Phe này cánh nọ - Anmai
Con
người, tự lâu lắm rồi, đã mang trong mình cái
đầu óc bè phái. Thấy người khác,
nhóm khác thành công hơn mình, làm được việc
hơn mình thì không chịu cố gắng, nỗ lực
để được như người khác, nhóm khác.
Hành động của những người ấy hết
sức buồn cười là họ dèm pha,
chỉ trích, nói hành, nói xấu.
Một kinh nghiệm hết sức
thực tế ngay ở dân tộc Do Thái. Thuở xa xưa, khi đưa dân Do
Thái ra khỏi nô lệ của Ai Cập thì Thiên Chúa đã
nhờ đến bàn tay của Môsê. Ông quá vất vả với đám đông ô
hợp. Mệt mỏi quá nên ông than thân
trách phận với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nghe lời
than vãn ấy, Thiên Chúa sợ ông phải cán đáng công
việc một mình mệt nhọc nên Thiên Chúa đã gọi
Môsê và truyền cho Môsê quy tụ 70 kỳ mục lại
để cộng tác với Môsê.
Khi
Thần Khí của Thiên Chúa xuống trên 70 người thì có
2 người trong nhóm họ tên là En-đát, một
người tên là Mê-đát. Các ông đã
được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã
không đến Lều như sách Dân Số vừa thuật
lại. Vì lý do nào đó không đến lều
nhưng Thần Khí của Thiên Chúa vẫn đậu
xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong
trại. Thấy sự kiện như vậy, Ông Giô-suê con
ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ
hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Mô-sê:
"Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!"
Nhưng ông Mô-sê trả lời: "Anh ghen dùm tôi à?"
Thế
đấy, ông Giô-suê đã ghen tương khi thấy
Thần Khí đậu trên 2 người kia khi họ còn
ở trong trại và xin Mosê ngăn cản 2 người
ấy. Với Môsê thì khác, Môsê đã mắng
rằng họ đã ghen tuông với 2 người ấy.
Trang
Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Máccô thuật lại
hình như cũng mang âm hưởng của sự ghen tuông.
Các môn đệ đã ghen tuông khi những
người không thuộc nhóm với Chúa Giêsu, không thuộc
nhóm các môn đệ mà trừ được quỷ.
Nếu
để ý trình thuật trước trình thuật này
bối cảnh là "ở nhà", nơi đó Chúa Giêsu
"ngồi" giảng dạy cho các môn đệ. Thánh ký Máccô tiếp nối khung cảnh bằng
cách chuyển mạch từ câu hỏi của môn đệ
Gioan nhằm trình bày những giáo huấn mới của Chúa
Giêsu.
Phải
chăng việc gợi nhắc Gioan ở đây nằm
trong dụng ý của thánh ký liên hệ đến một vấn
nạn dù nhiệt tình song cũng không ít phần cục
bộ: "lấy danh Thầy mà trừ quỉ, nhưng
hắn lại không theo chúng tôi, và chúng tôi
đã cố ngăn cản vì hắn không theo chúng tôi".
Vì chưng, trong một truyền thống khác chỉ có trong
Tin Mừng Luca (Lc 9,54), chính Gioan và anh mình
là Giacôbê đã đòi khiến lửa từ trời
xuống mà tiêu diệt dân Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu và các môn
đệ.
Trong thời đại của Chúa Giêsu
việc chữa bệnh bằng cách trừ quỉ cũng
được một số người Do Thái thực
hành. Sử gia Flaviô
Giôsêphê (Antiquités VIII, 46t) có kể lại trường
hợp một người Do Thái tên là Elêazar chuyên chữa
bệnh bằng một việc trừ quỉ rất mê tín
và phù phép nhân danh vua Salômon.
Ở đây, thánh ký đề cập
tới việc trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu, gợi
nhắc đến bối cảnh thời Giáo hội
sơ khai, ở đó việc trừ quỉ
được coi là khá thịnh hành.
Sách
công vụ tông đồ 8,19-24 có kể
lại trường hợp Simon phù thủy muốn mua
ở Phêrô quyền làm các phép lạ. Sách Cv 19,13t cũng trình
thuật câu chuyện một số người Do Thái
trừ quỉ nhân danh Chúa Giêsu: "Có ít người
trừ tà rong đường, gốc Do Thái, cũng đã
thử kêu danh Chúa Giêsu trên những người có quỉ
ám" (Cv 19,13).
Cách
miêu tả: không theo chúng tôi là một chi
tiết biên soạn đậm nét thời Giáo hội sơ
khai ở đó công đoàn các Kitô hữu tiếp tục
quanh quẩn bên nhóm môn đệ, những kẻ đã
từng theo Chúa Giêsu.
