NÉT XANH TƯƠI NƠI NHỮNG
KẺ THEO CHÚA
--- Suy niệm của McCarthy.
Có một câu chuyện (của John Shea,
trong cuốn ‘Giai thoại về những cái chuông’) kể
lại rằng khi Thiên Chúa dựng nên các cây cối,
Người ban cho mỗi loài cây một ân
huệ. Nhưng ban đầu, khi Người đưa ra
một cuộc tranh luận, để xác định xem ân huệ nào sẽ có lợi ích nhất.
Người nói với chúng: “Ta muốn rằng các
ngươi phải thức tỉnh và tiếp tục coi
sóc cả mặt đất trong vòng bảy đêm”.
Những thân cây còn non rất phấn
khởi, vì được Người tin tưởng giao
phó cho một công việc quan trọng như vậy,
đến nỗi trong đêm đầu tiên, chúng nhận
thấy việc canh thức không có gì là khó khăn cả.
Tuy nhiên, trong đêm thứ hai, thì việc đó không còn quá
dễ dàng nữa, và vừa trước khi đến lúc
rạng đông, một số cây đã lăn
ra ngủ. Trong đêm thứ ba, các thân cây thì thầm
nhắc nhở nhau cố gắng giữ mình, để
khỏi ngủ lăn ra. Mặc dù
vậy, điều này chứng tỏ là quá sức
đối với một số cây. Trong
đêm thứ tư, lại có thêm vài thân cây nữa ngủ
gục. Đến đêm thứ bảy, những thân
cây duy nhất còn tỉnh thức chỉ là cây tuyết tùng,
cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây
nguyệt quế mà thôi.
Thiên Chúa kêu lên: “Sức chịu
đựng của các ngươi tuyệt vời thật!
Các ngươi sẽ được ban cho một ân huệ là giữ được mầu
sắc xanh tươi mãi mãi. Các ngươi
sẽ trở thành những kẻ canh gác khu rừng.
Ngay cả trong mùa đông dường như mang lại
cảnh chết chóc, thì các cây cối anh chị em của
các ngươi vẫn bảo vệ được sự
sống trên những cành cây của các ngươi”.
Kể từ đó, tất cả các cây
cối và thực vật đều bị rụng lá và
ngủ trong suốt mùa đông, trong những khi cây
thường xanh thì vẫn còn tỉnh thức. Câu chuyện này minh họa lại hai
chủ đề chính của Mùa Vọng: Sự tỉnh thức
giữa cảnh ngủ mê, và sự xanh tươi giữa
nơi cằn cỗi.
Nơi những cây thường xanh,
chúng ta ghi nhận được một sự thách
đố mang tích cách lịch sử, nhưng kiên quyết. Thế giới chung
quanh có thể ngủ mê hoặc cằn cỗi, nhưng
những thân cây này vẫn tiếp tục mang lại
lời chứng. Chúng vẫn kiên trì, không phải do sự
xác quyết của bản thân chúng, mà nhờ vào sức
mạnh của Thiên Chúa. Chúng chỉ ra cho chúng
ta thấy rằng, trong tư cách là người Kitô
hữu, vai trò của chúng ta phải là gì. Đó là phải tỉnh thức giữa những
kẻ ngủ mê, phải xanh tươi giữa những
kẻ cằn cỗi. Để làm chứng cho Thiên
Chúa, chúng ta phải yêu thương giữa cảnh hận
thù, bình an giữa nơi xung đột,
và sáng sủa giữa chốn tối tăm.
Trong xã hội của chúng ta, có những
người đặc biệt cần phải tỉnh
thức. Chúng ta nghĩ
đến những người đang đảm nhận
các công việc mang rất nhiều trách nhiệm, chẳng
hạn như các phi công, tài xế (có biết bao tai nạn
gây ra do những người ngủ gục trong khi đang
cầm lái), các y tá trực đêm, các bậc cha mẹ
đang có con cái đau yếu, những người làm công
tác bảo vệ an toàn…
Nhưng
tất cả chúng ta đều được kêu gọi
phải tỉnh thức theo nghĩa
rộng. Nói cách khác, chúng ta sẽ bị
lỡ làng rất nhiều. Có nhiều
người ngủ mê trong suốt cuộc sống của
họ. Họ có tai, nhưng không
biết lắng nghe, có mắt, nhưng không nhìn thấy. Tất cả chúng ta đều cần phải
tỉnh thức, bởi vì cuộc sống thật quý giá.
Nhưng cuộc sống của người
Kitô hữu là đáng quý nhất. Chúng ta
không chỉ được thúc giục phải “tỉnh
thức”, mà còn phải cảnh giác nữa.
Chúa
đòi hỏi chúng ta, những kẻ đi theo
Người, phải luôn tỉnh thức, phải trở
thành những môn đệ đầy cảnh giác,
đầy tin tưởng, phải là những kẻ đi
theo Người luôn xanh tươi mãi mãi. Chúng
ta là những chứng nhân của Người trong thế
giới này. Không phải là quá đáng, khi tuyên bố
rằng chúng ta phải thận trọng quan sát khắp
cả thế giới. Chúng ta phải làm
chứng cho sự sống và niềm hy vọng giữa
cảnh đổ vỡ, biến động và chết
chóc.
Khi
làm chứng cho chân lý, công bằng, yêu thương và an bình, là chúng ta đang làm chứng cho
Đức Giêsu. Cách thế làm chứng cho chân
lý phải là sống trọn vẹn cho chân lý. Cách thế làm chứng cho lẽ công bằng là
phải hành động một cách công bằng. Cách thế làm chứng cho tình yêu thương là
phải có những hành động đầy yêu
thương. Và cách thế làm chứng cho hòa bình là
phải sống trong sự bình an đối
với người khác.
