Vậy
vấn đề là : Làm sao thay đổi
được não trạng lợt lạt với Chúa Cha nói
trên của số đông người Công giáo VN ?
Quả
thật rất khó nếu chỉ dựa vào sức loài
người, song chúng ta biết rằng : “Nơi loài người, điều đó không
thể được, nhưng nơi Thiên Chúa, mọi
sự đều có thể được.” (Mt 19.26).
Vậy, chúng ta phải làm gì
đây ?
Phải quay trở về với Thánh
kinh, để qua đó Đức Giêsu dạy ta
được hiểu biết Chúa Cha. Chẳng phải
Người đã tuyên bố :
“Cha Tôi đã giao phó mọi sự
cho Tôi. Và không ai biết rõ người Con, ngoại trừ
Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, ngoại
trừ người Con và kẻ mà người Con muốn
mặc khải cho.” (Mt 11.27).
Vì “người Con này ở
trong cung lòng Chúa Cha (từ thuở đời đời nên
dò thấu hết mọi sự của Cha) và đã tỏ
bày cho chúng ta biết” (Ga 1.18).
Như
thế, muốn biết rõ Chúa Cha thì phải nhờ Chúa Con
mặc khải hay bày tỏ ra cho mà thôi !
Vậy, chúng ta hãy thành tâm van xin Chúa Giêsu
mặc khải cho ta biết Chúa Cha và tình yêu của
Người.
Hai môn đệ trên
đường về làng Emmau, đang buồn rầu
thất vọng vì Thầy Thánh của họ bị
giết, thế mà nhờ cái gì mà lòng họ lại bừng
cháy lên tràn trề vui mừng và hy vọng như thể
từ cõi chết mà sống lại vậy ?
- Nhờ Chúa Giêsu giảng
giải Thánh Kinh cho họ nghe:
“Họ
mới bảo nhau : "Dọc đường, khi
Người nói chuyện và giải thích Thánh Kinh cho chúng ta,
lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24.32)
Đến
lượt chúng ta cũng sẽ xảy ra như vậy,
nếu chúng ta đón nghe lời Thánh kinh.
Vậy
đây ta hãy nghe :
Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan,
Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô:
“Thiên Chúa yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Người thì khỏi phải chết, nhưng
được sống muôn đời.” (Ga 3.16)
Thế mới biết câu Thiên
Chúa yêu thế gian “đến nỗi” thật là thấm
thía hết sức, nó nói lên mức độ Tình Yêu cao
cả, vĩ đại, thâm sâu, siêu phàm, vô lường vô
hạn của Chúa Cha đối với nhân loại, yêu
thương “đến nỗi” thí ban Con Một yêu dấu
của mình chịu chết thập giá “để ai tin (nơi Người) thì khỏi
phải chết nhưng được sống muôn
đời”. Chúng ta cần cầu nguyện mới có
thể cảm nhận được Tình Yêu cao vời
ấy, bởi nó vượt trên trí hiểu của ta (Ep
3.19), nó đi ngược với những gì ta
thường quen sống, vì ở đời chẳng ai làm
như thế cả.
Phần đông chúng ta ai cũng
đã có gia đình, có con có cháu. Giả như chúng ta có
đứa con trai một, độc nhất, rất
mực thương yêu, cưng chiều, “nâng như nâng
trứng, hứng như hứng hoa”, có ai trong chúng ta đã
bằng lòng hy sinh nó cho một đứa bạn khác của
nó được sống không ? Không bao giờ !
Thánh kinh cũng biết thế
nên đã nói :
“Hầu
như không ai chết vì người công chính, họa
may có ai dám chết vì một người lương
thiện chăng.” (Rm 8.7).
Họa hoằn cũng có
người chết thay cho người đức cao,
quyền trọng. Trong lịch sử VN, có chuyện ông Lê
Lai liều mình cứu vua : Lúc ấy quân địch vây
ngặt quá, ông Lê Lai mới xin vua Lê Lợi cho mình liều
chết để cứu vua, bằng cách ông mặc áo mão
của vua, rồi thúc ngựa xông ra, quân địch
tưởng đó là vua Lê Lợi, kéo toàn quân đuổi
theo, và giết chết ông vua giả, đang khi đó,
ở đàng này vua thật trốn thoát.
