Công chính – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Chương trình cứu độ của Thiên
Chúa ban cho loài người được hình thành qua
rất nhiều thời kỳ. Thiên Chúa đã
mặc khải ý định qua từng biến cố vui
buồn của một dân tộc. Người
đi vào thời gian để thực hiện ý
định của Người. Đọc lịch
sử dân Do-thái, chúng ta nhận ra bàn tay
quan phòng của Người qua từng giai đọan. Thiên Chúa không rút bớt thời gian và không dùng
sự lạ để đạt tới mục đích
ngay, nhưng chờ đợi chuẩn bị của
từng thế hệ con người. Mỗi
thế hệ, Chúa lại chọn gọi một số
những ngôn sứ và chứng nhân. Người
mong muốn cải đổi từng tâm hồn để
đón chờ Đấng Cứu Thế. Thiên Chúa sai các tiên
tri để loan báo tin vui ngày xum họp trở về.
Mỗi biến cố xảy đến cho
dân là một dấu chỉ lòng thương xót. Tiên tri
Sophonia đã cất tiếng: Reo
vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào,
nhà Ít-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy
nức lòng phấn khởi (Soph
3, 14).
Dân Chúa đã trải qua nhiều gian nan thử thách. Chúa ban cho Dân thật nhiều
hồng phúc, nhưng họ cũng phải đối
diện với nhiều thách đố thường ngày. Chúa để mắt đoái nhìn và dẫn dắt
Dân trong nẻo chính đường ngay, nhưng rất
nhiều lần họ đã đi lạc xa và rời
bỏ Chúa. Chúa phạt họ lưu
đầy, nhưng rồi Chúa lại qui tụ họ
về. Tiên tri Sophonia diễn tả: Như trong ngày lễ hội. Những kẻ tản
lạc được hồi hương Ta đã cất
khỏi ngươi tai hoạ khiến
ngươi không còn phải ô nhục nữa (Soph 3, 18). Ơn cứu độ được cưu mang
qua nhiều dòng dõi nối tiếp sứ mệnh chuẩn
bị. Chúng ta không thể tách rời các
biến cố nhỏ to trong chương trình cứu
độ. Thời gian là trường
huấn luyện và là thuốc chữa lành tâm linh. Biết bao nhiêu kinh nghiệm xương máu
để gìn giữ kho tàng châu báu niềm tin của cha ông.
Đó là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất.
Bài phúc âm của Chúa Nhật
thứ 3 Mùa Vọng, Gioan Tẩy Giả xuất hiện
giữa đám đông mở đường hoán cải.
Gioan bắt đầu sứ mệnh rao
giảng sám hối ngay giữa nơi quần chúng. Mọi cấp bậc và mọi giới đã
chạy đến ngài và xin ý kiến làm sao có thể
đổi đời. Cả các binh lính cũng
đến hỏi: "Còn anh
em chúng tôi thì phải làm gì?" Ông bảo họ:
"Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống
tiền người ta, hãy an phận
với số lương của mình." (Lc
3, 14). Lời kêu gọi của ông
Gioan vẫn vang vọng qua mọi thời. Hôm nay
đây mỗi người chúng ta cũng hỏi: Tôi
phải làm gì để nên trọn lành? Cũng
chính những việc cần thi hành mà Gioan đã nói về
lòng bác ái, sự công bằng, sống ngay chính và thái
độ chấp nhận. Niềm vui
trong tâm hồn sẽ dâng trào khi sự ích kỷ, gian tham và
kiêu căng bị xóa nhòa.
Cuộc sống xã hội tạo nên hình
dạng nếp sống con người. Người ta nói gần mực thì đen, gần
đền thì rạng. Cách sống và suy
tư hành xử của chúng ta cũng bị ảnh
hưởng khi sống trong xã hội một xô bồ, gian
dối và lừa đảo. Những sai
lạc và lầm lỗi nho nhỏ trở thành thói quen
hằng ngày, chúng ta không còn nhận diện sự chính
thật. Thánh Gioan Tẩy Giả đã
khơi dậy và nhắc nhở mọi người
sống tinh thần mới lấy đức ái làm cột
trụ dẫn đường. Việc
làm cấp bách là hãy chia sẻ áo quần, cơm bánh cho
những người nghèo khó đói ăn, thiếu mặc.
Niềm an vui của ơn cứu
độ không cao siêu xa vời, nhưng hòa nhập ngay trong
cuộc sống đời thường. Chúng
ta sẽ nhận được niềm vui hoan lạc khi
biết chia sẻ, cho đi và hiến thân.
