Lễ Thánh
Gia Thất.
(Trích trong ‘Suy
Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
Cổ tích vùng Rotal mạn
Bắc nước Pháp có kể lại một câu chuyện
sau đây:
Có một gia đình nọ
gồm cha mẹ và một người con sống rất
hiệp nhất yêu thương nhau. Nhưng một đêm
kia, đang lúc mọi người ngủ say, một
trận giông bão to lớn chưa từng thấy, chỉ
trong mấy giờ đồng hồ cả vùng đều
lụt lớn, nhà cửa sập cả, thây người và
vật trôi bồng bềnh. Người cha của gia
đình cõng vợ trên vai mình và bà vợ tay
bế đứa con. Nước càng lúc càng dâng cao,
chẳng bao lâu ngập đầu của hai vợ
chồng. Dù ngộp thở và vô cùng mệt mỏi, bà
mẹ cố giơ cao hai cánh tay nâng cao
đứa con lên khỏi mặt nước để
đứa bé khỏi chết ngộp. Hai vợ chồng
sẵn sàng chờ chết, nhưng chỉ mong có ai cứu
được đứa bé khỏi chết. Vừa lúc
đó, có một thiên thần bay ngang qua, trông thấy cái
đầu bé tí nhô khỏi mặt nước, vội
cầm lấy kéo lên và dính chùm theo là
cả cha mẹ đứa bé. Thế là
nhờ yêu thương hiệp nhất mà cả gia đình
được thoát nạn.
Có lẽ chưa bao giờ
gia đình lại khủng hoảng trầm trọng trong
thế giới như chúng ta đang sống hiện nay. Rất nhiều gia đình
trong xã hội là những gia đình què quặt, tan nát,
nạn ly thân, ly dị và phá thai, và
những gia đình chia ly vì chiến tranh, bạo lực, áp
bức của các chế độ vô nhân. Những gia
đình bất hòa vì nạn thất nghiệp, vì nạn kinh
tế khó khăn, eo hẹp hay vì nạn
cờ bạc rượu chè, ma túy, thuốc sái và ham mê buông
thả trong lạc thú. Vì thế, những
người phải trả giá mắc mỏ nhất cho
hậu quả của các cuộc khủng hoảng này là con
cái, là trẻ em và giới trẻ.
Làm
sao con người có thể hạnh phúc tươi vui khi
phải sống trong các gia đình như thế? Làm sao
thế giới có thể an bình thịnh
vượng khi các tế bào nòng cốt của xã hội
bị bệnh hoạn như vậy?
Qua ngày lễ Thánh Gia, Mẹ
Giáo Hội kêu mời chúng ta suy tư nghiêm chỉnh trở
lại ý nghĩa cuộc sống gia đình và đề
nghị với chúng ta một mẫu gương, đó là
mẫu gương của tổ ấm gia đình Nazareth
xưa, gia đình của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh
Giuse.
Chương
ba sách Đức Huấn Ca là một bài quảng diễn
điều răn thứ Tư của Mười Giới
Luật, dạy con cái phải thảo hiếu cha mẹ.
Ngoài những lý do luân lý tự nhiên như câu ca dao Việt
Nam nêu lên:
"Công cha như núi thái
sơn,
nghĩa
mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ kính mẹ
cha,
cho
tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Tác
giả sách Đức Huấn Ca còn nhấn mạnh
đến lý do tôn giáo nữa. Đó là thái
độ sống hiếu với cha mẹ, với
những người đã dày công mang nặng đẻ
đau, sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Thiên Chúa
sẽ nghe lời những người con hiếu thảo
khi họ kêu khấn lên Ngài.
Suy
tư trên đây là một thí dụ điển hình cho
thấy người sống đạo, người
đạo đức như tác giả sách Đức
Huấn Ca, biết nhìn ra ý nghĩa sâu thẳm siêu việt
nằm trong chính cái nhân loại tầm thường của
cuộc sống mỗi ngày. Thiên Chúa không xa
vời đối với Chúa Giêsu nhưng Ngài luôn hiện
diện ngay trong cái tầm thường nhất của
mỗi ngày sống chúng ta. Bởi vì Ngài đã
đến sống giữa con cái loài người,
đồng hành với con người, chia sẻ mọi
buồn vui, mọi âu lo khó nhọc của cuộc sống
con người. Khi biết nhìn thực tại bằng
đôi mắt của lòng tin thì mọi sự trong thế
giới hữu hình này đều được biến
đổi và nói lên được sứ điệp mà
Thiên Chúa muốn nhắn gởi chúng ta: một gia đình
trong đó mọi thành phần biết kính sợ Thiên Chúa,
biết yêu thương tôn trọng lẫn nhau, hy sinh cho
nhau, sống cho nhau và sống vì nhau thì sẽ là một gia
đình được tràn đầy phúc lành và sức
sống thiên linh của Thiên Chúa.
