Chúng tôi
phải làm gì?
(Trích trong ‘Tin
Mừng Chúa Nhật – Năm C’)
Bác sĩ Karl Menniger, trưởng khoa tâm
bệnh học của Mỹ làm nhiều người kinh
ngạc khi đọc cuốn “Whatever became of sin”
(Điều gì đang xảy đến cho tôi?) Ông bắt đầu cuốn sách với câu
chuyện khiến mọi người phải suy nghĩ.
Vào một ngày Chủ nhật tháng 9 năm 1972, trên góc
phố đông người qua lại, xuất hiện
một nhà giảng thuyết. Vào lúc các nhân viên văn phòng
vội vã lo đi ăn trưa, ông thình lình giơ cánh tay
gầy guộc dùng ngón tay xương xẩu chỉ vào
một nhân viên nào đó la lên: “Anh là kẻ có tội”,
đoạn ông đứng im, nghỉ vài giây, rồi
lại chỉ vào một người khác và la lên: “anh là
kẻ có tội”.
Bác sĩ Menniger nói: “Tác động mà nhà
giảng thuyết gây ra nơi những người bộ
hành đi qua đó thật là kỳ lạ”. Họ lấm
lét nhìn ông rồi quay mặt đi chỗ khác, rồi
lại lén nhìn nữa, và cuối cùng vội vàng đi tiếp…
Chắc hẳn Gioan Tẩy Giả
cũng gây được tác động tương tự
trên đám dân khi Ngài xuất hiện bên bờ sông Giođan. Hẳn nhiên, một
số chế nhạo Ngài, một số tức giận khó
chịu, một số khác giật mình như bị chích vào
vùng nhạy cảm, tự tận thâm sâu của lòng họ nhận
ra sự sai quấy đã làm. Chúng ta đọc
thấy phản ứng đó qua câu hỏi: “Chúng tôi
phải làm gì?”. Trong cuốn sách nói trên,
bác sĩ Menniger cho thấy người thời nay làm
nhiều điều sai quấy, nhưng điều đó
không làm cho ông ưu tư, điều ông ái ngại là có
rất nhiều người không chịu chấp nhận
rằng mình làm điều sai quấy, chính vì thế mà nhà
giảng thuyết trên chỉ nói: anh là kẻ có tội
đã tạo ra một tác động kỳ lạ nơi
những nhân viên làm việc tại Chicago.
Dầu
con người chấp nhận hay không chấp nhận,
sự thật vẫn là con người là một tội
nhân:
Mọi
người đều phạm tội, Thánh Kinh chép:
“Chẳng một người nào công chính dù chỉ một
người thôi. Mọi người
đều trở mặt, đi vào đường lầm
lạc. Chẳng một ai làm lành, dù
chỉ một người cũng không. Vì mọi
người đều phạm tội không còn phản
chiếu vinh quang Thiên Chúa” (Rm 3,10.12.23).
Nếu
vua tiên tri Đavít có thú nhận: “Lúc chào đời, con
đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi
mẹ mới hoài thai” thì cũng chỉ
nói lên thân phận của kiếp người trước
cái nhìn của Thiên Chúa.
“Nếu chúng ta chối tội là chúng ta
tự lừa dối, và không chịu nhìn nhận sự
thật. Nếu chúng ta
bảo mình vô tội là cho Chúa nói dối” (1Ga 1,8.10).
Chúa
Giêsu khẳng định với Nicôđêmô: “Thể xác
chỉ sinh ra thể xác. Thánh Linh mới sinh ra
tâm linh”. Như vậy cần phải tái
sinh.
Nhưng
việc tái sinh này, Gioan Tẩy Giả không làm
được, ông có thể cho con người biết mình
tội lỗi, như các người thu thuế nhận ra
mình có lỗi trong việc thu thuế quá mức, đám lính
tráng nhận ra mình hay bắt nạt dân chúng, còn tất
cả dân chúng đều nhận ra tội ích kỷ không
chia sẻ của cải cho những ai túng thiếu. Ông đòi buộc dân chúng xét lại tâm hồn mình
và nhận biết lỗi lầm. Ông còn đòi họ
phải từ bỏ tội lỗi để quay về
với Thiên Chúa… Nhưng còn việc tha tội
thì ông không làm được. Ông không làm
được nhưng có thể chỉ cho người ta
Đấng có thể làm điều ấy: “Tôi thì lấy
nước mà rửa cho các ngươi, nhưng
Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, tôi
không xứng đáng cởi dây giày cho Người. Chính Người sẽ rửa các ngươi trong
Chúa Thánh Thần và lửa”. Rửa trong Thánh Thần là
cách nói khác của tái sinh, là lãnh nhận ơn tha thứ
tội lỗi do công ơn cứu chuộc của
Đức Kitô trên thập giá. Đó chính là lý do vui mừng
mà thánh Phaolô đã kêu gọi và là cao điểm của Thánh
Lễ Chúa Nhật III Mùa Vọng hôm nay.
