Hy vọng.
Chủ đề chính của Phụng
vụ Chúa nhật hôm nay là Vui Mừng và Hy Vọng.
Đất Israel thời tiên tri Sophonia luôn bị đe dọa
bởi sự xâm lược của ngoại bang. Vì thế có nhiều bất ổn, chinh chiến
loạn lạc, thành thánh Giêrusalem bị dày xéo và dân bị
bắt đi lưu đày. Đó chính là
hậu quả của việc bất trung với Thiên Chúa.
Nhưng dầu sống trong cảnh đau
thương, tiên tri Sophonia vẫn tin tưởng mạnh
mẽ vào Thiên Chúa. Một Thiên Chúa mà theo
ông là Thiên Chúa đầy tình yêu thương và tha thứ.
Người không ruồng bỏ, nhưng sẽ giải
thoát, sẽ đẩy xa mọi nỗi sợ hãi, mọi tai ương khỏi dân Người. Chính
trong niềm tin tưởng ấy, mà tiên tri đã kêu
gọi: “Hãy vui lên, hỡi thiếu nữ Sion. Hỡi Israel, hãy vui mừng lên, vì Thiên Chúa đang ở
giữa ngươi. Người là Đấng
cứu tinh oai hùng, sẽ lấy tình thương mà
đổi mới các ngươi”.
Rồi bằng chính kinh nghiệm bản thân,
thánh Phao lô cũng đã cảm nghiệm rất rõ ràng Thiên
Chúa là Đấng Cứu độ. Người sẽ
giải thoát, sẽ ban bình an và hạnh
phúc cho dân Người. Vì thế, người cũng đã
kêu gọi các tín hữu Philipphê: “Hãy vui lên anh em. Tôi nhắc
lại: Hãy vui lên trong Chúa”. Và bài Tin Mừng diễn tả:
chính trong niềm hy vọng ơn cứu độ mà
những người Do thái thiện chí đã phấn
khởi đến với ông Gioan tiền hô xin ông cho
biết phải làm gì để đón nhận Đấng
Cứu Thế sắp đến.
Như vậy, qua các bản văn Thánh Kinh,
chúng ta thấy: Thiên Chúa chính là Niềm vui và Hy vọng
của con người. Bởi chỉ mình
Người mới có thể giải thoát nhân loại
khỏi mọi nỗi cơ cùng, khỏi kiếp sống
nô lệ. Chỉ mình Người mới có thể ban
cho nhân loại niềm vui, bình an và
hạnh phúc. Do đó, lời kêu gọi: Hãy vui lên, Hãy vui lên
trong Chúa là điều rất hợp lý.
Ngày hôm nay chúng ta không còn phải đón
chờ Chúa đến như dân Do thái ngày xưa, bởi
Chúa đã đến rồi. Người đang hiện
diện bên ta như lời Người đã nói: “Này
đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến
tận thế”. Người vẫn tiếp tục thi ân cho chúng ta như Người đã thi ân cho
dân Do thái ngày xưa.
Nhưng có thật là chúng ta vui
mừng vì sự hiện diện của Thiên Chúa trong
đời mình? Có thật là chúng ta vui
mừng là được Chúa viếng thăm? Có
thật là chúng ta vui mừng vì được làm con Chúa,
được làm người có đạo? Phải
chăng đã chẳng có những lúc chúng ta nghĩ
rằng: làm con Chúa vui đâu chẳng thấy, mà chỉ
thấy những phiền lụy cho cuộc đời?
Những người không tin có Thiên Chúa, họ có thể an tâm ăn chơi xả láng, có thể mánh
mung, lường gạt để kiếm cho
được lắm bạc nhiều tiền với hy
vọng một cuộc sống thoải mái ung dung. Còn làm con Chúa ư? Có cả
một mạng lưới lề luật vây bọc quanh
ta, đến nỗi ta cảm thấy mình như bị
ngộp thở bởi những trói buộc và cấm
đoán. Nếu không phải là
người có đạo thì giờ này ta đã
được rong chơi thoải mái chứ đâu có
bị bó buộc để ngồi trong nhà thờ này.
Nếu không phải là con Chúa thì tuổi thanh xuân của ta
sẽ đẹp đẽ biết bao, bởi ta có thể
làm tất cả những gì mình muốn, sẽ được
thỏa mãn mọi khát vọng luôn nung nấu ta ngày đêm.
Nếu không phải là con Chúa thì đời sống hôn nhân
sẽ dễ chịu hơn nhiều. Vui thì ở, buồn
thì chia tay chứ đâu có phải
gắn bó mãi với một con người mà mình đã chán
ngấy.
Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một hung
thần luôn đàn áp con người, nếu lề luật
của Thiên Chúa như là những thứ giết chết
tự do của chúng ta thì quả thật, chúng ta chẳng
nên vui mừng vì được làm con của một Thiên
Chúa như vậy. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta
tôn thờ là Thiên Chúa của tình yêu thương. Một Thiên Chúa luôn nhẫn nhục trước
sự bất tín, bất trung của dân Chúa. Một Thiên Chúa luôn biết nhỏ lệ
trước những nỗi đớn đau của
kiếp người. Một Thiên Chúa cảm thông và tha
thứ cho những yếu đuối của con cái mình.
Chính trong tình yêu thương vô biên ấy mà nếu Thiên Chúa
có đặt ra những lề luật, thì đó chỉ là
những lời diễn tả tình yêu, là hàng rào gìn giữ
chúng ta trong tình yêu và là con đường dẫn chúng ta
tới sự sống. Chúng ta phải vui
mừng vì được tôn thờ một Thiên Chúa như
vậy trong đời mình.
Nếu ngày hôm nay chúng ta hỏi thánh Gioan
tiền hô: Chúng tôi phải làm gì? Có thể người
sẽ bảo chúng ta rằng: Hãy thay đổi cái nhìn
về Thiên Chúa. Hãy nhìn người như
một người Cha, như một người bạn
thân hay như một người tình để thấy
được tình yêu vô bờ của Người. Thấy được tình yêu vô bờ của
Người, chúng ta cũng sẽ thấy được
điều mình phải làm để đáp lại tình yêu
tuyệt đối ấy.
|