LỜI
CHÚC: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
- Chúa ở
cùng anh chị em.
Dừng lại một chút, ta thấy những nghi
thức này trong thánh lễ quá kỳ diệu.
Chúa ở cùng anh chị em là gì? Tại sao
linh mục cần nhận lại lời cầu chúc:
- Và ở cùng
cha.
* *
*
Nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều thánh
lễ, khi nói lời cầu chúc này, theo cách thế bên ngoài, thì có linh mục không
nói bằng tâm hồn. Nói qua cho xong. Vì linh mục vừa nói, nhưng không đối
thoại với giáo dân, thiếu chuẩn bị nên đang bận mở sách. Hoặc vì muốn chóng
xong, cắt ngắn thời gian. Không có thời gian đón nhận lời giáo dân cầu chúc:
Chúa ở cùng cha. Giáo dân đáp lại cho có lệ. Những lời chúc như thế trong
thánh lễ nhạt nhẽo làm sao! Khi họ không tha thiết trong lời cầu chúc, thì
làm sao dám nói họ thiết tha trong mong ước Chúa thật sự đến với người họ
cầu chúc. Nếu vậy, Chúa ở đâu trong mối tương quan họ với Chúa, với nhau?
Thiếu tha thiết trong lời cầu chúc, thì khó mà xác định mình thiết tha Chúa
đến với người mình chúc. Từ đó, làm sao định nghĩa đấy là một thánh lễ sốt
sáng.
Khi họ không nhận định kỹ “Chúa ở cùng anh chị em” là gì, thì làm sao rõ
“Chúa ở cùng chúng ta”, và “Chúa ở cùng tôi” quan trọng đến đâu. Họ đánh
mất ý nghĩa tên gọi EMMANUEL.
EMMANUEL là tên gọi của Thiên Chúa. Bởi
đó, lời cầu chúc trong thánh lễ “Chúa ở cùng
anh chị em” là lời rất quan trọng. Và, thánh lễ là gì nếu chúng ta để
mất vẻ đẹp: CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA?
* *
*
EMMANUEL
- Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh
hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên
Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 2:24).
Khởi đầu Phúc Âm, Mátthêu giới thiệu tên
của Thiên Chúa là Emmanuel, nghĩa là tên gọi đó được phiên dịch ra: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và rất đẹp, hôm
nay chúng ta cụ thể hóa tên gọi đó trong lời chào của thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.”
Kết thúc Phúc Âm, Mátthêu để chính Ðức
Kitô tự nói về mình bằng lời chấm dứt như sau: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận
thế” (Mt. 28:20).
Mở đầu và kết thúc một cuốn sách là dẫn
vào và đưa tới cho người đọc toàn thể cuốn sách đó nói gì. Tư tưởng trọn gói
ở đây, tên gọi của Thiên Chúa là ở cùng con người.
* *
*
TÌNH YÊU VÀ Ở
CÙNG
Thiên Chúa không yêu thương con người
bằng cách từ trên cao nhìn xuống.
Thiên Chúa không cứu chuộc con người
bằng cách ở trên cao vớt con người lên.
Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên
Chúa ở cùng.
Trong cuộc sống nhân loại, con người
thường cứu nhau bằng sức mạnh của kẻ hơn. Kẻ có sức mạnh hơn, nhìn xuống kẻ
yếu. Tôi giàu có hơn, tôi giúp đỡ anh. Tôi khỏe mạnh hơn, tôi vớt anh
lên.
Màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa lại không
như thế. Mà là một tình yêu ở cùng. Kinh Thánh chỉ định, tên con trẻ là
Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng.
Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng mà
không phải ở trên thương xuống?
Tại sao tình yêu lại không là nhìn xuống
để vớt lên mà lại là cùng xuống để nhìn?
Phêrô cũng thế, đã có lần Ðức Kitô gọi
Phêrô là Satan. Nhưng Ngài không đuổi Phêrô. Ngài bảo: “Lui lại đàng sau Thầy.” Lui lại phía sau, chứ
không là đuổi đi xa. Vì Satan đang ở trong con, nên con cần ở cùng
Thầy.
