ỨNG DỤNG VÀO HIẾN TẾ
TRÊN THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊSU
Trước tiên, ta phải xem
cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá có phải là một
hiến tế không ?
Thưa : Có.
Trong bữa Tiệc Ly
trước khi chịu Tử nạn, chính Chúa Giêsu nói cho
các môn đệ biết cái chết của Người là
một Hiến tế. Sách Tin Mừng thuật
lại rằng : Trong bữa tối đó, Người diễn
trước cái chết hôm sau trên thập giá như
sau :
"Người
cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao
cho các ông và nói:
"Đây là mình Thầy, hiến
tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng
nhớ đến Thầy." Và tới tuần
rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm
như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới,
lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em"
(Lc 22.19-20), Tin Mừng Mt nói
rõ thêm : "và cho muôn
người được tha tội" (Mt 26.28).
Cả Tân Ước
đều hiểu cái
chết trên thập giá của Chúa Giêsu là một việc
hiến tế :
- "Chiên
Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô, đã
chịu hiến tế." (1C 5.7; xem thêm Ga 1.29 ;17.19)
-
"… Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng
ta, đã hiến mình làm lễ vật và hy lễ dâng lên
Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt." (Ep 5.2)
-
“Đức Giê-su không cần phải mỗi ngày dâng hy
lễ như các vị thượng tế (xưa), (họ
phải dâng lễ tế), trước là vì tội của
mình, sau là vì tội của dân; quả thật, Người
đã thực hiện điều đó khi dâng chính mình
chỉ một lần là đủ." (Dt 7.27)
- “Chính Đức
Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng
ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn
tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2.2)
Thắc mắc : Theo qui cách cuộc hiến tế cổ
truyền là dâng một con vật, đem tế sát rồi
hỏa thiêu…, mà ở hiến tế thập giá, không
thấy dâng con vật, không thấy sát tế
cũng không thấy lửa thiêu, chỉ thấy
một người bị đóng đinh, thì sao gọi là
hiến tế ?
Xin trả lời : Trước hết, xin nhớ lại
mấy lời Thánh Kinh vừa nêu trên đây (1Cr 5.7; Ep 5.2; Dt
7.20; 1 Ga 2.2) khẳng định người bị đóng
đinh đó - là Đức Giêsu – đã được
hiến tế thực sự.
Thật vậy,
việc Đức Giêsu chịu chết trên thập giá, tuy
bề ngoài có vẻ như Người là một tên
phản loạn, bị nhà cầm quyền Rôma toa rập với
nhóm giáo trưởng Do Thái kết án tử hình, và bị
lính Rôma đóng đinh trên thập giá, song theo cách nhìn
của Thiên Chúa, diễn tả trong Thánh Kinh, thì lại
đúng là một hiến tế thực thụ, thay
thế và hoàn tất các hiến tế xưa :
“Đức Ki-tô nói : Hy lễ và hiến tế,
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng
ưa, chẳng thích (nữa), mà đó vốn là những
của lễ được dâng tiến theo Lề
Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài…. Theo ý đó,
chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giê-su
Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ
một lần là đủ.” (Dt 10.8-10)
Còn thắc mắc tại sao trong
việc hiến tế của Đức Giêsu, không thấy
có con vật bị tế sát ? Sở dĩ có thắc
mắc đó là bởi vì người ta không để ý đến lời Thánh kinh vừa trích dẫn trên đây,
đã cho ta biết một lý do xác đáng : Thiên Chúa bây
giờ không còn ưa thích những tế lễ súc vật
ngày xưa đó nữa (Dt 10.8), lý do là vì những
tế lễ súc vật ấy không tài nào xóa bỏ tội
lỗi loài người được (Dt 10.4,11).
Đúng vậy, Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng,
Người không thể nào ưa thích các hiến tế súc
vật, Người chỉ tạm chấp nhận,
vì trong thời dân chúng còn bán khai, người ta
chưa đủ trình độ để hiểu một
hiến tế cao siêu hơn được.
Biết
được ý Thiên Chúa như thế, nên vào thời
viên mãn, - nghĩa là thời mà Thiên Chúa đã chuẩn
bị xong, cách riêng nhờ các ngôn sứ dạy dỗ,
để sẵn sàng đón nhận thực tại cao siêu,
mà những gì đi trước chỉ là hình bóng, hay phác
họa mờ nhạt - Đức Giêsu tự hiến mình
làm của tế lễ :
Này con đây, con đến để thực thi ý
Ngài…. Theo ý đó, …. Đức Giê-su Ki-tô đã hiến
dâng thân mình làm lễ tế, Lễ vật giờ đây là một con người, và
lại chính là Con Một Thiên Chúa, cho nên của lễ
mới có giá trị thực sự trước mắt Thiên
Chúa !
Về thắc
mắc tại sao không thấy lửa vật chất thiêu
của lễ, như xưa trong các cuộc tế lễ
truyền thống của loài người ? Xin giải đáp : Trong hiến tế một
con người chứ không còn là một con vật, thì
bây giờ không cần “lửa vật chất” để
hỏa thiêu của lễ, biến nó thành làn khói
hương thơm chuyển tới cho thần linh thụ
hưởng nữa, mà là “lửa thiêng” của tình yêu,
lửa Thánh Thần sẽ toàn thiêu tế vật Giêsu,
dâng lên Thiên Chúa như hương thơm thiêng liêng tình yêu.
Vì thế Thánh Kinh
viết :
"Đức
Kitô, … nhờ Thần Khí hằng có (như lửa
thiêng tình yêu thiêu đốt) mà tiến mình làm (lễ tế
hy sinh) vô tì tích dâng lên Thiên
Chúa" (Dt 9.14), “tựa hương
thơm ngào ngạt” (Ep 5.2)
Đọc
những dòng trên đây, chúng ta có cảm tưởng các
hiến tế súc vật cổ truyền mới thực
tế, cụ thể, còn hiến tế Đức Giêsu
trên thập giá là thiêng liêng, mơ hồ nếu không
muốn nói là tưởng tượng !
Chúng ta là tín hữu, là kẻ
tin, phải nghe theo Thánh kinh Lời Chúa dạy, mà theo Thánh
kinh dạy tức là nhìn như Thiên Chúa nhìn, thì lúc ấy sẽ
thấy ngược lại : các tế lễ cổ
truyền kia, dù cụ thể, vẫn chỉ là hình bóng
báo trước, hay những phác họa thô sơ để
giúp nhân loại dễ hiểu hiến tế thực thụ
là hiến tế của Đức Giêsu trên thập giá. Đây
mới là thực tại, các hình bóng phải thoái lui.
Thánh kinh làm chứng : “Những
lễ vật và hy lễ (súc vật Cựu Ước ngày
xưa) dâng tiến Thiên Chúa không thể làm cho lương
tâm người phụng tự trở nên hoàn thiện.
Những cái đó chỉ liên quan đến […] nghi thức
tẩy rửa, và là những quy luật chỉ có hiệu
lực bên ngoài, … vốn chỉ là hình ảnh ám
chỉ (tế lễ thực thụ của Đức
Giêsu) vào thời hiện tại.” (Dt 9.9-10)
***
|