Theo kinh
nghiệm của nhiều người, nhất là những
bậc cao niên, ngoài kẻ thù là chính mình, cũng không nên coi
thường những khó khăn, thử thách, đau
đớn bệnh tật bên ngoài, hay nỗi đau khổ
bên trong tâm hồn, vì trong những lúc ấy, nhất là khi
chúng kéo dài, cơn cám dỗ lìa bỏ Chúa, bỏ
đức tin, ngã lòng trông cậy, mất tin tưởng,
cũng rất mãnh liệt, vũ bão, ghê gớm
đến nỗi ta dường như thấy Chúa lánh
mặt, Chúa không còn hiện diện trong cõi đời
đầy khổ ải này nữa. Không còn Chúa nữa ! Không
còn ai cứu giúp ta nữa ! Vô vọng và lạc lối trong
đêm ! Những lúc ấy ta rất dễ rơi vào
nỗi hoài nghi cùng cực, chán nản và chìm trong tuyệt
vọng, nếu chúng ta không trang bị cho mình Lời
Chúa !
Lúc ấy, phúc
cho ta nếu được một câu Lời Chúa chẳng
biết ta đã nghe từ bao giờ, chợt nổi lên,
lòe sáng trong tâm trí đang quay cuồng trong mịt mù giông bão,
thế là ta thấy được con đường mà
đi,
và sức mạnh để chống
chọi lại với cơn cám dỗ buông trôi. Vì thế,
luôn luôn ta phải xin Chúa cho ta Ơn Đức Tin
để tin như trẻ thơ tin tuyệt đối vào
cha nó; và biết cầu xin như bố đứa trẻ
bị động kinh: "Con tin, nhưng xin Chúa hãy
tăng thêm đức tin yếu kém của con" (Mc 9.24) ;
và ta nên nhớ rằng: "Kẻ
nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ
được cứu thoát." (Mt 10.22) Lời này đã mang lại cho chúng ta sự
khích lệ lớn lao để có thể tiếp tục
cuộc hành trình về Nước Trời.
* *
*
Đã không loại trừ và để ta
hư đi, Đức Giêsu còn hứa cho ai đến và
tin vào Người thì được :
c)
Sự Sống Đời
Đời (6.40)
"Thật vậy, Ý của Cha Tôi là
tất cả những ai thấy Người Con và tin vào
Người Con thì có sự sống muôn đời và Tôi
sẽ cho họ được sống lại trong ngày sau
hết." (6.40)
Trước
hết nên biết rằng tính từ “muôn đời” hay
“đời đời” dễ làm cho ta hiểu lầm
rằng :
a) Sự
Sống Đời Đời chỉ là sự sống của thân xác kéo dài không bao
giờ hết, tức là trường sinh bất tử
theo nghĩa bình thường dân gian vẫn hiểu.
Người đời vẫn mong hưởng
được sự bất tử ấy, và người
ta đã tìm đủ mọi cách, luyện đủ
mọi thứ kim đan để uống vào mong
trường sinh bất tử, không phải chết bao
giờ. Người ta không ngờ rằng trường
sinh bất tử thể xác sẽ là một gánh nặng,
một cực hình, nếu không có sự sống thần
linh của Thiên Chúa trong nó. Có một bà già kia, đau ốm
liệt giường đã nhiều năm, làm khổ cho
con cháu, được linh mục đến thăm, bà xin
“Cha cầu Chúa cho con được mau chết, vì đau
đớn cực khổ quá! Con xin Chúa cho con chết mà sao
Chúa mãi không cho!” Mang một thân xác già nua, bị hết
bệnh nọ đến tật kia, tứ chi đau
nhức, ăn không thấy ngon, ngủ cũng không
được yên v.v…Cứ thử tưởng
tượng xem một cuộc sống kéo dài như thế
mãi mà không chết được, vì đã đạt
sự bất tử… chẳng phải là một cực hình
khốn khổ hết chỗ nói sao !
b) Sự Sống Đời
Đời cũng không phải là sự sống của linh hồn thiêng liêng không có
thể xác. Mà là sự sống cho cả hồn
lẫn xác, cho toàn diện con người, đem lại
hạnh phúc hoàn hảo cho họ.
c)
Cũng đừng hiểu Sự Sống Đời
Đời là sự sống Chúa ban cho ta sau này, sau khi chết sẽ
được hưởng ở trên Thiên Đàng. Nhưng
cần phải hiểu đó là Sự Sống thần linh
mà ta được thông chia để hưởng ngay từ đời này
trong tương quan hiểu biết và yêu mến Chúa.
Sự Sống Đời Đời
ấy là Sự Sống mà chính Thiên Chúa đang sống.
