B – THỊT MÁU CHÚA GIÊSU TẾ LỄ LÊN
THIÊN CHÚA, ĐƯỢC CHIẾU NHẬN VÀ THẦN HÓA.
Thông thường ai cũng coi sự
chết là một chấm hết vĩnh viễn của
một đời người, và chẳng còn làm
được việc gì nữa, vì còn sống thì mới
làm cho người khác sống, chứ chết thì chẳng
còn làm được gì. Thế mà tại sao, bởi cái
chết trên thập giá, Chúa Giêsu lại trở thành Bánh
Sự Sống cho thế gian ?
Muốn hiểu tại sao, ta phải
nhớ rằng : Cái chết của Chúa Giêsu không phải cái
chết bình thường (chết vì bệnh tật,
chết vì già yếu, …), song là cái chết tự
nguyện hiến tế mình làm lễ vật.
Mà hiến
tế là một quá trình mà Đức Giêsu
phải trải qua, nhờ đó Thịt Máu Người
trở thành thần thiêng, có Sự sống thần linh mà
nuôi linh hồn nhân loại, như trên đây đã nói sơ
qua và ví dụ bằng hạt lúa phải qua một quá trình
mới thành bánh cho người ta ăn. Nay ta sẽ xem
kỹ lưỡng hơn :
Quá trình ấy diễn ra thế nào ?
Chúng ta sẽ được biết,
nhờ nghiên cứu
TRUYỀN THỐNG HIẾN TẾ CỔ
TRUYỀN
mà Khoa
lịch sử tôn giáo cung cấp.
Vào thời hồng hoang loài người
còn ăn lông ở lỗ, núp trong hang động hay
dưới mái lá thô sơ trống trải, các mãnh lực
thiên nhiên như sấm sét, bão bùng, giông tố, mặt
trời với sức nóng thiêu đốt, biển cả
với sóng dữ, các loài kình ngư giao long khổng lồ
hung tàn…làm cho con người vô cùng sợ hãi. Họ coi những
uy lực mạnh mẽ trên trời, dưới
đất và nơi biển cả ấy là các Thần linh
: thần sấm, thần sông, thần mặt trời v.v…có
thể ban phúc hay tác hại cho đời sống của
họ.
Vì thế để
lấy lòng các Thần linh, loài người đã nghĩ ra một
cách : hiến tế lễ vật. Qua hiến tế
đó, họ tỏ lòng sùng bái uy quyền siêu phàm
của Thần linh, để :
1- tạ tội
vì nghĩ rằng đã xúc phạm tới các Ngài, cần
làm các Ngài nguôi giận…và mong được Thần linh cứu
giúp.
2- được thông hiệp
với các Ngài bởi việc thụ Lộc Thánh, là
phần lễ vật mà sau khi chấp nhận của
lễ dâng hiến, Thần linh ban xuống lại cho
người dâng lễ thụ lãnh.
Như
vậy, việc hiến tế có hai chiều :
Loài người dâng lên /
Thần linh ban xuống lại
Trước hết :
I - LOÀI
NGƯỜI DÂNG LỄ VẬT LÊN
Lễ vật thường là một
vật gì đối với con người rất
thiết thân hay quí giá, chẳng hạn thực phẩm
loại cao lương mỹ vị, hay con bò, con chiên, con dê
v.v... Việc dâng lễ vật lên Thần linh
được tiến hành qua 3 nghi thức :
1. Sát
tế : Để
bảo đảm lễ vật dâng lên được
trọn vẹn thuộc về Thần linh, loài
người đã thực hiện nghi thức sát tế,
qua đó, chấm dứt sự sống của lễ
vật, để từ nay dứt khoát không còn sử
dụng nó vào việc phàm trần nữa ; và sau đó chuyển lễ
vật đó cho Thần linh chiếm hữu. Nhưng làm
sao chuyển lễ vật tới Thần linh vốn là các
đấng vô hình ở trên cao, còn lễ vật vốn là
vật chất ? Loài người đã nghĩ ra
được một cách thức rất hiệu
nghiệm : đặt trên bàn thờ và hỏa tế.
2. Tế
vật được đặt trên bàn thờ : Loài người nghĩ rằng bàn
thờ là biểu tượng của Thần linh,
hay là nơi Thần linh vô hình ngự, hay là bàn
ăn, bàn tiệc của Thần linh. Người
dâng hiến đặt lễ vật trên bàn thờ, như
trên bàn ăn hay trên lòng của Thần. Còn máu tế vật
được rưới quanh bàn thờ (hoặc các
‘sừng’ của bàn thờ : tiêu biểu quyền lực
của Thần).
