BÀI LỜI CHÚA 24
điỀu răn thỨ năm :
chỚ giẾt ngưỜi
Trích sách Thẩm phán, ch.9
A-bi-mê-lếch là con ông Ghê-đê-ôn,
vị Thủ Lãnh lừng danh của dân Israen, từng
đánh thắng quân Ma-đi-an, song cậu chỉ là con sinh
ra bởi một tỳ thiếp người Si-kem, trong
số 71 người con của ông Ghê-đê-ôn, nhưng
A-bi-mê-lếch lại đầy tham vọng. Sau khi cha
chết, cậu muốn đoạt ngai vàng, để
thực hiện mưu đồ, A-bi-mê-lếch về quê
mẹ, nhờ họ hàng thân thích bên ngoại cung cấp
tiền nong, để mua chuộc những đứa
lưu manh, côn đồ. Kết bè kết đảng
đã đông, hắn cùng đồng bọn lập mưu
bắt tất cả 70 anh em ruột của mình rồi
giết hết, chỉ trừ có Yô-tam, em út, nhờ ẩn
mình nên thoát chết. A-bi-mê-lếch thành công khiến các thân
sĩ, kỳ hào và dân thành tôn hắn lên làm vua.
Nghe
tin ấy, Yô-tam lên núi Ga-ri-dim, bắn tin về cho dân Si-kem
rằng :
Các vị vương công hãy xét xem : các
ông đã giúp một đứa vô loại giết 70 anh em
tôi, lại tôn nó lên làm vua. Phải chăng các ông đã
đền công ơn cha tôi liều mạng đánh quân
Ma-đi-an để giải thoát các ông như thế sao ?
Coi chừng ! Lửa giận của tên vô loài ấy sẽ
phát ra thiêu chết các ông làm một với chính nó !
Nói xong, Yô-tam lẩn đi
trốn. Ba năm sau, lời tiên báo đã ứng nghiệm.
A-bi-mê-lếch và các thân sĩ, kỳ hào Si-kem xích mích rồi
phản nhau. Hắn bị đuổi ra khỏi lâu đài.
Tức giận, hắn thu họp bè đảng đến
phá thành, tàn sát dân chúng. Các vương công và một số
tổng cộng hơn ngàn người chạy trốn vào
cái miếu thờ thần Ba-an. Hắn bèn chất lửa
thiêu chết tất cả.
Lần
kia, đang khi đánh phá một thành kiên cố và muốn
phóng hỏa, thì một người đàn bà, từ trên thành
ném một cối đá xuống đầu hắn làm
hắn vỡ sọ (Xem hình). Hắn vội vàng gọi tên
hầu :
- Tuốt
gươm mà giết tao đi, kẻo thiên hạ nói về
tao : một đứa đàn bà đã giết nó.
Vậy tên hầu đã đâm hắn
chết. Thế là tên độc ác đã chết : hắn
bắt đầu bằng cuộc sát huynh, tiếp
tục bằng cuộc sát nhân, kết liễu
bằng việc tự sát.
* Đó là
Lời Chúa ! - Tạ ơn Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Điều răn thứ năm dạy : chớ
giết người. Truyện Kinh Thánh hôm nay cho ta thấy
một kẻ giết người không ghê tay : anh em
ruột thịt hắn đã giết, đồng bào
đồng hương hắn cũng giết, cuối
cùng, chính hắn tự giết mình.
Tội ác của hắn, chúng ta tất cả đây
chắc chẳng ai dám phạm. Vậy cái gì đáng cho ta
học ở bài này ? Đó là : tại sao hắn giết
người ghê gớm như thế ? Thưa : tại
hắn không được hiểu về giá trị
của mạng sống con người, của sự
sống thể xác quí trọng dường nào ! Khi
người ta biết được một vật nào quí
giá, người ta sẽ thận trọng gìn giữ và
bảo vệ nó.
Như vậy điều răn : chớ giết
người, tức là Chúa dạy hãy tôn trọng mạng
sống, sự sống thể xác của con người,
của mọi người, cũng như của chính mình.
Điều đó, ta cần học hiểu.
