Một vị thánh đặc biệt
LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ, LM Anthony Trung Thành
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Một vị Thánh có nhiều điều đặc biệt.
Điều đặc biệt thứ nhất, tất cả các thánh đều mừng ngày tử, tức là ngày sinh nhật trên trời. Riêng Thánh Gioan Tẩy Giả, không những mừng ngày sinh nhật trên trời mà ngài còn được Giáo hội mừng ngày sinh nhật dưới đất. Điều đó nói lên tầm quan trọng của vị thánh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu khẳng định “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan” (Lc 7,28). Ngày hôm nay, nhiều người mừng sinh nhật. Mừng sinh nhật của chính mình. Mừng sinh nhật cho vợ, chồng. Mừng sinh nhật cho con cái. Các em học sinh, sinh viên, đồng nghiệp đi mừng sinh nhật của bạn bè. Mừng sinh nhật đúng nghĩa phải là dịp để tạ ơn Chúa, cám ơn Cha mẹ đã cho mình sinh ra trên cõi đời này. Mừng sinh nhật là dịp thuận tiện để nhìn lại một năm qua mình sống với Chúa với anh em như thế nào. Có “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và đạo đức” không? Với ý nghĩa đó, mừng sinh nhật là một việc làm tốt, đáng khuyến khích. Nhưng trong thực tế, nhiều người tổ chức mừng sinh nhật chỉ để vui chơi, tiệc tùng, thậm chí còn nhằm mục đích thương mại.
Điều đặc biệt thứ hai, chỉ có Thánh Gioan được khỏi tội tổ tông truyền ngay từ trong lòng mẹ. Chúng ta biết: sau khi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, đồng thời Thiên Thần báo tin cho Đức Mẹ về sự kiện bà Êlisabét đã cưu mang con trai trong tuổi già. Đức Mẹ đã lên đường đi thăm. Khi hai bà mẹ gặp nhau. Thánh Gioan nhảy mừng trong lòng bà Êlisabét, đồng thời Thánh Gioan được khỏi tổ tông truyền ngay lúc đó. Như vậy, Thánh Gioan là người duy nhất được khỏi tổ tông truyền ngay từ trong lòng mẹ. Còn mỗi chúng ta chỉ được khỏi tổ tông truyền khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Thánh Gioan được khỏi tội tổ tông truyền nhờ cuộc viếng thăm của Chúa Cứu Thế ngay từ trong lòng mẹ. Mỗi người chúng ta được khỏi tội tổ tông truyền nhờ bí tích rửa tội. Sứ mạng của Gioan là dọn đường cho Chúa Cứu thế đến. Sứ mạng của chúng ta là thực hiện những lời thề hứa khi lãnh nhận bí tích rửa tội: từ bỏ ma quỷ, tuyên xưng đức tin, gìn giữ “chiếc áo trắng tinh tuyền, là “muối cho đời”, là “ánh sáng cho trần gian”(x. Mt 5,13-16)
Điều đặc biệt thứ ba, tên của Thánh Gioan là do chính Thiên Chúa đặt cho. Mỗi người chúng ta sinh ra trên đời này đều được đặt tên. Tên của ta thường được Cha mẹ, ông bà hoặc người khác đặt cho. Còn tên của Thánh Gioan Tẩy Giả được chính Thiên Chúa đặt cho. Phúc âm kể lại rằng: Lúc ông Giacaria đang lo việc tế tự trước nhan Thiên Chúa, một Thiên thần cua Chúa hiện ra với ông, đứng bên phải hương án. Thiên Thần bảo ông : "Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin: bà Ê-li-sa-bét vợ ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai, và ông phải đặt tên cho con là Gio-an”. (x. Lc 1,8-13). Tên là người. Mỗi người đều gắn liền với một cái tên. Tên tuổi đi vào lòng đời với những vui buồn, sướng khổ, với những thành công, thất bại, với những điều tốt và những điều xấu. Vì vậy, có những tên tuổi để lại cho đời những điều tốt đẹp, có ích cho đời. Khi nhắc đến tên họ, mọi người đều biết ơn và nể phục, như: thánh Gioan Tẩy Giả, Mẹ Têrêxa Caculta… Ngược lại, có những tên tuổi không ai muốn nhắc đến. Nếu có nhắc đến cũng chỉ để khinh dễ, chê bai, như Giuđa, như Hitle…Tên tuổi của chúng ta như thế nào? Chúng ta đã làm được gì cho đời? cho Giáo Hội? Cho Chúa?