3. Hỏa
tế : Rồi
người dâng lễ sẽ hỏa thiêu tế vật
để ngọn lửa sẽ hoàn tất sự dâng
hiến ấy. Với bản chất tinh anh, linh hoạt,
lửa được coi như phương thế “chuyển”
tế vật đến Thần linh. Khi lửa xâm
chiếm tế vật và thiêu rụi nó, thì theo não trạng
người xưa, tế vật ấy không phải
là bị tiêu hủy, mà được lửa thiêu
biến hóa thành làn khói hương thơm bay lên tới
Thần linh. Và họ tin rằng khi các Thần hít
lấy khói hương thơm ấy, như thế là
dấu :
Tế
vật đã được Thần linh chấp nhận.
Khi tế vật được Thần
chấp nhận và chiếm hữu, nó thành sở hữu
của Thần, và bởi đó được
thấm nhuần thần tính, được nhiễm
lấy các đặc tính của Thần, được
mang tràn đầy sức thần thánh của Thần, nói
tóm : ĐƯỢC THẦN HÓA, THÁNH HÓA.
Lược qua lịch sử nhân
loại, ta thấy các dân ngoại cũng như dân Israen
đã thực hành việc hiến tế theo lối cổ
truyền ấy. Về hiến tế cổ truyền
của các người dân ngoại, ta không cần nói
nhiều, vì khuôn khổ bài này không cho phép. (Ở Việt Nam
mời xem : Việt Nam Phong Tục, của Phan Kế bính,
Thiên nhì, 90tt, mô tả chẳng
hạn lễ tế Kỳ phúc, Kỳ an).
Còn hiến tế cổ
truyền nơi dân Israen thì Thánh kinh cũng cho biết :
a- Ngay từ
thời tiền sử, ông Noê đã biết tế lễ.
Sau khi thoát nạn Đại Hồng thủy, ông Noê và gia
đình ra khỏi tầu:
“Ông
Nô-ê dựng một bàn thờ để kính
ĐỨC CHÚA. Ông đã lấy một số trong các gia súc
thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn
thiêu trên bàn thờ. ĐỨC CHÚA ngửi mùi thơm
ngon, và ĐỨC CHÚA tự nhủ : “Ta sẽ không bao
giờ nguyền rủa đất đai vì con
người nữa.” (St 8.20-21)
b- Thời dân Israen rong ruổi trong sa
mạc, sau khi xuất ra khỏi cảnh nô lệ Ai
Cập, cũng đã thiết lập qui chế việc
tế lễ.
“ĐỨC
CHÚA gọi ông Mô-sê, và từ Lều Hội Ngộ,
Người phán với ông rằng :
“Hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng
: Khi một người trong các ngươi dâng lễ
tiến lên ĐỨC CHÚA, nếu là gia súc thì các
ngươi phải dâng bò hay chiên dê làm lễ tiến.
[….] Người ấy sẽ sát tế con bò tơ
trước nhan ĐỨC CHÚA, và các con A-ha-ron là các tư
tế, sẽ tiến dâng máu ; chúng sẽ rảy máu chung
quanh bàn thờ đặt ở cửa Lều Hội
Ngộ […]…. sẽ đốt tất cả cho cháy nghi
ngút trên bàn thờ. Đó là lễ toàn thiêu, lễ hoả
tế, là hương thơm làm vui lòng ĐỨC CHÚA.”
(Lv 1.1-9)
c- Nhất là tế lễ long
trọng ký kết Giao Ước giữa dân Israel và Thiên Chúa ở núi Sinai :
“Ông Mô-sê xuống (núi) thuật lại cho
dân mọi lời của ĐỨC CHÚA và mọi
điều luật (Người truyền). […] Sáng hôm sau,
ông dậy sớm, lập một bàn thờ dưới chân
núi và dựng mười hai trụ đá (tượng
trưng) cho mười hai chi tộc Ít-ra-en. Rồi ông sai
các thanh niên trong dân Ít-ra-en - (hồi xưa ấy chưa
thiết lập hàng tư tế) - dâng những lễ
toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế ĐỨC
CHÚA. Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ
vào những cái chậu, còn nửa (phần máu) kia thì rảy
lên bàn thờ (biểu tượng Thiên Chúa). Ông lấy
cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ
thưa : “Tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã
phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo.” Bấy giờ, ông Mô-sê
lấy máu rảy lên dân và nói : “Đây là máu giao
ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em,
dựa trên những lời này.” (Xh 24.3-8).
Tất cả các hiến
tế kể trên, cách riêng của dân Israen, đều cho
thấy loài người dâng lễ vật là để mong
được Thần linh hay Thiên Chúa nguôi giận, tha
tội và ban ơn (như đã xem trên kia, 166tt), hoặc kết
ước với họ.
***
|