Con
đường vương giả – Lm Phạm Quốc
Hưng
Ước muốn làm lớn hay
ước muốn được trở nên cao trọng
luôn được ấp ủ trong nơi sâu kín của tâm
hồn mỗi người chúng ta. Ai lại
chẳng muốn làm lớn? Ai lại
chẳng muốn trở nên cao trọng? Điều
này là một thực tại phù hợp với bản tính
con người, vì chúng ta là thụ tạo “linh ư vạn
vật”, được Thiên Chúa cao cả yêu thương tạo
dựng theo giống hình ảnh của chính Người mà!
Điểm đáng
lưu ý ở đây là điều gì làm cho chúng ta trở
nên cao trọng thực sự? Đây chính là một trong
những chủ đề được nhận thấy
trong Phụng Vụ hôm nay.
Trong đời sống xã hội,
người ta thường quan niệm việc làm lớn
hay trở nên cao trọng luôn gắn liền với
quyền bính, chức tước, danh vọng. Như vậy, làm lớn đồng nghĩa
với việc được phục vụ,
được ca tụng, được ngưỡng
mộ. Biết bao người đã xử dụng
mọi thời giờ, vận dụng mọi tài sức,
chấp nhận mọi hy sinh và lắm khi không từ nan
mọi thủ đoạn đê hèn để thực
hiện ước muốn đạt được danh
vọng, chức tước, quyền bính trong nhiều lãnh
vực khác nhau: chính trị, kinh tế, văn nghệ,
thể thao…và cả tôn giáo nữa!
Các môn đệ bỏ mọi sự
để theo Chúa Giêsu vì vốn nghĩ Chúa Giêsu là
Đấng Mêsia, Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai và
Đấng Thiên Sai đầy quyền bính trong lời nói
và hành động. Như thế, chắc
hẳn sẽ có ngày Người đạt tới một
thứ vinh quang cao trọng nào đó, như Thánh
Vương Đavít năm xưa chẳng hạn. Và chắc chắn họ sẽ được
chia sẻ vinh quang với Người. Như
để nắm chắc được phần
thưởng tương lai, hai anh em con Ông Giêbêđê trong
Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn đến bày tỏ
với Chúa Giêsu ước muốn thầm kín xưa nay
của họ: “Xin cho chúng con một người ngồi
bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy
trong vinh quang của Thầy” (Mc10:37). Chúa Giêsu không trách
mắng các ông vì sự mê muội của các ông, nhưng
Người nhẹ nhàng hướng các ông về mầu
nhiệm Thập Giá khi nói các ông: “Các con không biết các con
xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và
chịu cùng phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10:
38).
Vốn có cùng ước muốn làm
lớn theo lối thế gian như hai anh em con Ông
Giêbêđê, mười môn đệ còn lại trong Nhóm
Mười Hai nghe chuyện đó liền bực tức
với hai ông. Chúa Giêsu nhân cơ hội này đã dạy các
ông một bài học để đời, một bài
học về con đường vương giả
dẫn đến vinh quang đích thực, giúp người
ta đạt được ước muốn làm lớn
thực, trở nên cao trọng thực.
Đó là con đường Thánh Giá, con
đường yêu thương được thể
hiện qua tinh thần khiêm nhường phục vụ,
xả kỷ vị tha. Đó là con đường mà chính
Chúa Giêsu đã khai mở và bước đi đến cùng
để cứu độ nhân loại, để trở
thành Vua lòng mọi người, để trở thành
gương mẫu tuyệt hảo cho mọi người
bước theo. Người nói: “Các con biết rằng
những người được coi là lãnh tụ các
nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và
những người làm lớn thì lấy uy quyền mà
trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy
tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành
người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm
nô lệ cho mọi người. Vì chính Con
Người cũng không đến để
được phục vụ, nhưng để phục
vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho
nhiều người” (Mc 10:42-45).
Hình ảnh trung thực của Chúa
Giêsu-Đấng Mêsia-được ngôn sứ Isaia đã
diễn tả như Người Tôi Tớ Đau Khổ
của Thiên Chúa nơi bài đọc một: “Chúa đã
muốn hành hạ Người trong đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật
đền tội, Người sẽ thấy một dòng
dõi trường tồn, và nhờ Người, ý
định của Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi khổ tâm của Người,
Người sẽ thấy và sẽ được
thỏa mãn. Nhờ sự thông biết, tôi tớ công
chính của Ta sẽ công chính hóa nhiều người,
sẽ gánh lấy những tội ác của họ” (Is
53:10-11).
Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do
Thái trong bài đọc hai cũng nhắc lại việc
Đấng Cứu Thế đã vì yêu thương loài
người mà gánh lấy mọi đau khổ thử thách
để cứu chuộc chúng ta. Chính vì thế mà
Người đã trở thành Vị Thượng Tế
đem lại ơn cứu độ cho chúng ta: “Vì chưng, không phải chúng ta có vị
Thượng Tế không thể cảm thông sự yếu
đuối của chúng ta, trái lại, Người đã
từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng
ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4:15).
Theo cùng một tinh thần ấy, tác
giả sách Gương Chúa Giêsu nhận ra rằng Thiên Chúa
chính là Đấng phụng sự con người hơn là
Đấng để cho người ta phụng sự khi
viết: “Mọi của con có, mọi cái con dùng để
phụng thờ Chúa thảy đều là của Chúa! Mà xét lại, chính Chúa đã phụng sự con
nhiều hơn là con phụng sự Chúa. Kìa, trời
và đất Chúa đã tạo nên để mưu ích cho
người đời; chúng sẵn sàng luôn và ngày ngày thi
thành mệnh lệnh Chúa. Hơn nữa, Chúa
đã tổ chức nên sứ bộ thiên thần cũng vì
nhân loại. Nhưng cái trỗi
vượt hơn cả chính là Chúa đã tự hạ
để phụng sự người đời, và Chúa
đã tự đoan sẽ ban cả mình Chúa cho người
đời nữa” (Q. III, Ch. #10).
Bàn về sự cao trọng của con
người, Mẹ Terêsa Calcutta nói: “Bạn được
dựng nên cho những điều cao cả hơn:
để yêu và được yêu”. Và Mẹ luôn tâm
niệm: “Hoa trái của yêu thương là phục vụ” và
“Yêu thương là trao ban đến đớn đau”.
Đó là lý do khiến Mẹ từ giả đời
sống êm đềm của một nữ tu dạy học
để tìm đến phục vụ những
người cùng khổ bị bỏ rơi trên những khu
ổ chuột ở Calcutta và lập nên Dòng
Thừa Sai Bác Ai. Đó cũng là lý do khiến Thánh Đamien
đang là một linh mục Dòng Thánh Tâm tráng kiện tình
nguyện đến sống và phục vụ những
người phong cùi ở đảo Molokai, và chia sẻ
cả bệnh phong cùi với họ, chết giữa
họ. Đó cũng là lý do biết bao tín hữu Chúa Kitô
tiếp tục dấn thân âm thầm phục vụ tha nhân
đến hy sinh chính mình, trong mọi môi trường trong
mọi nơi mọi thời mà chỉ có Chúa mới có
thể thẩm định đúng mức sự cao cả
của tình yêu trong trái tim họ.
Trong tác phẩm
Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy
vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn
Thuận kể về chứng từ của cô Sophie
Berdanska. Vì túng nghèo, cô phải đi làm thuê cho
một gia đình Do Thái tên là Merston. Công việc
của cô là chăm sóc mấy đứa con của ông
chủ. Biết Sophie là người Công giáo,
ông chủ đặt điều kiện là cô “không
được giảng đạo” cho con cái ông. Tối hôm ấy, Sophie lấy một miếng
giấy nhỏ ghi ít chữ vào đó rồi bỏ vào huy
chương ba cô trối lại và đeo vào cổ.
Các con ông chủ nhiều lần đòi coi huy chương
ấy, nhưng cô không cho. Nhờ sự chăm sóc tận
tâm của Sophie, các con ông Merston càng ngày càng ngoan ngoãn giỏi
giang. Ít năm sau, các con ông lần lượt
đau nặng. Cô Sophie tận tình lo lắng phục
vụ lũ trẻ, và chúng lần
lượt được bình phục. Nhưng
vì quá tận tâm lo cho chúng, Sophie kiệt sức và qua
đời. Ít lâu sau, ông Merston tình cờ mở
chiếc huy chương nàng để lại và đọc
được hàng chữ trong mảnh giấy trong đó:
“Khi người ta cấm tôi nói về đạo của
tôi, tôi quyết sống đạo trước mặt
họ như một chứng tích hùng hồn”. Chợt
hiểu ra tất cả và cảm phục Sophie, cả gia
đình Merston sau đó đã xin theo
đạo! Sophie là người đã hiểu và
bước theo con đường
vương giả của Chúa Giêsu, đường yêu
thương phục vụ, đường xả kỷ
vị tha!
Lạy Mẹ Maria,
Mẹ là Mẹ của tình yêu mỹ diệu. Xin Mẹ
dạy con biết trung thành và vui tiến trên con
đường vương giả của Chúa Giêsu,
đường yêu thương phục vụ,
đường xả kỷ vị tha, để
đạt được vinh quang đích thực là
được nên giống Chúa Giêsu, nên một với
Người, và cảm hóa mọi người thiết tha
yêu mến Chúa và Mẹ. Amen.
|