BÀI
LỜI CHÚA 16
CÁC
NGƯỜI BỀ TRÊN
Mấy bài Lời Chúa trước đây dạy
thảo kính cha mẹ là bề trên mình. Lời Chúa dạy ta
còn phải phục tùng nhiều bề trên khác. Trong số
đó, có nhà cầm quyền dân sự. Đó là đề
tài của bài Lời Chúa hôm nay.
Trích Tin Mừng Thánh Mátthêu
22.15-22
Bấy
giờ, Biệt phái (đạo đức nhặt
nhiệm) đi bàn mưu để làm Ngài lỡ lời
mắc bẫy. Họ sai đến với Ngài môn
đồ của họ làm một với phe cánh Hê-rô-đê
(thân nhà cầm quyền đô hội Rôma). Các người
ấy nói :
- Thưa Thày,
chúng tôi biết Thày là người ngay thật, và dạy
đường lối Thiên Chúa một cách chân thành, Thày
không bận tâm vì người này, người nọ...
Vậy xin cho chúng tôi hay : được phép nộp
thuế cho Hoàng đế (La mã) hay không ?
Thấu suốt lòng
hiểm ác của họ, Đức Giêsu nói :
- Tại sao
lại đánh bẫy Ta, đồ giả hình ? Đưa
Ta coi đồng tiền nộp thuế !
Họ
đem đến cho Ngài một đồng quan. Ngài nói
với họ :
- Hình này và chữ khắc này
của ai đây ?
- Của Hoàng đế.
Bấy
giờ Ngài bảo họ :
- Vậy thì hãy trả của Hoàng
đế cho Hoàng đế, và của Thiên Chúa cho Thiên Chúa.
Nghe thế, họ kinh ngạc và rút lui.
* Đó là Lời Chúa ! -
Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa !
Suy niệm Lời Chúa
Câu chuyện trên đây xảy ra vào những ngày
cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu. Chúa
được dân chúng công khai đón rước vào thành Giêrusalem
cách trọng thể, đám đi trước, đám đi
sau đều hoan hô, chúc tụng Ngài là Con Vua Đa-vít, là
Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu
độ dân Người... Biệt phái thấy vậy,
muốn cản mà không được, họ tức
tối lắm. Sẵn ghét Đức Giêsu thấu
xương từ lâu, nay lại gặp chuyện tầy
trời như thế, lửa căm thù họ bừng cháy
: họ nhất quyết bầy mưu dồn Ngài vào ngõ
chết. Họ đưa ra các chất vấn, để
nếu Ngài lỡ lời, họ sẽ bắt tội và
kết án... Các đợt tấn công như vậy càng ngày
càng gay gắt, nhưng lần nào họ cũng thất
bại nhục nhã... Có lần này là nguy hiểm hơn
cả, vì điều họ hỏi Ngài liên can đến quyền
đời lẫn quyền đạo. Dĩ chí, họ
đem cả nhóm tay sai của đế quốc, tức là
phe cánh vua Hê-rô-đê, thân chính quyền đô hộ Rôma,
đến đứng sẵn đó để có thể
tố cáo với Phi-la-tô - vị tổng trấn Rôma,
vốn tính khắc nghiệt và có sẵn binh lính trợ
lực - đến bắt Đức Giêsu ngay tại
trận.
Bố trí xong xuôi, họ đến cùng Ngài. Câu
đầu tiên là lời khen đường mật,
lời khen giả hình giả bộ : nào Thày là người
ngay thật, nào Thày không vì nể ai, luôn chỉ dạy
đường lối Thiên Chúa cách chân thành... Sau câu xã giao
bề ngoài thơn thớt đó, đến câu hỏi hóc
búa, bất ngờ, khó xử : thật nham hiểm, giết
người không dao : “Thưa Thày, xin nói cho chúng tôi hay : là
người Do thái, chúng tôi được phép nộp
thuế cho Hoàng đế ngoại đạo hay không ?”
Câu hỏi đặt Đức Giêsu ở thế
lưỡng nan : trở đi mắc núi, trở lại
mắc sông. Nếu Ngài dạy phải nộp thuế cho
Hoàng Đế ngoại đạo đó, thì Biệt phái
sẽ xúi dân coi Ngài như một tên Do-thái-gian, nịnh
bợ đế quốc, dám coi thường dân có
đạo thánh Chúa mà bảo phải phục tùng, lệ
thuộc quyền bính dân Rôma ngoại đạo : như
thế, uy tín Đức Giêsu sẽ bị sụp
đổ. Nếu Ngài dạy đừng nộp thuế,
bọn tay sai đế quốc có mặt đó sẽ
tố cáo Ngài là tên phá rối trị an, là phản
động, là cổ võ không nộp thuế, bất
phục tùng chính quyền...
