Gia đình hạnh phúc – Cố Lm. Hồng Phúc
Hôm nay, Giáo hội mời chúng ta đi thăm
một gia đình: Gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và
Chúa Hài Đồng. Một gia đình ngàn xưa nêu
gương cho các gia đình soi chung.
Thánh Matthêô thường thích
những tường thuật dài có kết cấu, nhưng
ở đây Người chỉ trình bày cho chúng ta một
gia đình, gia đình Kitô giáo đầu tiên. Trong gia
đình ấy có ba nhân vật: Giuse bác thợ mộc làm gia
trưởng, Maria, cô nội trợ khiêm tốn, Chúa Hài Nhi
là con của gia đình.
Trước mặt xã hội
thì Giuse lớn hơn cả vì là gia trưởng, nhưng
trước mặt Thiên Chúa thì người nhỏ nhất
lại lớn nhất vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể.
Hạnh phúc gia đình ấy
được xây dựng trên 3 yếu tố.
Trước tiên, họ rất hòa thuận khắng
khít: Không có một khó khăn sóng gió nào có thể làm
lung lạc tình nghĩa vợ chồng, mặc dầu
họ gặp bao nhiêu trắc trở. Chỉ cần nói
đến cuộc di cư gấp gáp qua Ai cập giữa
đêm thâu, chỉ cần nhắc lại cuộc hồi
hương trở về trong lo âu và đến
định cư trong làng bé nhỏ Nagiarét.
Họ rất trung tín: Vợ chồng lấy
chữ tín làm đầu. Và chúng ta biết đối
với Giuse không phải là dễ, khi nhìn thấy
Đức Mẹ có dấu đã mang thai.
Cần có một lệnh truyền bởi trời, mối
hoài nghi mới chấm dứt trong sung sướng, khi
biết mình được gọi đễ chia sẻ
mầu nhiệm con Thiên Chúa giáng trần. Và từ đó,
cả hai tuân phục Thánh Ý Chúa, sẵn sàng hy sinh tất
cả cho hạnh phúc của con mình cũng là con Thiên Chúa.
Họ sống khiêm tốn, nghèo nàn, theo
khả năng, theo gia cảnh. Giuse là bác thợ
mộc thì con nối nghề Cha cũng làm thợ mộc.
Gia đình Nagiarét là một gia đình hạnh
phúc vì 2 lý do nữa sau đây: một là, xét về
tương quan nội bộ, vì trong gia đình ấy có
trật tự và đâu có trật tự là ở
đó có hòa bình hạnh phúc. Hai là vì trong gia đình ấy có
Thiên Chúa hiện diện, mà đâu có Thiên Chúa hiện
diện là ở đó có hạnh phúc, ở đó là Thiên
đàng.
Ngày nay, chúng ta thấy nhiều gia đình
xuống dốc vì thiếu trật tự mà Chúa đặt
để an bài. Trong gia đình không có
trên dưới, không có quyền bính, đường ai
nấy đi, hạp thì ở, chán thì đi, con mặc
kệ con, đã có chính phủ nuôi!
Vậy muốn có hạnh phúc, trước
tiên mỗi người phải biết ở trong
địa vị của mình là chồng là vợ là con cái,
ngày nào trật tự ấy bị đảo lộn,
bị lấn át thì gia đình sẽ bị lung lạc tan
rã. Một tờ báo ở Luân đôn, Anh quốc, đã
mở cuộc điều tra nơi các ông chồng và xin các
độc giả mày râu trả lời câu hỏi sau
đây: Trong gia đình bạn, ai làm chủ thật sự?
Kết quả là có 80% trả lời: vợ tôi làm chủ;
20% trả lời: mẹ vợ tôi làm chủ. Chỉ có
một số ít trả lời: chính tôi làm chủ, vì vợ
tôi đã chết! Không lạ gì mà sau
nước Mỹ, nước Anh có nhiều gia đình
đổ vỡ nhất. Cứ hai
đám cưới thì có một đám ly dị.
Yếu tố quan trọng thứ
hai là một gia đình muốn có hạnh phúc phải có Chúa
hiện diện ở giữa, như Chúa Giêsu hiện
diện ở trong gia đình Nagiarét.
Có Đức Tin, có lòng
đạo mới biết thương yêu nhau,
nhường nhịn nhau. Chồng biết thương yêu
vợ, vợ biết thương yêu chồng, con cái
biết thương yêu nhau. Vì thế trong bài đọc II,
Thánh Phaolô căn dặn: “Anh em hãy mặc lấy những
tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại,
chịu đựng nhau… Anh em hãy làm mọi việc vì sáng
danh Chúa”. Trong đời sống vợ
chồng có lúc vui và có lúc buồn, có lúc phải chịu
đựng nhau, vác thánh giá của nhau, vác cho đến cùng
đến chết, để đền tội. Trong một tuần Đại phúc, Cha giảng
phòng tổ chức làm phép Thánh giá. Cha rao: Ai có Thánh giá
mang lên làm phép. Một cụ già đưa vợ lên và nói:
đây là Thánh giá con, xin Cha làm phép cho con chịu khó vác…
đến cùng! Vợ là thánh giá cho chồng
thì chồng cũng có thể là thánh giá cho vợ.
Thánh Matthêô viết: “Người sẽ
được gọi là Nagiarêô”. Cha Charles de
Foucault đã đến định cư ở làng Nagiarét,
sống đời sống Chúa Giêsu như một
người Nagiarêô. Ngài cầu nguyện cùng Thánh Gia: “Lạy Đức Trinh nữ,
lạy Thánh Giuse, là mẹ là cha của con, hãy đưa
dẫn con đến cùng Chúa Giêsu. Xin cho con, sau khi
được Chúa ban ơn được chia sẻ hoàn
hảo khung cảnh bên ngoài của đời sống các
Đấng thì cũng được chia sẻ đời
sống nội tâm các Đấng… trong tình yêu, chiêm
nghiệm và thờ lạy trong tinh thần khó nghèo, gạt
bỏ con đi để được tràn đầy
Chúa”.
|