Hãy theo Tôi – Lm.
Giuse Đỗ Vân Lực
Tiền bạc có một sức
mạnh kinh hồn. “Có tiền mua tiên cũng được.” Ai có thể thoát được ma lực của
đồng tiền? Nhưng Đức
Giêsu sẽ cho thấy có những giá trị không thể mua
bằng tiền. Những giá trị cao
vượt đó chỉ có thể tạo được
khi thoát khỏi mọi ma lực của đồng
tiền. Đó là điều rất khó
hiểu. Nhưng đó cũng là sự
thật.
Đồng
tiền liền khúc ruột
Một hôm, có chàng thanh niên con nhà giàu
đến gặp Đức Giêsu. Chàng có nhiều
đức tính thật dễ thương. Khác với
những bạn đồng lứa ăn
chơi xa xỉ, chàng cố giữ những điều
luật luân lý nghiêm nhặt. Mọi
người đều nhìn vào anh như mẫu
người lý tưởng. Chính
Đức Giêsu cũng “đem lòng yêu mến.”(Mc 10,21) Anh chẳng thiếu thứ
gì trên đời. Nhưng anh vẫn không
hoàn toàn hạnh phúc. Anh thấy còn
thiếu một cái gì trong cuộc đời. Anh ưu tư, khắc khoải. Bởi
đó nêu thắc mắc với Đức Giêsu: “Thưa
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được
sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17) Có mấy công tử bột
có thể nêu được câu hỏi sâu sắc đó?
Anh đã bị dằn vặt rất
nhiều vì không thấy thỏa mãn hoàn toàn với những
hứa hẹn vật chất. Anh tin Đức Giêsu
sẽ trả lời dứt khoát và rõ ràng về vấn
đề quan trọng cho cuộc đời anh.
Xưa nay anh cứ tưởng một
đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ
bảo đảm về mặt đạo đức. Tiền bạc dư
thừa bảo đảm về mặt vật chất.
Đời sống như thế đã quá
đủ tiêu chuẩn đạt hạnh phúc. Nhưng anh không thể ngờ hạnh phúc lại
vượt lên trên những tiêu chuẩn tầm
thường đó. Hạnh phúc là quan tâm
tới người nghèo. Quan tâm tới
độ “bán những gì anh có mà cho người nghèo.”
(Mc 10,21) Bán sạch. Trở nên nghèo vì người nghèo. Chính lúc nghèo như thế, “anh sẽ
được một kho tàng trên trời.” (Mc 10,21) Kho tàng đó đang hiện
diện ngay trước mặt anh. Bởi đó
Đức Giêsu mới nói: “Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10,21) Đức Giêsu là một giá trị vượt
trên tất cả những của cải trần gian, vì
Người là “sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa.” (1 Cr 1,24) “Trong
Người có cất giấu mọi kho tàng của sự
khôn ngoan và hiểu biết.” (Cl 2,3) Gia tài của chàng thanh niên đó là cái gì so với
Đức Khôn Ngoan? Nếu biết Đức Giêsu là
Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói: “Tôi
coi của cải chẳng là gì so với Đức Khôn
Ngoan.” (Kn 7,8)
Chàng thanh niên là người có thiện
chí, nhưng vì chưa ý thức được kho tàng khôn
ngoan nơi Đức Giêsu, nên đã không thể có một
lựa chọn đúng. Có lẽ anh kinh ngạc về đề nghị
và mời gọi của Đức Giêsu. Anh không thể tưởng tượng có một
thứ hạnh phúc ngoài tiền bạc. Để theo
đuổi hạnh phúc đó, Đức Giêsu đề
nghị anh dấn thân cho ngươì nghèo và mạo hiểm
theo Người đi rao giảng Tin Mừng. Nhưng “nghe
lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu
bỏ đi,” (Mc 10,22) vì trong anh đang
nổi lên một cơn thất vọng và cuộc xung
đột giữa hai tiêu chuẩn hạnh phúc: hạnh phúc
do tiền bạc và bổn phận, hạnh phúc do từ
bỏ và dấn thân.
Trước
khi nói tới lời mời gọi tin tưởng nơi
Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn cho mọi người
thấy mối nguy hiểm của tiền bạc hay
của cải: “Những người có của thì khó vào
Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10,23)
Thực ra, tiền bạc không phải là
một sự dữ. “Có của” không
đương nhiên là xấu. Thái độ khi “có
của” mới xác định giá trị con người. Giáo Hội từng có những vị thánh xuất
thân tự ngai vàng như vua Louis nước Pháp, vua Stephan
nước Hung. Giữa đống tiền của, họ
vẫn lắng nghe tiếng Chúa và dấn thân cho
ngươì nghèo.
Của cải chính một phúc lành
của Thiên Chúa. Thực
vậy, “chính phúc lành của ĐỨC CHÚA cho ta
được giàu sang.” (Cn 10,22) “ĐỨC CHÚA bắt phải nghèo và cho giàu có.”
