Người tự do - Lm.
Hồng Phúc
“Vì anh có nhiều của
cải”
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đề
cập đến hai điều. Đó là tình và tiền;
tình yêu phụng sự Thiên Chúa và tiền bạc nhiều
khi phản lại lý tưởng Chúa.
Một thanh niên được Chúa chú ý
và kêu gọi đáp lại tình yêu của Ngài. Anh vốn là người
đạo đức từ thuở nhỏ. Anh nói:
“Những giới răn ấy, con đã giữ từ
thuở nhỏ”. Nhưng hôm nay, Chúa kêu gọi anh tiến
lên một bậc nữa, để đáp lại tình yêu
của Ngài, là “bỏ, bán, bố thí” của cải và theo Ngài. Tình yêu đòi hỏi cởi bỏ
để đi theo, như người
vợ thương chồng, bỏ tất cả
để theo chồng, “chồng đi hang rắn hang
rồng cũng theo”. Nhưng người thanh
niên này bỏ không đành, “bỏ thì thương
vương thì tội”, anh bị chi phối quá nhiều.
Phúc Âm nói: “Vì anh có nhiều của cải”. Tiền
đã thắng anh.
Nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã nói
về tiền của.
Ngài không lên án người có của. Ngài biết “đồng tiền nối liền
khúc ruột”, cần có tiền để sống,
để giữ đạo nữa, “có thực mới
vực được đạo”. Nhưng Ngài lên án sự ham mê tiền bạc. Tiền
của hay làm người ta ham mê dính bén. Tiền bạc hay
làm cho lòng người ta đen bạc, khó vào Nước
Thiên Đàng. Chúa phán: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào
Nước Thiên Chúa”. Câu nói ấy có nghĩa
làm sao? Đây là một từ ngữ Á
đông để chỉ một việc làm rất khó.
Sách Talmud của Do thái cũng có một thành ngữ
tương tự: “Khó như con voi chui qua lỗ kim!”. Thật ra Chúa Giêsu không lên án
người giàu cũng không chúc lành cho người nghèo.
Những người “đàn bà thánh thiện” đi theo Chúa, họ là những người giàu có,
đem tiền của trợ giúp Ngài và các môn đệ
trong công việc truyền giáo, họ đâu bị kết
án. Cũng như khi Maria, em của Martha và chị của
Lagiarô, đem bình thuốc thơm mà
Giuđa đánh giá đến 300 đồng (công nhật
một người thợ thời ấy là một
đồng), Ngài không chối bỏ cử chỉ yêu
mến đó. Cũng như nhiều lần, Ngài đi
dự những bữa ăn sang trọng của
người biệt phái giầu có (Lc 7,36-38;
Mc 14,3-9), hay những người thâu thuế có tiền (Lc
19,1-10). Vậy, Chúa lên án sự gì? Ngài lên
án những người không biết dùng
tiền của, làm nô lệ tiền của. Thật
khó cho người giầu, có thể trở nên một Kitô
hữu chân thật khi họ coi đồng tiền là chúa
tể. Điển hình là người thanh niên hôm nay,
anh không dám hay không đành dấn thân theo
chân Chúa, như Phêrô và các bạn ông đã làm. Chỉ có
những người có tinh thần nghèo khó Phúc Âm mới là
những người tự do, những
chứng chân thật sự và quả cảm. Phaolô nói: “Chúng
tôi là những kẻ được coi là không mảy may,
nhưng lại được mọi sự làm sở
hữu” (IICor 6,10). Và chị Thánh Têrêxa
nói: “Từ khi tôi từ bỏ mọi sự, tôi sống
thật hạnh phúc, tôi như được sống
lại”.
Người từ bỏ tất cả
được Chúa cho tất cả.
Thánh Giuse
Corrodengo (1786-1842) là gương mẫu từ bỏ mọi
sự, sống phó thác vào tình yêu và sự quan phòng của
Chúa. Mỗi ngày, tiền của
người ta bố thí, còn dư bao nhiêu, người
dạy đem chia sẻ cho người nghèo. Người
điều khiển một cô nhi
viện với 700 trẻ ở Turin (Ý). Một hôm giờ cơm đã gần đến
mà nhà bếp xem ra chưa “động tĩnh” gì cả.
vả lại túi tiền đã cạn. Chị nữ tu quản lý chạy vào báo
động. Thánh nhân bảo: “Cứ cho các em sắp
hàng vào nhà cơm như thường lệ”. Rồi
ngài chạy vào nhà thờ cầu nguyện. Bỗng
dưng có tiếng chuông nhà khách vang reo. Một tiểu
đội lính hớt hải chạy vào thưa: “Lạy
cha, tiểu đoàn chúng con đi hành quân, gọi về cho
ban ẩm thực biết sẽ không về kịp...
Vậy xin cha nhận của ăn chúng con đã nấu
sẵn, cho các em cô nhi!”
Thánh nhân qua đời lúc 56 tuổi, sau
khi đã lập hai dòng nữ Bác Ái và hai dòng nam để
tiếp tục công việc. Ngài
được Đức Piô XI tôn phong hiển thánh ngày 19-5-1934.
“Thầy
bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em chị
em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Phúc
Âm... mà không được gấp trăm ở đời
này và đời sau được sự sống vĩnh
cửu” (Mc 10,29-30).
|