SỐNG LẠI CÁCH NÀO ?
Thánh Phaolô đã mô tả về sự
sống lại cách rõ ràng :
35 (Có người hỏi rằng) "Kẻ chết chỗi
dậy thế nào? Họ lấy thân xác nào mà trở về?
- 36 Đồ
ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết đã (thối bấn, tan rã)
mới sống dậy. 37 Cái ngươi gieo xuống không phải là hình thể sẽ
mọc lên, nhưng là (hình thể) một hạt trơ
trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một
thứ nào khác. 38 Rồi Thiên Chúa cho nó mọc lên với một hình thể như
ý Người muốn”…
Cái "hình thể như ý Người
muốn" mà Chúa cho mọc lên ấy, nó là thế nào ?
Thánh Phaolô diễn tả thế này:
42 "Việc kẻ chết sống
lại cũng vậy:
gieo
xuống
thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt;
43gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi
dậy thì vinh quang;
gieo
xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì
mạnh mẽ,
44gieo xuống là thân xác khí huyết, mà chỗi dậy là thân xác thần thiêng…
49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang
hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta
cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng
từ trời mà đến…
51 Đây tôi nói cho anh em biết mầu
nhiệm này: … tất cả chúng ta sẽ được biến đổi …
52 Những kẻ chết sẽ
chỗi dậy mà không còn hư nát …
53 Quả vậy, cái thân phải hư nát
này sẽ mặc lấy sự bất diệt;
và
cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự
bất tử."
(1Cr
15.35-53).
Giải
thích những lời Thánh
Phaolô trên đây :
1/ Ngươi gieo cái gì, cái ấy
phải
chết đã (c.36) : Đúng qui luật thường
thấy trong việc trồng trọt : hạt lúa, hạt
bắp, hạt đậu gieo hay vùi xuống đất,
sẽ tan rã, tan bấn đi. Điều ấy ám chỉ
thân xác ta chết đi sẽ phải tan rã trong mồ, vì là
thân nắn ra từ cát bụi phải trở về cát
bụi (St 3.19), rồi mới được sống
dậy, sống lại.
2/ Cái ngươi gieo xuống không
phải là hình thể sẽ mọc lên,… Thiên Chúa cho nó
mọc lên với một hình thể như ý Người
muốn” (cc.37-38)
Hình thể của cái gieo xuống thì khác với
hình thể cái sẽ mọc lên : ví dụ hạt lúa, lúc gieo
xuống nó chỉ là một “hạt lúa” và tan bấn
đi trong đất. Nhưng khi Thiên Chúa cho nó “mọc lên”
hay sống dậy, thì không còn thấy là hạt lúa nữa,
song một hình thể khác Người sẽ ban cho nó theo ý
Người muốn, đó là hình thể “cây lúa”. Đối
với loài người, hình thể cái gieo xuống là “thân
xác khí huyết” (c.44), rồi sẽ “hư nát”
(c.42) tan rã trong mồ
trở về bụi đất, và hình thể cái Thiên Chúa
cho chỗi dậy sẽ là “thân xác thần thiêng”
(c.44), “bất diệt” (c.42).
3/ Mầu nhiệm tất cả chúng ta sẽ được
biến đổi (c.51). Thánh Phaolô cho biết : việc
biến
đổi xác khí huyết trở thành xác thần
thiêng đây là một mầu nhiệm ! Và sự biến
đổi ấy là một điều bắt buộc. Ngay
cả thân xác Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội,
đồng trinh trọn đời, trong sạch, không
hề mắc một tội nào, cũng phải biến
đổi, “vì thân xác ấy
cũng là thân xác loài người, nên phải
được biến đổi mới có thể
đạt tới cuộc sống tuyệt vời của
sự bất hoại” (Trích dẫn lời Thánh Giécmanô
Constantinô trong Tông Hiến của Đức Giáo Chủ Piô
XII định tín Mầu nhiệm Đức Mẹ hồn
xác lên trời, lễ ngày 15/8). Vì muốn vào sống trong
lãnh vực thần linh của Thiên Chúa, con người
phải được biến đổi nên thần linh
giống như Thiên Chúa một cách nào đó, vì chưng :
"Máu thịt (khí huyết, vật
chất) không thể thừa hưởng (tức là vào)
Nước Thiên Chúa, cũng như sự hư hoại
không thừa hưởng được sự bất
hoại."(1Cr 15.50)
Thân xác ta lúc ấy sẽ được
biến đổi nên giống như Thân xác Chúa Kitô
phục sinh vinh hiển vì có lời Thánh Kinh xác quyết :
“Người sẽ biến
đổi thân xác khốn hèn của ta sao nên đồng
hình đồng dạng với thân xác vinh quang của
Người" (Pl 3.21).
