Kitô hữu trước
điều thiện và điều ác
(Suy niệm của
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Tin
nhận Đức Kitô không chỉ là đi theo
Ngài đến những nơi mà Ngài đã đi qua, mà còn là
tham dự vào cách sống của Ngài, tức là thực thi
giáo huấn của Ngài. Cụ thể giáo
huấn của Ngài hôm nay là giáo huấn về điều
thiện và điều ác.
Chúa
Giêsu đề cao giá trị các việc thiện, dù việc
thiện ấy do bất cứ ai làm và nhỏ đến
đâu đi nữa. Ngày nay, người ta lên án nhiều
về mọi hình thức độc quyền: độc
quyền về điện nước, độc
quyền về xăng dầu, độc quyền về
sách giáo khoa,... Những
thứ độc quyền này đã và đang hành hạ
người dân và làm tê liệt sự phát triển về
kinh tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác
nữa. Trong đời sống tôn giáo
cũng có một thứ độc quyền mà Chúa Giêsu
mạnh mẽ đả phá, đó là độc quyền
về ơn sủng, độc quyền làm điều
thiện.
Đây là một vấn đề
rất phổ biến trong lịch sử Dân Thánh. Câu chuyện về ông
Giôsuê trong Cựu Ước và ông Gioan trong Tân Ước mà
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trưng dẫn cho ta
thấy điều này. Sau khi được báo cáo cho
biết có những người trong trại đã nói tiên
tri, ông Giôsuê rất lấy làm khó chịu và bẩm báo
sự việc cho ông Môsê (x. Ds 11,26-28).
Cứ theo lời lẽ ông nói, thì ông
muốn việc nói tiên tri là độc quyền của
một số người nhất định, chứ không
phải ai muốn nói là nói.
Tương
tự, khi thấy một số người mặc dù không
thuộc nhóm các môn đệ của Chúa Giêsu mà lại ra tay trừ quỷ, ông Gioan tìm mọi cách
để can ngăn. Ông hãnh diện về việc này và
kể công với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có người
lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố
ngăn cấm, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38). Cứ ngỡ sẽ được Chúa
Giêsu khen, ai ngờ ông bị Chúa Giêsu “sửa lưng”:
“Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy
danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi sau đó
lại nói xấu về Thầy” (Mc 9,39).
Rất rõ ràng, quan điểm của Chúa Giêsu là việc
tốt, việc thiện, việc lành do
bất cứ ai làm nhân danh Ngài đều có giá trị.
Hơn
thế nữa, một việc tốt, việc lành,
nhất là việc phục vụ anh chị em đồng
loại, dù nhỏ bé tầm thường đến
mấy vẫn không mất công phúc: “Thầy bảo thật
anh em, ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh
em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ
không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
Ta có thể cho nhiều hay cho ít, điều đó không quan
trọng. Ðiều quan trọng là ta đã cho
“như thế nào”, bao nhiêu tình yêu mến được
đặt vào nghĩa cử mà ta làm cho người khác.
Ðôi khi chỉ cần cho một chén
nước lã mà lại được ghi công. “Cho
một chén nước lã” là một cử chỉ tầm
thường, nhỏ bé, song lại lớn lao
trước mắt Thiên Chúa khi được thực
hiện nhân danh Người, nghĩa là thực hiện vì
lòng yêu thương. Giá trị của nó còn nằm ở
chỗ “làm cho những kẻ bé mọn là làm cho chính Chúa” (x.
Mt 25,40). Đây là một
mạc khải đầy bất ngờ. Bất
ngờ vì chính Chúa Giêsu đã “đồng hoá” mình với
những kẻ thấp hèn bé mọn. Từ nay, việc bái
ái yêu thương mà ta làm cho anh em đồng loại nhân
danh Chúa, nhất là cho những kẻ bé nhỏ, không chỉ
đơn thuần là việc thuộc về “đức ái
đối nhân”, tức là việc nhân ái giữa
người với người; mà, hơn thế, còn là
việc thể hiện “đức ái đối thần”,
tức là việc yêu thương đối với chính
Chúa. Cái phúc cái phần ấy thế mà
được nhân lên gấp bội.
Về việc tốt việc thiện
là vậy, còn về việc xấu việc ác thì sao? Cũng trong chiều
hướng trên, Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta
trước những việc xấu việc ác dù nhỏ.
Nhất là làm cớ, hay là làm gương xấu cho
những kẻ bé mọn sa ngã là tội
lớn, tội đáng “buộc cối đá vào cổ mà
ném xuống biển”. “Buộc cối đá
vào cổ mà ném xuống biển” là cầm chắc cái
chết, dù có là vận động viên bơi lội, vì
không còn trồi lên được. Đây
là một trong hai hình phạt nặng nề đối
với người Dothái thời bấy giờ. Qua
giáo huấn này, Chúa Giêsu muốn đặc biệt lưu
tâm đối với các bậc cha mẹ, thầy cô,
bề trên,... là những người có
trách nhiệm giáo dục hướng dẫn người
khác.
Không
chỉ dừng lại ở đó, Chúa Giêsu còn mời
gọi chúng ta can đảm và dứt khoát tránh chiều theo những cám dỗ, những thói hư
tật xấu làm cho chính mình sa ngã. Dứt khoát với
sự xấu, sự tội cũng giống như
chặt tay, chặt chân, móc mắt…
nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh.
“Mắt”
đối với ngưới Do thái, là cửa ngõ của
con tim, là lối vào của tâm hồn
(gần với quan niệm của người Việt Nam: mắt là cửa sổ tâm hồn). Tội tư tưởng thường đến
từ đôi mắt. Cũng theo
quan niệm của người Dothái, “tay chân” diễn
tả hành động. “Chặt tay chặt
chân” nghĩa là phải dứt khoát với các duyên cớ
dẫn đến hành động tội lỗi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho ta thấy rằng dứt
khoát với tội lỗi không dễ chút nào. Tội lỗi một khi đã thấm vào
người, nó trở nên như một phần bản
thân. Dứt bỏ nó cũng đau
đớn như chính những chi thể trong thân thể
bị chặt bỏ, cắt lìa. Ta hãy xem những
người bị nghiện ngập ma tuý chẳng hạn.
Cơn nghiện vật vã giày vò tưởng chết đi
được. Vì đối với
người nghiện, ma tuý trở thành một phần
thiết thân của đời sống, đến nỗi
khi phải dứt lìa, họ đau đớn khổ
sở như thể đánh mất chính sự sống
của họ vậy.
Đặt mình trước giáo huấn
của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được mời gọi
có những phản tỉnh nào? Đối với những điều thiện tôi
đã bỏ qua không làm, hay làm không ý thức: tôi đã
đánh mất bao nhiêu cơ hội để làm
điều thiện, vì cho rằng đó là điều
nhỏ? Bao nhiêu lần tôi làm điều
thiện, điều tốt mà tôi không ý thức làm vì danh
Chúa Kitô?
Đối
với những điều xấu, điều tội: bao
nhiêu lần tôi đã tích lũy án phạt vì đã làm cớ
cho người khác vấp phạm, sa
ngã? Bao nhiêu lần tôi đã thiếu dứt khoát đối
với các dịp tội và đã chiều theo
cám dỗ để rồi sa ngã phạm tội đều
đều?
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta
biết thành tâm kiểm thảo mình mỗi ngày và can
đảm điều chỉnh lại lối sống
của mình cho phù hợp với giáo huấn của Tin
Mừng hôm nay. Amen.
|