Món quà
Nhìn vào các hang đá, ngoài những
nhân vật quen thuộc như Chúa Giêsu Hài đồng,
Đức Maria, thánh Giuse, mấy mục
đồng… Chúng ta còn thấy ba người mặc
phẩm phục như những ông vua, tay
mang lễ vật, đang khúm núm rất trịnh trọng
trước hài nhi mới sinh. Họ là ai?
Họ từ đâu đến? Họ thuộc nước nào? Tại
sao họ có mặt ở đây?
Theo mẫu
đối thoại thánh Matthêu kể lại trong Tin
Mừng, người ta truyền tụng nhau và gọi
họ là ba vua. Nhưng thực sự Tin Mừng
không nói thế mà chỉ gọi họ là các nhà chiêm tinh,
tức là các ông lớn, những nhà thông thái, chuyên nghiên
cứu thiên văn, nghiên cứu các ngôi sao để cố
vấn cho nhà vua trong vấn đề chính trị.
Có nhiều người lại
đặt ra vấn đề: các ông này có thật không hay
chỉ là một huyền thoại? Cho đến nay, ngoài
phạm vi tôn giáo, chưa có một
nguồn tài liệu nào khẳng định rõ ràng dứt
khoát. Ở vùng Trung Đông có rất nhiều
nước kể chuyện này và được coi như
một chuyện cổ tích. Nhưng đối
với chúng ta, dựa vào Tin Mừng, thì sự hiện
diện của ba vị này ở hang đá Bêlem là chuyện
có thực. Nhưng các ông từ đâu đến thì chúng ta
không thể căn cứ vào đâu mà xác quyết. Có một điều chắc chắn là cũng
chỉ ở trong vùng Trung Đông thôi. Tuy
nhiên, những chi tiết đó không quan trọng,
điều quan trọng nhất là bài học mà các vị
này để lại cho chúng ta.
Trước hết, cuộc hành
trình của các nhà chiêm tinh được xem là hình ảnh
cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc
chắn, không rõ rệt là một ngôi sao, các ông đã lên
đường tìm kiếm sự thật. Với tấm lòng yêu chuộng sự thật, các
ông đã miệt mài tìm kiếm cho đến khi biết
được sự thật và gặp được Chúa
Giêsu. Cuộc đời của chúng ta
cũng phải luôn đi tìm Chúa. Dù chúng ta đã có
đức tin, nhưng lòng tin của chúng ta có những lúc
bị chao đảo, bị thử thách vì những khó
khăn, đau khổ của cuộc sống. Nhưng dù hoàn
cảnh thế nào, chúng ta vẫn kiên quyết giữ
đức tin và sống đức tin.
Chúng ta phải sống bằng
đức tin chứ không thể sống bằng tình
cảm. Trong tình cảm có vui có buồn. Nhưng vui buồn lúc có lúc không. Nếu chúng
ta chỉ dựa vào niềm vui và khi vui mới khiến
chúng ta tin. Vậy khi hết niềm vui thì sao?
Lòng tin của chúng ta sẽ bị suy giảm. Hay khi gặp
những chuyện buồn thì sao? Chúng ta còn tin không? Vì
thế, chúng ta phải sống bằng niềm tin vững
chắc, không lệ thuộc vào ai, cũng không lệ
thuộc vào hoàn cảnh.
Hơn nữa, đức tin
của chúng ta phải được thể hiện
bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã
nói: “Đức tin không có việc làm là một đức
tin chết”. Chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô. Niềm tin ấy
không chỉ là một hạt giống gieo trong lòng chúng ta
rồi nằm yên đấy. Một niềm tin như
thế có lẽ chẳng ích lợi gì cho chính mình hay cho
bất cứ ai. Đức tin của chúng ta cần
phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để
mọi người có thể hiểu được
thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn
mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
Thứ hai, các vị này đã dâng
cho Chúa Hài đồng vàng, nhũ hương và mộc
dược. Đó là ba loại
lễ vật đặc biệt và quí giá nhất của
Đông phương. Nhưng những lễ vật vô
tri kia chỉ là dấu hiệu biểu
lộ tâm hồn của họ, chứng tỏ lòng
ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ
đối với Chúa Hài đồng.
Văn sĩ Dô-ơ-den-sen
(Joergensen), người Đan Mạch đã nghĩ ra
một câu chuyện minh họa cho chúng ta thấy rõ
điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một
vị chiêm tinh thứ tư. Vị này
đến gặp Chúa Giêsu hài đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì
không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên
đường, ông đem theo ba viên
ngọc quí giá. Dọc đường, ông
gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc
thứ nhất. Đi thêm một
đoạn đường, ông gặp một toán lính
đang làm nhục một cô gái. Ông
lấy viên ngọc thứ hai thương lượng
với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi
đến Bêlem, ông gặp một người lính do vua
Hêrôđê sai đi để tàn sát các hài nhi,
ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết
phục anh ta từ bỏ hành động gian ác.
Đến khi gặp được Chúa Hài đồng, ông
chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình
của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu
đưa hai tay ra và mỉm cười
nói với ông: “Con đã dâng cho Ta món quà quí giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng
được dệt bằng những nghĩa cử
đối với tha nhân”.
Chúa Giêsu đã nói: “Bất cứ
điều gì các con làm cho người khác là làm cho chính Ta”. Chúng ta vẫn luôn gặp Chúa trong cuộc sống
hằng ngày qua những anh chị em sống với chúng ta,
và tất cả những gì chúng ta làm cho họ là chúng ta làm
cho chính Chúa. Như vậy, lễ vật
làm hài lòng Chúa nhất chính là những gì chúng ta trao tặng
cho tha nhân.
|