Cánh cửa truyền giáo
(Suy niệm của
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Trong bài báo: “Khi các sao Việt quy y
cửa Phật”, tác giả Ngọc Hoa đã viết: là
một trong những nữ diễn viên hàng đầu
thời phim "Mỳ ăn liền" còn hoàng kim. Thế nhưng, Việt Trinh lại luôn
lận đận về chuyện tình duyên. Những
người đàn ông đã từng yêu Việt Trinh sau này
đều dính đến pháp luật, chính điều đó
đã khiến có người dành những lời không
thiện cảm cho người đẹp này. Cùng thời
gian đó, dòng phim "mỳ ăn liền" xuống
dốc, Việt Trinh trở nên hụt hẫng, tuyệt
vọng, có những lúc chị cảm thấy bi quan và chán
nản cuộc sống.
Thế nhưng, chính trong những lúc
tuyệt vọng nhất, một cánh cửa khác đã
mở ra cho người phụ nữ đa truân này. Đó chính là Phật pháp. Vô tình đến
với đạo Phật, Việt Trinh ngộ ra nhiều
điều, chị tìm hiểu rõ hơn về đạo
Phật, về nhân quả, nghiệp báo, bỏ tính nóng này,
thậm chí còn làm phim liên quan đến đề tài này.
Chính xác là từ năm 2001, chị quyết định
đi theo đạo Phật bằng
sự thành kính. Cô tâm sự:
"Cách đây không lâu, trong lúc tôi
đang còn ngụp lặn trong biển khổ ái tình, tôi
rất buồn, lúc nào cũng chỉ biết khóc, không
biết làm sao để giải thoát khỏi mối tình cay
nghiệt. Khi lồng tiếng cho phim Duyên Trần Thoát
Tục, đọc tới đoạn Hòa thượng
dạy cho Thường Chiếu: “Còn duyên thì hợp hết
duyên thì tan”, tự nhiên tôi rùng mình, tự hỏi rằng
tại sao mình phải ngụp lặn trong sự đau
khổ của ái tình? Từ đó, tôi không vướng
bận vào chuyện tình cảm đau khổ nữa"
Đối
với những người theo
đạo Phật thì Cửa Phật là nơi ẩn náu bình
yên sau những vật lộn của thế gian. Họ sẽ tìm đến cửa Phật một
khi không còn thấy hạnh phúc nơi phong trần.
Họ quy y cửa Phật như nói lên quyết tâm của
họ rũ bỏ đường
trần để tìm sự thanh thoát bình yên nơi cửa
Phật.
Còn
đối với đạo Công giáo thì lý do nào khiến
người ta trở về với Chúa? Chúng
ta sẽ giới thiệu Chúa như thế nào để
những người ngoại trở lại để náu
nương, và những người lạc bước
được sớm quay trở về? Chúng ta có con
đường nào cho anh em quay trở về như cửa
Phật đã từng rộng mở cho thiện nam tín
nữ của họ?
Có lẽ điều này thì nơi
đạo Phật dễ dàng hơn. Cửa Phật luôn rộng mở
miễn là con người muốn quay trở về. Còn
với đạo Công Giáo chúng ta thì còn phải trải qua
rất nhiều thử thách trong thời kỳ dự tòng,
phải học giáo lý, phải thể hiện ý hướng
ngay lành, phải có lý lịch rõ ràng . . .
Có
một người bạn ngoại đạo hỏi tôi:
Người ta ai cũng muốn tự do thoải mái,
vậy đi đạo làm gì cho mệt vì phải giữ
quá nhiều luật lệ? Và anh ta còn thêm: Luật
lương tâm là đủ rồi, tại sao còn phải
thêm biết bao luật do con người quy định
hoặc thêm thắt vào?