Chết thay cho
một ông vua như vậy kể cũng đáng. Còn
chết cho người ác, người xấu lại là
chuyện khác ! Hãy thử tưởng tượng xem : có
một tên tướng cướp độc ác dữ
tợn, đốt làng phá xóm, giết người
cướp của, hãm hiếp phụ nữ, nay bị án
tử hình đích đáng. Có ai trong chúng ta thấy nó tội
nghiệp, nên bắt con mình chết thay cho tên khốn
nạn đáng ghét ấy không? Không đời nào ! Ngàn
lần không !
Ấy đấy, chúng ta chính là
những kẻ khốn nạn đáng gớm ghét đó !
Thế mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người chết
khổ hình nhục nhã trên thập giá để cứu chúng
ta khỏi chết đời đời! Thánh Kinh quả
quyết rõ ràng :
“Quả
vậy, ngay khi chúng ta … còn là hạng người vô
đạo, … ngay khi chúng ta còn là những người
tội lỗi thì … Đức Ki-tô đã chết vì
chúng ta !”… khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên
Chúa đã để cho Con của Người phải
chết mà cho chúng ta được hoà giải với
Người… Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu
thương chúng ta” nói sao cho cùng. (Rm 5.6-8,10).
Có vẻ như Chúa Cha
thương nhân loại khốn nạn hơn Con yêu quí
của mình. Thánh kinh không nói, chúng ta sẽ không tin :
“Đến như chính Con Một, Thiên
Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì
hết thảy chúng ta”, thì
hỏi còn gì mà Chúa Cha lại tiếc không ban cho ta nữa ?
(Rm 8.32).
Đừng tưởng Đức Giêsu,
là Con Thiên Chúa, thì chịu đau khổ và chết coi như
không “nhẹ như lông hồng”. Đau khổ và chết –
và nhất là cái chết đau đớn khủng khiếp
bởi khổ hình đóng đinh thập tự giá – ai mà
chẳng sợ ! Đức Giêsu cũng là người
thật, theo lẽ tự nhiên Người cũng sợ,
cũng muốn trốn tránh, cho nên :
“Khi còn
sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin
lên Đấng có quyền năng cứu Người
khỏi chết….”
“Lạy Cha, nếu có thể
được, xin cho con khỏi phải uống chén
này…”(Mt 26.39)
Nhưng không thể
được.
“(Chỉ
vì) Thiên Chúa muốn đưa muôn vàn con cái (là loài
người khốn nạn chúng ta) đến vinh quang (trên
trời), nên Người đã làm một việc thích
đáng, là (truyền) cho Đấng khơi nguồn ơn
cứu độ cho họ (tức Đức Giê-su)
trải qua nhiều đau khổ (và cả cái chết
nữa) mà trở nên thập toàn.” (Dt 2.10)
Vì
có nên thập toàn thì mới trở nên nguồn ơn
cứu độ nhân loại được, vì thế :
“Dẫu là Con Thiên Chúa, (Chúa Cha vẫn
muốn) Người phải trải qua nhiều đau
khổ (và cả cái chết nữa) mà học cho biết
vâng phục; và khi đã (nhờ vâng phục tuyệt
đối đó mà đạt) tới mức thập toàn,
Người trở nên nguồn ơn cứu độ
vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục
Người” (Dt 5.8-9).
Trước
tấm tình yêu thương vô bến bờ đó của
Chúa Cha, chúng ta buồn vì mình tội lỗi, quá khô khan
nguội lạnh, không biết nói thế nào để
tạ ơn cho xứng ! Chớ gì ta có được
miệng lưỡi các thiên thần Sêraphim, có trái tim
của Mẹ Maria để sốt mến dâng lời ca
ngợi và cảm tạ Chúa Cha hết lòng, hết sức,
hết tâm hồn…
Thương ta đến
nỗi hy sinh Con Một mình như thế, Thiên Chúa Cha mong
muốn điều gì ?
