Niềm vui làm cho con
người tươi trẻ.
(Trích trong ‘Suy
Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)
NIỀM VUI LÀM CHO CON NGƯỜI
TƯƠI TRẺ LÂU GIÀ VÀ SỐNG LÂU HƠN
Trong bầu khí chuẩn bị mừng
lễ Giáng sinh, Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta sống
trong niềm vui. Ngay
từ ca nhập lễ, Giáo Hội dùng lời thánh Phaolô
tông đồ kêu gọi tín hữu thành Philipphê để
nhắc nhở tất cả: "Anh em hãy vui lên trong Chúa,
tôi nhắc lại một lần nữa, anh em hãy vui lên vì
Chúa đã gần đến". Và khởi đầu bài
đọc thứ nhất trích từ sách tiên tri Sôphônia,
chúng ta nghe những lời đầy khích lệ:
"Hỡi thiếu nữ hãy cất tiếng ca. Hỡi Israel hãy hân hoan. Hỡi
thiếu nữ Giêrusalem hãy hân hoan và hãy nhảy mừng
hết tâm hồn". Rồi đến câu đáp ca
cũng kêu gọi: "Hãy nhảy mừng và ca ngợi vì
ở giữa ngươi có Đấng thánh của Israel thật cao cả". Như
thế Giáo Hội muốn chúng ta đón Chúa Cứu Thế
với một tâm hồn thật vui vẻ. Niềm
vui rất cần cho đời sống con người, ai
cũng mong cho đời sống mình được luôn vui
tươi.
Trong những cánh thiệp chúc mừng
dịp lễ tết, người ta đều chúc nhau vui
tươi hạnh phúc. Khoa tâm lý ngày nay còn chứng minh niềm vui làm cho
con người tươi trẻ lâu già và sống lâu
hơn. Và trên thực tế, con
người cố tạo được nhiều cuộc
vui chừng nào tốt chừng nấy và mỗi cuộc vui
càng kéo dài càng hay. Nhưng phải là
những niềm vui nào? Vì có những niềm vui mà sau
đó con người cảm thấy trống rỗng
buồn sầu và chán nản. Có những niềm vui mà sau
đó con người mệt mỏi và thất vọng. Có
những niềm vui mà sau đó con người lo âu hối
hận. Vậy niềm vui mà Giáo Hội cầu chúc và mong
muốn con cái mình đạt được đây phải
là niềm vui thật. Niềm vui lâng lâng của Mùa Giáng
sinh, khi thấy những trang hoàng rực rỡ với
đèn màu, với ngôi sao hang đá máng cỏ, khi nghe
những bản thánh ca du dương dịu vợi, khi
nhận cánh thiệp với những lời cầu chúc êm
đềm từ những người thân yêu. Tất cả vẫn luôn là niềm vui chính
đáng. Nhưng chưa phải là
niềm vui thật. Vì lễ Giáng sinh
sẽ qua đi, mọi trang hoàng sẽ được
dẹp lại, mọi người đều trở
về với cuộc sống hằng ngày. Niềm vui
thật phải là niềm vui phát xuất từ bên trong
của con người. Đi tìm nguồn vui
bên ngoài mà thôi chỉ là một sự chạy trốn
thực tại trong tâm hồn và thường thì không bao
giờ đạt được kết quả vì
"người buồn cảnh có vui đâu bao
giờ". Niềm vui chân chính phải
bắt nguồn từ một trạng thái của tâm
hồn và đặt nền tảng trên sự bình an. Đó
là niềm vui đã làm cho thánh Phanxicô trong cảnh nghèo khó
tự nguyện hòa tâm hồn mình cùng vạn vật ca hát
chúc tụng Thiên Chúa. Đó là niềm vui mà thánh Têrêxa
Hài Đồng đã nói: "Niềm vui mằm trong
cuộc sống con người và con người có thể
đạt được nó bất cứ lúc nào và ở
đâu, ngay cả trong lâu đài tráng lệ của hoàng cung
hay trong chốn thâm u của ngục tù".
