Tin và theo Chúa
Giêsu
(Suy niệm của Lm
Giuse Nguyễn Hữu An)
Báo Tuổi Trẻ Cười có bài
thơ:
“Ông Tiền, ông Phật, ông Tiên,
Ba ông đứng lại, ông Tiền cao
hơn.
Tiền nhiều: mặc kệ...
vẫn hơn,
Dẫu cho nhân sự ngã nghiêng tứ
bề.
Tiền nhiều chẳng ngán chẳng
lo,
Phất tay một cái nhằm nhò gì ông”.
Con
người dù sở hữu nhiều “ông tiền” và “mua
tiên cũng được”, nhưng chắc gì đã
hạnh phúc?
Ngày 06.6.1976, tỷ phú Paul Getty qua
đời, để lại một gia sản từ hai
đến bốn tỷ đôla. Sau năm lần ly
dị, ông đã tuyên bố với báo chí: Tôi mong dùng tất
cả gia tài của tôi để xây dựng một
cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tôi thất
bại. Tôi không đạt
được hạnh phúc gia đình. Tiền
bạc không thể mua được hạnh phúc. Trái
lại, nó còn có họ hàng bà con với những nỗi
bất hạnh nữa.
Cơ quan vũ trụ Nasa của
Mỹ đã từng tiết lộ: khi phi hành gia lần
đầu tiên trên trái đất đặt chân lên mặt
trăng, nhìn cảnh vật, ông ấy đã thốt lên “ Ôi, yên bình quá, ở đây không có tiền”.
Một cuộc sống đầy
đủ không thể không có tiền, nhưng nhiều
tiền chưa hẳn đã có hạnh phúc. Sự giàu sang không đương nhiên
mang lại hạnh phúc cho con người.
Trang Tin mừng hôm nay kể chuyện
một thanh niên đạo đức và có nhiều tiền
của và vẫn thao thức đi tìm hạnh phúc với lý
tưởng hằng ấp ủ từ thuở nhỏ.
Một thanh niên công chính, ngay thẳng,
không dối gian. Một
người trẻ tuổi tốt có thiện chí, giữ
trọn các giới răn của Thiên Chúa và còn muốn làm
điều tốt hơn nữa để được
sự sống đời đời. Chàng trai
thật dễ thương, khao khát muốn vươn lên,
băn khoăn muốn làm thêm gì đó để nên tốt
hơn, thao thức hướng tới trọn lành. Một thiếu gia có của mà không tìm
hưởng thụ, nhưng lại nuôi ước vọng
cao xa hơn. Chàng trai trẻ ước
mơ một vùng trời lý tưởng. Ước mơ ấy cất tiếng gọi anh
đi tìm bậc “Thầy nhân lành”. Gặp Chúa Giêsu, anh
quỳ xuống và thưa: Thưa Thầy, tôi phải làm gì
để đạt được ước mơ mà tôi
hằng ấp ủ? Người thanh niên
hỏi Chúa Giêsu với cả tấm lòng chân thành.
Người hỏi “anh có giữ các giới răn không?”. Anh đáp dứt khoát và mau lẹ: “Thưa,
tất cả những điều đó tôi đã giữ
từ nhỏ”.
Chúa Giêsu nhìn anh với ánh mắt trìu mến. Khi biết anh đã giữ trọn các
giới răn, Chúa “Chăm chú nhìn anh và đem lòng
thương”. Chúa thương vì thấy chàng
trai trẻ thành tâm thiện chí. Chúa muốn giúp anh
đi xa hơn trên con đường trọn lành, con
đường tìm kiếm, con đường đòi
hỏi từ bỏ và quảng đại. Chúa chỉ cho
anh thấy con đường: “Anh chỉ thiếu có
một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho
người nghèo, anh sẽ được một kho tàng
trên trời. Rồi hãy đến theo
Tôi” (Mc 10, 21). Đây là điều duy nhất,
căn bản và cốt yếu để anh
được hạnh phúc, được sự sống
đời đời.
Thánh
Máccô kể chuyện cách dí dỏm: “Nghe lời đó, anh ta
sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có
nhiều của cải” (Mc 10, 22). Niềm vui lịm
tắt, người thanh niên buồn bả bỏ đi (Mt
19,20-21). Và từ đó ước mơ
của anh héo úa theo dòng đời. Anh muốn hạnh phúc, muốn được
sự sống đời đời nhưng lòng gắn bó
với của cải vật chất đã chặn
bước đường đi tới.
Có
lẽ các môn đệ tiếc nuối: sao Thầy không
chiêu mộ người thanh niên giàu có này làm môn đệ
nhỉ?
