đức Giêsu
được Thiên
Chúa chấp nhận và thần hóa
Cũng như trong các hiến
tế cổ truyền, hiến tế chỉ hoàn tất
khi được Thần linh “chấp nhận” tức
là chiếm hữu, nhận làm
sở hữu của mình.
Hiển nhiên,
hiến tế của Đức Giêsu đã được
Thiên Chúa chấp nhận, là bởi vì hiến tế Thân mình
của Đức Kitô – "Con
chiên vô tì vô tật" (1 Pr 1.19) – là một hiến
tế "dâng lên Thiên Chúa
tựa hương thơm ngào ngạt, rất
đẹp lòng Người" (Ep 5.2).
Mà nếu đẹp lòng Thiên
Chúa thì Người sẽ chấp nhận, và Người
sẽ tỏ sự chấp nhận ấy ra bằng
một dấu chỉ ! Trong các lễ
tế vật chất xưa chỉ là hình bóng, thì một
dấu chỉ nào đó là đủ, chẳng hạn
lễ tế của Abilê được Giavê ngó đến
(St 4.4-5), hoặc đôi khi Người cho lửa từ
trời xuống thiêu đốt của lễ (xem tế
lễ của tiên tri Êlia trên núi Cácmen, 1 V 18.38; cũng xem Lv
9.24). Song trong cuộc tế lễ chính mình của
Đức Giêsu trên đồi Can-vê, giữa trời và
đất, ngoài mọi khuôn khổ hình thức lễ nghi,
tất cả đều thực, thì sự chấp
nhận của Thiên Chúa cũng phải thực:
Chính thần tính của Thiên Chúa
đón nhận Lễ vật và chiếm trọn
lấy.
Và
Người biểu lộ sự chấp nhận ấy,
không bằng một dấu chỉ tầm thường
như thường thấy, mà bằng sự tôn vinh Đức
Giêsu bởi việc phục sinh. Như
thế, lễ vật không bị thiêu hủy như
nơi các hiến tế cổ truyền, mà lại
được sống lại, phục sinh huy hoàng !
Đức Giêsu-Lễ vật phải
sống lại vì hai lẽ này :
1) Vốn dĩ Đức Giêsu là Thiên
Chúa hằng hữu (Ga 1.1; 8.24,58; Rm 9.5), tự bản
chất là Đấng bất tử (1 Tm 6.16), nên
Người không thể chết, nhưng chỉ vì
thương nhân loại, Người đã xuống
thế làm người, mặc lấy xác phàm để
nhờ thân xác đó Người mới có thể chết
mà cứu họ khỏi chết đời đời và
được sống (x. Ga 3.14-16; Dt 2.9-10; 5.8-9; v.v…),
bởi vậy nhất định Người phải
được Thiên Chúa làm cho sống lại :
“Khi còn sống kiếp phàm nhân,
Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van và khóc lóc mà dâng
lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền
năng cứu Người khỏi chết.
Người đã được nhậm lời, vì có lòng
tôn kính.” (Dt 5.7-8)
“Ta là Đấng Hằng Sống, Ta
đã chết, và nay Ta sống đến muôn muôn
đời” (Kh 1.18)
2) Nếu Chúa Cha để Người
chết luôn, là dấu Người có tội, vì ai có tội
là phải lãnh án chết (St 3.19; Ed 18.4; Rm 5.12), vậy
nếu Người cũng có tội và vì tội mà phải
chết, thì Người còn cứu ai được
nữa ? Không ! Đức Giêsu vô
tội (1 Pr 2.22), và cái chết của Người
là một
sự vâng lời Chúa Cha (Mc 14.35; Pl 2.8), chấp
nhận hy sinh thân mình để chuộc tội nhân loại : “Chính
Đức Ki-tô đã chịu chết
một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã
chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn
đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” (1 Pr 3.18)
Chính vì thế,
Thiên Chúa Cha xúc động trước sự vâng phục
tuyệt đối của Chúa Giêsu, không những đã
bằng lòng hy sinh địa vị là Thiên Chúa của mình,
lột bỏ hết vinh quang để xuống thế làm
người hèn hạ, lại còn vui lòng tế hiến chính
mình chịu chết trên khổ hình thập giá (Pl 2.6-8),
để cứu nhân loại như ý Chúa Cha muốn (Dt
2.10). Vì thế, Chúa Cha đã ân thưởng cho Chúa Giêsu
bằng việc phục sinh Người, và đổ
tràn sung mãn Thần Tính, đầy ắp Thần Khí, Sự
Sống và Thánh Thiện vào trong Người, tức là thần
hóa Người.
Chúng ta
thường chỉ chú ý đến việc phục sinh,
nghĩa là Chúa Cha làm cho Đức Giêsu sống lại
từ cõi chết, mà ít lưu ý đến việc thần hóa. Phục
sinh quả là một việc quyền năng vĩ
đại thật, song xét kỹ thì việc thần hóa mới lớn lao khôn cùng,
vì làm cho một con người là Đức Giêsu, được
tôn vinh lên bằng Thiên Chúa !
Thánh Phaolô đã mô
tả diễn biến ấy qua mấy câu tuyệt bút :
Đức
Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa …
nhưng đã hoàn
toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy
thân nô lệ,
…Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người…
và tặng
ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như
vậy, khi vừa nghe Danh thánh Giê-su,
cả trên
trời dưới đất
và trong nơi
âm phủ,
muôn vật
phải bái quỳ ;
và
để tôn vinh
Thiên Chúa
Cha,
mọi loài
phải mở miệng
tuyên xưng rằng :
"Đức
Giê-su Ki-tô là Chúa."
(Pl 2.6-11)
Được siêu tôn thần
hóa ngút trời như vậy, cho nên :
"Nơi Người, ngay trong
thể xác, hiện diện
tất cả sự viên mãn của thần tính" (Cl 2.9)
Nghĩa là Thiên Chúa dốc
đổ tất cả thần tính của mình, tất
cả những gì là Thiên Chúa, vào cho Chúa Giêsu hết,
đến nỗi cả thể xác Chúa cũng được sung mãn thần tính
của Thiên Chúa, trở nên Thiên Chúa, ngang hàng với Chúa Cha,
như thế là được thần hóa
đến mức tột đỉnh.
Đến
đây, kể như chúng ta đã được giải
thích mà hiểu hiến tế của Đức Giêsu
được Chúa Cha chấp nhận và thần
hóa là như thế nào.
Và
điểm cần nắm bắt là đây : Tại sao chúng ta nghiền ngẫm lâu
dài về hiến tế của Đức Giêsu ?
Đó là vì
muốn mọi người hiểu rằng :
Chỉ sau khi hiến tế của Chúa Giêsu được
Chúa Cha chấp nhận và thần hóa, tức là
được đầy ắp Thần Khí và Thánh
Thiện và gồm đủ mọi phúc lộc…, lúc ấy
Chúa Cha mới ban Lễ vật ấy, tức là Thịt
Máu Chúa Giêsu đã trở nên thần thiêng, xuống
lại cho nhân loại dưới dạng
Lộc Thánh, làm lương thực thần linh nuôi
sống linh hồn họ. Đó là
điều ta sẽ xem dưới đây.
wwwwww
|