Chân tướng Đức Giêsu Kitô
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm)
Sách tiên tri Mikha nhắc đến Bêlem vì
nơi đây sẽ sinh Đấng thống trị Israel,
và nguồn gốc người có từ nguyên thủy
tự muôn đời. Tin Mừng Luca cho thấy bà Isave khi
được Đức Maria đến thăm đã
thốt lên: “bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi
đến viếng thăm”. Những lời trên liệu có
thể áp dụng cho Đức Giêsu, và có giúp người ta
hiểu Đức Giêsu là ai không?
I. Đức Giêsu là Giêsu Nazarét, con ông Giuse, con bà Maria
Với những người ở Bêlem, thánh
Giuse và Đức Maria là những người bình
thường như bao người nhà quê nghèo khác. Chính vì
thế, họ không đối xử với Đức
Maria và thánh Giuse một cách đặc biệt: hai ngài đã
phải ra chuồng chiên cừu trú ngụ qua đêm.
Đức Giêsu đã được sinh ra trong chuồng
chiên cừu. Với họ, chả có gì đặc biệt
khi cặp vợ chồng nghèo Giuse Maria trở về quê và
không có chỗ trú ngụ.
Không biết đêm hôm ấy, đêm
Đức Giêsu được sinh ra, trời có sáng hơn
mọi đêm không? Có ai trằn trọc mất ngủ vì
một lý do “không biết” nào không? Hay tất cả vẫn
cứ bình thường, vẫn là một ngày như mọi
ngày? Biến cố Đức Giêsu được giáng sinh,
có lẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với
Đức Maria và thánh Giuse, và sau đó đối với
một số mục đồng đã tin lời sứ
thần; còn với tất cả những người khác,
có lẽ tất cả đã như thường.
Khi Đức Giêsu đi rao giảng, và đã
làm được một số điều đặc
biệt, người ta cũng vẫn xác nhận Ngài là
“Giêsu con bà Maria” (Mc.6, 3), “Giêsu con ông Giuse” (Lc.4, 22). Các
người bị thần ô uế ám thì gọi Ngài
bằng “Giêsu Nazarét” (Lc.4, 34). Với các tông đồ và
những chị phụ nữ hôm biến cố Đức
Giêsu bị treo thập giá, Ngài cũng chỉ là một
người công chính bị nạn! Với những
biệt phái tư tế kinh sư, Ngài cũng chỉ là
một đối thủ cần loại trừ, và họ
đã thành công ở biến cố Đức Giêsu bị
treo thập giá. Với những người không là Kitô
hữu hiện nay, có lẽ Đức Giêsu cũng chỉ
là con người đặc biệt hơn một
người bình thường chút xíu; nhưng cũng chỉ
là vậy, Ngài cũng chỉ là một người như
bao người khác.
II. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập
thể
“Bởi đâu tôi được thân mẫu
Chúa tôi tới viếng thăm!” (Lc.1, 43). Từ ngữ “thân
mẫu Chúa tôi”, theo bản dịch của nhóm Phụng
Vụ Các Giờ Kinh, khác với từ ngữ “Mẹ Thiên
Chúa” như trong sách bài đọc dịch. “Anh em gọi
Thầy là Thầy là Chúa là đúng rồi… vậy nếu
Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em
cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga.13, 13-14). Từ
ngữ “Chúa” ở đây có thể chỉ đơn
thuần được hiểu như một người
làm chủ, người đứng đầu (Thiên
Chủ, Thiên Chúa).
Kitô hữu đã hiểu Đức Giêsu là
“Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng thật bởi ánh sáng
thật, được sinh ra mà không phải tạo thành,
đồng bản tính với Đức Chúa Cha; nhờ
Người mà muôn vật được tạo thành” (Nicea
năm 325); và nhờ đó hiểu Đức Maria là Mẹ
Thiên Chúa (Ephêsô năm 431). Đi với khẳng định
này công đồng Nicea đã kết án “hạ phục
thuyết” của Arius chủ trương rằng
Đức Giêsu thấp kém hơn Thiên Chúa.