Mùa Vọng mang ý nghĩa gì cho
mỗi người chúng ta trong giai đoạn này. Chúng ta có thực sự cảm nhận
được niềm vui trào dâng khi đón nhận lời
mời gọi của thánh Gioan không? Chúng
ta có thật sự muốn canh tân đời sống và
dọn đường đón nhận Chúa vào tâm hồn
không? Chúng ta cần tu thân, phải tích đức và
đổi mới cách suy tư sống đạo. Biết bao nhiêu cơ hội đã đi qua trong
cuộc đời bị bỏ lỡ. Những ràng
buộc của bản ngã và của tham sân si cuốn
quyện trong cách sống. Chúng ta khó
vượt ra khỏi vòng bao quanh ứng xử
thường tình của người đời. Đôi khi chúng ta cũng đua đòi và hãnh
diện về những thói hư tật xấu của
mình. Nghĩ rằng mình hiểu đời,
điệu đời, chịu chơi và thích ứng
được với những đua chen
xã hội. Chúng ta cảm thấy thỏa mãn cuộc
sống và dần rời xa những ràng buộc luân lý
đạo đức.
Không phải ngày một, ngày hai là chúng ta thoát
được khỏi vòng cuốn hút đam mê cuộc
đời. Người ta thường nói rằng con
người thì chứng nào
tật ấy. Đúng thật, một
tật xấu đã nhiễm, không dễ gì thay đổi.
Việc xấu đã thành thói, khó bề
sửa chữa. Có người khoe
rằng tính tôi là vậy đó. Ai
chịu thì chịu, không chịu thì thôi. Đây
chỉ là cách cãi chầy và nói cối. Cần
khiêm hạ trong ý thức với cả ý chí quyết tâm
để có thể tránh xa và loại trừ những thói
xấu. Thuốc nhẫn nhục
chữa bệnh tham sân si. Ai cũng
cần phải tu thân và tu tâm để nên người hoàn
thiện. Nếu chúng ta tu được trong
nghịch cảnh mới gọi là chân tu.
Khi gặp những sự trái tai, gai
mắt và thị phi, mà chúng ta cầm lòng được
mới gọi là tu. Nếu không đối
diện với nghịch cảnh thì khó biết sức tu
của mình. Khi đụng truyện,
chúng ta mới biết kẻ dữ, người hiền.
Nếu chúng ta không tu tập sửa đổi thì ngày qua
tháng lại, tuổi đời chồng chất và tóc
bạc răng long, các thói hư tật xấu vẫn còn
đó.
Hãy vui lên vì ơn cứu
độ đã gần kề. Hãy vui
với những giây phút hiện tại, chúng ta không phải
đợi đến ngày mai. Chúng ta hãy
bắt đầu ngay ngày hôm nay những gì có thể làm.
Chân thành nhận diện những gốc
rễ của sự sai xót, yếu đuối và lầm
lạc để hồi đầu. Chúng
ta chấp nhận sự thật về mình và đứng
trên đôi chân của mình. Bỏ đi được
một thói hư hay một tật xấu là chúng ta đã
bước lên một nấc thang của sự hoàn
thiện. Như ông Gioan, tuy dù mọi
người kính phục Gioan, nhưng không màng dư
luận thị phi. Ông trả lời thẳng
thắn: "Tôi, tôi làm phép
rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng
mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng
cởi quai dép cho Người. Người
sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa (Lc
3, 16). Gioan khiêm hạ trong lòng để chu toàn sứ vụ được trao. Nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa
để dọn đường cho Chúa. Là những thừa tác viên của lời Chúa, chúng
ta hoàn tất mọi công việc như người
đầy tớ phục vụ.
Niềm vui của ngày trở
về quê hương xứ sở là biến cố hân hoan.
Thánh Phaolô viết thơ cho tín hữu thành Philipphê cũng
loan báo tin vui: Anh em hãy vui luôn
trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!(Phil 4, 7). Phaolô đã đón
nhận niềm vui ngập tràn bởi chính nguồn ơn
cứu độ là Chúa Kitô phục sinh. Ngài
không quản ngại gian khó trên bước đường
truyền giáo. Phaolô đã chịu trăm ngàn
đắng cay để làm nhân chứng cho Chúa Kitô. Ngài
khuyên lơn các tín hữu khởi đầu là hãy
đặt niềm tin vào Thiên Chúa: Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong
mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu
khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt
Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện (Phil 4,
7). Tin vui cần được loan
truyền. Phaolô đã lãnh nhận
nhưng không, nên ngài cũng đem tin mừng biếu không
bằng mọi giá.
Lạy Chúa, nếu không có ơn Chúa, chúng con
chẳng làm được gì. Hãy luôn gắn bó
với Chúa Giêsu là nguồn cội để lãnh nhận
sự sống. Chúa phán: Thầy
là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong
Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì
người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được (Ga 15, 5). Xin cho chúng con biết
tận dụng mọi thời gian để tu tâm và
luyện tính để nên hoàn thiện hơn. Không tu luyện, kiềm chế và tiết
độ thì không thể thay đổi tính tình.
Cuối cuộc đời nhìn lại đời mình, có
khác gì như con dã tràng xe cát biển
đông.
|