Ðời người là những chặng đường kiếm tìm.
Huyền nhiệm cuộc sống mở ra như những cánh hoa. Một ngày không tìm kiếm là
một ngày chết ủ. Cánh hoa phải mở ra, bật lên thành màu. Bấy giờ mới là cánh
hoa. Cuộc sống cũng thế, những ấp ủ băn khoăn kia phải bật lên thành màu mới
là cuộc sống. Và ta phải tìm kiếm. Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng? Nhất
là tên gọi kia của tình yêu Thiên Chúa. Tại sao lại là Thiên Chúa ở cùng
chúng ta? Ðể giúp người học trò tìm kiếm. Nhà đạo sĩ hỏi người học
trò:
- Ngày con đau, mẹ con không là thầy
thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh. Sao bà cứ đứng bên giường
nhìn con, ngay cả khi con ngủ?
Tình yêu không cứ là “doing”, mà là “being.” Nghĩa là ở cùng. Thật ra, ở cùng,
không phải là không làm gì. Bởi “ở cùng - being” đúng nghĩa là sự hiện hữu
trọn gói. Khi linh mục nói “Chúa ở cùng anh chị
em”, mà chỉ nói vì công thức cho qua. Như thế, sẽ là có “doing” đó,
nhưng vắng mặt của “being.” Khi bà mẹ nhìn con ngủ trong cơn đau. Cứ chốc
chốc, bà đến bên giường nhìn con ngủ. Bà không có năng lực chữa bệnh cho
con. Bà không “doing” được điều gì theo nghĩa sản xuất. Bà chỉ hiện diện
trọn gói tâm hồn bà ở đó. Ðấy là chiều sâu của ngôn ngữ ở cùng, là
“being.”
Trong cuộc sống, tôi cần một người nhìn
tôi. Nói với tôi là cuộc sống, có họ ở cùng với tôi. Người vợ dọn cơm chiều,
chỉ mong chồng về, đến bên cạnh, thầm nói rằng “anh ở cùng em.” Buổi chiều
đó có thể trở thành hương hoa. Họ cần cái ở cùng này. Người ta kinh nghiệm
trong cuộc sống thực như thế. Không ai chỉ hạnh phúc bởi tấm pay check, có
“doing” mà không có “being”. Trong nỗi đau, con người thường
kêu:
- Lạy Chúa, xin cất chén đắng này cho
con.
Họ muốn Thiên Chúa “doing”. Chúa hãy lấy
quyền năng mà hành động. Nếu Chúa không cất nỗi đau cho con mà chỉ “being”,
nghĩa là chỉ đau với con thôi thì có ích gì. Người ta lý luận tình yêu thì
phải cụ thể bằng hành động. Chúa thương tôi, Chúa phải hành động, xin hãy
tặng tôi những món quà tôi xin. Tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Thay
vì cứu con người khỏi chết thì lại chết với con người. Thay vì cứu con người
khỏi đau thì lại đau với con người. Trong nỗi bực dọc, con người oán trách
Thiên Chúa. “Ông không phải là Ðấng Kitô sao?
Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! (Lc. 23:39). Con người
thách thức Thiên Chúa, cứu tôi đi, nếu thực sự thương tôi. Rồi tôi sẽ tin.
Ðức Kitô không lấy quyền năng để cứu những tiếng kêu này. Ngài cũng không
lấy quyền năng thoát khỏi cái chết này.
Tại sao tình yêu không là cứu người mình
yêu khỏi chết, mà là chết cùng?
Trước khi tiếp tục đề tài. Vị đạo sĩ
nhắc người học trò về một kinh nghiệm:
- Nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ
chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Làm sao con có năng lực làm
cho người chết sống lại? Con không cất được nỗi đau đó. Nhưng nếu con đau
cùng, “being” bên cạnh người đang đau. Thì nỗi đau kia nhẹ vơi. Làm sao
trong tình yêu mà người ta nói: Anh không cất được nỗi đau của em. Rồi người
đàn bà đi sanh con một mình. Người đàn ông rất thực tế. Tôi không sanh con
thay vợ tôi được. Tôi không “doing” gì được. Ông ở nhà đi
câu.