Chàng trai trẻ tiếc của bỏ
đi. Chúa
cũng tiếc thanh niên thiện chí. Chúa “nhìn chung quanh” và nói: “Những kẻ cậy
dựa vào của cải, thật khó vào Nước Thiên
Chúa biết bao”. Theo Chúa Giêsu, người ta
không thể thờ hai chủ cùng một lúc. Kẻ có
nhiều của cải thì để tâm vào của cải
“kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó” (Lc 12,34), cho nên phải chọn: một là Thiên
Chúa, hai là tiền tài (x. Lc 16,13). Lời Chúa thật “sắc
bén như gươm hai lưỡi”. Người giàu
thiện chí cần phải cắt những ràng buộc
vật chất để vươn cao lên.
Chàng
trai trẻ vui mừng và hy vọng đi tìm con
đường trọn lành. Phấn khởi
gặp Chúa nhưng trở về với nổi
buồn.Chàng trai trẻ không muốn trả giá, không
muốn mạo hiểm làm môn đệ. Anh ta chỉ muốn giữ của cải
đảm bảo cho cuộc sống vật chất.
Muốn theo Chúa Giêsu nhưng anh ta vấp
phải một chướng ngại, một sức
khống chế, đó là lòng gắn bó với của
cải. Của cải như tấm kính mờ che lấp
ánh sáng khi mà ánh sáng muốn soi vào lòng anh. Người thanh
niên này có tất cả để được hạnh
phúc nhưng chỉ còn thiếu một điều là
khả năng theo Chúa.
Những thanh niên tốt như vậy
thời nào cũng có.
Người trẻ sùng đạo và khao khát sự sống
đời đời. Anh có duyên may gặp được
Chúa Giêsu, một bậc thầy có lòng nhân hậu. Nhưng
tiếc thay! Anh không đủ can đảm, không
đủ quãng đại bác ái để đáp ứng
đòi hỏi của Chúa Giêsu là từ bỏ những gì
mình có để theo Người.
Chúa đòi hỏi nơi anh điều
anh muốn giữ lại vì của cải là chỗ
dựa của đời anh. Anh sẵn sàng làm mọi điều Chúa đòi
hỏi trừ việc bỏ chỗ dựa này. Nô lệ
cho của cải, người thanh niên không đủ can
đảm để ra khỏi ràng buộc.
Người giàu có không được
cứu độ chẳng phải vì họ giàu, nhưng
sự trói chặt của vật chất làm họ nô
lệ cho của cải và lãng quên Thiên Chúa. Của cải có thể
là cạm bẫy che mất lương tâm, cản trở
bước đường đến trọn lành.
Người ta thường nói: Người giàu lấy
của che thân. Người nghèo lấy thân che
của. Đồng tiền liền
với khúc ruột. Giàu không phải là
tội, nghèo chẳng phải là nhân đức.
Điều quan trọng theo tinh thần
Phúc âm là thái độ con người trước của
cải vật chất. Chúa Giêsu đã nhiều lần ví
những người giàu có như ông phú hộ tích trữ
thóc lúa ăn chơi thỏa thích. Hay
như ông phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, không
để ý đến Lagiarô đói khổ thèm
được mấy thứ rơi từ bàn ăn rơi xuống mà vẫn không
được (Lc 12, 16-21; 16, 19-26). Thiên Chúa bảo các ông
phú hộ đó: “Đồ ngốc, nội đêm nay,
người ta sẽ đòi lại mạng sống
ngươi” (Lc 12, 20). Khi các phú hộ ở dưới âm
phủ, ngước mắt lên kêu: “Ở đây con bị
thiêu đốt khổ lắm”, Tổ phụ Abraham đáp
lại: “Con ơi, hãy nhớ lại, suốt đời con
đã được sướng rồi, bây giờ,
phải chịu cực khổ thế là phải rồi”
(Lc 16, 23-25).
Con
người thường bị giằng co giữa
ước mơ bay cao và sự kéo gì của vật
chất. Của cải vật chất có
sức hấp dẫn mãnh liệt. Con người làm
chủ nó và dần dần để nó làm chủ mình.
Của cải trở thành lẽ sống mà con người
không thể dứt bỏ.Những tiêu chuẩn mà con
người hôm nay đang đặt ra để trói
buộc nhau như là tiền tài, địa vị, danh
vọng; thực tế, nó không thể làm cho con
người đạt tới hạnh phúc đích thực.
Chúa
Giêsu mang đến cho chúng ta một tin vui. Có những
niềm hạnh phúc lớn lao mà Thiên Chúa
ban cho chúng ta qua từng phút giây đang sống. Biêt dừng lại để thưởng
thức những niềm vui nhẹ nhàng trong cuộc
sống. Gặp một nụ
cười, ngắm một bông hoa. Thực
thi một cử chỉ yêu thương, một việc làm
bác ái. Đọc một cuốn sách hay.
Một cuộc trò chuyện thân mật.
