Hy tế – Lm.
Giuse Trần Việt Hùng
Khi bước vào
trong nhà thờ Công giáo, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh
đau thương của Chúa Giêsu Kitô chết treo trên Thánh
giá nơi cung thánh. Thân mình Chúa trần trụi, đầu
đội mạo gai, hai chân hai tay
bị đóng đinh vào thánh giá, cạnh sườn bị
đâm thủng, mình mẩy dính đầy máu và chết
trong tư thế gục đầu xuống. Cái chết của Chúa thật bi thương.
Những người tin vào Chúa Kitô là
Đấng Cứu Thế đã kính thờ bái lạy và ghi
dấu thánh giá trên mình. Chúa đã hiến
thân mình làm hy tế để giao hòa nhân loại với Chúa
Cha. Của lễ hiến tế là chính
thân xác của Chúa Giêsu. Chúa Kitô đã
chết trên Thánh giá và đã sống lại vinh hiển
đang ngự bên hữu Chúa Cha. Nhiều người
không biết và không tin vào Chúa Kitô, họ không thể
hiểu tại sao người Công giáo lại tôn thờ
một Đấng, bị xem như là tội nhân của đế
quốc Rôma đã phải xử tội tử hình.
Tiên tri Isaia đã tiên báo về
Đấng sẽ đến, người tôi tớ trung
tín và công chính sẽ chịu khổ hình để gánh
tội: “Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn
nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công
chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công
chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,11). Làm người ai cũng muốn
sống an vui và hạnh phúc, chẳng
mấy ai muốn đời mình bị đau khổ. Thực ra, chỉ có đau khổ mới hoá
giải được khổ đau. Nếu
chúng ta không gặp đau khổ, chúng ta không biết
thế nào là vui sướng hạnh phúc. Nếu chúng
ta không có đau đớn bệnh hoạn, chúng ta không
biết mình đang an khang khoẻ
mạnh. Người tôi tớ công chính đã
lãnh chịu mọi thống khổ ở đời
để biến đổi nó thành hoa trái tốt lành
của ơn cứu độ.
Người Tôi Trung
của Tiên tri Isaia là hình ảnh của Đấng
Được Xức Dầu, Chúa Giêsu Kitô. Ngài
đã chấp nhận thân phận con người yếu
đuối, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã
chọn con đường thánh giá để giao hoà. Thư
gửi tín hữu Dothái đã viết: “Vị Thượng
Tế của chúng ta không phải là Đấng không
biết cảm thương những nỗi yếu hèn
của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi
phương diện cũng như ta, nhưng không phạm
tội” (Dt 14,15). Con đường Chúa
đi là con đường ngược chiều, có
nhiều đau thương và chông gai. Thư
Dothái gọi Ngài là Thượng Tế để gắn
kết với hy tế mà chính Ngài đã hiến dâng. Hy lễ đền tội cho nhân loại hiến
dâng lên Thiên Chúa Cha một lần là đủ.
Câu truyện trong bài
Phúc Âm rất tuyệt vời. Thánh Marcô rằng hai anh em ông Giacôbê và
Gioan đến gần Chúa và thưa: “Xin cho chúng con một
người ngồi bên hữu, một người
ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Sự khẩn cầu của hai ông cũng
giống như sự cầu xin hằng ngày của mỗi
người chúng ta. Mở lời
cầu xin, nếu nhận được ơn ngay, thì
dễ dàng quá. Ai cũng có thể cầu
xin được. Chúa Giêsu vạch rõ con
đường mà mỗi Kitô hữu phải đi qua:
Đức Giêsu nói: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có
uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu
được phép rửa Thầy sắp chịu không?”(Mc
10,38). Không trải qua
đắng cay thử thách, chúng ta không thể đạt
được triều thiên vinh quang. Chúa
Giêsu đã thẳng thắn trả lời cho hai ông và các
Tông đồ về cách sống đạo. Muốn được hưởng vinh quang, các
ngài phải uống chén đắng mà Chúa sắp uống.
Có nghĩa là phải sống, phải tu luyện, phải
phấn đấu trường kỳ và phải chịu
mọi thử thách gian nan trong niềm
tin.
Ngày nay, có những
phong trào đưa dẫn nhiều người đi qua con
đường tắt. Họ mở ra cho
thấy hào quang thánh thiện hiện diện ngay trong
đời sống mà không cần phải trải qua tu
luyện và thử thách. Cứ
đến mà xin, xin gì được nấy. Không phải tốn phí tiền bạc, thuốc
thang, thời gian trị liệu hay phải hy sinh từ
bỏ điều gì. Kiểu hành
đạo quá nhẹ nhàng, dễ dãi và thoải mái, ai mà
không mến chuộng. Có nhiều người quan
niệm rằng chúng ta cứ tụ nhóm đọc kinh
cầu nguyện và xin ơn chữa lành, Chúa sẽ ban cho
tất cả. Trong khi đó chúng ta chối
từ chén đắng của sự hy sinh, từ bỏ,
sám hối, tránh tội, kiêng cữ và hãm mình. Chúng ta chỉ muốn thực hành đạo
tại chỗ nơi hội họp và xin đừng
nhắc đến đời sống riêng tư lầm
lỗi. 2.000 năm trước, Chúa Giêsu đã
cảnh tỉnh các Tông đồ về hành trình theo Chúa. Các ngài phải qua thánh
giá và đau khổ để bước vào vinh quang.