Thưa : Chúa không mong muốn
điều gì cho bản thân, rốt cuộc cũng chỉ
là để chúng ta được tha thứ và làm hòa
với Người mà được sống :
“Nếu
ngay khi chúng ta còn (là kẻ) thù nghịch với Thiên
Chúa, Thiên Chúa đã để cho (truyền cho) Con của
Người phải chết mà cho chúng ta được hòa
giải với Người, phương
chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải
rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ
sự sống của Người Con ấy.” (Rm 5.10).
Chữ “phương chi” rất
quan trọng. Khi chúng ta còn mắc tội lỗi, Chúa
vẫn yêu thương ta đến như thế,
phương chi nay ta đã
ăn năn, đã được tha tội, và trở
về với Chúa thì Chúa còn yêu thương ta gấp
bội đến thế nào. Tại sao vẫn còn sợ ?
Chính vì không
học Thánh Kinh, nên chúng ta không hiểu lòng Chúa, mới luôn
cảm thấy sợ hãi, sợ Oai nghi Chúa vì thấy mình
hèn hạ, sợ bị phạt vì thấy mình tội
lỗi ! Mắc phải tâm trạng đó là do một
lối dạy đạo hồi trước đây (và có
lẽ bây giờ vẫn còn tàn dư), quá nhấn mạnh
cách thiên lệch trên vai trò Thiên Chúa là Đấng phán xét,
một vị Thiên Chúa khắc nghiệt chỉ thấy ta
toàn là tội lỗi, đáng phải sa hỏa ngục… ;
hay ít ra làm cho chúng ta luôn có cảm tưởng Thiên Chúa là
như ông bố gia trưởng, nghiêm nghị, độc
đoán, hằng để mắt dò xét mọi hành vi cử
chỉ xem chúng ta có đi ngay thẳng đúng
đường đúng lối không mà nghiêm minh trừng
phạt.
Và theo tâm lý,
khi đã sợ hãi thì tất nhiên lạnh nhạt xa cách,
không yêu Chúa và cũng chẳng hiểu gì về Tình yêu khoan
dung nhân thứ của Người. Tất cả cũng chỉ
vì không biết những gì Chúa Giêsu, Phát ngôn viên tối
hậu của Thiên Chúa (Ga 1.18), đã mặc khải ra cho
ta biết tình thương
hải hà vô bến bờ của Người (Ep 2.4,7; 1Ga
3.1) cách riêng qua dụ ngôn bất hủ “Người Cha nhân
hậu” (Lc 15.11-32) ! Cho dù ta quên hết
mọi chân lý của đạo, chỉ cần nhớ
dụ ngôn này, là đã nắm được toát yếu
tất cả Tin Mừng mà Chúa Giêsu muốn loan báo về
Chúa Cha :
“Người kia có hai con trai.
Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha,
xin cho con phần tài sản con được
hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho
hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả
rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta
sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch,
thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói
khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng
thiếu, nên phải đi ở đợ cho một
người dân trong vùng ; người này sai anh ta ra
đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy
đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng,
nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và
tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta
được cơm dư gạo thừa, mà ta ở
đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi
về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con
thật đắc tội với Trời và với cha,
chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như
một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh
ta đứng lên đi về cùng cha.
“Anh
ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông
thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh ta và hôn lấy hôn để.
“Bấy giờ người con nói
rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với
Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha
nữa...’ Nhưng người cha liền bảo các
đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất
ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ
dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo
làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng !
Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã
mất mà nay lại tìm thấy.’” (Lc 15.11-24)
Đứa
con trai bất hiếu, đòi chia phần gia tài ngay khi cha
còn sống, rồi ẵm số tiền ấy đi hoang,
ăn chơi đàng điếm, tài sản tiêu tùng, rách
rưới, đói khát, mang tấm thân tàn tạ trở
về… Vừa nhìn thấy con,
ông mừng quá, tình thương con làm ông xóa bỏ mọi
lỗi lầm, quên hết tội lỗi của nó : “Anh ta còn
ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông
chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn
lấy hôn để.” Ông ôm
hôn, thay vì trừng phạt. Ông đã dùng cái hôn mà tỏ lòng
tha thứ tội lỗi của đứa con.
