Khánh Nhật Truyền Giáo – Lm.
G.B. Văn Hào
Trong
cuộc tông du tại Hoa Kỳ vừa qua, Đức Thánh
Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh lễ ngày 23 tháng Chín
năm 2015 tại Đền Thánh Đức Mẹ Vô
nhiễm ở Washington DC để tuyên thánh cho Cha Junipero
Serra, một vị thừa sai dòng Phanxicô gốc Tây Ban Nha. Vị Thánh đã đến Châu Mỹ làm việc
cho thổ dân da đỏ và đã đón nhận cái
chết tử đạo để minh chứng
đức tin. Trong bài giảng,
Đức Thánh Cha nhắc lại câu châm ngôn của vị
thánh, đó là “Hãy luôn tiến lên phía trước để
rao giảng Tin mừng”. Đức Thánh Cha cũng
gợi lại tư tưởng mà Ngài đã viết trong
tông huấn ‘Niềm vui của Tin mừng’ (Gaudium Evangelii): “ Từ sâu tận tâm hồn, Chúa Giêsu mời
gọi chúng ta hãy ra đi. Đừng ở
lỳ một chỗ để an hưởng một
cuộc sống nhàn hạ. Đức Giêsu nói với
các Tông đồ: Hãy đi rao giảng. Niềm vui Tin
mừng là điều chúng ta phải trải nghiệm cách
cụ thể. Chúng ta không có niềm vui đó
nếu chúng ta không biết xả thân và trao ban”. Đây cũng là sứ điệp Giáo hội
gửi trao đến chúng ta trong ngày Chúa nhật truyền
giáo hôm nay.
Truyền giáo là lên đường.
Trong
thư gửi giáo đoàn Ephêsô, Thánh Phaolô
đã nói đến bốn phần vụ trong Giáo hội
để xây dựng nhiệm thể Đức Kitô, đó
là: làm tông đồ, làm ngôn sứ, làm người loan báo
Tin mừng, làm người coi sóc và dạy dỗ (Eph 4, 11).
Trong bốn chức năng đó, trở thành người
loan báo Tin mừng đòi hỏi sự hi sinh và dấn thân
hơn cả, bởi vì người đó phải ra đi
và lên đường. Người đi rao giảng Tin
mừng phải rời bỏ tất cả: từ gia
đình, quê hương, đến nơi ăn
chốn ở và mọi dính bén khác. Căn gốc của
sự ra đi chính là từ bỏ chính mình. Khi sai các
học trò đi thực tập truyền giáo, Chúa Giêsu
chỉ trang bị cho các ông một món hành trang duy nhất,
đó là ‘năng quyền trừ quỷ và chữa lành các
bệnh tật’, ngoài ra không tiền bạc, không bao bị,
không mặc hai áo, không giầy dép..( Lc
9,3). Vì vậy truyền giáo trước hết là phải
sẵn sàng lên đường và ra đi đến mọi
ngõ ngách của thế giới, đặc biệt
đến những vùng ven (peripheries) như lời
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi. Cuộc
ra đi như vậy đòi hỏi phải chấp
nhận phiêu lưu cách mạo hiểm, và cao điểm
của cuộc hành trình liều lĩnh đó là chấp
nhận cái chết như Đức Kitô trên Thập giá.
Khi phong Thánh cho Cha Serra cuối tháng Chín vừa
qua, Đức Thánh Cha đã nhắc lại đôi nét
về sự ra đi của Ngài. Vị Thánh đã
quảng đại từ khước địa vị
danh giá là ghế giáo sư đại học ở Tây Ban Nha
để lên đường sang Tân thế giới,
phục vụ cho Tin mừng và ơn cứu độ. Cuộc mạo hiểm của Ngài đã phải
trả giá, nhưng là cái giá của vinh thắng.
Vừa khi mới đặt chân đến Mexicô, chân
của Ngài đã bị sưng tấy vì dị ứng và
đau đớn tột cùng, giống như bị ung thư hay bị nhện rừng cắn. Cao điểm của cuộc phiêu lưu này là Ngài
đã bị giết chết, để bảo vệ các
thổ dân. Một thi sỹ đã viết: “ Ra đi là chết trong lòng một ít”.