Chúa Giêsu rất hài lòng với câu trả
lời của hai ông: Các ông đáp: “Thưa
được”. Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy
sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa
Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”(Mc 10,39). Chúa Giêsu đã uống
chén đắng qua tất cả những khổ đau mà
Ngài phải chịu. Chúa bị người
đời ruồng bỏ, chống đối, tẩy
chay, khinh dể, nhạo báng, đánh đập, xô
đẩy, khạc nhổ, la hét, phản bội, chối
từ, đóng đinh và chết trên thập giá. Chúa
chấp nhận tất cả như người tôi tớ
trung tín để cảm thông mọi nỗi cơ cực
của con người. Hai Tông đồ Gioan và Giacôbê đã
đi trọn con đường theo
Chúa. Tông đồ Giacobê là người
đầu tiên trong mười hai tông đồ đã
đổ máu đào làm nhân chứng cho Chúa Giêsu đã
chết và sống lại. Thánh Gioan
đã một đời rao giảng về tình yêu của
Chúa và tín trung cho đến giây phút cuối cùng.
Tin vào Chúa là bước theo
con đường Chúa đã đi. Chúng ta không thể
đi theo con đường tắt
để đạt vinh quang. Con đường vắn
gọn, thư thái nhẹ nhàng chỉ là
bánh vẽ và ảo tưởng. Muốn hành đạo
tốt, chúng ta phải bước xuống: “Nhưng
giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn
làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục
vụ anh em”(Mc 10,43). Sống đạo
phải khởi đi từ trái tim yêu
thương. Chúa Giêsu đã trải nghiệm
kiếp người trong khiêm hạ phục vụ. Chúa là Thầy và là Chúa đã quỳ xuống,
lấy nước rửa và lau chân cho các môn đệ.
Chúa đã không loại trừ một ai, cho dù
Chúa biết có những đôi bàn chân không xứng đáng.
Chúa đã hạ mình xuống tận cùng
để lãnh nhận công việc của người tôi
tớ. Từ đáy vực thẳm
thấp hèn, Chúa đã nâng con người lên làm bạn
hữu và được đồng thừa tự vinh
quang trong Nước Chúa.
“Ai muốn làm đầu anh em thì
phải làm đầy tớ mọi người”(Mc 10,44). Lấy tinh thần phục vụ
để làm thước đo giá trị đời mình. Phục vụ trên môi miệng thì rất dễ
dàng nhưng phục vụ qua hành động mới mang giá
trị. Đôi khi thực hành một
việc rất nhỏ nhưng có giá trị lớn.
Tự hỏi: Ai là người tôi tớ phục vụ
trong mái ấm đời sống gia đình? Phải
chăng là người mẹ. Mẹ
không than van hay quản ngại việc gì, dù bề bộn
khó khăn, bẩn thỉu và dơ dáy. Hằng
ngày mẹ lau chùi nhà vệ sinh, quét dọn nhà cửa,
rửa ráy từng cái ly, cái chén mà chồng con đã vô ý
chất chồng trong bồn rửa. Có khi
người bố và các con nghĩ rằng đã có
người làm việc trong nhà, nên cứ việc bừa
bãi. Người mẹ cứ phải nai
lưng chịu đựng (after you). Trong đời
sống chung, chúng ta đừng quá ỷ
lại vào người khác. Mỗi
người có thể góp phần phục vụ lẫn
nhau, có đi có lại mới toại lòng nhau.
Chúa Giêsu mở con đường
phục vụ trong khiêm hạ: “Vì Con Người
đến không phải để được
người ta phục vụ, nhưng là để phục
vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn
người”(Mc 10,45). Một
lời mời gọi phục vụ chân tình đối
với tất cả các phẩm trật trong Giáo Hội.
Đặc biệt trong các giờ phụng vụ thánh
lễ và các nghi lễ, linh mục và các thừa tác viên có
những trách nhiệm và bổn phận riêng phải chu toàn. Chúng ta hãy ý thức tôn
trọng lẫn nhau, đừng dẫm chân lên nhau,
đừng lớn tiếng phàn nàn, đừng tỏ thái
độ cau có và xúc phạm danh dự của nhau. Chúng ta cùng đến để phục vụ
cộng đoàn, chứ không phải được
phục vụ.
Lạy Chúa, con
đường Chúa đã đi xưa là con
đường khổ giá, khiêm tốn và phục vụ,
xin cho chúng con biết dõi theo lối gót của Chúa
để cùng xả thân hy sinh phục vụ tha nhân.
|