Một
dân tộc ngôn sứ – Jean Yves Garneau.
Sự dữ bị tố cáo.
Lời Chúa hôm nay thật là khắt khe. Thánh Giacôbê tỏ ra không khoan
nhượng đối với những người giàu
có: “Hãy khóc than… tai họa chờ
đợi các ngươi đó. Của cải các
ngươi bị mục nát…” Những
lời thánh nhân mô tả gây ấn tượng mạnh
mẽ, liệu ngài có nói khác đi vào thời đại
chúng ta không? “Các ngươi không trả
tiền công cho người gặt lúa. Các ngươi
tìm kiếm lạc thú và sự xa hoa, các ngươi tiệc
tùng trong lúc người ta chém giết kẻ khác…”.
Tin
Mừng cũng gắt gao như vậy
khi đòi hỏi ta phải dùng những phương
thế quyết liệt để thoát khỏi sự
dữ: “Nếu tay ngươi khiến ngươi phạm
tội thì hãy chặt nó đi… Nếu mắt ngươi
khiến ngươi phạm tội thì hãy móc nó đi…”.
Cám dỗ để mặc.
Nơi chúng ta và ngoài chúng ta, trong đáy
lòng chúng ta và trong xã hội vẫn có sự dữ và tội
lỗi. Ta biết
thế, ta nhận thấy thế, ta nghe nói đi nói
lại như thế. Và ta có khuynh
hướng là đành chịu vậy thôi. Ta sẽ
nói: “Không làm gì được đâu. Bao
giờ cũng thế mà, ta không thay đổi
được thế giới đâu”. Rồi
một khi đã nói như vậy rồi, người ta
đồng lõa với một thế giới tầm
thường và quen đi với chính sự tầm
thường của mình nữa. “Tôi không
đến nỗi tệ hơn kẻ khác. Có những người còn dở hơn tôi
nữa. Tôi quá già rồi thay đổi
sao được, phải chấp nhận con người
mình như vậy thôi, và chấp nhận thế giới
như hiện có”.
Những ngôn sứ không được
tín nhiệm.
Nhưng,
may mắn thay, không phải mọi
người đều phản ứng như vậy, không
phải mọi người đều cam chịu cả.
Ở giữa chúng ta vẫn còn có những ngôn sứ
đang kêu gào, tố cáo, răn đe. Họ
không chỉ nói mà thôi –điều này thường quá
dễ– họ hành động nữa. Họ
dám chịu liên lụy với những kẻ không
được kính trọng, những kẻ chịu
thiệt thòi về quyền lợi của mình, bị
ngược đãi. Họ đấu tranh chống
lại sự dữ chung quanh và sự
dữ nơi chính mình.
Ta
thấy đó, đây là lịch sử được
lập lại. Trong đoạn sách dân số, người
ta nói với chúng ta về hai người: Eldad và Médad, nói
tiên tri trong lúc những ngôn sứ khác đã ngưng nói. Người ta tìm cách bắt họ im đi ngay.
Họ không nói đúng lúc, họ không theo
luật lệ đã được thiết lập. Họ xáo trộn hết thảy mọi sự.
Một
biến cố tương tự được kể
lại trong Tin Mừng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có
người trừ quỷ nhân danh Thầy; Chúng con đã
ngăn cản nó vì nó không thuộc nhóm chúng ta”.
Môsê
và Chúa Giêsu có cùng một phản ứng như nhau: “Hãy
để các ngôn sứ nói tiên tri. Hãy
để họ nói. Hãy để họ
hành động”.
Ta
hãy xem những kẻ nói hơi mạnh một chút trong môi
trường của chúng ta, họ tố cáo những
sự hèn nhát của chúng ta, làm xáo trộn những tư tưởng
chúng ta đã nhận được, làm cho chúng ta hoang mang,
bắt chúng ta phải ra khỏi những lối suy tư
và ứng xử của chúng ta. Những ngôn sứ này có thể
là con cái, người phối ngẫu, một người
láng giềng, một bạn đồng nghiệp của
ta. Chúng ta dành cho họ số phận nào?
Chúng ta có nhạy cảm trước lời
kêu gọi của họ không?
Nhiều ngôn sứ.
Cứ để cho các ngôn sứ nói tiên
tri, nâng đỡ, khuyến khích họ và để họ
thách thức mình, đó là thái độ nên có. Nhưng xem ra còn phải
làm hơn nữa. Chúng ta có nhớ lời ước
mong của Môsê không: “Ôi! Ước gì Chúa có thể
đặt Thần Khí của Ngài nơi họ “hết
thảy” để làm cho toàn thể dân Ngài trở thành
một dân ngôn sứ!”.
Cần có những ngôn sứ trên thế
giới, trong Giáo Hội, trong các cộng đồng giáo
xứ, trong các gia đình.
Cần có những người đàn ông và đàn bà trẻ
tuổi hoặc cao niên nói và hành động thế nào
để khắp nơi trên thế giới mọi
người được mời gọi và khuyến khích
đẩy lui những gì làm cho con người mất tính
người và làm tăng trưởng những gì giúp
họ nên người hơn. Cần tăng số –ngày càng
đông hơn- những ngôn sứ để nói tiên tri làm
vinh danh Thiên Chúa và gây ích cho con người. Trở
thành một cộng đoàn các ngôn sứ, chúng ta có dám thành
thật xin Chúa điều này không?
|