Linh Nguyễn/Người Việt
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Hàng trăm thành viên Gia Đình Phủ Cam và thân hữu tham dự lễ giỗ năm thứ 13 cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tổ chức lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy, 12 Tháng Chín, tại hội trường Giáo Xứ Thánh Linh ở Fountain Valley.
|
Di ảnh cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) |
"Hôm nay nhân lễ giỗ năm thứ 13 đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chúng ta noi gương ngài và cùng cầu xin cho công lý và hòa bình được thực hiện trên quê hương Việt Nam, giáo hội luôn được thái bình, thịnh trị," Đức Ông Phạm Quốc Tuấn, chánh xứ giáo xứ Thánh Linh, chủ tế Thánh Lễ, tuyên bố.
Tiếp theo, Linh Mục Quí Lê, một vị khách, được mời thuyết giảng.
"Tôi được ở với đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong bảy năm ở tiểu chủng viện. Ngài đem một luồng gió mới đến với Giáo Phận Nha Trang. Sau năm 1975, tôi từ Huế vào Nha Trang và ở với ngài," linh mục kể.
"Phải nói là 'Tám Mối Phúc Thật' rất thích hợp với ngài và được thể hiện hàng ngày qua đời sống của ngài. Tôi còn nhớ lần ngài phải gấp rút, vội vàng vào Sài Gòn. Cũng có những biến cố khiến ngài phải ra ngoài Bắc, chịu gian khổ," Linh Mục Quí kể thêm.
|
Giáo dân Gia Đình Phủ Cam tham dự lễ giỗ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) |
"Ngài phải nằm dưới lòng tàu, nóng sốt mê man trong chuyến đi đó. Mười ba năm ở ngoài Bắc và trong những hoàn cảnh khó khăn, Chúa lại cho ngài sức cảm hóa đặc biệt. Những người hằng nghi ngờ ngài, lại trở thành những người mến phục ngài," vị linh mục kể tiếp.
Linh Mục Quí kể về một người (không nêu tên) cùng ở chung với hồng y, trong hoàn cảnh khó khăn.
"Người ấy nói với ngài rằng 'tôi về trước, mong khi nào anh về quê tôi' và 'tôi sẽ đến La Vang để cầu nguyện với Đức Mẹ La Vang rằng 'Bà biết anh Thuận cần gì'," linh mục kể.
"Sau này, khi ông ấy viết thư, cố đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã nói rằng 'không lời cầu nguyện nào có thể chân thành hơn lời cầu nguyện của ông ấy'," cũng theo lời Linh Mục Quí.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (trái) nhận bánh thánh từ Đức Ông Phạm Quốc Tuấn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) |
"Ngài muốn gắn liền đời ngài với giáo hội, với đất nước, nhưng ngài phải ra đi. Cuộc đời ngài trải qua bao đau thương, nhưng là sự màu nhiệm Chúa dẫn dắt. Ngài bị tước đoạt hết, nhưng ngài vẫn cầu nguyện mỗi ngày, vẫn gắn bó với với Chúa. Ngài để Đức Ki Tô trở thành giải pháp của mọi sự. Kết quả là ngài được Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị chọn là bộ trưởng Bộ Công Lý và Hòa Bình."
Vị linh mục khẳng định: "Chúng ta hôm nay cầu nguyện, noi gương ngài, dù cho ở hoàn cảnh nào cũng gắn bó với Chúa. Qua trần gian, ngài được tôn vinh và chúng ta nao nức để mẹ hội thánh phong thánh cho ngài. Hãy xác tín rằng Đức Ki Tô là giải pháp của mọi sự."
Linh mục nhắc lời từ 'Tám Mối Phúc Thật' hay 'Hiến Chương Nước Trời,' rằng "phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì nước trời là của họ," để kết luận đó là đúng với cuộc đời cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Trong phần rước mình thánh Chúa, hiện diện trong lễ giỗ có ông Bửu Tề, 96 tuổi, ở Garden Grove, được ban tổ chức giới thiệu là chú, và bà Nguyễn Thị Thu Hồng là em ruột, của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng trình bày tiến trình phong thánh cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) |
"Tôi từ Canada sang tham dự lễ giỗ hàng năm. Chúng tôi hết lòng ghi ơn tất cả đồng hương, tổ chức hay tham dự lễ giỗ và luôn luôn theo dõi tiến trình phong chân phước của ngài," bà Thu Hồng nói với nhật báo Người Việt.
"Năm nào cũng thế, cứ đến mùa Thu là tôi mong đợi. Chỉ biết đến nay là phần hành điều tra cấp giáo phận ở Vatican đã xong. Tiến Sĩ Waldery Hilgerman cho biết hồ sơ đã kết thúc và được niêm phong để chờ quyết định phong thánh," bà nói.
