CÁM
DỖ CỦA ÓC BÈ PHÁI VÀ ĐỘC QUYỀN TRONG TÔN GIÁO
Suy niệm của JKN.
Câu hỏi gợi ý:
1. Khi thấy có người
ngoài nhóm mình nhân danh Thầy mình để trừ quỉ,
các tông đồ khó chịu và muốn ngăn cản. Thái
độ ấy có đúng không? Nó nói lên não trạng gì? Não
trạng ấy có hiện hữu trong các Kitô hữu
hiện nay không?
2. Các giáo phái Kitô giáo hiện nay
có đoàn kết, yêu thương nhau không? Đức Giêsu
sẽ vui hay buồn khi thấy các giáo phái tuy đều
nhận mình là Chúa là Thầy nhưng lại nhân danh
đức tin để nói xấu, kết án
và loại trừ nhau?
3. Đức tin có thể gây
chia rẽ, nhưng đức ái chỉ tạo nên đoàn
kết. Giữa hai nhân đức quan trọng ấy,
đức nào mới thật sự là điều kiện
để vào Nước Trời?
CHIA SẺ
1. Khuynh
hướng bè phái và muốn độc quyền của các
tông đồ
Một
trong những khuynh hướng rất thông thường
nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn
độc quyền. Khuynh hướng này
được biểu lộ nơi các môn đệ
Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con
đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài
thấy có những người không thuộc nhóm của
mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép
lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan
niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12
như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để
làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy
được, lập tức các ông nhận thấy
độc quyền của mình bị xâm phạm. Có
lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều
ấy nên đã cố ra tay ngăn
cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành
khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy
của các ông.
2. Cám
dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi
người Kitô hữu
Trong
đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta
cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham
muốn độc quyền như các môn đệ
Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng
tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo
phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một
việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là
tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi
trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v…
đều bị phân hóa theo thời gian
theo định luật đa dạng hóa của tự
nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như
thế thì đó mới chính là điều lạ
thường. Đương nhiên, giáo
phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là
gần với chân lý nhất. Tiếp xúc
với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi
không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có
một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này
cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!
Dù khác nhau - chủ yếu là trong
tiểu tiết - các giáo phái vẫn hết sức giống
nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên
xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu
Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào
cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng
nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên
xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức
Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho
Người sống lại từ cõi chết, thì bạn
sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào
cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu
cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu
thoát» (Rm 10,13).
3.
Thật là một gương xấu vĩ
đại
Nhưng
thật là một điều trớ trêu và là một
gương xấu vĩ đại
trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:
-
một đằng Đức Giêsu - Đấng mà mọi
giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là
Chúa, là Thày - đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu
này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em
yêu thương nhau» (Ga 13,35).
-
đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau
như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn
nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án
lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố
lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả
năng được cứu rỗi của những
người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả
đều tin và tuyên xưng những điều căn
bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào
cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng
sự cứu rỗi cho những ai theo
giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm
lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể
chấp nhận được!
Đây
quả là một gương xấu vĩ đại,
một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho
tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là
một phản chứng nặng nề đối với
những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không
thể chấp nhận được một tôn giáo
như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều
đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin
Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ
bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc
cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn
hơn».
4. Coi
chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc
ác, thiếu tình thương
Khi
nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái
nào đó quả quyết chắc chắn rằng những
Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ
đều không được cứu rỗi, thì tôi
hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn
điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng
muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác!
Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi
người đều được cứu rỗi (x.1Tm
2,4), Còn anh lại muốn chỉ
những ai trong giáo phái của anh mới được
cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những
người khác giáo phái của anh không được
cứu rỗi, tức sa hỏa
ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh
không có tình thương! Vì tình thương
mới là điều quan trọng nhất phải có
để vào thiên đàng, để hợp nhất với
Đấng mà bản chất là tình thương».
Nếu
anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi
bảo: «Như vậy là anh rất nhân từ, có tình
thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi
chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều
tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách
để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo
phái với anh được cứu rỗi. Vì
thế, anh hãy phó mặc số phận của những
người theo giáo phái khác trong tay Chúa và
hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì
nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng
được đâu! Điều Chúa
muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái
với anh là đồng đạo, và coi cả những
người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh
hãy yêu thương họ và hãy mong ước những
điều tốt lành nhất cho họ!»
5.
Điều quan trọng nhất để vào
được thiên đàng là tình yêu
Điều quan trọng để vào
được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn
quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô
viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy,
đức mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr
13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin,
đức cậy không còn vì không cần thiết nữa,
chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất
được» (1Cr 13,8). Thiên
đàng được định nghĩa là nơi
hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn
đối xử với nhau bằng tình thương.
Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà
lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô
nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính
vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46,
khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử
của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào
đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ
hạnh phúc ở bên những người biết yêu
thương hơn là bên những người có niềm
tin. Thực ra, niềm tin đích thực
tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu
đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh
tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc
chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người
thiếu đức tin cho bằng thiếu tình
thương. Có thể nói: đức tin cộng với
lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành
óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với
đức mến hay dẫn tới đức mến
mới là đức tin đích thật. Niềm tin
không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin
giả tạo, tương tự như «đức tin
không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có
đầu óc bè phái, muốn độc quyền
được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại
trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn
họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì
Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên
đàng được?
Cầu nguyện
Lạy
Cha, xin cho con một đức tin đích thực nơi Cha
và nơi Đức Giêsu. Đức tin đích thực
tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong.
Không bao hàm tình yêu, đức tin đó chỉ là đức
tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc
quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến
tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu
đối với mọi người chung
quanh con, đặc biệt đối với tất
cả những ai tin theo Đức Giêsu, như dấu
chỉ đặc trưng cho người môn đệ
đích thực của Ngài.
|