Làm gia tăng giá trị của
mình
(Suy niệm của
Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Đang
lúc Chúa Giêsu nói về cái chết sắp đến của
Ngài tại Giêrusalem thì các môn đệ của Ngài
dường như không quan tâm, không hiểu gì, vì các ông còn
bận tâm đến chuyện khác: tranh luận xem giữa
các ông ai là người lớn nhất.
Muốn
làm lớn, muốn tỏ ra mình là người có giá
trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng
định mình là một nhu cầu hết sức quan
trọng và được biểu hiện bằng
nhiều hình thức trong cuộc sống.
Thời
Chúa Giêsu, các vị kinh sư và các người biệt phái
tự khẳng định mình bằng cách "đeo
những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo
thật dài. Họ ưa ngồi cỗ
nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu
trong hội đường, ưa được
người ta chào hỏi ở những nơi công cộng
và được thiên hạ gọi là "ráp-bi".
(Mt 23, 5-7)
Ngay
cả các môn đệ Chúa Giêsu cũng hay tranh luận
với nhau giữa họ ai là người lớn nhất.
Điều nầy đã được ghi lại
nhiều lần trong Tin Mừng (Mc 9, 33-37; Lc 9, 46; Lc 22, 24)
Có
lần Bà Giêbêđê đem hai người con là Gioan và Giacôbê
đến gặp Chúa Giêsu và khẩn khoản nài xin Ngài cho
hai con của Bà được ngồi bên hữu bên tả
Chúa Giêsu khi Ngài được hiển trị trong
Nước Ngài. Mười môn đệ khác đâm ra
bất bình với hai anh em nầy, có thể là vì hai anh em
nầy dám tranh giành trước hai chiếc ghế mà
họ đã ngấp nghé từ lâu! Hoá ra ai
cũng muốn tìm địa vị cao, ai cũng muốn
làm gia tăng giá trị của mình. (Mt 20, 21-24)
Thời
nay cũng vậy, người ta cố làm gia tăng giá
trị của mình, khẳng định tài năng và
bản lãnh của mình dưới mọi hình thức. Không ai muốn chìm lĩm giữa đám đông.
Ai cũng muốn vươn tới những
đỉnh cao.
Đây là một ao ước rất
tự nhiên. Chính Thiên Chúa
đã đặt vào lòng chúng ta khát vọng đó để
thúc đẩy chúng ta vươn lên thành những con
người cao cả. Chúa Giêsu cũng kêu gọi chúng ta
đạt tới những giá trị cao vời: "Anh em
hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng
hoàn thiện." (Mt 5, 48)
Nhưng phải làm gì để trở
thành người cao cả thật sự?
Có
người cố làm tăng giá trị của mình bằng
cách trang điểm thân xác. Tuy nhiên,
người ta không thật sự nên cao cả nhờ nhan
sắc, vì "tốt gỗ hơn tốt nước
sơn, xấu người đẹp nết còn hơn
đẹp người".
Người
ta tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng của
cải vàng bạc, nhưng thực ra, "giá trị con
người không hệ tại những gì người ta sở
hữu".
Có
người làm tăng giá trị của mình bằng cách
phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc
cố giành những địa vị cao trong xã hội
để nâng cao giá trị mình lên.
Còn
Chúa Giêsu, khi các môn đệ tranh cãi với nhau xem giữa
họ ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho
họ một giải pháp: "Ai muốn làm người
đứng đầu, thì phải làm người rốt
hết, và làm người phục vụ mọi
người".
Lời dạy của Chúa Giêsu xem ra trái
nghịch với suy nghĩ của loài người. Thông thường,
muốn làm lớn thì phải nâng mình lên để thống
trị, đằng nầy Chúa Giêsu dạy phải hạ
mình xuống làm tôi tớ hầu hạ mọi
người.
Làm sao chấp nhận được
giải pháp của Chúa Giêsu?
˜˜˜
Trong thời đại chúng ta, chưa
có ai được nhiều người yêu mến và
cảm phục cho bằng Mẹ Tê-rê-xa Calcutta. Chưa bao giờ một phụ nữ
già nua còm cõi thuộc giới bình dân, khi lìa đời
lại được cả thế giới thương
tiếc, ngưỡng mộ và được Nhà
Nước Ấn-độ tổ chức quốc táng
trọng thể như Mẹ Tê-rê-xa Calcutta. Mẹ là con
người cao cả và vĩ
đại thật sự. Giá trị của Mẹ không
hệ tại ở sắc đẹp, giàu sang, tài năng
hay quyền thế. Mẹ vĩ
đại vì mẹ đã thực hiện lời Chúa Giêsu
dạy: "làm người rốt hết, và làm
người phục vụ mọi người". Mẹ
là người tôi tớ nhiệt thành phục vụ
những con người hèn kém và đau khổ nhất
thế gian nên Mẹ đã trở thành người phụ
nữ cao cả và đáng ngưỡng mộ nhất.
Quả
đúng như lời Chúa Giêsu, chỉ có sự phục
vụ trong khiêm tốn mới là phương thế làm cho
con người nên cao cả vĩ
đại nhất.
|