Trước phản đối
kịch liệt của người Do Thái, Đức Giêsu
không chùn bước : “Các ông đừng có xầm xì với nhau !” các
ông bây giờ chưa hiểu được Tôi
thực sự là Ai và Tôi từ đâu xuống. Trong một
lần khác, Người tuyên bố minh bạch hơn
nữa nguồn gốc thượng giới của
Người:
“Không
ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người,
Đấng từ trời xuống.” (Ga 3.13,31) ;
“Các ông bởi hạ giới, Tôi bởi
thượng giới.” (Ga 8.23)
Buồn
rầu trước sự cứng tin của người
Do Thái – và gián tiếp của cả nhân loại –
Đức Giêsu đưa ra lời nhận định rằng
nếu Chúa Cha không ban ơn, thì chẳng ai đến
với Người và tin Người được :
Quả
thật "Không ai có thể
đến với Tôi, nếu Chúa Cha, Đấng đã sai
Tôi không lôi kéo họ" (6.44).
Dựa vào
lời ấy, người ta có thể bào chữa cho
người Do Thái – và gián tiếp cũng cho cả loài
người chúng ta nữa – bằng lập luận này : Nếu Chúa Cha không lôi kéo, vì thế
người ta không đến được với Chúa
Giêsu và không tin vào Người, thì đâu có phải tại
lỗi họ ?
Đọc được ý
ngấm ngầm ấy, Đức Giêsu giải đáp ngay : Không phải vậy,
"Hết thảy
mọi người đều được Thiên Chúa
dạy dỗ, các tiên tri đã bảo thế, ai nghe và đón
nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với Tôi." tức là tin Tôi. (6.45)
Câu ấy muốn nói, mọi
người không trừ ai đều được
Thiên Chúa dạy dỗ, như lời các tiên tri bảo
thế, chẳng hạn như tiên tri Giêrêmia:
“Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ
khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. […] Chúng
sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói
với người kia: “Hãy học cho
biết ĐỨC CHÚA“, vì hết thảy chúng, từ
người nhỏ đến người lớn, sẽ
biết Ta - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” (Gr 31.33-34).
Đức Giêsu nói thế có nghĩa là mọi
người tùy hoàn cảnh đều được Thiên
Chúa âm thầm chỉ bảo trong tâm hồn, cách này cách
khác, theo đường lối vô phương dò thấu
của Thiên Chúa, nhưng cụ thể là qua tiếng
lương tâm, rồi qua những ơn soi sáng thúc giục
bên trong, còn bên ngoài nhờ những lời nhắc nhở
dạy dỗ của cha mẹ, thầy giáo, lời Sách
Thánh, lời giảng dạy của linh mục, của
Hội thánh, của sách vở báo chí tốt lành v.v…
Đạo lý Công giáo gọi
những điều đó là “Ơn thường sủng”
hay “Ơn Túc Sủng”, tức là Thiên Chúa ban cho tất
cả mọi người "đủ những
ơn" và phương tiện cần thiết
để lo việc cứu rỗi của mình, đúng
như lời Thánh Kinh dạy:
"Quyền năng thần linh của
Chúa đã ban tặng cho chúng ta tất cả những gì
cần cho sự sống và đạo hạnh…" (2 Pr 1.3). (Cũng xem : Sách Giáo
Lý Hội Thánh Công giáo, số 2000)
Như
thế Chúa muốn bảo người Do Thái – và tất
cả mọi người – là bằng những cách ấy
Thiên Chúa đang “lôi kéo” họ, nếu họ nghe và học
theo những lời đó, những tiếng nói đó - âm thầm
hay tỏ tường - của Thiên Chúa, họ sẽ
“đến với Chúa Giêsu” và tin Người.