Chúa
Giêsu nói: "chớ ngăn cản người ấy, vì
không có ai nhân danh Ta làm phép lạ, rồi lại có thể
vội nói xấu Ta. Vì ai không chống cự
chúng ta là ủng hộ chúng ta, Kẻ nào cho các ngươi
uống một bát nước, vì danh nghĩa các
ngươi thuộc về Đức Kitô... nó sẽ không
mất phần thưởng đâu" (Câu 39-41).
Sự
kiện các môn đệ muốn ngăn cản những
kẻ không theo họ, gợi nhắc
tinh thần hẹp hòi của họ sánh với cái nhìn
của Thầy họ. Từ đó, Chúa Giêsu
đã dựa vào suy tư của các môn đệ để
đưa ra những lời dạy nhằm khơi mở
tâm hồn họ. Trong bối cảnh Chúa Giêsu đang
tiến về cuộc khổ nạn cũng như đang
đối diện với phe Biệt phái ký lục tìm cách
hãm hại Người, câu trả lời của Chúa Giêsu
(câu 39) có thể được hiểu như sau: một
kẻ nại đến Ta, nhân danh Ta, dựa vào sức
mạnh của Ta để làm phép lạ, thử hỏi
Người đó có thuộc về phe Biệt phái ký
lục không? Thử hỏi kẻ ấy có
chủ ý tìm cách hãm hại Ta không?
Cách
miêu tả: vội nói xấu ta Gợi nhắc rằng
việc làm các phép lạ và trừ quỉ... chưa hẳn
diễn tả được một cách dứt khoát
đức tin bền vững vào Chúa Giêsu.
Dầu
sao, trong nhãn quan thần học của Maccô, câu trả
lời trên của Chúa Giêsu nói lên chủ đích của
Người muốn các môn đệ hiểu thái độ
thiếu nền tảng của họ. Vì chưng,
"ai không chống đối chúng ta, là ủng hộ chúng
ta" (câu 40).
Làm
sao dung hợp được kiểu này và câu nói
được trình bày ở Tin Mừng Matthêu cũng
như ở Luca: Bản Mt 12,30 viết:
"Ai không đi với Ta, tức là chống lại Ta.
Kẻ không cùng Ta thu họp tức là làm tan nát" (x. Lc 11,23). Phải chăng đây là
bằng chứng của các truyền thống mâu thuẫn
nhau?
Một
lần nữa, độc giả Tin Mừng
được mời gọi để hiểu những
lời của Chúa Giêsu trong mạch văn biên soạn tùy theo nhãn quan thần học của thánh ký. Như vậy, mạch văn ở đây của
Máccô là gì? Đó là sự mời gọi của Chúa
Giêsu ngỏ cho các môn đệ biết theo
chân Người làm tôi tớ mọi người (câu 35c),
nhất là những ai thấp hèn hơn. Nếu
Người đã từng nặng lời kết án phe Biệt phái ký lục và Hêrôđê như
những kẻ mù quáng đối nghịch lại với
Người, thì ngược lại, Người cũng
luôn tỏ bày khuôn mặt của Đấng Thiên sai mang
ơn cứu độ cho hết mọi người, Do
Thái hay dân ngoại. Thế nên, chỉ có những kẻ
chủ ý chống lại Người, phủ nhận
quyền năng của Người, sẽ phải hụt
mất cơ may cứu độ. Còn bất cứ ai không
chống lại quyền năng của Người,
cũng như muốn làm những sự thiện nào đó,
đều được mời gọi để tin theo Người...
Lồng kết vào trong bối cảnh
thời Giáo hội sơ khai ở đó Tin Mừng Maccô
được biên soạn, kiểu này ngỏ cho các môn
đệ và qua đó cho cộng đoàn Kitô hữu của
sơ thời cũng như của mọi thời, như
là lời mời gọi họ biết vượt qua tinh
thần ích kỷ hẹp hòi phe phái. Vì chưng những
ai theo Chúa không được phép trở thành những nhóm
đóng kín, kẻo có nguy cơ sống trái ngược
với tinh thần của Thầy họ. Ai tự cho mình
là môn đệ đích thực của Đức Kitô và ai
dám kết án người khác không phải
là môn đệ của Người? Ai dám xác
quyết rằng quyền lực cứu độ của
Người chỉ tỏ bày cho họ chứ không cho
kẻ khác? Ai có thể biết
được quyền lực đó hoạt động
như thế nào nơi người khác không? Đang
khi đó về bản văn của Matthêu và Luca: Nếu
các Tin Mừng này trình bày một kiểu với ý nghĩa
đối chọi, chính vì mạch văn đổi khác. Nơi Matthêu chẳng hạn, mạch văn nói
về ý nghĩa vẫn đục của nhiều kẻ
gán quyền lực trừ quỉ của Chúa Giêsu như
xuất phát từ Satan. Hơn nữa trong bối
cảnh của cộng đoàn mà Tin Mừng Mathêu được
biên soạn, mối bận tâm nằm ở tầm vóc
nội bộ cộng đoàn: "không phải mọi
kẻ nói với Ta, Lạy Chúa, là sẽ vào được
nước Trời" (Mt 7,21).