Làm thế nào để đạt
được niềm vui đó? Trong bài Phúc Âm, thánh Luca ghi lại: Gioan
Tiền Hô, người hô hào: "Hãy sửa
đường cho Chúa bằng phẳng và ngay
thẳng", đã trả lời câu hỏi cho từng lớp
người đến hỏi ông. Dân chúng hỏi ông:
"Chúng tôi phải làm gì?" Gioan đã trả lời: Hãy
sống yêu thương và bác ái. Biết nghĩ đến
người khác, biết chia sẻ với những
người kém may mắn hơn mình, đừng lợi
dụng địa vị, quyền hành hà hiếp
người khác. Nói tóm lại, vì Chúa quên mình phục vụ anh
chị em và chu toàn bổn phận
hằng ngày của mình, đó là đường
dẫn đến niềm vui thật sự.
Mảnh
đất tốt cho niềm vui thật phát triển là tình thương yêu nhau giữa
con người. Sống trong một thế giới
đầy dẫy hận thù chiến tranh, sống trong
một xã hội cá lớn nuốt cá bé, sống trong
một môi trường tranh đấu lừa đảo,
gạt gẫm nhau để sống làm cho chúng ta có một
tư tưởng bi quan: con người chắc là không bao
giờ yêu thương nhau được, con người
khó thực hiện những điều Gioan Tiền Hô
chỉ dạy trong Phúc Âm. Dầu vậy, chúng ta
đừng bi quan mà hãy nhớ đến phúc thật
thứ bảy Chúa Giêsu đã dạy: "Ai làm cho
người hòa thuận ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con
Đức Chúa Trời vậy". Và một
điểm nữa giúp chúng ta lạc quan là mẫu số
chung của tất cả mọi người, mọi phe
nhóm, mọi xu hướng, mọi chủ trương
đều là hòa bình và huynh đệ yêu thương nhau.
Thật
vậy, nếu chúng ta có dịp hỏi tất cả
mọi người, tất cả mọi tổ chức
kể cả những tổ chức đang cầm súng
lăn xả vào chiến tranh xâm lược, thì trong thâm tâm
họ, họ vẫn tin là họ yêu mến hòa bình và huynh
đệ, dầu cho họ sai lầm trong phương
tiện. Đó có thể là mẫu số chung,
là điểm phát xuất chung để dựng một
thế giới an vui. Và điều những người có
đức tin càng tin tưởng vững chắc là Thiên
Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử của con
người, lịch sử cứu độ nhất là
kể từ sự nhập thể của Chúa Kitô, Ngôi Hai
Thiên Chúa. Đó là một sự hiện diện sống
động như chính Chúa Giêsu đã nói: "Cha ta làm
việc liên lỉ; Ta cũng thế". Sự
hiện diện đó không bao giờ để một bên
những nghịch cảnh, những đau buồn của
con người nhất là những con người bị áp
bức, bị kìm kẹp.
Trong những ngày chuẩn bị
mừng lễ Chúa Giáng sinh này, chúng ta hãy có cái nhìn lạc
quan vào vũ trụ, vào đời sống con người
trên mặt đất này.
Vì hãy biết rằng, công việc tạo
dựng cũng như công việc cứu chuộc là công việc
của Thiên Chúa, và công việc Chúa làm thì không bao giờ
thất bại. Bằng chứng là
gương của Chúa Giêsu, sau sự đau khổ cùng
cực và cái chết đau thương nhục nhã là
sự sống lại vinh quang làm vua cai trị trời và đất.
Với cái nhìn lạc quan đó và với lòng tin
tưởng Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy lòng từ
bi thương xót, chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui và
hy vọng. Niềm vui và hy vọng đó
phải thúc đẩy mỗi người chúng ta cộng
tác tích cực vào công trình cứu rỗi, nhờ ơn Chúa
và với những người thành tâm thiện chí.
Để
có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi sẽ
cố gắng năng nhớ đến lời tiên tri
Sôphônia trong bài đọc thứ nhất để sống
tin tưởng vào Chúa hơn: "Hỡi Sion đừng
sợ, Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Đấng mạnh
mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu
thoát ngươi". Và cụ thể hơn, tôi sẽ
cố gắng không than van về những cực nhọc
hoặc đau buồn tôi đang gánh chịu, nhưng
biết chấp nhận cho người khác được
vui và luôn cố gắng tươi cười niềm
nỡ với tất cả mọi người, nhất là
những người trong gia đình của tôi.
|