Giáo huấn ấy được tóm tắt như
sau :
Thứ
nhất : Thiên Chúa đã dựng nên thân xác
ta vì lòng yêu thương nhân từ, đã uốn nắn và
tổ chức nó một cách tuyệt diệu, và phú linh
hồn vào cho nó được sống với tư cách là
một con người.
Thứ hai : Thế rồi, trong Phép Rửa tội, Chúa Thánh
Thần đến thánh hóa thân thể ta và dùng làm
Đền Thờ Ngài ngự.
Thứ ba : Ngày tận thế, Chúa sẽ cho xác ta sống
lại vinh hiển và hợp với hồn mà sống mãi
đời đời hạnh phúc với Chúa và các thần
thánh.
Thật là giáo lý tốt đẹp, cao siêu ! Chưa
từng có một triết lý nào, một đạo nào
đạt tới. Ta hãy lấy làm vinh dự. Nhưng
nhất là đó không phải là một mớ tư
tưởng suông, không tưởng, nghe cho sướng tai.
Giáo lý ấy rất thực dụng, nó đụng chạm
đến chính mình ta, vì mỗi chúng ta đều đang có
một thân xác được Chúa ban cho hưởng các
điều quí giá ấy. Tức là thân xác tôi, thân xác anh
chị em, thân xác ông bà, cô bác đang có mặt đây : thân
xác mỗi người chúng ta được Thiên Chúa nhân
từ tạo dựng (bằng cách nhờ cha mẹ sinh ra),
rồi được thánh hóa, đáng tôn đáng quí và là
Đền Thờ Chúa Thánh Thần ngự. Đến
nỗi, có một người đạo đức kia, khi
xưa, mỗi lần đến thăm đứa con
nhỏ của mình, thì ông quì xuống hôn trên ngực con mà
nói : “Thiên Chúa đang ngự tại đây !”. Cuối cùng,
thân xác ta sẽ được sống lại, sau một
giấc ngủ dài là sự chết vì hình phạt tội
lỗi, để được sống vinh hiển và
hạnh phúc đời đời với Chúa, với
Đức Mẹ và các thần thánh.
Sướng chưa, hỡi anh chị em ?
Vậy, điều
thứ nhất, ta phải nhớ là thân xác và
mạng sống ta là của quí giá, vô giá, trong số tất
cả mọi của quí giá ở thế gian này.
Điều
thứ hai, ta phải
nhớ là chính Thiên Chúa đã dựng nó cho ta. Hẳn chúng ta,
ai cũng còn nhớ đoạn Kinh Thánh (sách Sáng thế,
ch.1 và 2) mô tả cách nôm na, bình dân và rất mộc mạc
việc Thiên Chúa nắn con người từ bụi
đất, rồi hà hơi sống vào mũi cho họ
thành mạng sống, có bản tính linh thiêng (như
người xưa đã nói : “nhân ư vạn vật duy
linh” giữa vạn vật vô tri giác, chỉ có loài
người duy nhất là có bản tính linh), là có trí khôn, có
tình yêu, có tự do... và được Thiên Chúa đặt
làm bá chủ muôn loài trên vũ trụ này.
Vậy, Kinh Thánh dạy rõ ràng là mạng sống ta do
Thiên Chúa tốt lành, yêu thương và quyền phép dựng
nên, chứ không phải do ngẫu nhiên mà có, hay do ông
thần, bà chúa nào nắn đúc nên.
Ở đây, có người hỏi : người Công
giáo có thể chấp nhận giả thuyết (vì chưa
chắc chắn hẳn) về nguồn gốc loài
người từ các vật cấp thấp tiến hóa dần lên thành
người không? Đáp : có thể, với điều
kiện là phải nhận sự tiến hóa ấy là do
Thiên Chúa đã an bài và điều khiển, không do tự
nhiên. Chính Kinh Thánh, qua lối tả mộc mạc, cổ xưa,
cũng đã thoáng cho thấy có sự tiến hóa : Thiên Chúa
nắn nên con người từ bụi đất (Kn 2.7) :
Thiên Chúa nắn từ bụi đất, chứ không
tạo dựng từ không, tức là đã lấy từ
đất, là vật có sẵn trước ... Rồi
nắn (thì làm giống như ông thợ gốm) cần
phải khởi đầu thô sơ, từ từ mới
tới hoàn bị, đầy đủ, nên phải có
thời gian, lâu ngày lâu năm, hàng triệu triệu, hàng tỷ
năm... Đức tin Công giáo chỉ buộc một
điều này : phải tin chính Thiên Chúa ban sự sống,
chứ không phải tự nhiên mà có, cho dù bên ngoài, lấy
ống kính mà quan sát, lấy khoa học mà nghiệm xét, thì
chỉ thấy là do các định luật tự nhiên tác
động vào nhau mà thành. Mà sự sống của Thiên Chúa
ban (cho con người) lại là một sự sống linh
thiêng, bất tử, chứ không phải chết rồi,
tan biến vào hư vô như cây cỏ, súc vật.
