Khiêm
nhường phục vụ.
Trên đường
đi lên Giêrusalem, một lần nữa, đây là lần
thứ ba, Chúa Giêsu lại loan báo cho các môn đệ về
những đau khổ và cái chết Ngài phải chịu
ở Giêrusalem. Lần này thánh Marcô không kể
lại phản ứng của các môn đệ như
thế nào, nhưng câu chuyện kể ra liền sau đó
đã nói lên một cách sâu sắc rằng các ông vẫn
chưa hiểu gì. Trái lại, các ông tưởng
đâu Chúa sẽ ra đi làm vua thống trị, thì họ
sẽ được những ghế cao trong nước
Chúa, bởi vì trước đây vài tuần Chúa đã
hứa là họ sẽ được ngồi trên ngai xét
xử mười hai chi tộc Ítraen. Nhân câu
chuyện này, Chúa Giêsu lại giảng thêm về ý nghĩa
cái chết của Ngài và về cách thức làm môn đệ
của Ngài.
Khởi đầu
câu chuyện là việc hai anh ruột Giacôbê và Gioan
đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi hai
bên tả hữu Chúa trong nước Chúa. Tức
là hai ông muốn xin được địa vị cao
trong nước Chúa khi Ngài được làm vua dân Do thái.
Theo bài Tin Mừng thánh Marcô hôm nay thì chính hai môn
đệ Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu. Còn Tin Mừng thánh
Matthêu lại cho biết: không phải hai môn đệ
thỉnh nguyện mà là bà mẹ của hai ông đã
đến thỉnh cầu cho hai con bà. Bà mẹ nào
chẳng thế! Ai lại chẳng muốn cho con mình
được chỗ tốt nhất, được vinh
dự. Chúa Giêsu quá biết tâm lý tự nhiên của mỗi
người: muốn được làm lớn,
được vinh dự, được làm thủ lãnh sai
bảo người khác. Chúa đã sửa
bảo họ một cách tế nhị.
Trước hết, Chúa hỏi họ:
“Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay
chịu được phép rửa Thầy sắp chịu
không?” Hai ông vui vẻ và mau mắn trả lời ngay:
“Thưa được”. Chắc chắn lúc
ấy hai ông chưa ý thức và chưa hiểu rõ thế
nào là uống chén và thế nào là chịu phép rửa.
Bởi vì ngay những tư tưởng về nước
trời và vinh quang nước trời hai ông cũng chưa
hiểu đúng, nên mới xin Chúa một cách đơn sơ được ngồi hai bên tả
hữu Chúa.
Vậy “chén” và “phép
rửa” Chúa Giêsu nói ở đây là gì? Trong
Cựu ước, “chén” đôi khi cũng dùng để
chỉ phúc thái ơn lộc, nhưng qua thời các ngôn
sứ, “chén” thường được dùng để
chỉ đau khổ, bất hạnh. Trong
vườn cây dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: xin
Chúa Cha cất chén đau khổ, nhưng đừng theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi. Còn
“phép rửa” ở đây là cái chết đau thương của
Ngài, đây là phép rửa bằng máu, cũng có nghĩa là
đau khổ. Nói chung, điều
kiện mà Chúa đòi hỏi hai anh em Giacôbê và Gioan là có
sẵn sàng chịu đau khổ với Ngài không? Lúc ấy hai ông thưa được dù chưa
hiểu, nhưng sự thật sau này hai ông đã uống
chén và chịu phép rửa như đã cam kết với
Chúa. Vào năm 44, thánh Giacôbê đã
chịu tử đạo dưới thời vua
A-gờ-ríp-pa đệ nhất, và là thánh tông đồ
chịu tử đạo đầu tiên. Còn thánh Gioan, nếu không có một phép lạ thì
cũng đã chết tử đạo khi bị bỏ vào
vạc dầu sôi. Nhưng dù sao ngài cũng chết anh
hùng sau chuỗi ngày bị lưu đày ở đảo
Pát-mô.
Ngoài ra, nhân dịp
này Chúa còn dạy các môn đệ một bài học sâu xa
về lòng khiêm nhường phục vụ và thắng
vượt lòng ghen tị. Sở dĩ các môn đệ khác
bực mình với Giacôbê và Gioan bởi vì họ cũng có
lòng ghen tị không muốn cho hai anh em kia
được phần hơn. Các môn
đệ suy nghĩ về nước Chúa Giêsu ở
trần gian này. Nhưng Chúa lại suy
nghĩ một cách khác. Nước Ngài không thuộc
về thế gian, nơi đó người có quyền áp
bức người yếu thế, người giàu sang cai trị người nghèo đói. Nước Trời ngay trong lòng mỗi
người, là Giáo Hội của Chúa, nơi đó không
dựa trên quyền bính nhưng dựa trên tình
thương. Đó là nơi không có
hận thù, ghen tị, tranh chấp.
Trong Giáo Hội cũng như trong
bất cứ một tập thể nào, thường có
một người đứng đầu để
điều khiển những người khác và tổ
chức sinh hoạt, không thể nào có cảnh “cá
đối bằng đầu” mà mọi việc
được xuôi lọt, vì sẽ không ai muốn tùng
phục ai. Điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn
nhấn mạnh: không phải là hủy bỏ chức vụ
của những người đứng đầu,
chức vụ của những người lãnh đạo,
nhưng đừng dùng địa vị và quyền bính
của mình để áp bức người khác, lên mặt
ta đây tự cao tự đại. Trái
lại, phải biết phục vụ. Lòng
kiêu ngạo muốn tranh đấu để làm
đầu mọi người vốn là điều không
tốt, nhưng lòng ghen tị cũng không tốt
đẹp gì. Hai tật xấu này vốn là những
khuyết điểm đã từng làm cản trở
sự phát triển đời sống con người
về mọi phương diện. Nên Chúa
Giêsu bảo chúng ta phải loại bỏ hai tật xấu
ấy.
Xin Chúa cho chúng ta luôn
có tham vọng tốt để phát triển khả năng
của chúng ta và sử dụng khả năng đó
để phục vụ mọi người. Đồng
thời xin Chúa cho chúng ta luôn vui vẻ với mọi
người, không ghen tị, để chúng ta luôn
được mọi người yêu mến, và nhất là
Chúa Giêsu cũng sẽ hài lòng về chúng ta.
|