Sự thật này
được nêu bật trong Thánh Vịnh 28. Đây là bí
quyết tạo hạnh phúc cho gia đình, nhưng rất
tiếc cũng là điều rất thiếu sót trong các gia
đình của xã hội chúng ta ngày nay. Làm sao gia
đình có thể hài hòa hạnh phúc nếu mỗi
người chỉ ích kỷ, sống và tìm hưởng
thụ cho riêng mình mà không muốn yêu thương, không
muốn chia sẻ, không muốn dâng hiến, trao ban và lo
lắng cho những người khác. Tình yêu đích thực
bao giờ cũng đơm hoa kết
trái, và gia đình chỉ là gia đình khi cha mẹ, con cái xum
vầy bên nhau.
Một tình yêu không sinh hoa trái
là một thứ tình yêu cằn cỗi, què quặt, bất
bình thường.
Một gia đình không có con cái là một gia đình buồn
tẻ và không trọn vẹn. Dĩ nhiên, vì những lý do
ngoài ý muốn, gia đình có thể thiếu vắng thành
phần này hay thành phần khác, nhưng tình yêu là nhân tố
nòng cốt không thể thiếu được. Một cuộc hôn nhân không tình yêu là một
cuộc hôn nhân lầm lẫn, bởi vì chỉ có tình yêu
chân thành sâu đậm được chăm bón vun xới
mỗi ngày mới khiến cho gia đình trở thành tổ
ấm hạnh phúc. Còn lấy nhau vì
tiền của, vì lợi lộc, lấy nhau vì chức
tước và địa vị thì sẽ không bao giờ
tạo hạnh phúc cho con người và hôn nhân sẽ đi
đến chỗ đổ vỡ. Nhưng
tình yêu không chân thành, không thôi thúc cũng chưa đủ
để đảm bảo hạnh phúc cho gia đình mà
cần phải có những nhân đức Kitô và nhân
đức xã hội.
Trong
chương III thư gởi tín hữu
Côlôsê, thánh Phaolô khuyên các tín hữu chu toàn các đòi buộc
của lòng tin trong cuộc sống thường ngày.
Trước khi đề cập đến bổn phận
của các thành phần khác trong gia đình, thánh nhân nhắc
cho mọi người biết một số các bổn
phận căn bản phát xuất tự lòng tin Kitô: Là
những người được chọn làm con cái Thiên
Chúa, là thành phần sống động của xã hội và
là công dân Nước Trời, hơn ai hết người
Kitô hữu phải noi gương Chúa Giêsu sống tình yêu
thương bác ái trọn vẹn cao độ đến
sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác.
Bởi vì, chính thái độ sống yêu thương là thái
độ sống nền tảng cho người Kitô
hữu, giúp họ thực sự trở nên giống Thiên
Chúa, và là nền tảng của mọi nhân đức khác,
đặc biệt là các nhân đức xã hội, nhân
bản.
Do
đó, thánh Phaolô thôi thúc chúng ta hằng ngày biết mặc
lấy tâm tình của lòng thương xót, nhân từ, khiêm
tốn, dịu hiền và kiên nhẫn. Tất
cả các nhân đức này đều giúp chúng ta duy trì
được bầu khí hài hòa trong nội tâm, trong gia
đình và giữa cộng đoàn. Bởi vì khi có lòng
thương xót và nhân từ, chúng ta sẽ cảm thông
với những lỗi lầm thiếu sót và yếu
đuối của nhau, và dễ tha thứ cho nhau hơn
bắt đầu bằng các thành phần trong gia đình
mình, vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè. Khi khiêm
tốn, chúng ta cũng biết nhận ra những tội
lỗi, những khuyết điểm, những yếu hèn
và thiếu sót của chúng ta chứ không luôn luôn cho mình là
phải, là hay, là giỏi, là nhất, và hung hăng chỉ
trích lên án và kết tội người khác.
Khi
khiêm tốn, chúng ta dễ châm chước cho người
khác, vì biết rằng mình cũng như họ thôi, hay
đôi khi còn tệ hơn họ nhiều và chúng ta sẵn
sàng xin lỗi, sẵn sàng làm hòa, sẵn sàng đền bù
sửa chữa. Khi hiền dịu và khiêm tốn, chúng ta
không nóng nảy gay gắt với người khác, mà
biết chịu đựng mọi thiếu sót, sơ
xuất của họ, đồng thời ý thức
được rằng người khác cũng đang
phải kiên nhẫn chịu đựng những thiếu
sót và sai quấy của mình.