“Hiện giờ (sống trên
dương trần) ta là con cái Thiên Chúa ; ta sẽ là gì (sau
này) thì chưa được tỏ hiện, ta biết
rằng một khi Người (Chúa Kitô) tỏ hiện
(buổi Quang Lâm), thì ta sẽ được giống
như Người, vì Người thế nào, ta sẽ
được thấy như vậy.” (1 Ga 3.2).
Thử hỏi : Lúc Người
tỏ hiện ở buổi Quang Lâm ấy, Người
trông như thế nào ?
Thưa : Người uy nghi, huy hoàng, sáng
láng rực rỡ trong hào quang của một vị Thiên
Chúa, đồng thời lại là Đấng phục sinh –
mà hôm Người Biến hình sáng láng chói lòa trên núi Tabo
đã cho ta thấy một thoáng vinh quang (Mt 17. ; Mc 9.2-8) – Vậy mà Thánh
kinh nói : ta sẽ được nên giống như
Người !
Ôi ! Quả là
một vinh quang lớn lao khôn sánh cho ta! Miệng lưỡi
nào tả cho xiết ? Chỉ trong thinh lặng suy niệm
và cầu nguyện, chúng ta mới cảm nhận
được mà lên tiếng tạ ơn Thiên Chúa !
Thân xác lúc
đó của chúng ta sẽ là một thân xác biến
hình nhận được (từ Thiên Chúa). Còn
thể xác ta đang mang đây, sau khi chết, sẽ tan rã
dưới mồ, đúng như lời Thánh Kinh nói :
nắn ra từ bụi đất, thân xác sẽ trở
về bụi đất (St 3.19). Nó
không bao giờ còn trở về lại cuộc sống
dương thế của loài người nữa, chỉ trừ vài phép
lạ Đức Giêsu làm cho kẻ chết sống lại,
hay đúng hơn phải nói là làm cho hồi sinh về
lại đời sống dương thế, ví dụ
phép lạ cho Ladarô, cho con gái một ông trưởng hội
đường Do Thái và cho con trai bà goá thành Naim...
Được
hồi sinh trở về đời sống dương
thế của loài người, nhưng sau đó ít lâu Ladarô
cũng như mấy người nêu trên, lại phải
chết. Như vậy không phải là “sự sống
lại” trong cuộc sống muôn đời đang bàn
đây. Mấy phép lạ Chúa Giêsu làm đó, thường
là để chứng tỏ Người là Đấng Thiên
Chúa sai đến (Đấng Thiên Sai), có Quyền năng
thần linh ban sự sống và sự sống lại cho ai
tin vào Người (Ga 11.25).