Một buổi tối đọc kinh chung
trong gia đình, trong khu xóm. Dâng một thánh
lễ sốt sắng. Dự một giờ chầu
sốt mến...Biết bao niềm vui an
hòa mang đến hạnh phúc trong cái bình thường
của đời thường. Có những người,
giàu tiền bạc mà không biết vui cười, lắm
của cải mà không biết yêu thương, sang trọng
bề ngoài mà không có niềm vui nội tâm, thì cũng
chỉ là bất hạnh. Con người không chỉ
dừng lại nơi cơm áo gạo tiền. Con
người còn có rất nhiều niềm vui tinh thần,
biết bao hạnh phúc thiêng liêng.
Chúa
Giêsu không chọn những thanh niên “học giỏi,
đẹp trai, con nhà giàu”. Chúa chọn những thanh niên,
những người lao động xem ra chẳng bảnh
trai hay học thức, nhưng Chúa cần nơi họ là
có “tấm lòng”, vì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ
tài”.
Người
trẻ luôn ước mơ, luôn khao khát, luôn tìm kiếm và
luôn có đủ nghị lực để vươn
tới Chân Thiện Mỹ. Nhân loại sẽ không tìm
thấy giải đáp nào thoả đáng hơn ngoài Chúa
Giêsu Kitô, Đấng “là Con Đường, là Chân Lý và là
Sự Sống” (Ga 14,6). Trong xã hội ngày nay, có biết bao
cuộc vui chơi giải trí, có biết bao phong cách hào hoa,
có biết bao chủ thuyết hứa hẹn một
tương lai tươi sáng... đang lôi cuốn giới
trẻ. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một
sự thật là: con người đứng trước
một thế giới tương đối, hữu
hạn nhưng tâm hồn lại luôn hướng về
những giá trị tuyệt đối, vô biên. Đó là
một mâu thuẫn lớn nhất trong con người,
đặc biệt là nơi giới trẻ. Nếu
không có một đời sống tâm linh vững vàng thì
người trẻ dễ rơi vào tình trạng chán
chường, thất vọng và phản ứng nổi
loạn. Ý tưởng đó được
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong sứ điệp ngày
Quốc Tế Giới Trẻ 1993 xác nhận: “Chỉ có
Đấng tạo dựng nên tâm hồn con người
mới có thể đáp ứng cách thích đáng những mong
chờ mà con người mang trong mình”.
Vì thế, cần phải cầu xin cho
có được sự hiểu biết để “coi
của cải chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan”;
“Đức Khôn Ngoan hơn vương trượng, ngai
vàng... của cải bằng không. So với Đức Khôn
Ngoan, vàng trân châu bảo ngọc chẳng qua là một chút
cát, bạc chẳng qua như chút bùn”. (Bài
đọc 1). Khôn ngoan là sự giàu sang, là sự
hiệp thông với ân sủng của
Thiên Chúa. Người đời thường
quý chuộng tiền bạc và sự giàu có, còn người
Công chính coi Đức Khôn Ngoan là điều quý trọng
hơn cả. Khôn ngoan quý trọng hơn
tiền bạc, ngọc ngà, châu báu. Khôn
ngoan quý hơn sức khoẻ và sắc đẹp. Cùng với Đức Khôn ngoan, mọi sự
tốt lành đến với người công chính.
Người thanh niên trong Tin mừng hôm
nay là người trẻ đàng hoàng và lương
thiện, sống một cuộc sống không có gì đáng
chê trách, không có tội lỗi gì đáng phàn nàn, không có
tật xấu để sửa sai. Anh là hình ảnh người Công chính
Cựu ước chu toàn lề luật.
Chúa Giêsu âu yếm nhìn anh và muốn anh tiến thêm một
bước nữa để nên người Công Chính Tân
Ước: bán gia tài đem bố thí cho người nghèo,
sẽ có một kho báu trên trời và hãy theo
Người. Đó là điều kiện nên người
Công chính Tân ước.
Không ngoại tình, không giết
người, không trộm cắp, không làm chứng gian, không
lường gạt ai, không bất hiếu với cha
mẹ. Đó
mới là điều kiện thứ nhất sống
tốt lành về mặt luân lý. Điều kiện
thứ hai là tin và theo Chúa Giêsu.
Giá
trị của con người không hệ tại ở cái
mình có, mà ở tại chính cái mình làm. Tất
cả sự khôn ngoan và minh triết được đúc
kết nới Chúa Giêsu. Tin vào Chúa Giêsu và sống theo giáo huấn của Người là sự
khôn ngoan của người Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chỉ dẫn
con đường hạnh phúc đời đời. Xin
cho chúng con trung thành theo đường
lối khôn ngoan thánh thiện Chúa dạy, luôn giữ các
giới răn, chia sẽ tình thương với tha nhân,
tin và bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.
|