Quyền bính là để
phục vụ
(Suy niệm của
Đs. Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist)
1. Tóm Lược
Bài
Đọc 1: Kn 2, 12. 17- 20
Người gian ác tìm cách gài bẫy
người công chính, vì họ thường tố cáo
lối sống không tuân hành lễ giáo và vi phạm lề
luật. Hơn nữa, người gian ác mưu
hại người công chính là để thấy cuộc
đời họ kết thúc ra sao, vì nếu người
công chính là con Thiên Chúa thì Người sẽ phù hộ và
cứu thoát khỏi tay địch thù.
Bài
Đọc 2: Gc 3, 16; 4, 3
Ở đâu có ghen tương, tranh
chấp thì ở đấy có xáo trộn và mọi thứ
xấu xa. Sở
dĩ có xung đột giữa anh em là vì khoái lạc đã
gây nên chiến tranh, ganh ghét và chém giết lẫn nhau. Còn đức khôn ngoan Thiên Chúa là thanh khiết,
hiếu hòa, khoan dung, từ bi, không thiên vị, không giả
hình.
Bài Tin
Mừng: Mc 9, 30- 37
Mặc dầu Đức Giêsu loan báo
cuộc thương khó lần thứ hai, nhưng các môn
đệ vẫn không hiểu những lời đó,
lại còn tranh dành ai là người lớn hơn cả. Thấy vậy, Đức Giêsu
liền nói: “Ai làm người đứng đầu
phải làm người rốt hết và làm người
phục vụ mọi người”. Người còn
đặt một em nhỏ vào giữa các ông và nói: Ai
tiếp đón một em nhỏ vì danh Thầy là tiếp
đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp
đón Đấng đã sai Thầy.
2. Suy Niệm
Khi đề cập tới quyền
bính, nhiều người cảm thấy e ngại, né tránh. Bởi chưng
giữa cảnh đời tranh đua xua nịnh, quyền
bính là phương tiện hữu hiệu để ra
lệnh, chỉ đạo, cai trị, lấn át
người dưới và trục lợi cho bản thân. Cách hành xử của người nắm quyền
thường mang tính áp đặt, “cả vú lấp
miệng em” nhằm đạt được danh vọng,
vinh thân phì da và củng cố địa vị. Sự thánh thiêng của quyền bính đã bị
bào mòn khi đồng hoá nó với uy danh của cái tôi và
nhắm tới quyền lợi người trên. Thay
vì trở nên cách thế phục vụ và bảo vệ
kẻ thấp cổ bé miệng, nó lại chất lên vai
những gánh nặng mà chính người nắm quyền
không thèm đụng ngón tay.
Còn theo Chúa Giêsu, quyền bính là để
phục vụ; người đứng đầu là
người có khả năng dấn thân phục vụ và
mở ra chiều kích sứ vụ nhiều hơn. Chúa Giêsu
đã nói: “Ai muốn làm người đứng đầu,
thì phải làm người rốt hết, và làm
người phục vụ mọi người” (Mc 9, 36). Ở đây, Đức Kitô không đề ra xu
hướng loại trừ quyền bính. Cũng
như đồng tiền, quyền bính tự nó là tốt
và cần thiết cho sự phát triển và an
sinh xã hội. Vấn đề không hệ
tại quyền bính mà ở cách sử dụng chúng và
hướng đích mà người nắm quyền muốn
nhắm tới. Chúa Giêsu đưa ra một
phương cách hành quyền khác giúp các môn đệ tránh
những cám dỗ mà quyền bính có thể mang lại:
Người làm lớn là người phục vụ anh em,
sẵn sàng rửa chân cho nhau và hiến dâng mạng sống
vì lợi ích tha nhân.