Thực ra, ở đời, ai cũng
muốn được tự do thoải mái, nhưng không
phải vì thế mà mình muốn làm gì thì làm. Đối với chính bản thân, mình
cũng cần có những nguyên tắc phải tuân thủ
để bảo vệ và phát triển sự sống; trong
tương quan với tha nhân (gia đình và xã hội) mình có
những bổn phận, những trách nhiệm phải chu toàn nên cũng cần có những quy
định ràng buộc. Đạo Thiên Chúa qui định
những luật lệ đối với bản thân, gia
đình, xã hội và Giáo hội là để giúp cho mọi
người được sống an
vui hạnh phúc. Ngoài ra, chúng ta còn có bổn phận tôn
thờ Thiên Chúa, nên mỗi ngày bỏ ra 10 phút, mỗi
tuần bỏ ra một tiếng đồng hồ
để thờ phượng Thiên Chúa và cứu rỗi
linh hồn thì đâu có gì là quá đáng, là mất tự do!
Phân
tích như vậy thì đúng lắm! Nhưng làm sao
để cho anh em lương dân cảm thấy nhẹ
nhàng khi theo đạo thay vì sợ hãi vì
cha quá khó, luật quá nhiều . . .? Luật
Chúa, luật Giáo hội thì ít mà luật giáo xứ lại
quá nhiều?
Chúa
luôn mời gọi con người hãy đến với Chúa
vì “ách của Chúa thì êm ái và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng”,
sao chúng ta lại chồng chất lên nhau quá nhiều
những gánh nặng khiến đạo trở thành
nặng nề, khó khăn cho biết bao người. Chúng ta sợ quá dễ dãi người ta sẽ
bỏ đạo. Thế nhưng, quá khó
khăn có chắc để họ giữ được
đạo hay không? Bởi vì có rất nhiều
người “nín thở qua sông”, học giáo lý, học kinh
cho thật thuộc để lấy được
vợ là thôi nhà thờ! Vậy phải làm thế nào
để những người lương dân cảm
thấy bình an khi đến với Chúa
mà không cảm thấy khó khăn bởi những yếu
tố bên ngoài tác động?
Hãy nhìn vào cung cách sống của Chúa
Giêsu, Ngài đã sống hòa mình vào mọi hạng
người để nâng đỡ, cảm thông và chia
sẻ với họ. Ngài
tạo mọi điều kiện cho con người
đến với Chúa từ trẻ nhỏ, người
già, người tội lỗi, tật nguyền
đều có thể tìm thấy bình an khi
đến với Chúa. Chính vì thế, mà Ngài luôn có một
số rất đông đi theo
Người.
Hãy
nhìn vào Giáo hội sơ khai họ đã thành công khi sống
bác ái huynh đệ với nhau, họ gom của cải vào
của chung và chia sẻ cho nhau
đến nỗi không một ai thiếu thốn trong
cộng đoàn của họ, nhờ đó mà họ
được toàn dân thương mến.
Cánh cửa Giáo hội công giáo luôn
rộng mở nhưng quan yếu vẫn là thái độ
của từng người công giáo chúng ta có rộng mở
với anh em qua đời sống bác ái huynh đệ, luôn
chia sẻ, cảm thông với mọi hạng người,
luôn sẵn lòng đến với anh em trong tinh thần
hiệp thông bác ái? Cuộc sống của người tín hữu
chúng ta phải là cánh cửa của hiệp thông, của bác
ái để có thể đón nhận và hòa nhập với
mọi hạng người. Cuộc đời
của chúng ta thực sự có bình an khi
sống đạo mới có thể mang bình an chia sẻ cho
tha nhân.
Nét son của đạo Phật là
tại tâm. Nét
son của Kytô giáo là yêu thương. Liệu rằng
chúng ta có trở thành dấu chỉ tình yêu, của bình an và hy vọng cho anh em mình không?
Xin cho đời truyền giáo của
chúng ta phải khởi đi từ những nghĩa cử
yêu thương nhân hậu với tha nhân. Xin đừng là vật
cản trở anh em đến với Chúa vì đời
sống thiếu bác ái, thiếu lòng nhân từ của chúng
ta. Amen.
|