CHẾT ĐẾN NƠI MÀ
VẪN LO DỌN DẸP SAO? --- Suy niệm của Lm. Mark Link.
"Hãy
tỉnh thức và cầu nguyện chờ Chúa đến
với chúng ta"
Đêm 15.04.1912, tàu TITANIC đang chạy
trên vùng Bắc Đại Tây Dương thì đụng vào
một tảng băng, con tàu lâm nguy và bị đắm,
hơn 1.500 người thiệt mạng. Đó là một
trong những tai nạn đường
biển khủng khiếp nhất trong lịch sử
từ trước tới nay.
Cách đây vài năm, có một tạp
chí đã nhắc lại thảm hoạ này và nêu ra cho
độc giả một câu hỏi nghe lạ tai mang đầy tính châm biếm: "Lúc tàu
TITANIC đang chìm, nếu chúng ta có mặt ở đó,
liệu chúng ta có còn tiếp tục dọn dẹp bàn
ghế trên tàu không?"
Thoạt
tiên ai cũng tự nhủ: "Câu hỏi này mới khôi
hài làm sao!", vì ngay lúc còi hụ báo tàu
đang chìm thì người có tâm trí bình thường; ai mà lo
đi thu xếp bàn ghế? Người có chút
tỉnh táo thì ai lại có thể phớt lờ tiếng
kêu la của đám người sắp chết
đuối, để mải mê lo dọn dẹp bàn
ghế!"
Tuy nhiên, cứ tiếp tục
đọc bài báo đó, chúng ta sẽ hiểu
được tại sao tác giả lại nêu lên câu
hỏi kỳ quặc trên, để rồi đột
nhiên chúng ta sẽ tự hỏi chính mình "Khi chiếc tàu
đang chìm xuống như thế, biết đâu chừng
mình lại tiếp tục dọn dẹp bàn ghế? Chẳng hạn như mình vẫn
cứ mải mê lo những chuyện vật chất
đời này đến nỗi bỏ bê cả những
việc thiêng liêng đạo đức của mình? Hay mình
cứ miệt mài kiếm sống đến nỗi
chả còn đầu óc để chú ý đến cùng
đích cuộc sống là gì nữa? Hay mình đã quá
đắm mình trong cuộc sống đến nỗi quên
mất lý do tại sao Chúa đã trao ban cuộc sống
ấy cho mình?
"Khi
chiếc tàu đang chìm, liệu chúng ta có mải mê lo thu xếp đồ đạc trên tàu mà quên
mất mình sắp chết đến nơi chăng?" Câu hỏi đó trùng hợp một cách lạ lùng
với câu hỏi mà Giáo Hội muốn nêu ra cho chúng ta trong
Mùa Vọng này. Cả ba bài đọc trong Thánh Lễ
hôm nay đều kêu gọi chúng ta tự vấn
"Liệu chúng ta có tiếp tục mải mê thu xếp đồ đạc mà quên mất
nguy hiểm là chiếc tàu đang chìm không? Chúng
ta có quá bận rộn với cuộc sống này
đến nỗi quên rằng mục đích cuộc
sống này là để chuẩn bị cho cuộc sống
mai sau không?" Quả thế, trong bài Phúc âm hôm nay,
Chúa Giêsu cảnh cáo chúng ta: "Các con đừng bê tha chè
chén say sưa hay quá lo lắng sự đời",
nghĩa là Ngài khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu
nguyện chờ Chúa đến. Chủ
đề này được lập đi lập lại
trong Phúc âm dưới nhiều hình thức. Chẳng
hạn ở một đoạn Phúc âm khác, Chúa Giêsu nói:
"Hãy coi chừng; hãy tỉnh táo: các con không biết
được ngày giờ nào Con Người sẽ
đến, vào giấc tối, nửa đêm, lúc gà gáy hay
vào buổi sáng… điều Ta nói với các con cũng là
điều Ta muốn nhắn nhủ mọi người
đó là Hãy tỉnh thức" (Mc. 33, 35-36).
