Tiếng kêu trong sa mạc.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một mẩu
chuyện của người Phi Châu kể lại rằng:
Một người Ả Rập sống ở sa mạc có
thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng
giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh
ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn
được làm một ngôi vườn xinh tươi”.
Sa mạc mong mỏi được
trở thành ngôi vườn, cũng vậy, tâm hồn con
người luôn hướng tới về điều
thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn
xinh tươi đó là nước non, điều kiện
thời tiết và nhất là công lao của con người.
Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc
vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con
người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn
cỗi nếu có không được vun xới và
tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy
sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn,
biết bao chống đỡ, biết bao cương
nghị, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc
của tâm hồn thành một khu vườn tươi
tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi
nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi
ngày.
Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy
cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta
nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: “Có tiếng kêu
trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa
lối cho thẳng để Ngài đi”. Đó là tiếng
kêu của Gioan Tiền Hô. Là tiếng kêu trong sa mạc, Gioan
không thể vắng bóng trong Mùa Vọng – Giáng Sinh, vì
đời sống của Gioan đã gắn liền
với đời sống của Chúa Cứu Thế như
“tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời
của Thiên Chúa”. Đàng khác, đời sống của
vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu
Thế xuất hiện phía sau; và đời sống
của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối
chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết
lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm
xuất phát những tiếng kêu qua các Ngôn Sứ trong
Cựu Ước để tiên báo Đấng Thiên Sai
Cứu Thế sẽ đến. Là Ngôn Sứ cuối cùng
của Cựu Ước, tiếng kêu của Gioan Tiền
Hô đã đúc kết, tổng hợp mọi tiếng kêu
của các Ngôn Sứ khác, như tiếng kêu của Isaia,
tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia, của
Baruc (Bđ.1). Chính vì vậy “Tiếng kêu trong sa mạc” là
tên gọi của Gioan, một tên rất mông lung, có vẻ
vô danh, nhưng lại rất súc tích: “Hãy dọn
đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng
để Ngài đi. Mọi thung lung, phải lấp cho
đầy, mọi núi đồi phải bạt cho
thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường
lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi
người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu
độ”.
Thưa anh chị em,
Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa
mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu
vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng,
không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã
kêu lên trong sa mạc không phải là “tiếng kêu trong sa
mạc” theo nghĩa đó. Trái lại, tiếng kêu ấy
đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người
khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông
Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc
nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô
Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức
đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai
đến để chất vấn Gioan tận nơi sa
mạc.
Tiếng kêu của Gioan không vô ích và
cũng không lỗi thời, vì ngày nay, sau gần 2000 năm,
tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ
trong lòng nhiều người. Những điều xưa
kia Gioan nói với dân chúng, hiện nay vẫn còn hợp
thời, vẫn còn có giá trị. Và trong thực tế,
ở khắp nơi trên thế giới, bao lâu hỗn
loạn, tranh chấp, hận thù vẫn còn thì công cuộc
dọn đường cho Chúa đến vẫn còn cấp
bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan vẫn mãi mãi
cần thiết để con người thay đổi
đời sống cho tốt đẹp hơn.
Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của
Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh
chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước
một số vấn đề thuộc phạm vi
lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình,
kiểm điểm nếp sống, để cải thiện
đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo,
để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa
Cứu Thế ngự đến. Tuy nhiên, đối
với một số người, tiếng kêu của Gioan
đã trở thành thực sự là “tiếng kêu trong sa
mạc”, không được họ lắng nghe và hưởng
ứng bởi vì trong lòng họ là những đô thị
ồn ào, nhộn nhịp, hỗn độn, ô nhiễm…,
tâm hồn họ thiếu sự thanh vắng, cô tịch
của sa mạc khiến họ không nghe được
tiếng kêu của Gioan: Hãy dọn đường cho Chúa. Tiếng
kêu của Gioan không gặp được một âm vang nào
trong lòng họ, hoặc có đi nữa thì cũng chỉ là
nhất thời và hời hợt như “hạt giống
rơi vào bụi gai” mà Chúa đã giải thích là “những
hạng người nghe lời Chúa, rồi bị những
mối bồn chồn lo lắng, đam mê khoái lạc trên
đời làm nghẽn đi mà không sinh hoa kết quả
được” (Mt 13,18-23).
Vì vậy, muốn nghe được
tiếng kêu của Gioan Tiền Hô thì phải tạo cho lòng
mình trở nên sa mạc. Sa mạc là nơi thuận
tiện cho cuộc hẹn hò gặp gỡ thân tình
để nghe rõ tiếng Chúa hơn và để nhận
lãnh sứ mạng của mình. Như ngôn sứ Hôsê đã
viết: “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israen vào sa
mạc, vào nơi thanh vắng, để ở đó, lòng
kề lòng, Ta sẽ tâm tình với nó” (Hs 2,16). Ở sa
mạc Sahara ngày nay, người ta vẫn còn thấy có
những cộng đoàn tu sĩ, như các Tiểu
đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, theo tinh thần Cha
Charles de Foucauld, các tu sĩ ấy dù ở đâu cũng
phải qua một thời gian tu luyện sống với
Chúa, lắng nghe Chúa gọi giữa sa mạc, giữa
cảnh cô tịch, nghèo khó, để sau khi đã có kinh
nghiệm cụ thể về sa mạc, các tu sĩ ấy
có thể tạo cho lòng mình trở nên sa mạc trong khi
dấn thân phục vụ con người ở giữa lòng
đời. Đó chính là công việc vun xới cho sa mạc
nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta không đi vào sa mạc như
các tu sĩ Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa
Giêsu được, nhưng chúng ta cẩn phải tạo
cho lòng mình trở thành một sa mạc, một nơi
trầm lặng, yên tĩnh, bình an, để dễ dàng
lắng nghe tiếng Chúa mời gọi giữa cuộc
sống ồn ào, nhộn nhịp, bề bộn, căng
thẳng nầy. Có nghe được tiếng Chúa nói qua
tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới
bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn
chúng ta cho Chúa ngự đến: Phải sửa lại
đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay
thẳng những lối quanh co theo sở thích trái
chướng của mình, lúc thế này khi thế khác… Phải
trung thành trước sau như một, thi hành mọi
đòi hỏi của Tin Mừng. Mọi gồ ghề
ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên
Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng
đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến
với hết mọi người. Có như vậy, xã
hội mới dần dần trở thành huynh đệ
hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa
đến, và cuối cùng để đón nhận ơn
cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ
như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ
thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
|