Niềm vui Tin Mừng – Lm. GB. Trần
Văn Hào
Chia sẻ Niềm vui của Tin mừng
Gần ngày lễ Giáng sinh
người ta thường viết những cánh thiệp
để gửi trao cho nhau những lời cầu chúc
tốt đẹp nhất. Chúng ta chúc nhau một mùa
Giáng sinh vui tươi và an lành. Lễ Chúa Giáng sinh là ngày lễ của hoan vui và
niềm vui đó cần được chia sẻ. Hình ảnh Đức Maria đến thăm bà
chị họ Elizabeth mà Giáo hội gợi lên trong phụng vụ hôm nay
phác họa cho chúng ta khuôn mẫu này. Mẹ
đã được Đức Giêsu đến ẩn
cư trong cung lòng và nếm cảm niềm vui sâu xa khi
thuộc trọn về Chúa. Sau đó
Mẹ lại ‘hối hả lên đường’ để
chia sẻ niềm vui ấy với bà chị họ. Niềm vui nơi những tâm hồn
được Chúa chiếm ngự cần được
sẻ chia.
Niềm vui của Tin mừng – Gaudium Evangelii
Đức Giêsu đi vào
trần gian, là niềm vui Tin mừng lớn nhất
được trao ban cho nhân loại. Mẹ
là người đầu tiên đã nếm trải niềm
vui đó. Vì vậy, vừa khi gặp mặt
người thân, Đức Maria đã thốt lên: “ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng
cứu chuộc tôi”. Niềm vui sâu tận Mẹ đã
trải nghiệm phát xuất từ một tâm hồn để
cho Thánh Thần tác động và sống theo
sự chỉ dẫn của Thần Khí. Nói cách khác, sau
lời thưa xin vâng, Mẹ đã thoát vượt mọi
sợ hãi, hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa và đắc
thủ được niềm vui của Tin mừng cách
trọn vẹn khi mang chở Đấng Cứu thế
trong cung lòng mình. Vì thế Giáo hội chọn đoạn
thư Do thái trong
phụng vụ hôm nay (bài đọc 2) để quảng
diễn ý tưởng này. Tác giả thư
Do Thái nói về sự vâng phục của Đức Giêsu
khi đi vào trần gian, và đó là nguyên mẫu cho thái
độ khiêm tốn của Đức Maria, cũng như
sự tuân phục nơi chúng ta. “Bấy
giờ con thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con
đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 6).
Đức Giêsu đã đến trần gian để công
bố cho chúng ta Tin mừng của ơn cứu độ
và Ngài cũng chính là Tin mừng được hiến ban
cho nhân loại.
Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức
Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta về tâm điểm
của Tin mừng, đó là rao giảng về niềm vui
khi được Thiên Chúa thương xót (x. số 34-36).
Có lẽ Đức Thánh Cha cũng muốn mời gọi
chúng ta học nơi thái độ nội tâm của
Mẹ, bởi vì Đức Maria là người đầu
tiên nếm cảm niềm vui của lòng thương xót
này: “ Đấng Toàn năng đã làm cho
tôi biết bao điều cao cả, danh Người
thật chí thánh chí tôn. Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai
kính sợ Ngài”. Mẹ đã sở đắc
được niềm vui của Tin mừng là chính
Đức Giêsu. Chìa khóa để có được
niềm vui ấy là Mẹ đã biết khiêm tốn
trải lòng mình ra để Thánh Thần phủ ngập và
hoàn toàn quy thuận theo đường
lối của Thiên Chúa.
Càng khiêm tốn, con người
càng đạt đến sự toàn hảo. Kiêu căng, tự mãn sẽ nảy sinh ghen ghét và
đố kỵ. Cha Thomas Merton đã định
nghĩa: “Hỏa ngục là nơi tập trung sự ghen
ghét”. Nơi đó dành cho Luxiphe và bè lũ
của nó vì nó đã kiêu căng chống lại Thiên Chúa.
Ngược lại, Thiên Đàng đã bắt đầu
khai mở nơi tâm hồn Đức Maria vì Mẹ đã hoàn
toàn khiêm tốn ẩn náu dưới bàn tay
uy quyền của Thiên Chúa và nếm cảm lòng
thương xót của Ngài.
Chia sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng.
Niềm vui chân thật như
một dòng chảy bất tận. Nó
không thể bị quây kín và nhốt chặt lại. Niềm vui cần phải được chia
sẻ và trao ban. Điều đó chúng ta
thấy thật rõ nét nơi Đức Maria. Chúng ta
đừng hời hợt xem việc Đức Maria
đến thăm bà Elizabeth
chỉ như một nghĩa cử thông thường theo tình cảm huyết nhục tự nhiên.