Như
vậy rõ ràng Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh
thức và cầu nguyện để chờ đón Chúa
đến.
Tôi xin đưa ra một ví dụ
cụ thể để minh hoạ điều Chúa Giêsu
muốn nói khi Ngài bảo chúng ta hãy tỉnh thức và
cầu nguyện để chờ đón Chúa đến.
Cách đây mấy năm, tại
Hollywood, có một tài tử điện ảnh đột
nhiên ngã bệnh. Sau khi khám bệnh cho anh, ông bác sĩ riêng
của anh đã thẳng thắn nói cho chàng tài tử
biết: "Tình trạng sức khoẻ của anh bi
đát lắm: chúng tôi cần phải thực hiện
một cuộc giải phẫu kéo dài 36 tiếng
đồng hồ, may ra mới có
thể cứu sống anh được". Về sau,
chàng tài tử ấy đã thực sự thú nhận:
"Trong 36 tiếng đồng hồ ấy, tôi đã
học được nhiều điều hơn 36 năm
trước đó của tôi, và tôi đã cảm nghiệm
được. Tôi khám phá ra rằng tôi chẳng hề
sợ chết vì trước đó tôi có thói quen mỗi ngày
cầu nguyện với Chúa Giêsu và bây giờ khi phút giây cam
go xảy đến tôi cảm nhận được
kết quả của lời cầu nguyện ấy. Chính
lúc đó tôi mới khám ra rằng nhờ những lời
tâm sự, nói chuyện hàng ngày với Đức Giêsu
trước đó, mà giữa Ngài và tôi chẳng xa lạ gì
nhau, chúng tôi đã trở nên đôi bạn chí thân".
Phúc
cho ai nói lên được lời này khi Chúa đến:
"Lạy Chúa, sau bao năm trung thành với việc
tỉnh thức cầu nguyện, giờ đây con vui
mừng được diện kiến Ngài". Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, đó chính
là sứ điệp Giáo hội truyền dạy chúng ta
trong chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng này.
Vậy, chúng ta hãy lo tỉnh thức cầu nguyện
để khi Chúa Giêsu đến, Ngài sẽ nói với chúng
ta:
"Hãy đến đây, hỡi các con
yêu dấu của Ta. Sau
bao năm tháng xa cách, Ta thật hết sức vui mừng
được gặp lại các con".
Tôi
xin kết thúc bài giảng hôm nay bằng lời cầu
nguyện của một tác giả vô danh thuộc một
trường dành cho dân da đỏ tên là Red Cloud (Hồng
Vân) miền Pine Ridge tiểu bang South Dakota. Tư tưởng của lời
cầu nguyện này có liên quan đến chủ đề
phụng vụ hôm nay là Hãy Tỉnh Thức và Cầu
Nguyện:
"Kính
lạy Thần Trí cao vời, hơi thở Ngài đem
đến nguồn sống cho thế gian, con đang nghe
tiếng Ngài thì thầm trong gió thổi.
Xin
hãy lắng nghe con là kẻ bé mọn yếu hèn đang
khấn cầu Ngài đây.
Xin
cho con bước đi trên đường thiện
mỹ, đôi mắt lúc nào cũng chiêm ngắm cảnh
hoàng hôn màu tím, cho đôi tay con biết
kính trọng mọi tạo vật của Ngài, và đôi tai con
luôn nhạy bén nghe lời Ngài nói
Xin
cho con ơn khôn ngoan để hiểu thấu những
lời giáo huấn của Ngài, mà để con chế
ngự kẻ thù hung hãn nhất là chính bản thân mình.
Xin
cho con luôn sẵn sàng đến gặp Ngài với đôi tay thanh sạch và đôi mắt thẳng ngay
và khi cuộc đời xế tàn tựa bóng hoàng hôn
lịm tắt, tâm hồn con không phải hổ thẹn khi
diện kiến Ngài. Amen."
|