Đức Thánh Cha phát biểu tại Liên Hiệp Quốc
www.dongten.net
NEW YORK. Hãy đổi mới Liên Hiệp Quốc, bảo vệ môi trường và chấm dứt chiến tranh. ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài diễn thuyết sáng thứ sáu, 25.09.2015, nhân chuyến viếng thăm và phát biểu tại trụ sở của tổ chức này.
Hiện nay, LHQ là một tổ chức gồm 193 quốc gia thành viên và 2 quốc gia quan sát viên là Vatican và Palestine. Toà Thánh cử đại diện của mình hiện diện tại đây từ năm 1964. Quan sát viên thường trực của Toà Thánh là người có quyền tham gia các phiên họp của LHQ, có quyền phát biểu nhưng không có quyền bỏ phiếu hoặc trúng cử.
Khi đến nơi, ĐTC đã gặp gỡ và chào thăm các nhân viên của LHQ. Ngài phát biểu rằng: “Biết bao công việc anh chị em làm ở đây không tạo ra những tin tức trên báo chí. Nhưng trong sự âm thầm, cố gắng hằng ngày của anh chị em làm cho nhiều sáng kiến ngoại giao, văn hóa, kinh tế và chính trị của LHQ có thể diễn ra được, đây là những điều rất quan trọng để đáp ứng hy vọng và mong đợi của các dân tộc trong gia đình nhân loại”.
Sau đó, ĐTC tiến vào đại hội trường của LHQ trước sự hiện diện của các vị lãnh tụ của 150 quốc gia và đại diện các nước. Tại đây, Ngài đã có bài diễn văn trước LHQ.
Diễn văn của ĐTC
ĐTC Phanxicô đã đọc bài diễn thuyết bằng tiếng Tây Ban Nha. Đây là lần thứ 5 một vị Giáo Hoàng lên tiếng tại Đại hội đồng LHQ, bắt đầu từ Đức Phaolô 6 năm 1965, Đức Gioan Phaolô 2 đến đây hai lần năm 1979 và 1995 và Đức Biển Đức 16 năm 2008.
Lời mời đổi mới LHQ
ĐTC Phanxicô khen ngợi những thành tựu trong 70 năm qua của LHQ, nhưng ngài nhìn nhận có nhiều vấn đề nghiêm trọng vẫn còn tồn đọng, chẳng hạn như:
“Cần phải có sự công bằng hơn có giá trị đặc biệt đối với các cơ quan có khả năng hành pháp thực sự như Hội đồng bảo an LHQ, các tổ chức tài chánh và các nhóm hoặc cơ chế được thiết lập đặc biệt để đương đầu với các cuộc khủng hoảng kinh tế…Các tổ chức tài chánh quốc tế cần cảnh giác về việc phát triển dài hạn cho các nước và để tránh sự luỵ phục bóp nghẹt các nước ấy đối với các hệ thống tín dụng, các hệ thống này thay vì thăng tiến sự phát triển, thì lại bắt dân chúng phải luỵ phục những cơ cấu gia tăng nghèo đói, loại trừ và lệ thuộc”.
Thượng tôn công pháp quốc tế
Kế đến, ĐTC nhấn mạnh cần thúc đẩy vai trò tuyệt đối của công pháp, vì công lý là điều kiện thiết yếu để thực hiện lý tưởng tình huynh đệ đại đồng. Vì lẽ đó, cần nhớ rằng sự giới hạn quyền bính là một ý tưởng bao hàm trong chính ý niệm công pháp. Công lý, theo định nghĩa cổ điển nghĩa là trả lại cho mỗi người điều thuộc về họ, và không một cá nhân hoặc nhóm nào có thể coi mình là toàn năng, được phép chà đạp phẩm giá và các quyền của các người khác hoặc nhóm xã hội khác.
Bảo vệ môi trường tự nhiên
ĐTC đề cập đến: “quyền thực sự của môi trường” được nhìn từ hai chiều kích: trước tiên vì trong tư cách là người, chúng ta là thành phần của môi trường. Do vậy, bất kỳ tai hại nào gây ra cho môi trường, đều là một thiệt hại cho nhân loại. Ngoài ra, mỗi thụ tạo, nhất là các sinh vật, có giá trị tự thân, sự sống, hiện sinh, vẻ đẹp và lệ thuộc các thụ tạo khác. Vì thế, sự lạm dụng và phá hủy môi trường, là những hành động gắn liền với tiến trình loại trừ không chặn đứng nổi.
Quyết tâm thực thi cam kết
ĐTC nhắc đến chương trình hành động phát triển đến năm 2030 được các vị lãnh đạo các nước thông qua, ngài xác tín rằng long trọng ký nhận những cam kết là điều vẫn chưa đủ, tuy đó là một bước tiến cần thiết để giải quyết các vấn đề. Cần sớm khắc phục những hậu quả đau thương như nạn buôn người, buôn bán cơ phận và mô cơ thể con người, bóc lột tính dục các trẻ em, bắt làm việc như nô lệ, kể cả nạn mại dâm, buôn bán ma túy, khí giới, nạn khủng bố và tội phạm quốc tế.
Cổ võ quyền giáo dục
Cũng trong diễn văn tại Đại Hội đồng LHQ, ĐTC Phanxicô bênh vực các quyền của gia đình, quyền ưu tiên của gia đình được giáo dục và quyền của các Giáo Hội, các hiệp hội xã hội được nâng đỡ và cộng tác với các gia đình trong việc giáo dục con cái họ. Nền giáo dục được quan niệm như thế, chính là căn bản để thực hiện chương trình hành động 2030 để cải tiến môi trường. Ngài cũng kêu gọi các chính phủ làm tất cả những gì có thể để tất cả có được căn bản tối thiểu về vật chất và tinh thần để phẩm giá của họ được thực sự tôn trọng.
Chấm dứt chiến tranh
Cuối cùng, ĐTC không quên nhắc nhở cộng đồng quốc tế về những hậu quả tiêu cực của những cuộc can thiệp chính trị và và quân sự thiếu đoàn kết giữa các nước trong cộng đồng thế giới. Ngài nêu dẫn chứng về thảm trạng đau thương ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các nước Phi châu khác, nơi mà các tín hữu Kitô cùng với các nhóm văn hóa hoặc chủng tộc khác, kể các một số thành phần của tôn giáo đa số bị đặt vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: hoặc là bỏ đi hoặc bị đe doạ tính mạng vì phải làm nô lệ. Ngài cũng nhắc đến tình trạng xung đột như tại Ucraina, Siria, Irak, Libia, Nam Sudan, và trong vùng Đại Hồ bên Phi châu. Trong các chiến tranh và xung đột, luôn có những nạn nhân vô tội trong khi người ta không làm gì khác hơn là liệt kê những vấn đề, các chiến lược và thảo luận.
Lược dịch từ Ý ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
|