(1 Sm 2,7) Người giàu cũng không
bị kết án vì có nhiều tiền
của. Chính Đức Giêsu cũng giao du với những
người giàu sang quyền quí, như Giakêu, Nicôđêmô,
Máthêu v.v. Như vậy cả tiền bạc lẫn
người giầu có đều không phải là
đối tượng của lời nguyền rủa.
Đức Giêsu muốn cho thấy cái đáng quan tâm là
mối tương quan giữa con người và tiền
bạc. Ưu tư quá về tiền của đến
nỗi không thể dấn thân cho người nghèo và Tin
Mừng là đánh mất cơ hội lớn nhất
cuộc đời: “Những người có của thì khó
vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10,23)
Đòi
hỏi gắt gao
Đầu óc bình thường coi
đạo nào cũng như đạo nào. Nhưng Đức Giêsu muốn
môn đệ phải sống trên mức đạo
đức bình thường, không thể thỏa mãn với
những đòi hỏi luân lý mà thôi. Chính
khi vượt lên trên hạnh phúc bình thường, họ
mới thấy rõ giá trị tiền bạc. Chính
tiền bạc sẽ trở thành phương tiện giúp
đỡ và cứu thoát những người anh em nghèo
khổ khỏi cơn túng quẫn. Nếu
“từ bỏ mọi sự” một cách tuyệt
đối, sẽ chẳng còn phương tiện nào
để làm việc bác ái. Bởi đó, đúng
hơn phải nói về “tinh thần khó nghèo,” (Mt 5,3) một tinh thần cần thiết
để sẵn sàng lên đường với Đức
Giêsu, chấp nhận mọi thử thách thương
đau vì hạnh phúc đồng loại. Đó là con
đường làm vinh danh Thiên Chúa.
Mặc
dù đã “bỏ mọi sự” theo Chúa,
Phêrô cũng không chấm dứt mọi tương quan
với bên nhà vợ. Chính ông đã mời Đức Giêsu
vào nhà mình và xin Người chữa bà mẹ vợ mình khỏi
cơn sốt (Lc 4,38-39; Mt 8,14; Mc 1,30). Mối liên hệ vẫn còn đó. Phải chăng Phêrô chưa “bỏ mọi
sự”? Vậy làm sao hưởng
gấp trăm? Phải chăng lời
Chúa mâu thuẫn với thực tế? Mâu
thuẫn vì có nhiều nhà truyền giáo sống rất nghèo
khổ, bị tù đầy, đói khát, chết chóc vì Chúa
thì sao? Suốt đời họ chẳng
được gấp trăm, mà chỉ toàn bị
“ngược đãi” (Mc 10,30). Lời Chúa được thực hiện ở
đâu? Vả lại có những người không
hề biết đến từ bỏ, lại
được hưởng gấp trăm ngàn lần
những người đã hiến thân theo
Chúa.
Đúng hơn, Đức Giêsu muốn
so sánh hạnh phúc tự nhiên với siêu nhiên. Thực vậy,
“đời sống cộng đoàn Kitô hữu sẽ thay
thế cho sự hỗ trợ và hạnh phúc gia đình
cũng như của cải đã từ bỏ. Đời sống Kitô hữu “ở đời
này” tràn đầy niềm vui.” (Faley 1994,661)
Ngay trong bắt bớ, niềm vui đó
vẫn không chấm dứt, vì phát xuất tự Thiên Chúa.
Niềm vui từ của cải hay huyết
tộc làm sao so sánh với niềm vui là chính Chúa? Cuộc sống hôm nay đang thiếu vắng
niềm vui chân thật đó. Vì thế
gian không chịu nổi sự phân rẽ của lời
Chúa. “Lời đó phê phán tâm tình cũng
như tư tưởng của lòng người.” (Dt
4,12) Lời Chúa gây nhức
nhối và thách đố cho lương tâm thời
đại. Đúng như Chúa nói: “Thầy đến
không phải để đem bình an, nhưng để
đem gươm giáo.” (Mt 10,34) Lời Chúa vẫn còn đó như một tra
vấn liên tục, khiến họ không thể ngủ yên.
Quả thực, “lời Thiên Chúa là lời sống
động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả
gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm
với linh, cốt với tủy,” (Dt 4,12)
nghĩa là vào chỗ sâu kín nhất: lương tâm con
người. Không ai có thể trốn chạy
Lời Chúa. “Vì không có loài thọ tạo
nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa.” (Dt 4,13)
Lời
Chúa hôm nay đang thúc bách chúng ta dấn thân hơn nữa vào
việc xây dựng Nước Chúa, tức là đem cả
nhân loại vào “sự công chính, bình an và
hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm 14,17)
Không còn con đường nào khác ngoài việc hiến thân,
từ bỏ và mạo hiểm vì Nước Trời.
Cuộc mạo hiểm đầy thú vị, nhưng
cũng chan chứa niềm hi vọng, vì Đức Giêsu
đã quả quyết: “Thầy đã được trao
toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28,18)
|