Trước khi sang phần chiếu phim về tiến trình phong chân phước, cũng do bà Thu Hồng trình bày, người tham dự bày tỏ sự ngưỡng mộ cố hồng y nhiều hơn, khi nghe bài hát "Mẹ và Con" do chính cố hồng y sáng tác, qua giọng hát của Linh Mục Ân Đức Lê Ngọc Hoan.
Ban tổ chức cho biết "không những hát, cha còn tặng CD để gây quỹ cho Gia Đình Phủ Cam."
Trong phần mở đầu, ông Bùi Thông Biên, trưởng ban tổ chức, đại diện Gia Đình Phủ Cam, ngỏ lời đón chào đức ông, linh mục, tu sĩ nam nữ và mọi người tham dự lễ giỗ.
"Là con dân Phủ Cam, lần đầu chúng tôi tổ chức lễ giỗ. Cầu mong mọi sự tốt đẹp và hy vọng ngài sẽ là một vị thánh trong tương lai," ông nói.
Ông nhắc đến phần phục vụ ẩm thực sau buổi lễ và kêu gọi mọi người hưởng ứng gây quỹ cho Gia Đình Phủ Cam.
"Chúng tôi gây quỹ bằng đặc san kỷ niệm, dày 96 trang, và CD 'Vui Mừng và Hy Vọng,' chuyên đề về đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Kính mong mọi người rộng lòng ủng hộ," ông Biên nói.
Theo ban tổ chức, đặc san năm nay có sự đóng góp của nhiều người, đặc biệt là ông Lê Thiện Sĩ, bà Nguyễn Thị Thu Hồng và bà Bùi Thu Hương.
|
Một số thân hữu và gia đình có liên hệ với cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) |
Bác Sĩ Vĩnh Thừa, một thành viên của Gia Đình Phủ Cam, chuyển dịch một số bài giảng của cố hồng y, cho biết: "Cuộc sống của ngài nói lên sự màu nhiệm của Chúa và lẽ công bình. Mong một ngày nào đó mọi người trên quê hương được hưởng sự công bình và thương yêu nhau."
Bà Nguyễn Thị Cẩm, đại diện ban tổ chức, cám ơn mọi người, trong khi những người trong ban ẩm thực, tất bật vồn vã, đưa hộp thức ăn đến tận tay mọi người, như ông Quỳnh Nguyễn, bà Như Ý, và nhiều người không muốn cho biết tên.
Bà Tố Nga Công Huyền, 76 tuổi, cư dân Garden Grove, không quản ngại chống hai cây gậy đến tham dự, cho biết: "Tôi tham dự lễ giỗ và lễ cầu nguyện cho ngài được hiển thánh. Hồ sơ đang xúc tiến tốt đẹp."
Một người khác, ông Anthony Phùng, 82 tuổi, cư dân Fountain Valley, qua Mỹ năm 1979, tâm sự: "Tôi ở Nha Trang. Tôi được gặp ngài một lần khi tôi làm việc ở Sài Gòn khi còn cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Tôi càng kính trọng ngài hơn khi dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Denver, Colorado, tôi được biết thêm về đời sống của ngài ở Rome."
Cô Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh tại Phủ Cam, Huế, ngày 17 Tháng Tư, 1928, là con thứ hai trong một gia đình có chín anh chị em. Người anh cả mất khi mới hai tuổi. Thân phụ là ông Tađêô Nguyễn Văn Ấm, mẹ là bà Isave Ngô Ðình Thị Hiệp, em ruột của cố Giám Mục Ngô Ðình Thục và cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm.
Ban đầu cố hồng y theo học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, Quảng Trị (1941) và Ðại Chủng Viện Kim Long, Huế (1947). Ngày 11 Tháng Sáu, 1953, cố hồng y được thụ phong linh mục tại nhà thờ chính tòa Phủ Cam.
Từ năm 1960, cố hồng y giữ nhiều chức vụ quan trọng trong giáo hội, bị tù cộng sản 13 năm và từng được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Ðồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình năm 1998. Năm 2001, cố hồng y được Đức Giáo Hoàng John Paul Đệ Nhị chọn vào Hồng Y Ðoàn, tước hiệu Hồng Y Phó Tế nhà thờ Santa Maria della Scala, Rome.
Hồng y qua đời ngày 16 Tháng Chín, 2002 tại bệnh viện Piô XI ở Rome, vì ung thư ruột. Hồng y qua đời để lại nhiều tác phẩm và bài giảng giá trị.
Ngày 16 Tháng Chín, 2007, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình đệ đơn xin Tòa Giám Quản Giáo Phận Rome mở án phong chân phước và cử Tiến Sĩ Walery Hilgerman ủy quyền làm cáo thỉnh viên, theo dõi hồ sơ phong thánh.
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com
|