Nhưng sự ra đi trong hành trình truyền giáo là sao chép
lại tận căn chính cái chết của Đức
Giêsu, vị truyền giáo đầu tiên, và cũng là nguyên
mẫu cho chúng ta trong việc thực thi sứ mệnh rao
giảng Tin mừng.
Đức
Giêsu, nguyên mẫu của ơn gọi truyền giáo.
Năm mươi năm trước,
Công đồng Vaticanô 2 đã ban hành sắc lệnh về
truyền giáo ‘Ad Gentes’. Ngay từ chương đầu tiên của giáo
huấn này, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn về
Đức Kitô như là nguyên mẫu cho sứ vụ
truyền giáo. Công đồng đưa dẫn
nhiều trích đoạn kinh thánh để cho chúng ta
thấy Đức Kitô là Đấng được Chúa Cha
sai đến trần gian hầu thực hiện sứ
mạng cứu thế ( Col 1, 13; Cv 10, 38;
2C 8, 9..). Vì vậy khi nhìn vào Đức Giêsu, chúng ta có
thể nghiệm ra rằng, 2000 năm trước Ngài
đã đi vào trần thế không phải để sáng
lập một tôn giáo, cũng như không phải để
quảng bá một học thuyết chính trị. Ngài
đến chỉ với sứ mạng duy nhất là công
bố cho chúng ta một Tin mừng, đó là Tin mừng
về lòng thương xót của Thiên Chúa đối
với con người. Đức Giêsu đã lập đi
lập lại sứ điệp này trong suốt ba năm
rao giảng công khai, và cái chết của Ngài trên Thập giá
chính là đỉnh điểm của lời công bố Tin
mừng vĩ đại ấy. Vì vậy, để sống tinh thần truyền
giáo, chúng ta phải học nơi Thập giá Đức
Giêsu. Ngài chính là vị truyền giáo
đầu tiên, và là mẫu gương trọn hảo cho
tất cả chúng ta (trích Tông huấn Evangelii Nuntiandi số
7). Trong các đợt xuất phát
truyền giáo, các hội dòng thường trao cho các vị
thừa sai Thánh giá truyền giáo cũng với hướng
đích này.
Truyền
giáo là bản chất của Giáo hội
Trong
các phiên họp khoáng đại của công đồng chung
Vaticanô 2, Đức Thánh Cha Phaolô đệ lục có nêu ra
một câu hỏi rất giản đơn cho các nghị
phụ: “ Ta sống ở đời này
để làm gì?” Đây cũng là câu hỏi đầu tiên
trong các sách giáo lý căn bản mà chúng ta đều biết
cũng như đã thuộc lòng câu trả lời, đó là:‘Ta sống ở đời này để
nhận biết và kính mến Chúa, cho ngày sau được
hưởng hạnh phúc đời đời’. Các nghị phụ cũng trả lời như
thế. Nhưng Đức Thánh Cha nói
rằng câu trả lời còn thiếu. Ngài cắt
nghĩa: “ Ta sống ở đời này
để nhận biết và yêu mến Chúa, cho ngày sau
được cứu rỗi, nhưng chúng ta cũng
sống ở trần gian này còn để giúp người
khác yêu mến và nhận biết Thiên Chúa, để họ
cũng được ơn cứu độ như chúng
ta”. Cha Thomas Merton, một tu sỹ dòng Trappist ở Hoa
Kỳ có viết một tác phẩm tựa đề: ‘Không
ai là một hòn đảo’. Tư tưởng
của Ngài rất thâm thúy, và trong dịp viếng thăm
Hoa Kỳ vừa qua, khi đọc diễn văn tại
lưỡng viện quốc hội, Đức Thánh Cha Phanxicô
cũng gợi nhắc khuôn mặt tiêu biểu này. Cha Thomas Merton lý luận rằng, không ai trong chúng ta
có thể sống cô lẻ một mình như một ốc
đảo. Khi sống hiệp thông trong
Hội thánh, chúng ta liên đới với anh chị em mình
trong sự thánh thiện cũng như cả trong tội
lỗi. Vì vậy không ai trong chúng ta
sẽ lên thiên đàng một mình hoặc cũng không ai
xuống hỏa ngục một mình. Chúng
ta nên thánh bằng cách giúp người khác nên thánh, và đây
cũng là ý nghĩa của sứ mệnh truyền giáo.