Điều đặc biệt thứ tư, Thánh Gioan không những được gọi là Tẩy Giả mà còn được gọi là Tiền Hô. Tiền hô tức là đi trước. Thánh Gioan là người đi trước để dọn đường, loan báo Chúa Cứu Thế sắp đến. Ngài kêu gọi mọi người ăn năn thống hối và làm việc bác ái: “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.”(x. 3,4-6). "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy."Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? "Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông: "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ: "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình."(Lc 3,11-14). Sau này, khi biết vua Hê-rô-đê đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, Thánh Gioan đã can ngăn rằng: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!"(x. Lc 6,17-18). Như Gioan, mỗi chúng ta đều có sứ mạng “Tiền Hô”. Dọn đường để Chúa đến với mình bằng cách: sám hối ăn năn tội, xưng tội, quyết tâm từ bỏ các nết xấu. Dọn đường cho Chúa đến với tha nhân bằng cách: rao giảng, làm chứng bằng cách bênh vực cho công lý và sự thật, làm chứng bằng đời sống bác ái yêu thương.
Điều đặc biệt thứ năm, Thánh Gioan sinh ra bởi cha mẹ là những người đặc biệt. Ông Dacaria đã già. Bà Êlisabét đã quá tuổi sinh nở. Mặc dầu mang tiếng “hiếm hoi” nhưng hai ông bà không phàn nàn kêu trách Chúa. Ngược lại, hai ông bà có đời sống mẫu mực: là người công chính, giữ trọn vẹn luật Chúa, không ai chê trách được điều gì. Tin mừng Thánh Luca kể lại: “Thời vua Hê-rô-đê cai trị miền Giu-đê, có một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, tên là Dacaria; vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Cả hai ông bà đều là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa, không ai chê trách được điều gì. Nhưng họ lại không có con, vì bà Êlisabét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên”(Lc 1, 5-7). Noi gương hai ông bà, mọi người chúng ta được mời gọi: dù sống trong hoàn cảnh nào, phải biết sống đúng đấng bậc của mình. Nhất là những người cha người mẹ biết chu toàn bổn phận làm cha làm mẹ. Biết tôn trọng sự sống con cái mà Chúa ban ngay từ khi mới được thu thai. Sinh con và giáo dục con cái theo luật Chúa và Hội thánh. Giáo dục con cái hiệu quả nhất là Cha mẹ biết sống công chính, giữ luật Chúa, biết làm gương sáng cho con cái neo theo.
Điều đặc biệt thứ sáu, Thánh Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan. Tin mừng theo Thánh Mathêu tường thuật biến cố trọng đại này như sau: “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! "Nhưng Đức Giê-su trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính." Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người”(Mt 3, 13-15). Thánh Gioan đã làm phép rửa cho Chúa. Nhiều người đến xin Thánh Gioan làm phép rửa cho mình. Mỗi chúng ta được mời gọi làm phép rửa cho tha nhân. Chúa dạy: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Tôi đã thực hiện lời mời gọi này như thế nào? Đã rửa tội được bao nhiều người? những người đến với tôi, tôi có làm cho họ trở nên tốt hơn không? Hay tôi lại là rào cản không cho tha thân đến với Chúa, với Giáo hội?
Điều đặc biệt thứ bảy, Thánh Gioan trước khi rao giảng sự sám hối đã vào hoang địa, vùng đồi núi Giuđê, từ bỏ cuộc sống sung túc, để tu thân, sống một cuộc sống khắc khổ: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng (x. Mc 1,6). Không những thế, Thánh Gioan còn tu thân bằng một cuộc sống khiêm nhường. Khi được hỏi: Ngài có phải là Đấng phải đến không? Gioan trả lời rằng: "Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3,16). Chính nhờ đời sống tu thân của mình, thánh Gioan đã thu hút được nhiều người đến với Ngài, nghe và thực hiện theo lời Ngài giảng. Làm chứng bằng đời sống bao giờ cũng có hiệu quả hơn bằng lời nói. Đúng như Đức Thánh Cha Phaolô VI đã khẳng định: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Evangelii nuntiandi, số 41). Trong Nho Giáo, từ tu thân luôn đặt hàng đầu: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tu thân, tức là luôn nghiêm khắc với bản thân mình, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ sai sót nhằm hoàn thiện bản thân. Tề gia, tức là làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh, có nề nếp, gia phong. Trị quốc, tức là lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước. Bình thiên hạ, tức là khiến cho thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. Để phúc âm hoá đời sống gia đình, giáo xứ, xã hội thì cần phải phúc âm hoá chính mình. Để rao giảng Tin mừng có hiệu quả, mọi người chúng ta luôn được mời gọi tu thân. Tu thân có hiệu quả nhất là biết noi gương thánh Gioan Tẩy Giả: biết hi sinh hãm mình, sống khiêm nhường.
Mừng lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay, chúng ta tạ ơn Chúa vì những ân đặc biệt Ngài ban cho vị thánh đặc biệt này. Thánh lễ hôm nay cũng mời gọi mỗi người chúng ta trở thành một Gioan Tẩy Giả của thời đại. Biết tu thân. Biết thực thi trọn vẹn những lời thề hứa ngày lãnh nhận bí tích rửa tội. Biết dọn đường cho Chúa đến với mình và tha nhân. Biết rao giảng Tin mừng bằng chính đời sống hy sinh hám mình, khiêm nhường, bác ái yêu thương. Biết làm chứng cho công lý và sự thật… Xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Amen
LM Anthony Trung Thành
|