Kitô hữu hiểu Đức Giêsu là Thiên Chúa
bởi Thiên Chúa, nhưng vẫn tin “chỉ có một Thiên
Chúa”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất. Cái khác nhau là ba ngôi
vị. Kitô hữu cố gắng tránh hiểu ba ngôi như
là ba Thiên Chúa. Nơi con người, ba người (ngôi
vị) khác nhau nhưng vẫn cùng một bản tính
người; còn nơi Thiên Chúa, ba ngôi không phải là ba Thiên
Chúa nhưng chỉ là một Thiên Chúa.
III. Đức Giêsu là ai?
“Người ta bảo Con Người là ai?…
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mt.16, 13) Thánh Phêrô đã
trả lời: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa
hằng sống”. Cả với câu này, người ta
vẫn giải thích chữ Đức Kitô theo nghĩa
rất bình thường: Môsê, Đavít, Kyrô … cũng
đều là đức Kitô cả. “Con Thiên Chúa” cũng có
thể được hiểu theo nghĩa rất bình
thường: các thiên thần, các người công chính,…
cũng có thể được gọi là con Thiên Chúa.
Chỉ với câu này, người ta không buộc phải
hiểu Đức Giêsu là Con đồng bản tính với
Thiên Chúa. Khi người ta hiểu Đức Giêsu nhận
mình là Con đồng bản tính với Thiên Chúa, ngang hàng
với Thiên Chúa, thì Ngài phải chết vì đó là tội vô
cùng lớn: phạm thượng: là người mà cho mình
là Thiên Chúa (Ga.10, 33).
Nhờ những đối kháng dẫn
Đức Giêsu tới cái chết, người ta mới
hiểu rằng Đức Giêsu ý thức mình là Thiên Chúa, và
người ta cũng hiểu Ngài khẳng định
như vậy, nên người ta có đủ lý do
để kết án Ngài mà không cần phải “cáo gian”
nữa! “Máu nó sẽ đổ trên đầu chúng tôi và trên
con cháu chúng tôi” (Mt.27, 25); nếu không ý thức rõ tội
của Đức Giêsu, thì người Do Thái không dám nói
những lời như thế.
“Chúng tôi có luật, mà chiếu theo luật thì nó
phải chết, vì nó là người mà dám xưng mình là Con
Thiên Chúa” (Ga.19, 7). Từ ngữ “Con Thiên Chúa” ở đây
phải được hiểu là Con “đồng bản
tính” vì nếu không, đâu có đủ lý do để
kết án tử hình Đức Giêsu. Nếu một
người công chính được gọi là con Thiên Chúa,
thì tội của Đức Giêsu đâu có là gì mà phải
kết án tử hình Ngài.
Đức Giêsu là Đấng ngang hàng với
Thiên Chúa, Đấng “ngự bên hữu Đấng
quyền năng và đến trên mây trời” (Mc.14, 62).
Người Do Thái kết án tử hình Đức Giêsu
thật là chính đáng, vì Đức Giêsu đã nhận mình
ngang hàng với Thiên Chúa. Nhờ lời của Đức
Giêsu, và nhờ án tử hình được công nghị Do
Thái tuyên cho Đức Giêsu, giúp Kitô hữu thấy rõ chân
tướng của Đức Giêsu. Ngài là Thiên Chúa, là Con
đồng bản tính với Thiên Chúa. Ngài đúng là
Lời Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa. Khẳng định
của các công đồng Nicea và Êphêsô đã phản ánh
đúng đắn niềm tin của Kitô hữu sơ khai,
cũng như phản ánh đúng ý thức của Đức
Giêsu về chính Ngài.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Sứ điệp Đức Giêsu mang
lại cho thế gian trong ngày lễ Giáng Sinh là gì?
2. Có sự liên hệ nào đó giữa sự
bình an trong tâm hồn con người, sự an bình của xã
hội và nền hòa bình trên thế giới không?
3. Chỉ dựa vào Kinh Thánh, bạn có
thể “chứng minh” Đức Giêsu là Thiên Chúa không?
|