Vui mừng.
Những kẻ chán ngán bởi
quảng cáo rầm rộ có thể nghĩ rằng sứ
điệp của thánh Phaolô chỉ hỗ trợ thêm cho
sự lạm phát lời nói của những phương
tiện truyền thông xã hội mà thôi.
Chúng ta được tạo dựng nên
để tham dự vào niềm vui muôn thuở của Thiên
Chúa, và theo lời Chúa Giêsu, niềm vui này
đã được ban cho chúng ta rồi. Chúng
ta phải khám phá ra nó, đón nhận nó và trung thành với
nó. Phụng vụ Chúa nhật mùa vọng hôm nay là
một bài học về niềm vui thực sự, niềm
vui sâu xa và chân chính vốn là hồng ân
của Chúa.
Người ta có thể vui mừng vì
những gì mình đã tránh được: một tai nạn
xe hơi, một cuộc gặp gỡ khó chịu, một
cuộc đình công, chi phí thêm vào việc sửa nhà;
người ta cũng có thể vui mừng vì những gì
xảy đến: một người bạn mới,
một chuyến du lịch tốt đẹp, kết
quả khám sức khỏe đầy khích lệ, một
đứa con đã chờ đợi từ lâu. Mọi
sự xảy ra như thể niềm vui tùy thuộc vào
phẩm chất của cách thức hiện diện mà ta
thiết lập với những con người và sự vật.
Có những hình thức hiện diện áp
bức, phá hại niềm vui, và những hình thức khác
làm nảy sinh một niềm vui luôn luôn mới mẻ.
Niềm vui của các Kitô hữu nảy sinh
từ một sự hiện diện như thế: Sự
hiện diện của Thiên Chúa! “Thiên Chúa, Chúa ngươi
ở nơi ngươi… nơi ngươi Ngài tìm
được niềm vui và sự hân hoan (Bài đọc
ngôn sứ Sôphônia). Và thánh Phaolô phụ họa theo:
“Chúa đến gần rồi!” Ngài như là một ai
đang đến, nhưng Ngài là Đấng hiện
diện cách thực tại đến nỗi người
ta phải nói rằng Ngài “gần bên ta”, như vợ
chồng ở bên nhau, như con cái gần gũi
cha mẹ, như bạn bè quây quần sum họp.
Chúa hiện diện. Ngài là
Đấng biết ta, chăm sóc ta, can thiệp để
tha thứ và cứu độ ta. Ngài là Đấng mời
gọi, chờ đợi, an ủi và
làm cho ta sống động. Kinh nghiệm
về niềm vui của những kẻ tin là như
thế.
Nếu niềm vui nảy sinh nơi chúng ta do
sự hiện diện của Chúa, thì ta phải để
nó xâm chiếm mình, sống nơi mình, và biểu lộ
trước mặt mọi người. Như
thế không có nghĩa là ta được kẻ khác chú ý
bởi một niềm phấn khởi tràn trề và không
thể thắng được, bởi một sự
lạc quan quá đáng hoặc bởi những câu hát
tiếng cười vang lên từ đầu
đường đến cuối phố.
Thánh Phaolô nói về sự thanh
thản. Các Kitô hữu biểu lộ
niềm vui sâu xa của mình bằng thanh thản, tính cao
thượng của tâm hồn và sự bình an.
Khi nhìn xung quanh chúng ta hoặc xa
hơn một chút, khi đọc lại tờ báo cuối
tuần, ta khó mà nhận ra được những cách
sống thanh thản. Những
người tưởng mình thanh thản lại giống
như kẻ lãnh đạm, vô cảm hoặc không dám
dấn thân vào cuộc sống. Nhưng môn đệ
của Chúa Giêsu phải được định nghĩa
như một người dấn thân đến cùng trong
thế giới này và trong lịch sử của nó, bởi
vì với Chúa Kitô mọi sự đều trở nên
mới mẻ, mọi sự đang thay đổi nhờ
sự hiện diện của Ngài, và trong Ngài mọi sự
vươn lên hướng tới chỗ hoàn tất.
Thanh thản là nghệ thuật
sống đặc sắc của môn đệ Chúa Giêsu.
Họ không sợ đời, vì họ
biết rằng Chúa của họ đang hiện diện
và đang hoạt động. Họ
biết rằng bên dưới những biến cố
rất huyền nhiệm của cuộc sống
đời này, sự gặp gỡ tuyệt vời
giữa Chúa và dân Ngài đang được chuẩn
bị. Họ chắc chắn rằng mọi sự
sẽ được hoàn tất bởi vì, trong Chúa Kitô,
mọi sự đã được ban cho chúng ta rồi.
Cũng như chúng ta, các Kitô hữu
được thánh Phaolô viết bức thư
mà chúng ta vừa nghe đọc lại một đoạn,
có nhiều lý do để lo lắng. Thánh Phaolô mời
gọi họ hãy can đảm lên và hãy sống vui vẻ. Không phải là nuôi những giấc mộng hão
huyền đâu. Nhưng là sống.
Sống mỗi ngày trong sự thanh thản
biểu lộ niềm vui mà sự hiện diện của
Chúa làm nảy sinh nơi chúng ta.
|