Đời sống
chứng nhân.
Hôm
nay, ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta cùng tìm hiểu
xem: Truyền giáo là gì? Chúng ta phải truyền giáo thế
nào?
Trước
hết, truyền giáo là gì? Truyền là tuyền bá, truyền thông, chuyển giao,
rao giảng, loan truyền… Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin
Mừng, Phúc âm… Truyền giáo là truyền bá đạo, là
rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho
người khác. Đó là ý nghĩa thứ nhất, nghĩa
hẹp, nghĩa chặt và chính xác. Đàng khác, truyền giáo
còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Kitô hữu
trong đức tin, trong phụng tự Thánh Thể, bác ái như
Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là
“trồng” Giáo hội vào các dân tộc, các địa
phương, cho đến khi những người trong
địa phương ấy trở nên tín hữu, thành
một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không
phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng
là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì
Thiên Chúa là Đấng hằng sống, đạo Chúa là
đạo sự sống, là nguồn sống, có khả
năng thay đổi, biến cải những con
người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ
mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền
giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa
Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho
chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết,
truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố,
tăng cường, huấn luyện đức tin cho
một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ
lại ra đi truyền giáo cho những người khác.
Những
ý nghĩa trên đây cho thấy hai chiều của việc
truyền giáo: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho
những người chưa biết Chúa hoặc những
người biết mà đã bỏ Chúa, được
nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo
chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm
tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn
nếu làm cho những người đã biết và yêu
mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa
hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm
những công việc ấy nơi những người
khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho
nước Chúa được vững chắc hơn và làm
tăng thêm số người Công giáo sốt sắng,
đạo đức.
Việc
phân biệt ý nghĩa như trên đây rất quan trọng
để chúng ta hiểu rõ hơn việc truyền giáo, vì
truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho
những người ngoại, những người
lương, những người chưa biết
được biết và yêu mên Chúa, nhưng còn có nghĩa
là truyền giáo cho cả những người Công giáo
sống trong một họ, một xứ với chúng ta
nữa. Chúng ta phải sống một đời
đạo đức, sốt sắng, thánh thiện
để làm gương tốt cho họ, để giúp
cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.
Đó
là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy
tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền
giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải
là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không
cũng được. Nhưng đây là một bổn
phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi
người chúng ta phải coi đây là vấn đề
sống đạo, là vấn đề sinh tồn của
Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.
Vậy
chúng ta phải truyền giáo thế nào? Có rất nhiều cách. Chúng ta muốn
dùng cách nào cũng được, nhưng nhất thiết
phải thi hành hai cách này là cầu
nguyện và đời sống chứng nhân: Cầu
nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan
trọng: cầu nguyện cho những người đi
truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người
mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa,
Lời Chúa. Cụ thể như thánh Têrêxa Hài Đồng
Giêsu, cả đời không đi đâu truyền giáo, chỉ
ở trong bốn bức tường dòng kín cầu
nguyện cho việc truyền giáo. Thế mà Giáo Hội
đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang
hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Xin anh chị em hãy suy nghĩ:
Chúng ta có thường xuyên thi hành việc này không? Chúng ta có
cầu nguyện cho việc truyền giáo không? Nếu không
thì đó là tội thiếu sót, bỏ việc phải làm.
Thứ hai là truyền giáo bằng chính đời sống
chứng nhân của mình: Đây là cách truyền giáo tốt
nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo
bằng đời sống tốt đẹp của chúng
ta. Một đời sống đạo đức, chân
thành, cởi mở, yêu thương là một tấm
gương sáng trước mặt mọi người. Một
đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn
hơn những lời nói hay, vì “Lời nói lung lay,
gương bày lôi kéo". Chúng ta hãy suy nghĩ: đời
sống chúng ta hiện nay có làm chứng cho Chúa, cho
đạo không?
|