Hạnh phúc và đau khổ không là cứu, là
cho, mà là ở cùng.
Thiên Chúa ở
cùng.
Ðó là ý nghĩa EMMANUEL, Thiên Chúa ở
cùng chúng ta.
Khi cho một món quà là cho một phần tài
sản. Khi cho chính mình là cho hết. Không thể cho hết khi mình không cùng
giống thân phận người đó. Bởi thế, vô cùng tuyệt vời khi Phúc Âm tường thuật
về người lính canh như sau:
Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi
tắt thở. (Mc 15: 37).
Viên đại đội trưởng đứng đối diện với
Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:
Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”
(Mc 15: 39).
Hai sự kiện đặc biệt trong cụm từ “Tắt
Thở” mà ta phải kiếm tìm.
- Thứ nhất, lúc tạo dựng con người.
Thiên Chúa thở hơi, cho Ađam sự sống. Bấy giờ Thiên Chúa chỉ cho một chút
hơi thở. Nhưng ở đây, Ngài không cho một chút hơi, mà Tắt Thở. Nghĩa là cho
hết không còn hơi để thở. Như thế, tên gọi EMMANUEL, càng ngày theo chiều
lịch sử cứu độ càng trở nên rực rỡ. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lời tung
hô ấy như ngọn pháo bông muôn màu bật tung lên trong thánh
lễ.
- Sự kiện thứ hai là viên đội trưởng,
lính canh nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài “Tắt Thở”. Tắt thở là giây
phút yếu nhất của một đời người. Ðáng nhẽ ông ta phải nhận ra Ngài là Con
Thiên Chúa trong những việc quyền năng, những phép lạ lớn lao. Tại sao lại
nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong giây phút yếu đuối
nhất?
Trong
giây phút yếu nhất ấy của Chúa Kitô, ông ta nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa.
Còn chúng ta, chúng ta quá yếu đuối tâm linh nên không nhìn ra sức mạnh
trong sự yếu đuối như người lính canh.
Ở cùng là trở nên một thân phận. Ðấy là
chiều sâu khó nhất của tình yêu. Khó nhất mà cũng đẹp nhất. Phải trở nên
thân phận thì mới hiểu. Hiểu mới có thể thương. Trong ý nghĩa này, thương
bao giờ cũng phải là ở cùng.
Chiều sâu của tình yêu là ở cùng. Ðêm
nay trời đã vào khuya. Con về ngủ đi. Tại sao Chúa Cha không lấy quyền năng
như lời Ðức Kitô cầu xin, cất chén đắng này cho
con?
Tại sao Chúa Kitô như quá cô đơn
vậy?
“Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?” Ðâu
là ý nghĩa ở cùng?
Ðây là Tình Yêu và Quyền Năng. Chúng ta
sẽ nói tới.
Trời khuya rồi. Ðêm thường nói với chúng
ta nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ðêm nói về thân phận mù lòa, vất vả đi tìm.
Những giờ phút tăm tối cuộc sống, khổ làm sao. Nhưng nhờ đêm mà ta phải khắc
khoải. Nhờ khắc khoải tìm kiếm mà hồn ta mới thức giấc. Và con ạ, không bao
giờ đêm dài bất tận. Ngày mai có ánh bình minh.
Vị tôn sư đi về am thất. Người học trò
vẫn ngồi lại. Anh đang nhìn vào cõi sáng của bóng đêm. Thứ cõi sáng và bóng
đêm của riêng anh.
* *
*
Từ lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị
em.” “Và ở cùng cha.” Thánh lễ phải là mầu nhiệm diễn tả tên gọi làm người
của Thiên Chúa, EMMANUEL, Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi thánh lễ, nếu ta trân
trọng trong lời chào này, thì thánh lễ quá ngọt ngào. Thánh lễ là một diễn
giải tuyệt vời mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hạnh phúc nối tiếp
bí tích kỳ diệu đó qua những lời chào mang cả một chiều kích thần học rất
sâu:
- Chúa ở
cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha.
LM. Nguyễn
Tầm Thường, S.J.
(Trích tập
suy niệm “KẺ ÐI
TÌM”)
|