Đức Giêsu gỡ thế bí ấy cách nào ?
Là Đấng thượng trí siêu phàm, Ngài “thấu
suốt cõi lòng hiểm ác của họ”, nên qua lời
đầu tiên, Ngài cho họ biết Ngài không dễ gì
bị lường gạt : “Tại
sao lại gài bẫy Ta, đồ giả hình!”. Sau
đó, Ngài bảo : “Đưa
Ta coi đồng tiền dùng để nộp thuế !”.
Họ móc túi đưa ra cho Ngài đồng quan. Ngài hỏi
: “Đồng tiền này
khắc hình và tên của ai?” Họ đáp : “Hình và
tước hiệu của Hoàng Đế”, (Hoàng
Đế Ti-bê-ri-ô đang trị vì).
Qua cử chỉ đó, cái hay
của Đức Giêsu là vạch cho họ thấy họ
đang mang trong mình tiền của Hoàng Đế Rôma,
đang sử dụng tiền ấy trong việc giao
dịch, mua bán hàng ngày, hưởng những lợi ích kinh
tế mà chính quyền Rôma vẫn đem đến cho
họ ; như thế, trong thực tế, họ đã
chấp nhận lệ thuộc quyền bính ấy rồi.
Vì theo quan niệm xưa, đồng tiền của Hoàng
Đế được tiêu dùng tới đâu là quyền
bính của ông lan rộng tới đó. Như vậy, chính
hành động và cuộc sống thực tế của
họ chứng tỏ họ đã và đang lệ
thuộc quyền bính Rôma rồi còn gì, vậy thì thật
dư thừa khi còn đặt câu hỏi có nên nộp
thuế nữa không, vì coi nộp thuế là một hình
thức lệ thuộc. Đức Giêsu kết luận : “Cái gì thuộc về Hoàng
Đế (Xê-da), hãy trả cho Hoàng Đế (Xê-da)”. Nhân
tiện, Đức Giêsu đi xa hơn và nêu ra một nguyên
tắc trọng đại : Phải “trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên
Chúa”. Nên lưu ý : Đức Giêsu không đề cao
sự phục tùng Hoàng Đế. Không ! Ngài chỉ
đặt vấn đề đúng chỗ của nó :
của ai trả cho người nấy, đó là công bình,
đó là trật tự.
Biệt phái xấu hổ rút lui, cuộc giăng
bẫy ác hiểm đã hóa ra vô hiệu, không cách nào bắt
bẻ Đức Giêsu được, vì quyền lợi
của Hoàng Đế không bị đụng chạm và
nhất là quyền lợi Thiên Chúa (quyền lợi của
đạo) lại được đề cao! Nói cách khác
: tuân phục và nộp thuế cho chính quyền Rôma không
giảm bớt chút gì quyền lợi của Thiên Chúa
cả (theo lời chú thích của linh mục Giuse Nguyễn
Thế Thuấn). Nghĩa là có tùng phục, có làm những
bổn phận (như nộp thuế chẳng hạn) mà quyền đời có quyền
đòi hỏi cách chính đáng, cho dù đó là quyền bính
ngoại đạo như Rôma đối với
dân Israen, thì cũng không có gì là phạm thánh, phạm
đến luật đạo hay phạm đến quyền
lợi của Thiên Chúa. Vì tuy rằng Nước vĩnh
cửu của Thiên Chúa đã được thiết
lập trên trần gian này rồi, do Đức Giêsu
thực hiện ; song các nước thế gian vẫn
được hành xử quyền bính chính đáng của
họ trong lãnh vực thuộc về mặt đời
của họ, tuy một cách tạm thời, nghĩa là bao
lâu lịch sử trần gian còn tiếp diễn.
*
Như vậy,
Đức Giêsu đã dạy cho ta biết : người
Kitô hữu, tuy là công dân Nước Trời (Ph 3.20), song bao
lâu còn sống trên dương thế, ta cũng là công dân
của một quốc gia, dân tộc, không được
phép bỏ bổn phận đối với quốc gia, dân
tộc ấy - tức là bổn phận công dân - lấy
lẽ rằng quốc gia ấy, quyền bính ấy
ngoại đạo, hoặc lấy lẽ rằng ta
chỉ chu toàn bổn phận thuần túy tôn giáo thôi.