Điều thứ ba ta phải nhớ : Thiên Chúa đã tạo dựng ta
để sống đời đời, bất tử,
cả linh hồn lẫn thể xác. Kinh Thánh dạy rõ ràng
(Sách Khôn ngoan, 1.13-15, 2.23) :
“Vì Thiên Chúa không làm ra sự
chết,
Ngài không vui gì khi sinh linh hư
diệt,
Quả thế, Ngài đã dựng
nên mọi sự cho chúng được tồn tại.
Những gì được sinh
thành ra trong vũ trụ đều lương hảo.”
“Thiên Chúa đã dựng nên con
người để được bất tử, vì Ngài
đã làm ra nó như hình ảnh, bản tính Ngài”.
Nhưng người ta sẽ vấn nạn : tại
sao có sự chết mà ai cũng phải chịu, kể
cả người Công giáo ? Kinh Thánh trả lời : “Nếu chết có nhập trần
gian, ấy là do ma quỉ đố kỵ” (vì thế nó
xúi giục nguyên tổ ta phạm tội để ta
mất Chúa như nó) (x. St 3.1-19; Rm 5.12tt). Thành ra, ta phải
chết, do ta đã phạm tội. Nhưng Chúa Giêsu đã
đến cứu ta khỏi tội và khỏi chết.
Từ đó, cái chết chỉ là giấc ngủ cho ai tin
vào Chúa Giêsu. Rồi một ngày kia, ngày Chúa đến Quang
Lâm lần thứ hai trên địa cầu, những kẻ
tin Chúa sẽ được sống lại, bất
tử, và sống mãi đời đời.
Tích
truyện
Có
người kia đến hỏi cụ đồ nho
rằng :
- Tại sao ngày xưa đàn ông
để tóc dài rồi búi tó sau gáy ?
Cụ
đồ đáp :
- Đó là để
giữ hiếu với cha mẹ, vì thánh hiền dạy
rằng : cha mẹ đã sinh thành ra mình, thì mình phải
giữ toàn vẹn cái thân do cha mẹ ban cho, làm mất một
phần nào, làm hư hỏng hay hủy hoại, là phạm
tội bất hiếu ; cho nên, cắt tóc là hủy hoại
một phần trong thân thể nên không được.
Xưa,
hồi Đức Khổng Tử còn sống, Mạnh
Vũ Bá đến hỏi Ngài rằng :
- Làm con, hiếu với cha mẹ
điều gì là cần nhất ?
Đức
Khổng Tử trả lời :
- Cha mẹ thương
con đồng đều, duy chỉ có đứa nào
tật bệnh là cha mẹ để lòng âu lo nhiều
hơn (phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu). Cho nên,
muốn hiếu, người con tất phải cẩn
thận, giữ gìn thân thể, chớ làm gì hại,
để cha mẹ đỡ lo âu, ấy là hiếu. (Trích
: Khổng học đăng của cụ Phan Bội Châu,
tr.205).
Xem như truyện trên đây, người ta vì
hiếu với cha mẹ mà trọng thân thể, giữ gìn
bảo vệ đến mức đó, ta lại không
thể vì hiếu với Cha trên trời, Đấng sinh
dựng nên ta mà quí trọng, giữ gìn mạng sống và
thân thể ta hơn sao ?
Hôm nay, trước khi đọc kinh đền
tạ, xin gia đình hãy đọc kinh Cám Ơn, để
cám ơn Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ ta,
chẳng để ta không đời đời, tức là
để ta trong hư vô, không có trên đời này, mà đã
dựng nên ta, cho ta được làm người...
#########
|