Chúa đến để khai mạc
một kỷ nguyên mới: một trời mới,
đất mới --- Suy
niệm của JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Nếu biết trong tuần
tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không
biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ
hơn bình thường không? Tại sao?
2.
Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho
một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức.
3.
Để tỉnh thức theo tinh
thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì
phải làm những gì?
Suy tư gợi ý:
1. Nếu tôi biết tuần này kẻ
trộm sẽ đến nhà tôi, thì …
Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm
túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ
của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc
chắn một bọn trộm cướp đã dự
định đến «thăm» nhà ta tuần này. Được
tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như
mọi khi không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có
thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có
đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi
đâu xa những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con
cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? - Nếu đoán
biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn
ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng
lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn
đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên
tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc
nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất
là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu
đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm
sẽ thất bại.
Chỉ vì sợ mất của cải
vật chất chóng qua mà ta lo canh phòng như vậy, lẽ
nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh
của ta là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại
không lo lắng canh giữ?
2. Cách sống hiện tại quyết
định số phận vĩnh cửu
Số phận vĩnh cửu của ta tùy
thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc
sống hiện tại trong thời gian là mầm cho
cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ
trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây
xấu. Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt
đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và
định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt
cuộc sống này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta
chết lúc nào? Không ai biết được! Những
người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York
ngày 11-9-2001, hay trong tòa nhà 6 tầng các Trung Tâm Thương
Mại tại Sàigòn ngày 29-10-2002 không ai
ngờ được trước khi vào đó rằng hôm
ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không
ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo
đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên
cố ấy? Thế mới biết tai họa hay cái
chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong
bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi
nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng
nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn
cả! Thật đúng như thánh Phao-lô nói: «Khi
người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!”
thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình
ập xuống» (1Tx 5,3). Cái chết đến quả
thật như kẻ trộm! không thể
biết trước hay đoán trước được
lúc nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào
không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề
hết sức quan trọng chính là: số phận
đời sau của mình thế nào?
Số phận của chúng ta đời sau
chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu
đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương
mọi người đúng theo bản chất của mình
là «hình ảnh của Thiên Chúa» cũng là «con cái Thiên Chúa», thì
đời sau chúng ta sẽ được sống trong
một môi trường đầy yêu thương,
được gần gũi với chính Thiên Chúa của
Tình Thương. Trái lại, nếu đời này ta
sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa,
thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét,
hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ
phải sống trong một môi trường không có tình
thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều
đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân
quả: «Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh
quả xấu» (Mt 7,17). Tương tự như một
người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi
người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt
thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy
tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi,
thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần
người ấy đều tự nhiên cảm thấy
hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại,
một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình,
chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong
người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên
người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một
bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ,
và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở
với người ấy.
3. Ngày của Chúa
Đối với mỗi cá nhân, Ngày
của Chúa - hay ngày Chúa đến - chính là ngày ta chấm
dứt cuộc đời trần thế để
đến trình diện trước mặt Chúa hầu
được quyết định về số phận
vĩnh cửu của mình. Đối với toàn thế
giới, Ngày của Chúa chính là ngày tận thế, ngày mà
tất cả mọi người đã từng sống
trên trần gian đều phải trình diện
trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội
cũng như tất cả mọi thể chế trần
gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý
thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế
độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp,
mọi giai cấp, mọi tập thể… Lúc đó mọi
dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn
hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng
đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên
thế giới trong tất cả mọi lãnh vực
đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất
cả mọi người thấy, không một che dấu
nào mà không bị hiển lộ… Trước mọi sự
được tỏ bày, ai nấy đều tự mình
biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay
tội lỗi ở mức độ nào. Mọi
người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy
số phận của mình, của mọi người và
từng người được ấn định
một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.
Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang
cho những người thật sự công chính, vì họ
sẽ được giải oan, được mọi
người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng,
và tất cả những gì tốt đẹp của mình,
đồng thời được hưởng hạnh
phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u
buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người
giả công chính, giả đạo đức, những
kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác
của họ, dù được giấu diếm kỹ càng
đến đâu cũng đều bị lột trần,
phanh phui trước mọi người, và số phận
của họ sẽ là đau khổ muôn đời.
4. Thái độ tỉnh thức và sẵn
sàng
Ngày của Chúa đến như kẻ
trộm, không ai biết trước được, và là
ngày qui định dứt khoát số phận đời
đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan
nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng
ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù
có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại
vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy,
thái độ tỉnh thức là thái độ nào?
Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái
với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một
sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta
phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa
cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận
việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi
nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng
chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi
lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt
nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn,
ấm đã cạn sạch nước. Chậm một
chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu
hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!
Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin
Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục
đích cuộc đời mình là sống xứng với
phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái
Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh
cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống
phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu
thương, cụ thể nhất là yêu thương
những người gần mình nhất. Điều tôi
cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất
lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần tôi làm
cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét
cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc
biệt phán xét về những thiếu sót, những
điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta
thường tưởng rằng mình không làm điều gì
bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình
công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc
mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã
trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án
rồi. Cụ thể như khi đứng trước
một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất
công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng
đã được trả lại cho người bị
bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì
một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó
chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình
thương. Chính những tội về thiếu sót ấy
làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh
cửu.
Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ»,
mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh,
lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều
người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền
lực… đến nỗi chẳng những quên đi
bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn,
khát cho uống, lên tiếng trước bất công…), mà còn
sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân
nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết
người…) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng
ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những
điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở
thích…), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay
cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ,
đọc kinh, cầu nguyện…) cũng có thể ru
ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho
tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn
không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất
nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is
1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa
đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn
phận của ta đối với tha nhân một cách
hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh
thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc
mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.
Cầu nguyện
Lạy Cha, thì ra có rất nhiều
điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức.
Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những
đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê
cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm
ăn… có thể làm con quên đi bổn phận mà con
phải làm đối với những người chung
quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng
xóm… Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm
cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin
Cha đừng để những đam mê tốt lành
ấy làm con mất tỉnh thức.
|