Lời
Chúa mà chúng ta tâm niệm và cùng với ơn thánh Chúa ban cho
mỗi ngày, chúng ta có thể tập được các nhân
đức trọn lành này. Sau khi khuyến khích mọi
người mỗi ngày hãy mặc lấy tâm tình và tìm
sống các nhân đức trên đây, thánh Phaolô đem nguyên
tắc xem ra đơn sơ, nhưng thực hiện
được cho đúng quả thật không dễ. Đó
là mỗi thành phần trong gia đình hãy cố gắng
sống bổn phận riêng trong cương vị của
mình một cách phù hợp với ý Chúa muốn: "Vợ
hãy phục tùng chồng và chồng hãy yêu thương
vợ, đừng gắt gỏng với nàng. Còn con cái hãy thảo kính cha mẹ và vâng phục các
ngài. Cha mẹ hãy biết khoa sư phạm và rành tâm lý
theo kiểu cách dạy dỗ, cư
xử với con cái, đừng quá khắt khe đòi
hỏi kẻo chúng chán nản ngã lòng".
Có người coi cái tôn ti
trật tự của cuộc sống gia đình như
thánh Phaolô trình bày là bất công, kỳ thị và lỗi
thời. Vì trong xã hội nam nữ bình quyền, đặc
biệt ngày nay trong liên hệ giữa vợ chồng
với nhau họ được bình đẳng. Nhưng nếu chúng ta để ý đến nguyên
tắc lấy tình yêu thương làm nền tảng
cuộc sống thường ngày như thánh Phaolô đã nêu
bật thì sẽ không có vấn đề nữa. Bởi vì trong yêu thương thì tất cả
mọi người đều như nhau, không có phân chia
ngôi vị. Nói như thế không có nghĩa là cuộc
sống gia đình sẽ không bao giờ gặp khó khăn
hay khủng hoảng, nhưng có nghĩa là cho dù có gặp
những khủng hoảng, khó khăn trầm trọng
đến thế nào đi nữa, nếu mỗi thành
phần gia đình đều có tình yêu thương đích
thật thì tất cả đều được san
bằng trong yêu thương hợp nhất. và
nếu sống tình yêu thương đó cách cụ thể
thì sóng gió nào rồi cũng sẽ êm và con thuyền tổ
ấm gia đình tiếp tục tiến tới. Sống yêu thương chân thành quảng
đại vô vị lợi không phải là chuyện dễ,
nhưng là điều có thể làm được và
cần phải làm nếu chúng ta muốn tạo dựng
hạnh phúc cho chính mình và cho người khác.
Sự
thật này được minh chứng trong trình thuật
Phúc Âm thánh Luca chương II: Sự thường
mười hai tuổi vẫn là lứa tuổi thiên
thần dễ thương và dễ mến nhất. Trong
dịp cả gia đình đi hành hương ở Jérusalem
hôm ấy, Chúa Giêsu đã khiến cho thánh Giuse và Mẹ Maria
một lần phải rụng rời tay chân, khi Chúa Giêsu
tự ý ở lại trong đền thờ mà không nói gì
với hai người. Sau ba ngày hớt hải kiếm tìm
và hỏi han khắp nơi, hai ông bà
cảm thấy con đang đàm đạo đối
chất với những tiến sĩ luật trong
đền thờ.
Câu trách móc nhẹ nhàng
của Mẹ Maria cho thấy tất cả tình yêu
thương hiền dịu của Mẹ và của Thánh
Giuse đối với Chúa Giêsu là một lời trách móc
đầy yêu thương kính trọng. Sự im lặng của
thánh Giuse thật vô cùng ý nghĩa: nó vừa tỏ nỗi lo
âu một cách thầm kín, vừa cho thấy thái độ
của thánh nhân tôn trọng tự do của Chúa Giêsu và
biết chấp nhận
sự kiện không thể giải thích được.
Bởi vì thánh nhân biết chắc phải có lý do nào kín
ẩn lắm mới khiến cho một người con
ngoan ngoãn tuyệt diệu như Chúa Giêsu có thái độ
hành xử này.
Câu trả lời lạ lùng
của Chúa Giêsu giải thích cho hành động bất
thường ấy đã minh chứng cho thấy tuy còn
nhỏ tuổi, Chúa Giêsu đã ý thức được
sứ mệnh và nguồn gốc của mình. Chúa Giêsu thuộc về
một thế giới và có sứ mệnh phải chu toàn mà ít người có thể hiểu
nổi, kể cả Mẹ Maria và thánh Giuse. Tuy
không hiểu được câu trả lời của Con,
Mẹ Maria ghi nhớ kỹ mọi sự và suy niệm
trong lòng. Cuộc suy gẫm ấy sẽ lâu dài và
đau đớn, và Mẹ chỉ hiểu được
mầu nhiệm đó khi đứng dưới chân
Thập Giá của Người Con trong ngày Chúa Giêsu tử
nạn vì yêu thương.
Sau
biến cố kể trên, Chúa Giêsu lại theo
Cha Mẹ về Nazareth, lớn lên trong khôn ngoan, tràn
đầy ơn thánh, yêu thương tuân phục các Ngài cho
tới ngày công khai rao giảng Tin Mừng cứu
độ.
|