Con đường
hạt lúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
Ga 12, 20-32
Khi đến Rôma, tôi thích đi
viếng những hang toại đạo. Hang toại
đạo là hệ thống đường hầm đào
sâu dưới lòng đất tại các khu nghĩa trang
ngoại thành Rôma. Những hang hầm dài nhiều cây
số. Không phải chỉ một tầng mà đến 3,
4 tầng sâu dưới lòng đất. Không khí trong hang
thật lạnh lẽo. Hơi lạnh từ
lòng đất toát ra cộng với hơi lạnh từ
những nấm mồ càng làm cho khu hầm mộ trở
nên lạnh lẽo đáng sợ. Người
sống phải đấu tranh với cái chết.
Sự chết luôn đe doạ rình rập cướp
lấy mạng sống con người. Tại nơi
đây, các tín hữu sơ khai đã ẩn trốn
những cơn bách hại liên tiếp trong 3 thế kỷ.
Có lẽ thánh Phêrô và thánh Phaolô cũng đã từng đi
lại sinh hoạt trong những hang này. Người
tín hữu sơ khai đã phải sống trong những
điều kiện như thế để bảo vệ
đức tin của mình.
Nhưng thật kỳ diệu. Các vua chúa của đế quốc Rôma
hùng mạnh đã tìm cách tiêu diệt một nhóm
người nghèo khổ yếu ớt không một tấc
sắt tự vệ. Không phải chĩ
bắt bớ trong một chiến dịch ngắn hạn
mà là một chủ trương kéo dài suốt 300 năm.
Vậy mà các vua chúa qua đi rồi, nhóm
người nghèo khổ yếu ớt đó không những
chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ
hơn bao giờ hết. Đi dưới lòng hang
toại đạo tôi mới thấm thía ý nghĩa của
lời Chúa nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không
chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn
nếu chết đi, nó mới sinh được
nhiều hạt khác”. Hạt giống Giáo
Hội đã bị chôn chặt dưới 3, 4 tầng
đất. Hạt giống đức
tin đã bị vùi sâu đến 300 năm. Tất cả các thánh Tông đồ, các tín hữu
sơ khai đã bị mục nát. Và các
ngài đã làm trổ sinh cả một mùa gặt dồi dào
phong phú. Cả châu Âu đã tin theo
Chúa.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội
Việt Nam, ta cũng thấy có
sự tương tự.
Khi đạo Chúa mới được
truyền vào Việt Nam, lập tức bị các
vua chúa phong kiến bắt bớ. Cuộc bắt bớ kéo
dài khoảng 300 năm. Đủ mọi
hình thức để tiêu diệt đạo. Nào là cấm cách bắt bớ. Nào
là đe doạ bạc đãi. Nào là xua
đuổi ra khỏi những vùng trù phú phồn vinh. Nào là phân sáp, tức là tách ly cha mẹ, anh chị
em trong một gia đình bắt đi sống riêng rẽ
trong các gia đình ngoại đạo. Nào
là lấy thép nung đỏ khắc chữ “tả
đạo” trên má ngưới có đạo. Và
nhất là lên án tử hình những
người có đạo. Người tín
hữu trung thành với đức tin phải trốn
chạy chết trên rừng thiêng nước độc.
Nếu bị bắt có thể bị chết
trong tù. Nếu không cũng bị xử án
tử hình. Có đấng bị chém
đầu. Có đấng bị trói chân tay
vào chân ngựa. Bốn con ngựa kéo về bốn góc xé nát
xác vị tử đạo. Có đấng bị kết án cho voi dày. Thê thảm nhất có lẽ là án bá đao. Cứ sau một
hồi chiêng trống, đao phủ xẻo một
miếng thịt cho đến khi chết.
Dù
các vua chúa đã dùng đủ mọi cách tiêu diệt nhóm
người bé nhỏ yếu ớt trong 300 năm. Trong 3 thế kỷ đó có khoảng 100 ngàn
người chịu chết vì đạo. Nhưng số người tin Chúa ngày càng gia
tăng. Từ một nhóm nhỏ
người bị bắt bớ, nay số tín hữu
tại Việt Nam đã hơn 6 triệu
người. Hạt giống đức tin gieo trồng vào quê
hương Việt Nam đã bị vùi sâu, đã
bị mục nát, và nay đã trổ sinh một mùa gặt
phong phú. Một lần
nữa chúng ta lại xác tín lời Chúa dạy: “Nếu
hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó
vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi,
nó mới sinh được nhiều hạt khác”.
Nhìn
lại lịch sử, ta càng thêm tin tưởng vào Lời
Chúa. Nếu đang gặp khó khă trong đời
sống đạo, ta hãy an tâm. Như
Đức Giêsu đã chịu gian nan khốn khó, phải
chịu bắt bớ, nhục mạ, phải chịu
chết tủi hổ trên Thánh giá, các môn đệ con cái
Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con
đường Thánh giá. Như các bậc tiền nhân
xưa đã chịu vất vả khổ cực
để xây dựng một Giáo Hội vững mạnh
như ngày nay, ta tin tưởng những gian nan
khốn khó của ta rồi cũng sẽ trôi qua. Nếu ta biết chịu đựng những
đau đớn, khó khăn, vất vả vì Chúa.
Nếu ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin
qua mọi gian nan thử thách, chắc chắn Chúa sẽ ban
cho ta một mùa gặt bọi thu, kết quả phong phú
ngoài sức tưởng tượng của ta.
Lạy Các Thánh Tử đạo
Việt Nam, xin dạy con noi
gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với
Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Khi mới khai sinh Giáo Hội
đã bị bách hại trong 3 thế kỷ. Nhưng Giáo
Hội vẫn phát triển. Điều này dạy ta
điều gì?
2- Hãy tóm tắt 3 thế kỷ
đầu của Giáo Hội Việt Nam.
3- Muốn đạo Chúa phát
triển ta phải làm gì?
|