Học được gì nơi Thánh
Gia
(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty)
Tôi thấy trong các gia đình Công
Giáo rất thường trưng ảnh tượng Thánh
Gia trên bàn thờ, và đó là điều đáng mừng.
Nhưng nhiều khi tôi tự hỏi, họ
học được điều gì nơi cái gia đình
'siêu phàm' đó? Đối với nhiều
người đó chỉ là một sự tôn thờ, tôn
thờ một biểu tượng gần gũi
với đời mình để dễ nhận
được điều cầu được
ước thấy. Nhưng cũng có nhiều người
nói với tôi là họ (được dạy) coi Thánh Gia là
một mẫu gương để họ noi theo bắt chước. Nhưng
bắt chước điều gì mới được
chứ? Những 'công dung ngôn hạnh',
những cần cù đảm đang, những trên thuận
dưới hòa... tôi đâu có thấy Phúc Âm ghi nhận
chỗ nào đâu. Những điều
này trong sách Huấn Ca của Cựu Ước (tư
tưởng hao hao như sách Gia Huấn Ca của Nguyễn
Trãi... và có lẽ mỗi dân tộc đều có một vài
tác phẩm tương tự) đã có dư thừa và còn
phong phú hơn cả Phúc âm nữa. Lời Chúa của
lễ Thánh Gia hôm nay cũng chỉ trích dẫn trong bài Tin
Mừng câu chuyện về 'trẻ Giêsu vị thành niên
bị thất lạc trong đền thờ Giê-ru-sa-lem',
một giai thoại chẳng liên quan gì tới các nội
dung luân lý giáo điều về gia đình.
Giai thoại hiếm hoi được ghi
nhận trong thời gian thật dài khi trẻ Giêsu còn chung
sống trong gia đình mình, giai thoại được
Maria ghi vào ký ức để suy đi nhẩm lại, có
vẻ gì đó tiêu cực, nếu xét theo các tiêu chí luân lý
thông thường: Trẻ Giêsu đã làm phiền lòng chính cha
mẹ mình. "Con ơi, sao con lại xử với cha
mẹ như vậy? Con thấy không, cha và mẹ đây
đã phải cực lòng tìm con!" Như
thế thì trong đời sống của Thánh Gia đâu
phải mọi sự đều trôi chảy, đều êm
thắm, đều lý tưởng... để có thể
trở thành mẫu gương luân lý tiết hạnh
của mọi thời đại. Tôi
chắc rằng Thánh Gia cũng có những diễn biến
cuộc sống (tạo nên những hỷ, nộ, ái,
ố) giống như mọi gia đình bình thường
khác thôi. Tuy nhiên Thánh Gia đã có một điều gì
đó rất khác, rất phi thường: vì đó là gia đình
đầu tiên đã học biết (Nhưng ông bà không
hiểu lời Người vừa nói) sống những
diễn biến bình thường đó trong một tinh
thần Tin Mừng thực sự. Trẻ Giêsu đã
đưa ra hướng giải đáp cho vấn nạn
chính đáng và thông thường của đời sống
gia đình: khi có những mất lòng nhau vì nhiều nguyên
nhân, khách quan hay chủ quan: hãy lo 'bổn phận ở nhà
của Cha'. Bổn phận ở nhà của
Cha là gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ đơn
thuần là ở lại trong đền thờ? Chỉ mình Giêsu đấng từ trời
xuống mới biết; và Ngài đã mạc khải qua
chính cuộc sống và cái chết của Ngài về cái
bổn phận chưa ai từng biết đó. Thánh
Gioan (mà lịch phụng vụ hôm nay 27/12 nói là không cử
hành lễ kính) đã dần dần học biết
được cái bổn phận căn bản đó. Và
một khi đã học được, vì là người
môn đệ được tựa đầu vào ngực
Chúa, ngài đã mạnh mẽ thốt lên: "Anh em hãy
thương yêu nhau vì tinh yêu bắt nguồn từ Thiên
Chúa...Tinh yêu cốt ở điều này... chính Người
đã yêu thương chúng ta và đã sai Con của
Người đến làm của lễ đền tội
cho chúng ta... Nếu Thiên Chúa yêu thương
chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương
nhau" (1Ga 4, 7-16). Thánh Gia, và mọi gia đình công
giáo, đều phải học bài học này. Cả
Giuse cũng phải học, cả Maria nữa. Bài học yêu thương tha thứ cho nhau vì
biết rằng Thiên Chúa đã tha thứ yêu thương
trước thì ai cũng phải học, đơn
giản vì ai cũng có thể bực dọc hay phật lòng
(cho dầu bực dọc có lý do chính đáng). Và bài học này không dễ hiểu được
đâu, chưa nói đến thực hành, vì nó không dựa
trên lý luận hay hợp lý, nó không công bằng chút nào.
Chỗ dựa duy nhất của nó là niềm tin vào
Đức Kitô Giêsu, vào sự điên rồ hay ngu xuẩn của Thập giá. Kể cả Giuse
và Maria cũng thấy khó khăn như thế "Nhưng
ông bà không hiểu lời Người vừa nói... Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng".
Như vậy Thánh Gia thật gần với
đời thường, vì là nơi niềm tin tìm
được cách biểu lộ cách chân thực nhất
và cũng bị thách thức nhiều nhất. Chính
trong các gia đình (kể cả các gia đình tu sĩ),
nơi chung sống những con người bất toàn,
bất hòa hay bực dọc sẽ vẫn là chuyện
cơm bữa, thì tình yêu thương xót và tha thứ (phát
xuất từ Thiên Chúa) sẽ có dịp cất lên tiếng
nói mãnh liệt nhất.
Lạy Chúa, xin
cho con hằng biết chiêm ngưỡng Thánh Gia như
nơi đã học và đã cố gắng sống bổn
phận vĩ đại nhất của
Thiên Chúa Tình Yêu. Xin cho con không chỉ biết tôn thờ suy
tôn, mà còn biết đồng hành với Thánh Gia trong
tiến trình sống niềm tin. Amen.
|