Chúng ta phải hết sức ngạc
nhiên khi xét đến bối cảnh mà vị tông
đồ đã đưa ra lời kêu mời vui mừng
này. Đây không phải là
như một người đang vui say lạc thú trần
gian đưa tay cầm ly rượu
kêu mời bạn hữu, nhưng là một con người
đang sống trong ngục tù, Phaolô đã được
đưa về giam tại Rôma, đang chờ đợi
bản án chung kết, có thể là tử hình (và sau này là
tử hình thật). Chỉ trong một bức thư
gửi giáo đoàn Philipphê, ngài đưa ra lời kêu
gọi vui mừng này tới hai lần, và lần nào
cũng “tôi nhắc lại” với một tâm tình tha
thiết đặc biệt. Người cha tinh thần
ấy đang động viên tinh thần đoàn con của
mình trong hoàn cảnh khó khăn mà họ đang phải
đương đầu. Ông không thuyết giảng
một cách mơ hồ, nhưng khích lệ họ với
chính kinh nghiệm của bản thân mình, tại sao ông có
thể vui và vui luôn, dầu trong bất cứ hoàn cảnh
nào?
Ông có thể vui vì ông đã
được tha thứ.
Không ai có thể vui vì mình là tội nhân, nhưng vì tội
nhân đã được tha thứ: “Đây là lời trung
thực, đáng được mọi người tin
nhận: Chúa Cứu Thế Giêsu đã đến trần
gian để cứu vớt những người tội
lỗi. Trong những người được cứu,
ta nặng tội nhất” (1Tm 1,15). Ông
nặng tội, bởi vì “trước kia, ta là
người phạm thượng, tàn bạo, khủng
bố người theo Chúa, nhưng Chúa còn thương xót
vì ta không hiểu điều mình làm khi chưa tin nhận
Ngài” (1Tm 1,13). Chỉ
những ai nếm trải được sự tha thứ
này mới cảm nhận được điều mà
thánh tông đồ chia sẻ. Mỗi lần chúng ta
phạm tội, lòng chúng ta luôn áy này, tâm hồn chúng ta
nặng chĩu như bị một khối nặng đè
lên, nhưng khi vừa được ơn tha thứ,
biết rõ tội mình được tha, lòng chúng ta được
thanh thoát, khối nặng đã bị cất đi…
Phaolô
vui mừng vì tội được tha, vì ngài biết rõ
Đấng ngài đặt niềm tin vào: “Vì ta biết rõ
Đấng ta tin cậy, chắc chắn Ngài có quyền
bảo vệ mọi điều ta uỷ thác cho
đến ngày cuối cùng” (2Tm 1,12). Ông đã ký thác linh hồn mình cho Chúa Giêsu, và ông
biết chắc chắn cuộc đời ông sẽ
kết thúc như thế nào, sẽ dẫn ông đến
bến bờ nào. Được như thế là
nhờ: “Ta cứ chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu là căn nguyên và
cứu cánh của đức tin. Nhằm vào niềm vui
tối hậu, Chúa đã kiên nhẫn vác cây thập giá xem thường
sỉ nhục, và hiện nay ngồi trên ngai uy quyền
tuyệt đối, bên phải ngai Thiên Chúa” (Dt 12,2). Cả cuộc đời đã như
thế, còn gì mà không vui mừng: “Riêng phần ta, ta biết
gần đến ngày từ giã trần gian, về thiên
đàng. Ta đã chiến đấu anh dũng, chạy xong
cuộc đua, giữ vừng niềm tin. Từ
đây mão miện công chính đã dành sẵn cho ta. Chúa
là Chánh án chí công sẽ ban cho ta trong ngày Ngài trở lại,
cũng như cho tất cả những ai yêu mến, trông
đợi Ngài” (2Tm 4,6-8).
Có
lẽ trong chúng ta có người tự nghĩ: ai
được như Phaolô, ai được Chúa đích
thân gặp gỡ. Đúng thế, nhưng chúng ta cũng
rất tự hào vì đã có một anh hùng tử
đạo, không những có tinh thần của Phaolô,
nhưng còn mang tên Phaolô nữa, đó là cha thánh Phaolô Lê
Bảo Tịnh.
Trong bức thư viết từ nhà giam
tại Hà Nội đề ngày 24.04.1843 gửi cho các
bạn ở chủng viện Vĩnh Trị, thầy
viết: “’Tôi, Phaolô Lê Bảo Tịnh, đang mang gông
xiềng vì Đức Kitô, từ ngục thất tôi
gửi về các bạn những lời chào thân ái, và
chắc chắn là những lời chào sau cùng… Tù ngục này quả là hình ảnh sống
động của hoả ngục muôn đời.
