THIÊN CHÚA MUỐN CỨU
ĐỘ MỌI NGƯỜI
Luca
là tác giả Tin Mừng của lịch sử cứu
độ mà ông triển khai thành ba điệp khúc như
trong đoạn rất súc tích này chẳng hạn: “Cho
đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn
sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước
Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức
mạnh mà vào” (Lc 16,16)
Luca
muốn xây dựng những chiếc cổng qua đó ông
làm cho chúng ta đi vào trong lịch sử một cách long
trọng. Vào lúc hạ sinh Chúa Giêsu: “Hồi ấy Xêda
đại đế ra chiếu chỉ …”. Và đối
với bước đầu công khai của Ngài, cùng
với Gioan tẩy giả vén màn lịch sử: “Năm
thứ mười lăm triều đại vua Xêda Tibê…”
Đây là tiếng chuông lớn của lịch sử.
Có
một lời loan báo phi thường: “Mọi người
sẽ được ơn cứu độ”. Đây là
điều ông già Simêon đã công bố một cách âm
thầm hơn: “Vì chính mắt con được thấy
ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh
quang của Israel Dân Ngài". Chúng ta thường quá thu
hẹp các chân trời này, loại bỏ những chân
trời này, quên lãng những chân trời kia. Và chúng ta luôn có
nguy cơ mất đi trên các con đường của
lịch sử điều phải là nỗi ám ảnh
của chúng ta: Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả
mọi người, Ngài muốn cứu độ tất
cả những người ấy.
Người
Do thái thời bấy giờ mong chờ Đấng Cứu
Thế đến độ trái tim họ rung động
khi nhìn vị tiên tri mới xuất hiện là Gioan Tẩy giả:
“Có phải người này là Đấng Cứu Thế hay
không?”.
Điều
này sẽ còn khó tin hơn nữa! Sẽ phải có toàn
bộ Tin Mừng, sự phục sinh và hiện xuống
để người Do thái độc thần triệt
để lòng trí mở ra (một cách khó khăn!) cho
điều không thể tưởng tượng
được: Đấng Cứu Thế chính là Chúa Giêsu,
và Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa.
Gioan
Tẩy giả phác hoạ chân dung đầu tiên đó: “Có
Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi
không đáng cởi quai dép cho Người. Người
sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.
Nhưng
cũng sẽ phải có các thần học gia giám mục
vĩ đại của các thế kỷ đầu tiên,
kinh nghiệm của các thánh, nhất là Chúa Thánh Thần
để nói lên điều không thể được
trình bày: Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần; và Chúa
Con đã làm người, dưới thời Xêda
đại đế, dưới triều vua Tibê.
Mùa
vọng lại đặt chúng ta trước những chân
trời rộng lớn của việc cứu độ
tất cả mọi người mà Chúa Cha đã sai phái Con
của Ngài cho họ. Còn việc tiếp nhận: Gioan
Tẩy giả yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Ngài
một con đường. Hai hình ảnh giải toả và
tẩy sạch có thể giúp chúng ta hình dung công việc này
một lần nữa: làm bung ra những cái cửa quá
rỉ sét và làm sập đổ sự từ chối mà
chúng ta đã làm cho chai cứng nơi chúng ta, những núi
đồi do dự và bác bẻ. Nói với Chúa: “Xin hãy vào
trong con” đòi buộc một sự hoạt động
tích cực.
Tôi có
đi quá nhanh từ lời loan báo lớn lao của Gioan
Tẩy giả “tất cả mọi người sẽ xem
thấy ơn cứu độ” đến những lo toan
cá nhân nhỏ nhặt hay không? Chúng không nhỏ nhặt
đâu, những cái nhìn rộng lớn trên thế giới
không được làm cho chúng ta quên đi khu vườn
của chúng ta. Trả lời cho một lãnh chúa
người Tây Ban Nha, thánh Pierre ở Alcantara nói: “Ông hãy tỏ ra có
tấm lòng tốt, thì đó đã là một phần của
thế giới sẽ trở nên tốt đẹp”. Nói
với Chúa trong mùa vọng: “Hãy đến cứu
độ tất cả chúng con” sẽ là một lời
nguyện của kẻ mơ mộng nếu lời
nguyện đó không hướng chúng ta về điều
phải được cứu độ nơi mỗi
người trong chúng ta.
|