Nói tóm lại, cách thế có hiệu
quả nhất để làm chứng cho Đức Giêsu là
phải sống một đời sống Kitô hữu
đích thực. Chúng ta
cần có sức mạnh, để duy trì được
sự kiên định và lòng tin. Thiên Chúa luôn sẵn sàng giúp
đỡ chúng ta, đặc biệt khi chúng ta cầu
nguyện.
2. CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
Chúng ta đang sống trong một
thời kỳ ở giữa hai ngày Đức Kitô
đến. Ngày Người đến lần đầu tiên
cách đây hơn 2000 năm tại Bêlem. Chúng ta tin
tưởng rằng Đức Kitô sẽ đến
lần thứ hai trong vinh quang vào thời sau hết. Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể tìm
thấy Đức Kitô ở đâu?
Lần kia, có một
sinh viên người Do Thái rất đứng đắn,
anh có một ao ước cháy bỏng được nhìn
thấy ngôn sứ Êlia, thế là anh khẩn khoản xin cha
anh chỉ cho thấy ngài. Người cha trả lời:
“Nếu con không ngừng hết lòng nghiên cứu kinh Tôra, cha
hứa với con rằng con sẽ xứng đáng
được nhìn thấy ngôn sứ Êlia”.
Trong vài tuần, người con trai
nhiệt thành chuyên chú vào việc học hỏi của mình,
bằng cách miệt mài vào những cuốn sách thánh cả
ngày lẫn đêm. Thế rồi anh đến gặp cha
và nói: “Con đã làm điều mà cha dặn bảo, nhưng
ngôn sứ Êlia vẫn không tự bộc lộ bản thân
ngài cho con”.
Người cha trả lời: “Con
đừng nản lòng như vậy. Nếu con xứng
đáng, thì chắc chắn ngài sẽ tự bộc lộ
về chính ngài cho con”. Một đêm kia,
con trai ông đang ngồi tại bàn của mình, thì một
người nghèo khổ đi tới. Người
này lấm đầy bụi đường và quần áo
rách tả tơi. Với gương
mặt thô nhám, trên chiếc lưng còng mang một cái túi
nặng nề, người đó sắp sửa
đặt cái túi xuống, thì anh ta tức giận nói
với ông “Đừng làm như vậy. Thế ông
nghĩ chỗ này là một cái quán trọ à?”.
Người khách vãng lai khẩn khoản “Tôi
quá mệt. Xin cho tôi nghỉ ở đây một lát,
rồi tôi sẽ đi tìm chỗ trọ”.
“Không. Ông không thể ở lại đây
được. Cha tôi không cho phép những kẻ lang thang được đến và ở
lại đây, với cái túi lấm đầy bụi
bặm của họ”. Thế là kẻ xa lạ thở dài,
đỡ cái túi lên vai của mình và ra đi. Khoảng
một giờ sau, người cha đến. Ông hỏi
“Vậy con đã nhìn thấy ngôn sứ Êlia chưa?”. Anh con trai đáp “Dạ chưa, con chưa
hề nhìn thấy ngài”.
Người cha hỏi
“Thế hôm nay không có người nào đến đây à!” Anh con
trai đáp: “Dạ không ạ. Vừa mới đây, có
một kẻ lang thang mang một cái túi
nặng đi tới đây”. “Vậy con có tiếp đón
họ không?” “Dạ không ạ!” “Tại
sao con không chịu đón tiếp người này? Con không
biết rằng đó chính là ngôn sứ Êlia sao? Cha e rằng quá muộn mất rồi”.
Kể từ ngày hôm đó, anh con trai
tự bắt buộc mình phải đón tiếp kẻ xa
lạ, bất kể người đó trông như thế
nào, hoặc tình trạng cuộc sống của họ ra
sao. Và khi làm như vậy, anh tin tưởng rằng mình
đang thực sự đón tiếp ngôn sứ Êlia.
Chúng ta có thể tìm thấy Đức
Kitô và phục vụ Người trong người
đồng loại của chúng ta, đặc biệt
nơi những người nghèo khổ và thiếu
thốn. Nhưng chúng ta
còn có một công việc khác nữa, nghĩa là làm cho
Đức Kitô trở nên “hữu hình” đối với
những kẻ đang hoài nghi và không có niềm tin. Chúng ta là những chứng nhân của Đức
Kitô trên thế giới.
Cách làm chứng lôi cuốn nhất
đối với thế giới chính là sự quan tâm
đến mọi người, và sống bác ái đối
với người nghèo khổ, yếu đuối và
đau khổ. Lòng quảng đại bên dưới thái
độ này, và những hành động này chứng tỏ
sự tương phản đối với thói ích kỷ.
Chắc chắn điều đó đưa
đến những câu hỏi dẫn đến Thiên Chúa và
Tin Mừng. Lời cam kết đem lại hòa bình, công chính
và quyền lợi cho con người chính là một cách làm
chứng cho Tin Mừng.
Trong khi mỗi người đều
có một phần đóng góp, thì điều quan trọng
nhất chính là chứng tá của cộng đồng Kitô
hữu. Với
tư cách là một thân thể, các Kitô hữu phải làm
chứng cho thế giới về Đức Kitô, qua tình yêu
của họ đối với nhau, qua niềm hy vọng
và niềm vui mà họ phản ánh ra.
|