Không kể gông cùm xiềng xích, tôi còn phải nghe, phải
chứng kiến, phải chịu đựng những oán
ghét, thù hằn, những lời phỉ báng Thiên Chúa,
những lời nói dâm ô, những cuộc xô xát, những
hành vi bỉ ổi, những lời thề nguyền gian
dối. Ngoài ra, tôi còn phải chịu phiền cực,
chịu muỗi đốt, rệp cắn. Đã hết
đâu, người ta còn luôn tuôn ra những lời căm
hờn chửi rủa vua quan, bạn hữu, cha mẹ…
Ngoài những đau khổ nói trên, mùa hè tôi phải chịu
cái nóng nung người, mùa đông chịu rét buốt. Qua nhiều năm không bao giờ nhìn thấy
mặt trăng hay ánh sao. Suốt đêm tôi không
ngủ được, hoặc chỉ chợp mắt
một vài trống canh là cùng… Nhưng nhờ ơn Chúa,
ở giữa những cực hình thường làm cho các tù
nhân khác phải sầu khổ, tôi lại được
tràn ngập hoan lạc, vì tôi không cô đơn, nhưng Chúa
Kitô ở với tôi. Chính Người, Thầy của chúng
ta, chịu đựng sức nặng của cây thập
giá, phần tôi, tôi chỉ vác cách nhẹ thôi. Vì
Người không phải chỉ đứng xem chiến
đấu nhưng chính Người chiến đấu và
đắc thắng. Chính Người sẽ kết
thúc cuộc chiến đấu…”.
Nhưng xem ra cuộc chiến chưa
kết thúc, thầy lại được ra khỏi
ngục, tiếp tục tu, làm linh mục chui, trở thành
giám học chủng viện Vĩnh Trị, để
rồi lại bị bắt giam tại nhà tù Nam
Định, ngày 6.04.1857, tức là mười hai ngày
trước khi chịu tử đạo, cha viết cho
chủng sinh: “Chúng con hãy ca tụng Chúa nhân lành vì việc
Người đã thực hiện nơi cha”, sau đó cha
kể sơ qua về đời sống khổ cực
trong lao tù, rồi tâm sự: “Cha cảm tạ Chúa
đến muôn đời vì Người cho cha
được sống trong yên lặng, cha có thể
cầu nguyện và suy niệm tuỳ ý. Cha sung sướng
tin tưởng rằng không gì có thể phân ly cha khỏi
tình yêu Chúa Kitô, dù tù tội, đói khát, gươm giáo hay cái
chết, vì Chúa Kitô là sự sống của cha”. Và rồi
cha nhắc lại hầu như đúng lời vị đại
tông đồ: “Cha có thể nói rằng: đã đến
giờ cha phải ra đi, cha đã giữ vững
đức tin, đã chạy hết chặng
đường và cha đã trông đợi rằng: vị
Thẩm phán sẽ trao cho cha vòng hoa dành cho người công
chính, không phải chỉ cho cha, nhưng còn cho tất
cả những ai hết tình mong đợi Người
đến”. Cha kết thúc bức thư:
“Sau khi khuất đi, nếu có thế lực gì bên Chúa, cha
hứa sẽ không bao giờ quên chúng con. Vĩnh
biệt”.
Chính
nhờ thế lực của các vị anh hùng đức
tin bên toà Chúa, và gương sáng của cha ông để
lại mà chúng ta có được như ngày hôm nay. Tôi xin
kết thúc bài chia sẻ với câu truyện sau đây: “Khi đạo Chúa
được truyền bá ở thành phố lớn
nhất miền Nam, có
rất ít người tin Chúa. Một hôm có người ga
trưởng là thầy Lê theo
đạo. Thầy về thuyết phục những
người trong gia đình và bạn hữu ở Bình
Trị Đông, nhưng không ai chịu theo.
Mấy tháng sau, thầy đau nặng rồi qua
đời. Khi an táng, các tín hữu chung quanh tới cử
hành, họ đau buồn vì mất một người anh
em thân yêu, nhưng tất cả đều có niềm an
ủi lớn và vui thoả khác thường trong Chúa, vì
biết chắc thầy Lê đang an nghỉ trong
Nước Chúa như lời Chúa dạy. Niềm an ủi và vui thoả khác thường đó
đã gây một ấn tượng sâu xa nơi những
người dự đám tang. Sau đó ít lâu, cả gia
đình thầy Lê xin theo đạo, và
rất nhiều người ở Bình Trị Đông
quyết định theo Chúa. Những người ấy
khi tin Chúa đều nói rõ, tuy trước kia
họ không muốn nghe Phúc Âm, nhưng niềm vui an ủi
vui thoả của các tín hữu giữa đám tang thầy
Lê đã khiến họ lưu ý đặc biệt, rồi
tìm hiểu đạo và tin Chúa”
|