Như
vậy, Chúa Giêsu đòi hỏi người nắm quyền
chấp nhận phần thua thiệt, tiêu hao chính mình
để người khác được lớn lên trong ân sủng và tình yêu. Đồng
thời, luôn sống chiều kích vâng phục như chính
Ngài “đã vâng lời cho đến chết, chết trên cây
thập tự” (Pl 2, 8). Chính Ngài đã nêu gương
cho các môn đệ: “Lương thực của Thầy là
thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn
tất công trình của Ngài” (Ga 4, 34). Sống chiều kích
vâng phục giúp người nắm quyền thi hành chức
vụ bằng tinh thần của Chúa: yêu thương,
cảm thông, tha thứ và phục vụ. Họ không tìm
ưu đãi cho bản thân hay nhằm thăng tiến
địa vị, nhưng luôn nhắm tới người
bé mọn và nghèo khổ là thành phần cần
được bảo vệ và ưu đãi trong cộng
đoàn (x. Mt 18, 1- 4).
Có thể nói, quyền bính là lối ngõ
dẫn người khác tới gặp Thiên Chúa và tha nhân. Ngang qua quyền bính, con người
khám phá ra tình yêu, sự tin tưởng và tình liên
đới, cũng như tìm được chìa khoá mở
ra những chân trời tươi sáng và hy vọng. Bởi vì, nó làm cho con người sống xứng
với nhân phẩm của mình và không ngừng lớn lên.
Nói cách khác, người nắm quyền là người có
khả năng bắt nhịp cuộc sống người
khác: “Vui với người vui, khóc với người
khóc” (Rm 12, 15), “trở nên tất cả cho mọi
người” (1Cr 9, 22) để mưu ích cho anh chị em
mình (x. 1Tx 1, 5), sinh hoa kết quả cho Thiên Chúa (x. Rm 7, 4) và
xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 14, 26).
Điều
này đòi hỏi người lãnh đạo cần trang
bị cho mình những đức tính cần thiết
như: Tiết độ, chừng mực, nhã nhặn,
cởi mở, hiếu khách, hiền hoà và có khả năng
giảng dạy (x. 1Tx 3, 2- 4; 1Tm 6, 11; 1Tt 1, 6- 9). Họ
phải nêu gương mẫu cho người khác về
lời ăn tiếng nói, cách cư xử, đức ái,
đức tin và lòng trong sạch (x. 1Tm 4, 12; 2Tm 2, 22); thái
độ dịu dàng với mọi người và biết
chịu đựng những thử thách, đau khổ (x.
1Tm 2, 24). Người nắm quyền phải
xác tín rằng quyền bính Chúa ban để xây dựng và
củng cố, chứ không phải để phá đổ
(x. 2Cr 13, 16). Thánh Phaolô đưa ra khuân mẫu cho
người nắm quyền bính: Xem người
dưới như ruột thịt và đối xử
trọn tâm tình của người cha (x. 1Cr 4, 14; 2Cr 3, 16;
1Tx 2, 11), hay như sự dịu dàng của người
mẹ hiền (x. 1Tx 2, 7; Gl 4, 19).
Với
thánh Phaolô, điều có sức chinh phục người
khác không phải là quyền- luật cho bằng một trái tim biết rộng mở và cùng đồng
hành với những nỗi thăng trầm của họ.
Hơn ai hết, chính thánh nhân là mẫu gương
tuyệt hảo cho những ai hành quyền: “Khi ở
giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu
dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ.
Chúng tôi quí mến anh em, đến nỗi sẵn sàng
hiến cho anh em, không những Tin Mừng của Thiên Chúa,
mà cả mạng sống của chúng tôi nữa” (1Tx 2, 7- 8).
Ở đây, cách hành quyền không mang màu
sắc áp đặt. Trái lại, luôn kêu gọi và
mở ngỏ cho người khác đáp lại với
tất cả tự do: “Chúng tôi khuyên nhủ, khích lệ,
van nài anh em sống xứng đáng với Thiên Chúa,
Đấng đã kêu gọi anh vào nước của
Người và chia sẻ vinh quang với Người” (1Tx
2, 11- 12).
Chúng
ta cùng cầu xin Chúa ban cho những người đang
hướng dẫn chúng ta được khôn ngoan, bác ái,
từ tâm, hiền lành và dạt dào hồng ân Chúa,
để các ngài dẫn dắt đoàn chiên Chúa tín trao luôn
an hòa và thăng tiến như Thiên Chúa muốn.
|