“Những
Kitô Hữu Này Thật Là Điên”
Suy niệm của Jean-Pierre Camerelain.
Ở mọi thời, những chứng
nhân đích thực của Thiên Chúa đều bị coi là
điên. Người ta đã chế giễu, bách hại,
đôi khi giết họ nữa. Chính Chúa Giêsu đã trải
qua một kinh nghiệm như thế. Nhưng sự
sống đã tuôn trào từ sự điên rồ kia.
Ngày xưa có một cộng đoàn Do Thái
thiểu số nhưng sốt sắng. Người ta có
khuynh hướng khinh dể cộng đoàn này. Những
cách hành xử của họ, niềm tin của họ làm
cho thành phố Alexandria nơi họ sống, phải
ngạc nhiên. Các thành viên của cộng đoàn này ngưng
làm việc ngày thứ bảy, tụ họp lại xung
quanh những cuộn giấy cũ được cất
giữ cẩn thận từ nhiều thế kỷ, kiêng
ăn thịt heo. Để nâng đỡ cộng đoàn
này, một trong những thành viên của cộng đoàn
đã viết một quyển sách rất hay. Một
quyển sách gọi là Khôn Ngoan trong đó tác giả nhắc
lại cho những kẻ cùng tôn giáo với mình rằng
người công chính bao giờ cũng bị bách hại,
nhưng Thiên Chúa chẳng khi nào bỏ rơi họ. Tác
giả nhắc lại những vị anh hùng của
lịch sử dân tộc đã chịu một số
phận như thế. Chính từ quyển sách này mà hôm nay
chúng ta đã nghe một đoạn trích. Tại sao
những người công chính lại bị kẻ khác bách
hại như thế? Bài đọc hai trích thư thánh
Giacôbê sẽ trả lời cho chúng ta.
Sự ghen tương muôn thuở.
Có hai con đường cho nhân loại: Con
đường dễ dãi, tìm kiếm của cải
để thỏa mãn bản năng của mình, và con
đường của sự khôn ngoan, chính trực, hòa
bình. Bao giờ cũng sẽ có một sự tranh chấp
giữa những kẻ chọn con đường này và
những kẻ dấn thân vào con đường kia,
giữa những kẻ tìm kiếm quyền uy, sở
hữu của cải vật chất, và những
người sống theo tinh thần hòa bình, khoan dung, thông
cảm. Vào thế kỷ thứ I, kỷ nguyên chúng ta (lúc
thánh Giacôbê viết thư của người) cũng
như cũng như vào thế kỷ thứ nhất
trước công nguyên (thời đại của sách Khôn
Ngoan), đã có sự tranh chấp này rồi, vậy ta không
nên ngạc nhiên khi thấy nó xuất hiện vào thời Chúa
Giêsu hoặc cả thời đại chúng ta nữa!
Ông Giêsu này thật là điên!
Chính Chúa Giêsu cũng bị coi là điên. Một
người tự xưng là phát ngôn viên của Thiên Chúa và
bị các ký lục và biệt phái thù ghét, đã tự cho
mình được tự do đối với luật sabat
và nhiều tập tục thiết thân đối với
những người đạo đức của dân Ngài,
điều này không thể chấp nhận được.
Chúa Giêsu biết mình bị thù ghét. Lúc đó Ngài bắt
đầu nói về những nỗi đau khổ mà Ngài
sắp phải chịu về việc Ngài bị các nhà
chức trách của dân tộc ruồng bỏ và thậm chí
về cái chết của Ngài nữa. Phêrô không thể
chấp nhận được những chuyện như
thế. Nhưng khi ông trách móc Ngài thì Chúa Giêsu đã vạch
mặt Satan là kẻ ẩn nấp trong sự can thiệp
của Phêrô. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nói với các môn
đệ là chính các ông nữa cũng sẽ phải
chịu một số phận như Ngài!
Bước theo Chúa Giêsu trong việc tử
đạo của cái thường nhật.
Vác thập giá của mình không chỉ “vào
giờ chết” mà thôi nhưng “ngay từ bây giờ”. Trong
cái “ngay bây giờ” của những mối tương quan
giữa con người với nhau. Không những dấn
thân vì chính nghĩa lớn lao như việc cứu rỗi
thế giới hoặc phát huy nhân phẩm, nhưng sống
hằng ngày với việc mang niềm vui đến cho
những kẻ vì đau khổ mà trở nên gắt
gỏng với những người chung quanh, nâng
đỡ những người thiếu tình yêu
thương, giúp những kẻ bị ruồng rẫy,
bị bỏ rơi tìm lại được phẩm giá
của họ.
Trở thành đầy tớ của
những kẻ bé mọn nhất như Chúa Giêsu đã làm dù
có nguy cơ sẽ không được những kẻ
đương thời hiểu. Làm sao chúng ta có thể là
môn đệ Chúa Giêsu nếu chúng ta chỉ đón tiếp
những ai suy nghĩ như chúng ta, những kẻ “trong
tình trạng hợp lệ”, những kẻ đã thuộc
lòng tất cả bộ kinh tin kính hoặc đã tham dự
tất cả những buổi họp được yêu
cầu để chuẩn bị các bí tích? Chúng ta có
hiểu rằng khi đã chấp nhận làm đầy
tớ thì phải bỏ đi não trạng làm thầy, dù là
thầy dạy suy tư chăng?
Khiêm tốn thật.
Có lẽ đó là khiêm tốn thật. Nhìn
nhận rằng dù có đạo từ lâu, thậm chí còn
dấn thân trong Giáo Hội nữa, với tất cả
lòng thành, ta vẫn còn phải khám phá nơi kẻ bé mọn
nhất một cái gì đó phát xuất từ Thiên Chúa. Phải
tìm lại cho mình thái độ của đứa trẻ
luôn luôn có khả năng ngưỡng mộ trước
những con người và sự vật.
Trẻ con ngược hẳn với
kẻ chán chường, kẻ biết mọi sự,
kẻ đã thấy mọi sự. Trẻ con là kẻ, dù
cao niên, vẫn biết thán phục, cởi mở
đối với Thánh Linh, Đấng muốn thổi
đâu thì thổi và thường gây phiền hà cho chúng ta.
Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu đưa
một trẻ nhỏ làm gương mẫu cho các tông
đồ của Ngài, khi Ngài đòi các ông phải phục
vụ theo hình ảnh của trẻ thơ. Ngài muốn các
ông trở thành như trẻ nhỏ, có khả năng
đón nhận không hậu ý, không nhỏ nhen, không tìm
lợi lộc cho riêng mình. Đó là sự cao cả thật
sự mà Chúa Giêsu muốn cho những kẻ thuộc về
Ngài: sự cao cả của lòng khiêm tốn, sự cao
cả của tinh thần phục vụ.
Thánh Phaolô nói: Dù là Con, Chúa Giêsu đã không
sợ hạ mình mang thân phận người phàm, Ngài đã
khiêm tốn thẳm sâu đến nỗi để cho mình
bị kẻ khác ruồng bỏ và chết trên cây thập
giá. Tuy nhiên, nhờ vậy mà Ngài đã Phục Sinh và
sống muôn đời. Có thể nào khác hơn
được đối với các môn đệ của
Ngài chăng?
|