Trở
lại với mạch văn Máccô người môn
đệ của Chúa Giêsu được kêu mời ý
thức sâu sắc về tâm nhìn cứu độ phổ
quát của Người. Họ cần biết vượt
thoát tinh thần phe nhóm để thấy được
nơi mỗi sự thiện, mỗi sự góp phần tích
cực nào đó như là khởi điểm cho ơn
cứu độ, cho sự đón nhận Tin Mừng. Vì
chưng, như đã được gợi nhắc ở
trước trong Tin Mừng, sự thiện thuộc
về Thiên Chúa, Đấng đã nhìn thấy mọi sự
Ngài sáng tạo đều tốt lành quá đỗi.
Nhìn
vào cuộc sống của chúng ta, cái máu phe nhóm, cái máu
cục bộ nó len lỏi vào trong đầu của con
người chúng ta lúc nào không hay. Tâm trạng
phe nhóm rất dễ thấy nơi các công sở, xí
nghiệp và ngay cả trong gia đình. Chẳng
hiểu vì sao và lúc nào mà tinh thần cục bộ, phe nhóm,
bè phái nó đã len vào trong gia đình, trong công sở, trong xí
nghiệp. Nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa
thì tinh thần cục bộ, óc bè phái và phe nhóm vẫn mang
yếu tố tiêu cực hơn là tích cực dẫu
rằng có chuyện thi đua để cho mọi sự
nên tốt. Con người vẫn mang trong mình những
giới hạn để rồi nhóm này thành công thì nhóm kia sẽ thất bại và rồi hai bên
cứ kình địch nhau mãi. Tốt hơn hết là ta nên
dung hoà và ta nên cùng làm việc chung với
nhau chứ đừng vì hư danh mà ganh tỵ.
Anh
em vẫn dùng cơm chung với nhau, thi
thoảng Cha Sở đã nhắc nhở anh em nên sống
công bằng, sống cư xử mọi người
như nhau chứ đừng tạo phe nhóm, đừng
tạo nên não trạng cục bộ. Chắc có lẽ kinh
nghiệm với biết bao nhiêu năm sống cộng
đoàn, giúp mục vụ nên Cha Sở đã thấy
được những tổn thương, những
thiệt hại của tinh thần bè phái, phe nhóm và cục
bộ.
Mỗi thành viên góp phần cho sự phát
triển của gia đình và cộng đoàn. Nếu từng thành viên ấy chung tay góp sức lại thì gia đình,
cộng đoàn ấy vững mạnh và hạnh phúc.
Nếu như gia đình, cộng đoàn nào gặp phải
tình trạng phe nhóm thì buồn thật vì khi ấy, căn
nhà, cộng đoàn ấy cứ mãi bị khập
khiễng do sự ganh ghét, hơn thua
của phe này nhóm nọ.
Thiệt hại về phe này cánh nọ
chúng ta thấy hết sức bi đát. Dẫu bên ngoài họ có che lấp
bằng những vẻ đẹp hào nhoáng đi chăng
nữa nhưng bên trong nội bộ vẫn là sự
bất an. Bất an là vì một bên thì cố gắng
hết sức thủ cho mình hết chiêu này đến
thức nọ để bảo vệ cho phe của họ
còn phe kia thì cứ rình rập xem phe kia có sơ hở gì
không và nếu có sơ hở là họ bắt đầu
chỉ trích, bắt đầu lên án, bắt đầu dèm
pha như các môn đệ hôm nay trong Tin mừng.
Nguyện
xin Chúa Giêsu, Vua của Bình An, Vua của
Hiệp Nhất đến và ở lại với mỗi
người chúng ta để chúng ta dẹp bớt đi
cái tôi của mình, dẹp bớt đi cái não trạng bè cánh
để cộng đoàn, gia đình chúng ta được
bình an và hạnh phúc hơn.
|