Giả sử
đứa con còn ngỡ ngàng, sợ hãi không dám tin vào tình cha
yêu thương tha thứ, thì những cử chỉ sau
đây sẽ làm nó tâm phục khẩu phục : “Người cha liền bảo
các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp
nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón
tay, xỏ dép vào chân cậu !” Đó là những việc
tái lập lại địa vị và quyền lợi
của đứa con trong gia đình, dù nó đã xưng thú
là bất xứng : “Con thật
đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn
đáng gọi là con cha nữa.”
Chưa hết, ông còn sai đầy tớ làm thịt
con bê béo để mở tiệc ăn mừng ! “Vì con ta đây đã chết mà
nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.” Niềm vui mừng lan tới cả Thiên
đàng : “Vậy,
Tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế,… giữa
triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì
một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
(Lc 15.4,10)
Vậy đó, ngay khi ta đang còn là những
người tội lỗi, Chúa Cha vẫn yêu thương
chúng ta,
phương chi bây giờ ta đã được hòa
giải với Người ! Mời đọc lại câu
Thánh kinh ấy: “Bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta (đó là)
Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là
những người tội lỗi. Phương chi bây
giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu
Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được
Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của
Thiên Chúa.” (Rm 5.8-9).
- Vậy thì thử hỏi :
“Ai sẽ buộc tội những
người Thiên Chúa đã chọn ? Chẳng lẽ Thiên
Chúa, Đấng làm cho nên công chính ?
“Ai sẽ kết án họ ?
Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã
chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang
ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta ?” (Rm 8.33-34)
Nói đến
chuyện sợ, thì trong gia đình con cái sợ ai nhất,
sợ cha hay sợ mẹ ? Sợ cha ! Tại sao ? Vì
người cha là người cầm cân nảy mực, có
phận sự lèo lái, hướng dẫn gia đình, cho nên
con cái đứa nào làm sự gì lầm lỗi, không đi
đúng đường đúng lối đã vạch ra, là
sợ người cha la mắng hay trừng phạt. Còn
người mẹ thì cưu mang, sinh đẻ, ôm ẵm và
cho con bú mớm nên một lòng thương con, và không
mấy để ý đến lỗi lầm của con,
chỉ lo cho nó được an lành, mạnh khỏe và
hạnh phúc là bà an lòng.
Chỉ vì ta
thường coi Chúa Cha giống như người cha thế
gian nghiêm nghị, khó tính, cho nên ta sợ và không dám gần
gũi, không thấy thân thương Người. Biết
vậy, nên để giúp ta bớt mặc cảm, bớt
sợ hãi, Thiên Chúa mặc khải cho ta biết Người
cũng là một người mẹ. Khẳng
định đây không phải là một cách nói bóng bảy
: song là thật sự như vậy, bởi vì nên nhớ
Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, vô hình vô tượng,
(không
có thể xác nên) không có giới tính như ta,
nói nôm na, Thiên Chúa không là
nam hay là nữ ! Vậy Thiên Chúa là cha, mà cũng là
mẹ. Chỉ có điều truyền thống Thánh kinh,
vốn là của người Do Thái, một dân tộc theo
phụ hệ, nên coi Người là Cha thì tiện lợi và
phù hợp hơn.
Vậy
Đấng đã dựng nên loài người, và cách riêng khi
dựng nên người phụ nữ, đã tạo nên trái
tim bà mẹ, và đổ tình yêu Người vào trái tim bà
để bà yêu thương con cái, chẳng lẽ
Người lại không yêu thương ta như mẹ
thương yêu con mình sao ? Xem này :
“Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã
đỡ cánh tay nó,
nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng.
Ta
lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng.
Ta xử với chúng như người nựng trẻ
thơ,
nâng lên áp
vào má
Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó
ăn.” (Hs 11.3-4)
Dân Israen không hiểu
được tình Chúa như vậy, vì họ quá đau
khổ : sau khi bị cường quốc xâm lăng tàn phá
làm nước mất nhà tan, triệt hạ Đền
thờ, giết người không thương tiếc, ai
còn sống sót thì bị đưa đi lưu đày
biệt xứ, trong hoàn cảnh vô vọng ấy, họ
thấy mình như chết khô không còn hy vọng hồi sinh
và phục hưng xứ sở, cho nên họ than vãn:
“ĐỨC CHÚA đã bỏ
tôi,
Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi
!”