Trước hết và trên hết, Mẹ đem Chúa Giêsu là
căn nguyên niềm vui đến chung
chia với mọi người. Thánh Luca không phải vô tình
đã mở đầu trình thuật bằng câu:
“Đức Maria hối hả, vội vã lên miền sơn
cước”. Mẹ vội vã và háo hức
muốn sẻ chia niềm vui ngập tràn nơi tâm hồn
mình. Đó cũng là một hình ảnh tuyệt
hảo để chúng ta suy nghiệm và thực thi sứ
vụ loan báo Tin mừng trong cuộc sống hôm nay. Trong
Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh
Cha Phanxicô mời gọi các tín hữu phải cảm
thấu một cách sâu xa niềm vui như thế và Ngài
cũng nhắc nhở Hội thánh phải ‘đi ra’
để làm lan tỏa niềm vui này (số 46-49). Ngài
viết “ Tôi thà có một Hội thánh
bị bầm dập mang thương tích và nhơ nhuốc
vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội
thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bấu víu vào sự an
toàn của mình”. Cũng vậy Đức Maria đã can
đảm và liều lĩnh ‘đi ra ngoài’, tiến lên
miền núi để đến với người
chị họ. Mẹ không ngại bị bầm dập vì
đường xa cách trở, vì đồi núi cheo leo. Mẹ còn hối hả
vội vã, như thể sợ tuột mất niềm vui
muốn được sẻ chia. Những từ
ngữ trong trình thuật của Thánh Luca mà chúng ta nghe hôm nay
đều mang chở một tính cấp thiết và
khẩn trương, vì việc chia sẻ niềm vui và loan
báo Tin mừng là một sứ mệnh khẩn thiết mà
chúng ta phải thực thi mỗi ngày, theo
gương Đức Maria.
Những ai sống ơn
gọi thánh hiến, đều biết rằng thánh
hiến và tông đồ luôn gắn kết chặt chẽ
với nhau. Những ai thánh hiến
trọn vẹn cho Chúa, tất sẽ làm bùng cháy ngọn
lửa tông đồ nơi tâm hồn mình. Thánh hiến càng sâu xa, ngọn lửa tông
đồ càng mạnh mẽ. Việc
tông đồ không có nghĩa là phải giảng thật
hay, phải phát động nhiều công việc từ
thiện, phải khéo léo tổ chức những sinh
hoạt xã hội đa dạng. Tất
cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu những công
việc đó không xuất phát từ lòng mến, từ tâm
hồn được thánh hiến và thuộc trọn
về Chúa. Chúng ta nhớ lại lời dạy
của thánh Phaolô trong thư thứ
nhất gửi giáo đoàn Côrinthô. Ngài viết “ Giả như tôi có nói được các
thứ tiếng của loài người và các thiên thần
mà không có lòng mến, thì tôi cũng chỉ như thanh la phèng
phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi
được ơn nói tiên tri, biết những
điều bí mật và mọi lẽ cao siêu, hay có
được đức tin đến chuyển núi
dời non mà không có đức mến, thì cũng chẳng
là gì. Giả như tôi đem hết tài
sản của tôi để bố thí, hay nộp cả thân
xác tôi để chịu thiêu đốt mà không có lòng
mến, thì chẳng ích lợi gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3). Phải gắn kết mật thiết với Chúa
chúng ta mới có thể thực hành việc tông đồ,
vì Thiên Chúa chính là tình yêu, là ‘Đức Mến’ tuyệt
đối để chúng ta quy hướng về.
Chúng ta hãy học nơi
Đức Maria. Mẹ không ồn ào náo động,
không tổ chức những cuộc lễ hoành tráng với
cờ xí, kèn trống tưng bừng.
Mẹ không mở lớp dạy giáo lý cách rầm rộ,
không sinh hoạt trong các đoàn thể, cũng chẳng bao
giờ đi làm công tác từ thiện để xóa đói
giảm nghèo, bởi vì Mẹ chỉ là một cô thôn nữ
bình dị, đơn sơ, cũng chẳng học thức
hay tài cán cao sang. Nhưng Mẹ hoàn toàn
để cho Thiên Chúa hướng dẫn đời mình.
Một việc làm xem ra rất bình
thường Mẹ đã thực hiện mà không ai biết
đến, là đi thăm người chị họ
nơi miền núi cao, không kèn không trống và hoàn toàn âm
thầm lặng lẽ. Nhưng chính Đức Maria
đã trở thành nguyên mẫu cho chúng ta trong việc chia
sẻ niềm vui và loan báo Tin mừng đến cho mọi
người.
Kết luận
Chân phước Philip Rinaldi đã nói: “Thiên
Chúa luôn khởi đầu những công trình vĩ
đại từ những con người bé nhỏ và ngang
qua những công việc rất khiêm hạ”. Điều đó
rất đúng khi chúng ta chiêm ngắm dung mạo của
Đức Maria được mô tả trong phụng
vụ hôm nay. Một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay
lại thì rất tốt, nhưng ngửa tay ra vẫn
tốt hơn”. Mẹ Maria đã chắp tay
lại để thưa lời xin vâng, và ngày hôm nay, Mẹ
tiếp tục mở tay ra để đem niềm vui
của Tin mừng đến cho người khác. Đó là
hình mẫu cho chúng ta trong những ngày gần sát lễ Giáng
sinh để chúng ta học nơi Ngài cách thái mừng
đại lễ thật sốt sắng và ý nghĩa.
|