*
Thánh Phaolô sau này cho biết lý do tại
sao phải phục tùng quyền bính dân sự : “Vì không quyền bính nào mà lại
không do tự Thiên Chúa mà ra, và những quyền chức
hiện hữu đã do Thiên Chúa thiết định. Cho
nên, ai chống lại quyền bính là đối
địch với điều Thiên Chúa qui định...”
(Rm 13.1-2). Thiên Chúa có cho phép, có để, thì họ
mới lên cầm quyền được. Đó cũng là
do ý Thiên Chúa an bài, sắp đặt cả. Vậy phải
tùng phục quyền bính không vì sợ hãi, sợ phạt
hoặc vì thấy có lợi, song vì đó là một bổn
phận của lương tâm (Thánh Thư nêu trên nói rõ
điều ấy trong c.5). Cho dù sau đó ít lâu, chính quyền
Rôma phát động mấy cuộc cấm đạo
đầu tiên, Thánh Phaolô cũng không nói thế khác, ông
vẫn bảo Giám Mục Titô là đồ đệ ông
rằng : “Con hãy nhắc
nhủ các tín hữu phải phục tùng, tuân lệnh
những người cai trị cầm quyền, phải
sẵn sàng tra tay làm mọi việc lành, đừng thóa
mạ ai...” (Tt 3.1). Ông còn đi xa hơn : “Tôi truyền phải dâng lời
khẩn xin, cầu nguyện cho hết mọi
người, cho Vua, Chúa, và hết thảy những
người quyền chức..., ngõ hầu ta
được qua một đời yên hàn, ổn
định trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm
chỉnh...” (1Tm 2.1-4).
Tích truyện
Chính
Đức Giêsu treo gương phục tùng ấy
đối với tổng trấn Phi-la-tô, là một
người Rôma ngoại đạo, và sẽ ra lệnh
giết Ngài trên thập giá. Số là khi Philatô thẩm
vấn Ngài, thấy Ngài không đáp lại lời nào, Philatô
bực tức :
- Ông không nói ư ? Ông không biết
rằng ta có quyền tha ông mà cũng có quyền đóng
đinh ông sao ?
Phi-la-tô
nghĩ rằng mình có quyền tuyệt đối, vì ông
đại diện Hoàng Đế, chúa tể cả một
đế quốc. Ông cho ai sống thì kẻ ấy
được sống, ông bắt ai chết thì kẻ
ấy phải chết. Nhưng ông đã bị Đức
Giêsu phá tan ảo tưởng ấy, Ngài nói :
- Ông không có quyền gì trên tôi,
nếu từ trên không ban xuống cho. Bởi thế,
kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn.
Nói vậy,
Đức Giêsu có ý bảo : quyền bính mà Phi-la-tô đang
nắm giữ là do từ Thiên Chúa, “từ trên ban cho”, nên ông
mới có thể định đoạt, kết án Ngài
phải chết. Như thế, ông chỉ là dụng cụ
của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa muốn Ngài phải hi sinh chịu
chết để chuộc tội thiên hạ. Lãnh nhận
án bất công của Philatô như thế, là Ngài tùng phục
ý Thiên Chúa, chứ thực ra Phi-la-tô không có quyền bắt
Ngài phải chết hay cho Ngài sống được.
Vậy, ta đã rõ bổn phận phải tùng
phục quyền bính dân sự trong mọi điều chính
đáng thuộc địa hạt của họ, chỉ
trừ khi nào quyền lợi của Thiên Chúa hoặc
luật Thiên Chúa và Hội Thánh bị xâm phạm, lúc ấy
ta phải nói như Chúa Giêsu dạy : “(Quyền lợi)
của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa”, hoặc như
Thánh Phêrô và các tông đồ, can đảm tuyên bố
trước tòa án Do thái : “Phải vâng phục Thiên Chúa
hơn là người ta”. Về những điều này, xin
bàn hỏi với những Đấng có khả năng
giải đáp, ở đây không nói chi tiết cặn
kẽ hết được.
Hôm nay, gia đình ta làm giờ cầu nguyện
để đền tạ Chúa, vì bao lỗi lầm đã
phạm về điều này. Phạm điều này, ta
cũng có lỗi với Chúa như phạm các điều
Chúa truyền dạy khác. Vậy cùng nhau ta đọc kinh
đền tạ. p
|