Qua miệng tiên tri Isaia, Thiên Chúa
trả lời:
“Có phụ
nữ nào quên được đứa con thơ của
mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang
nặng đẻ đau?
Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta
cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”
(Is 59.14-15)
Những người mẹ quên
con, bỏ con là chuyện hi hữu ít khi xảy ra vì
ngược với bản năng làm mẹ. Người
ta thường nói : Mọi tình yêu ở đời
đều có lúc tàn tạ, chỉ có tình mẹ là không bao
giờ. Thế mà Thiên Chúa nói : cho dù có những bà mẹ
tồi tệ đến như vậy, thì Thiên Chúa không bao
giờ cư xử với con dân của Người
như thế. Người
là mẹ còn hơn người mẹ :
“Cho dù nó có quên đi nữa,
thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi
bao giờ!”
Người ví mình như mẹ
hiền nâng niu, vỗ về những đứa con thơ
:
“Các
ngươi sẽ được nuôi bằng sữa
mẹ,
được bồng ẵm bên sườn, nâng niu trên
đầu gối.
Như mẹ hiền an ủi con thơ,
Ta sẽ an ủi các ngươi như
vậy….” (Is 66.12-13)
Đọc những câu Thánh kinh
tuyệt vời ấy, chẳng ai không thấy lòng mình xúc
động, hơn nữa nếu chúng ta cầu nguyện,
sẽ có thể cảm nhận thấm thía Tình Yêu sâu
thẳm ấy, bởi nó vượt trên trí hiểu của
ta. Nhất là hãy khiêm nhường hạ mình xuống
như kẻ bé mọn, ta mới thấu hiểu
được những mầu nhiệm cao cả đó, vì
Chúa Giêsu có nói :
“Lạy
Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì
Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho
những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha.” (Mt 11.25-26).
Thật vậy, Tình
Yêu Thiên Chúa là một Mầu Nhiệm cao sâu, mênh mông, bao
la như trùng dương vô bến vô bờ…chúng ta không
thể dùng trí loài người mà luận bàn
được. Duy chỉ nhờ cầu nguyện,
Lời Chúa sẽ đốt cháy lòng ta như đã cháy
bừng trong lòng hai môn đệ đi làng Emmau kể trên
kia (x. Lc 24.32).
Chớ gì
đến lượt mỗi người chúng ta, khi
được biết tình yêu của Cha Hằng Hữu
ngỏ với chúng ta là con cái Người, là tình yêu
thật bao la vô bến vô bờ… thì trong trái tim chúng ta
cũng bừng cháy ngọn lửa yêu mến Người.
Tình yêu đáp trả tình yêu !
Khi đón nhận những
điều mặc khải về Chúa Cha nói trên, về
những gì Chúa Cha đã làm cho ta, và về Tình Yêu vô biên và vô
điều kiện của Người, chúng ta không
được nghĩ rằng những điều cao
cả lớn lao đó là do tưởng tượng của
những người đạo đức, chứ không có
thật. Vì nhìn vào mình, nhìn chung quanh thấy loài người
hèn hạ, xấu xa quá, đâu đâu cũng đầy gian
ác, chúng ta tự hỏi mình là gì mà Chúa phải bận tâm
đến như vậy ?
Thánh kinh trả lời : Loài người
chúng ta là con thật của
Thiên Chúa ; và Người là Cha thật của ta !