Thành ra
họ cũng như bất cứ ai, không thể bào
chữa mình là vô tội : nếu họ không nghe theo
tiếng Thiên Chúa dạy dỗ trong tâm hồn, rồi bên
ngoài không được cha mẹ để tâm dạy
dỗ từ nhỏ, lớn lên lại theo chúng bạn
xấu, chịu ảnh hưởng của sách báo, phim
ảnh đồi bại, của lối sống buông
thả đầy gương mù của xã hội, buông theo
các xúi giục xấu xa của ác quỉ, v.v…, kết
cục là tâm hồn càng ngày càng lún sâu vào tính mê nết
xấu và lỳ lợm trong tội lỗi.
Sách Tam Tự Kinh nói
rất đúng :
a) Nhân chi sơ, tính bổn thiện ;
b) tính tương cận, tập tương viễn ;
c) cẩu bất giáo, tính nãi thiên ...
Nghĩa là
a) con
người ban đầu, khi mới sinh ra, đều
tốt lành, giống như tờ giấy trắng tinh,
b) ai ai cũng có tính
giống nhau, nhưng rồi sau, vì học tập hoặc
nhiễm những tập quán tốt hay xấu mà đâm ra
khác xa nhau, người thì trở nên tốt, kẻ thì
trở thành xấu ;
c) nếu không được dạy dỗ,
giáo dục, tính sẽ thay đổi, trở nên khác.
Đến lúc ấy
cho dù Thiên Chúa và ơn của Người có muốn ‘lôi kéo’
họ, thì cũng chẳng còn được nữa. Không
phải vì Thiên Chúa thiếu quyền năng, song chỉ vì
tôn trọng tự do của họ, mà họ thì lúc
ấy đã ra chai lỳ trong đàng xấu, chẳng
thèm để tai nghe những ơn soi sáng và thúc giục bên
trong, cũng như những lời chỉ bảo khuyên
nhủ bên ngoài của những người thân hoặc có
trách nhiệm. Nói cách khác, họ không cộng
tác với ơn sủng nữa. Xin nhắc lại
lời Thánh Aogutinô: “Thiên Chúa đã dựng nên bạn không
cần có bạn (cộng tác), nhưng Thiên Chúa không thể
cứu bạn nếu không có bạn (cộng tác) !”
Và
đến nước ấy là hết hy vọng, dù có ai
khẩn cầu giùm, có lẽ cũng chẳng
được Thiên Chúa nhậm lời, như có lần
Người phán bảo với dân Do Thái cứng lòng :
“ĐỨC CHÚA phán với tôi (ngôn sứ
Giêrêmia) : “Ngươi đừng cầu
nguyện cho dân này được may lành nữa ! Chúng có
ăn chay, cầu khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe
tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng
chẳng tỏ lòng xót thương….” (Gr 14.11-12)
“Cho dù Mô-sê và Sa-mu-en (những tôi trung và bạn thân
của Chúa) có đứng trước nhan Ta (mà cầu
khẩn), Ta cũng chẳng còn để lòng thương
dân này nữa. Hãy xua chúng cho khuất nhan Ta.” (Gr
15.1)
***
Trước khi bước sang
Phần thứ hai của Diễn từ Bánh Sự
Sống, Đức Giêsu tóm tắt Phần thứ
nhất bằng lời kêu gọi người ta tin vào
Người là Bánh đem đến Sự Sống, và
nhờ đó sẽ được Sống Đời Đời :
“Thật, Tôi bảo thật các ông, ai tin
(Tôi) thì được sự sống đời
đời. (Vì) Tôi là bánh (đem đến)
sự sống.” (6.47-48).
Tiếp theo Người nhắc
lại cho người Do Thái, và qua trung gian họ cho
mọi người rằng : hãy coi
gương lớp cha ông của họ, để
đừng bám víu hay trông cậy vào bất cứ thứ
bánh manna nào – ám chỉ những của vật chất của
trần gian này – vì nó không đem đến Sự Sống:
"Tổ tiên
các ông đã ăn man-na trong sa mạc,
nhưng đã chết” (c.49).
Hãy tìm Bánh đem đến
Sự Sống, Bánh từ trời xuống là chính Chúa Giêsu,
thì sẽ khỏi phải chết, cái chết đời đời :
“Còn
bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết." (c.50).
šš
|