Sứ mệnh này thuộc bản chất
của Giáo hội, gắn liền với Giáo hội và
cũng là bổn phận của mọi Kitô hữu.
Trước khi Chúa Giêsu về trời, Ngài đã chuyển
giao sứ mạng cứu thế cho Giáo hội bằng
mệnh lệnh: “ Anh em hãy đi rao
giảng Tin mừng cho muôn dân” (Mc 16,15). ‘Cho muôn dân’ tức “ ad gentes”, cũng chính là tựa đề
của sắc lệnh về truyền giáo mà công
đồng Vaticanô 2 đã để lại cho chúng ta.
Chứng
nhân hơn là thầy dạy
Trong
một sứ điệp ngày truyền giáo, Đức Thánh
Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 cũng viết: “
Truyền giáo là thước đo đức tin
của mọi tín hữu”. Lời khẳng định này
cũng tương hợp với giáo huấn của Thánh
Giacôbê tông đồ khi Ngài viết: “
Đức tin không có việc làm là đức tin
chết” (Gc 2,17). Việc làm đó
được thực hiện rõ nét nhất qua sứ
vụ truyền giáo. Rao giảng Tin
mừng là một bổn phận của những ai
thuộc về Đức Kitô và được Chúa mời
gọi trở nên môn đệ Ngài. Thánh Phaolô xác tín
mạnh mẽ bổn phận ấy nên Ngài nói: “ Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin
mừng”(1Cr 9,16). Nhưng, cách thái rao giảng Tin mừng
để đạt hiệu quả mới là điều
quan trọng mà chúng ta cần phải lưu tâm.
Có lần, một số các vị
truyền giáo đang làm việc ở Ấn Độ
đến gặp ông Mahatma Gandhi và hỏi ông bí quyết làm
sao để có thể truyền giáo cho người dân Hindu
ở đây. Ông Gandhi mời gọi các vị truyền giáo hãy
suy nghiệm bí quyết từ cánh hoa hồng.
Người ta thích hoa hồng không phải chỉ vì vẻ
đẹp bên ngoài mà còn vì mùi hương quyến rũ từ bên trong tỏa ra. Ông kết
luận, muốn truyền giáo thành công, phải học bí
quyết ấy, tức là rao giảng không phải bằng
lý thuyết xuông nhưng bằng gương sáng cụ
thể của cuộc sống. Điều ông ta nói tới
cũng giống như giáo huấn của Đức Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 khi Ngài diễn tả: “
Ngày nay, Giáo hội cần những chứng nhân hơn
là những thầy dạy.”
Kết
luận: Chứng tá Tin mừng
Sau
biến cố 30 tháng 04 năm 1975, một cán bộ nhà
nước thuộc dạng cao cấp có hỏi một anh
em tu sĩ dòng Tên ở Thủ Đức: “ Các anh là
những người theo tôn giáo, chắc các anh rất
sợ chúng tôi là những người vô thần?”. Vị tu
sĩ đó bình thản trả lời: “Vâng thưa ông, chúng
tôi rất sợ những người vô thần. Nhưng nếu các ông là những người vô
thần thực sự và sống đúng với lý
tưởng của các ông, thì chẳng có gì đáng sợ
cả. Xin chúc mừng các ông nếu các
ông thật sự cảm thấy hạnh phúc trong sự xác
tín lý tưởng của mình. Nhưng
ngược lại, chúng tôi rất sợ những
người vô thần trong thực hành. Họ
mang danh là Kitô hữu, nhưng lại sống như
những người vô thần thực sự và còn tệ
hơn cả những con người công khai chối
bỏ Thiên Chúa. Bởi vì, cuộc
sống của họ đang tàn phá Giáo hội, làm lung
lạc đức tin người khác và làm cho Giáo hội
của chúng tôi ngày càng suy yếu.”
Nếp sống vô thần trong thực
hành như thế chính là một lối sống phản
chứng tá. Thay vì rao giảng Tin mừng, thì cuộc sống
như vậy lại cản che và bóp chết hạt
giống Lời Chúa trong những sỏi đá và gai góc
nơi chính tâm hồn của họ. Trong
ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, chúng ta hãy nhìn lại
cuộc sống chính mình để duyệt xét xem chúng ta
đã thực thi bổn phận quan trọng ấy như
thế nào.
|