Óc ganh
tỵ.
Khi ấy có một số người
không thuộc nhóm 12 tông đồ. Họ thấy Đức
Giêsu làm nhiều phép lạ, rồi họ thấy các tông
đồ tuy không phải là Chúa nhưng nhờ danh Chúa mà
cũng làm phép lạ được. Thế
là họ cũng nhân danh Đức Giêsu và họ cũng làm
được một số phép lạ. Thấy vậy, tông đồ Gioan bực tức,
đã ngăn cấm họ và báo cáo lại cho Đức
Giêsu biết. Gioan tưởng cấm
vậy là đúng, bởi vì những người đó không
phải tông đồ Chúa cho nên họ không có quyền nhân
danh Chúa mà làm phép lạ. Nhưng
Đức Giêsu bảo đừng ngăn cấm họ.
Và Đức Giêsu còn nói một câu rất hay mà chút nữa
chúng ta sẽ suy gẫm, Chúa nói “Ai không chống lại Ta
thì thuộc về Ta”.
Qua
câu chuyện trên, điều chúng ta nên lưu ý là: cái óc ganh
tỵ đã có sẵn trong con người từ thuở
rất xa xưa, nó vẫn còn tiếp tục ở trong con
người ngay trong thời Tân ước. Nó ở ngay
trong những con người vốn là những
người thân cận của Chúa, như ông Giôsuê sau này
sẽ lãnh đạo dân Chúa tiến vào Đất Hứa,
như chính thánh Gioan một tông đồ được
Đức Giêsu yêu thương nhất. Đó là óc ganh
tỵ bè phái vì danh Chúa. Nói “Óc ganh tỵ bè phái vì danh Chúa
“bởi vì ganh tỵ có tới ba cấp bực:
·
Cấp
thứ nhất là ganh tỵ: đó là thói xấu khiến
cho người ta khó chịu bực bội khi thấy
người khác cũng làm được một việc
hay việc tốt như mình hoặc còn hay hơn, tốt
hơn mình nữa.
·
Cấp
thứ hai là ganh tỵ bè phái: là ganh tỵ với
người không thuộc phe nhóm của mình.
·
Cấp
thứ ba là ganh tỵ bè phái vì danh Chúa: nghĩa là những
người tín hữu Chúa, những người có
đạo ganh tỵ với những người không có
đạo khi những người không có đạo này làm
được những điều hay điều tốt.
Phải nhìn nhận rằng
người có đạo thường mang đầu óc
tự tôn. Họ lý
luận rằng bởi vì Chúa của mình là toàn năng, toàn
thiện cho nên đạo của mình phải là đạo
tốt nhất, hay nhất. Do đó chỉ có đạo của
mình mới có thể làm được những việc hay
việc tốt. Khi thấy những
người không có đạo dự tính làm điều này
điều nọ thì nghĩ thầm rằng chúng nó sẽ
chẳng làm nên trò trống gì đâu. Thế nhưng
người ta đã làm việc thành công, thì khi đó
những người có đạo tức bực, tìm cách
nói xấu, xuyên tạc để hạ giá thành quả
của những người kia vì họ
không thuộc đạo của mình. Trong quá khứ, chúng ta
đã thấy có những vụ thiên tai
bão lụt. Các tổ chức bác ái công giáo
đã hết lòng quyên góp cứu trợ. Những
người công giáo rất hãnh diện với những
cuộc cứu trợ do Giáo Hội Công giáo đứng ra
tổ chức. Cũng có những nhóm khác cũng làm
việc từ thiện cứu trợ như vậy,
nhưng một số người Công giáo tỏ ra nghi
ngờ và khinh chê việc làm của những nhóm kia cho
rằng họ sẽ chẳng làm tới đâu, có làm
được thì cũng mất mát, tham ô tùm lum, phẩm
vật cứu trợ không hoàn toàn tới tay các nạn nhân.
Đó là một thí dụ về cái óc ganh tỵ bè phái vì danh
Chúa.
Nhưng Chúa không chấp nhận như
thế đâu. Đức Giêsu đã đưa ra một nguyên
tắc “Ai không chống lại Ta thì phải kể như
là thuộc về Ta”. Nguyên tắc này độc
đáo vì nó đi ngược lại với nguyên tắc
người ta vẫn thường theo
từ trước tới giờ. Người ta
thường nghĩ “Ai không theo ta
tức là kẻ chống ta”, hoặc “Ai không phải là
bạn ta thì là kẻ thù của ta”, hay hơn nữa “Ai làm
bạn với kẻ thù ta thì cũng là kẻ thù của
ta”. Những nguyên tắc vừa kể biểu lộ
một tâm lý tự tôn và độc tôn: chỉ có phe nhóm
của mình là hay, loại trừ tất cả những ai
không thuộc về phe nhóm mình. Còn nguyên tắc của
Đức Giêsu là một nguyên tắc cởi mở,
rộng lượng, nới rộng vòng tay
hợp tác: tất cả mọi người, miễn là
họ không chống lại ta, cho dù người đó không
thuộc đạo ta, cũng phải coi là bạn của
ta; cũng phải hợp tác với họ.
Giữa
xã hội ngày nay, con số những người có
đạo chỉ là một con số nhỏ. Nếu những người có đạo cứ
khư khư với đầu óc tự tôn và độc tôn
thì họ sẽ trở thành lẻ loi, sẽ bị cô
lập giữa xã hội. Còn nếu những
người có đạo biết thực hành nguyên tắc
của Đức Giêsu đề ra thì họ sẽ
sống chan hòa với những người khác, sẽ có rất
nhiều cơ hội để cùng với những
người khác thực hiện biết bao nhiêu điều
tốt mà Chúa muốn họ làm.
Vả lại, Chúa đâu phải
chỉ muốn cho những người có đạo làm
việc tốt, mà Chúa muốn cho mọi người
đều làm việc tốt. Chúa cũng đâu có cần những
người có đạo chúng ta khi làm được
một việc tốt thì phải dán nhãn hiệu
đạo lên việc tốt đó, phải ký tên mình lên
việc tốt đó. Điều mà Chúa
muốn là có những việc tốt đã được
làm.
Chúng
ta hãy cố gắng sống theo tinh
thần Tin Mừng Chúa: đừng ganh tỵ, đừng
giữ đầu óc bè phái… nhưng cố gắng sống
chan hòa với mọi người, cùng với mọi
người thực hiện những điều tốt,
những việc làm có ích cho tha nhân, cho xã hội.
|