“Anh em đã lãnh
nhận… Thần Khí làm cho anh em nên con cái, nhờ đó
chúng ta được kêu lên : “Áp-ba ! Cha ơi
!” Chính Thần Khí chứng thực cho thần
trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa.”(Rm 8.15-16)
“Anh em hãy
xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu
đến nỗi cho chúng ta được gọi là con
Thiên Chúa - mà thực
sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế
gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không
biết Người.” (1 Ga 3.1)
Thánh
kinh bảo : “Thực sự
chúng ta là con Thiên Chúa”, nghĩa là chúng ta là con thật
của Thiên Chúa : ở đời, ai có máu huyết của
người cha thì là con ruột của ông ấy, đó là
một sự thật, anh ta muốn chối cũng không
được và muốn thay đổi cũng không xong;
thì đây cũng vậy, một khi chúng ta tin và chịu Bí
tích Thánh Tẩy, chúng ta được tái sinh bởi
Thần khí và trở nên Thần khí (Ga 3.6), mang trong mình
Thần khí ví như “máu
huyết thần linh của Thiên Chúa”, mà Thư Thánh Phêrô
nói đó là : “được thông phần bản tính Thiên Chúa” đấy
(2 Pr 1.4). Mà hễ ai có giọt máu của bố, kẻ
ấy là con ruột của bố nó, cũng vậy, có trong
mình bản tính Thiên Chúa thì ta là con (ruột) Thiên Chúa vậy
!
Chưa hết, cũng bởi
được là con thật của Thiên Chúa, mà Chúa Cha hứa
cho ta được thừa kế gia nghiệp
Nước Trời:
“Vậy
đã là con, thì cũng là thừa kế, mà
được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng
thừa kế với Đức Ki-tô.” (Rm 8.17) ;
và sẽ sau này được
vinh hiển sáng láng chói lòa nên giống như Chúa Giêsu, Con
Một Người, trong hạnh phúc muôn đời vĩnh
cửu trên Thiên Đàng :
“Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta
là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều
ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết
rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ
nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga
3.2)
Hy vọng
rằng sau khi
được Chúa Giêsu mặc khải cho chúng ta về Chúa
Cha và tình yêu của Người qua những câu Thánh Kinh huy
hoàng trên đây, và một khi đã nhờ suy niệm và
cầu nguyện chúng ta được hiểu biết Chúa
Cha và cảm nghiệm được phần nào Tình yêu
thắm thiết của Người, chúng ta không còn
thấy xa lạ, lợt lạt với Cha trên Trời
nữa, trái lại hết sức phấn khởi và tràn
trề hy vọng, cách riêng khi đến nhà thờ, ta
sẽ hân hoan vui mừng cùng Thượng tế Giêsu
hiệp dâng Tế Lễ lên Cha.
Nhớ
lại trước kia, không được học Thánh
Kinh, ta đi dự lễ, như thể đi làm một
bổn phận con nhà đạo, Thánh Lễ lúc đó có khi
chỉ là một thứ tập tục tôn giáo mà mình
phải bó buộc đi dự ; trong lễ, thấy ông cha
lúc giơ tay lúc cúi đầu, và đọc những
lời kinh mình cùng với mọi người thưa
lại cách thuộc lòng và chán ngán, chờ cho mau xong là
chuồn lẹ …! Nếu khá hơn, biết nói là đi dâng
Thánh Lễ thì cũng chỉ biết dâng lên một Thiên Chúa
nào đó, mơ hồ, xa xôi …
Nhưng nay, ta lấy làm vinh
dự khôn sánh, khi nhờ học Thánh Kinh mà biết
được hạnh phúc vào nhà thờ dự Thánh
Lễ ở trần thế, là tham dự tế lễ thiên
giới vô cùng cao trọng của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha
trên trời, giữa muôn vàn thần thánh, để
mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta và cả
nhân loại.
Nếu hiện thời ai còn
chưa cảm nghiệm được hạnh phúc ấy,
thì hãy gia tăng cầu nguyện và suy niệm để
xin được ơn ấy, đồng thời cũng
thực tập như trên đây hướng dẫn. Khi
đã được, ta sẽ thấy mỗi lần
đi dự Thánh Lễ là một lần vui sướng
hạnh phúc vô cùng. Đời sống ta sẽ từ
từ biến đổi càng ngày càng nên tốt lành, thánh
thiện hơn, gia đình sẽ bình an hòa thuận,
những thử thách, những gian nan không còn làm ta khổ
sở, trái lại sẽ thấy cuộc đời ta
khởi sắc….
-- o0o –
|