Để giúp hiểu lời Thánh Kinh nói
về thân xác ta hiện đang mang, song khi chết sẽ
tan rã trong mồ, và ta sẽ nhận được từ
Thiên Chúa một thân xác biến hình, biến đổi nên
thần thiêng, như Thánh Phaolô viết trong 1 Cr 15.44 ,
ta tạm nhờ hình ảnh việc đúc tượng
mà diễn tả : hồn ví như cái khuôn, xác
là chất liệu. Một khi cái khuôn (ví dụ :
khuôn tượng Thánh Phêrô) được định hình
và thành hình rồi, người thợ có thể đổ
vào khuôn đó chất đồng hay chì, vàng hay bạc, xi
măng hay đất sét v.v… Lúc đã nung khô xong, lấy
tượng ra, kết quả là các pho tượng
đều y chang Thánh Phêrô, dù chất liệu khác nhau : ta có
một tượng Thánh Phêrô bằng đất, hay
bằng xi măng, bằng đồng hay bằng vàng,
bạc…
Lúc sống
ở trần gian, ta đổ vào khuôn linh hồn ta
những chất liệu của trái đất
(thức ăn thức uống…) làm thành thân xác “khí
huyết” rồi lúc chết sẽ tan rã dưới mồ;
ngày sau khi được ơn sống lại, quyền
phép Thiên Chúa sẽ đổ vào cũng cái khuôn linh hồn ta
những chất liệu thần thiêng cao quí
của trời, thế là ta có được một thân xác
“thần thiêng”, hay “biến hình”, song y chang vẫn là thân
xác của ta.
Thánh Phaolô cũng diễn tả
trong đoạn thư sau đây cùng một đạo lý –
tuy bằng những từ ngữ khác – về thân xác tan rã
trong mồ và thân xác biến hình Thiên Chúa ban cho ta khi sống
lại. Lời Thánh Kinh này củng cố ta càng thêm vững
tin :
“Một khi
ngôi
nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc
lều này, bị phá huỷ đi, chúng ta sẽ có
một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà
vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người
thế làm ra.” (2 Cr
5.1)
Ta thấy Thánh
Phaolô so sánh hai giai đoạn, hai trạng thái : chiếc
lều mong manh (là thân xác ta ở trần gian) sẽ
bị phá hủy đi (sẽ tan rữa trong mồ),
và ngôi
nhà vĩnh cửu ở trên trời (là thân xác sống
lại thần thiêng ở trên trời thì vĩnh cửu),
nó do
Thiên Chúa dựng nên, không do tay người thế
làm ra (nó do Thiên Chúa ban, không phải do cha mẹ
trần thế sinh ra).
Chúng ta hãy nghe tiếp mấy câu
sau để rõ thêm :
2 “Ở trong lều này, chúng ta rên siết
vì những mong ước được thấy ngôi nhà
thiên quốc của chúng ta phủ lên trên. 4 Thật thế, bao
lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên siết,
khổ tâm vì không muốn cởi bỏ cái này, nhưng
lại muốn trùm thêm cái kia lên trên, để cho cái
phải chết tiêu tan trong sự sống. 5
Đấng đã chuẩn bị chúng ta cho mục
đích ấy chính là Thiên Chúa, Người đã ban Thần
Khí cho chúng ta làm bảo chứng.” (2 Cr 5.2-5)
Qua mấy câu
này, thánh nhân thay mặt nhân loại nói lên lòng da diết mong
ước chiếc lều (thân xác ở trần gian)
không bị tiêu hủy, song được ngôi nhà trên
trời phủ lên trên (“ở
trong lều này, chúng ta rên siết vì những mong ước
được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta
phủ lên trên” c.2). Thánh Phaolô đã nói lên “niềm
ước mong vô vọng” của loài người, là
chớ gì không bao giờ phải chết (“chúng ta rên siết, khổ tâm vì không muốn cởi
bỏ cái lều này”, c.4), nhưng được
trường sinh bất tử (“muốn
trùm thêm cái (nhà thiên quốc vĩnh cửu) kia lên trên”, c.4).
Nhưng đó là một
“ước mong vô vọng”, không thể thành sự
được, vì chúng ta đã biết :
“Vì
một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm
nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết
; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi
người, bởi vì mọi người đã phạm
tội.” (Rm 5.12)
Không kể Chúa Giêsu là Con Thiên
Chúa và cũng là Thiên Chúa, trong loài người, chỉ có
Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là
được miễn chuẩn khỏi qui luật thân xác
tan rã trong mồ, tức là khi
mãn cuộc đời dương thế, Người
được Thiên Chúa rước cả linh hồn và
thân xác về trời, nói theo kiểu Thánh Phaolô thì là : “được thấy ngôi nhà
thiên quốc … phủ lên trên… chiếc lều tạm
này.”
*
* *
|