Chúng ta thử
tưởng tượng một chút: Thiên Chúa đang
sống như thế nào trên Cõi Vĩnh hằng ?
Người sống hạnh phúc vô cùng vô tận, sống
trong vinh quang, trong ánh sáng huy hoàng, Người không thiếu
một thứ gì, hoan lạc không hề vơi v.v…
Đấy, chính sự sống ấy của Thiên Chúa mà ngay
từ trần gian này chúng ta được thông phần.
Nhìn vào cuộc
đời các thánh, các người lành thánh, thì thấy
họ cảm nghiệm được Sự Sống Thiên
Chúa mà họ được thông phần, nên họ luôn
được bình an, luôn thanh thản, luôn hạnh phúc,
dễ dàng tha thứ những xúc phạm, sống chan hòa yêu
thương mọi người, cho dù cuộc đời
hằng gây đủ chuyện rắc rối, dù gặp
những thử thách, gian truân, khốn khổ hay bị bách
hại, ngược đãi, lòng họ vẫn an nhiên tự
tại, giống như các con cá dưới biển sâu,
vẫn tung tăng lượn lờ vẫy vùng, mặc cho
trên mặt biển sóng gió bão bùng, giông tố gầm
thét…Người ta sẽ nói rằng họ đang sống
dưới trần gian bể khổ mà như đã
sống trên Thiên Đàng rồi vậy.
SUY
GẪM
Khi suy gẫm
sâu lắng Lời Chúa, ta cảm nghiệm được
tình yêu của Thiên Chúa thật vô biên. Người muốn
thông chia sự sống thần linh, sự sống của
Người trên cõi vĩnh hằng hạnh phúc cho loài
người, nên Người đã thực hiện tất
cả vì chúng ta, với biết bao kỳ công hết
sức lạ lùng :
Từ bỏ
vinh quang vui sướng chốn vinh quang, hạ cố
xuống trần gian, sống cuộc đời nghèo khó,
thanh bần, vất vả rao giảng Tin Mừng, dạy
dỗ cho mọi người biết sống sao cho
xứng đáng công dân Nước Trời, Người còn
phải uống chén đắng Mùa Thương Khó, Tử
nạn và lên tới đỉnh Phục Sinh để
đưa mọi người ra khỏi Sự chết,
được sự sống mới, và sau hết ban Mình Máu Thánh để dưỡng
nuôi loài người đủ sức đi không gục ngã,
trên con đường lữ thứ trần gian về
tới bến Thiên Đàng.
Bao nhiêu kỳ công là bấy nhiêu ân
tình Thiên Chúa dành cho chúng ta đến không thể nói thành
lời. Trái tim ta phải rung động, bồi hồi,
chết lặng trước tình yêu tuyệt đỉnh
của Chúa Giêsu biểu lộ ra trên Thánh Giá. Tâm hồn ta
phải thinh lặng trước tình yêu Thánh Thể, là tình
yêu hy sinh, khiêm nhu trong hình bánh đơn sơ, bé nhỏ trái
nghịch với vinh quang cao cả của Chúa trên các
tầng trời.
Thiên Chúa đã làm tất cả cho
chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể vững mạnh trên
đường trở về với cõi sống
đời đời hạnh phúc.
Hàng
ngày nếu ta dành chút thời gian mà suy gẫm, ta mới có
thể cảm nghiệm được chiều sâu
thẳm của tình yêu Thiên Chúa, để có thể
đạt được chiều sâu của đạo,
chứ không chỉ dừng lại ở vài việc
đọc kinh, hay đôi việc đạo đức …
ÁP DỤNG
-
Gia đình và giáo xứ ta có nhận được sự
sống của Thiên Chúa Ba Ngôi không ?
- Có nhớ mình đã nhận
được Sự Sống của Chúa như Chúa đang
hưởng trên Cõi vĩnh hằng, để mà tha thứ
không còn cưu mang giận ghét mãi ; không còn ganh tị, nói
xấu, dèm pha, xét đoán, chia rẽ, xích mích, tranh giành
ảnh hưởng… trong giáo xứ, trong hội đoàn ? Vì
như thế ta làm cho Sự Sống Đời Đời
thành vô hiệu.
- Nếu
mọi thành viên đều lãnh được sự
sống của Thiên Chúa thì trong gia đình có hạnh phúc
không ? Nếu không hạnh phúc thì vì sao ? Có phải vì tham
vọng, ganh tị, giận ghét, ích kỷ…? Khi bất hòa,
va chạm… có biết nhận ra khuyết điểm,
yếu kém của mình để sửa chữa ?
- Ta có sự sống của Chúa
thì tại sao Tin Mừng không triển nở trong gia
đình, trong khu xóm, trong giáo xứ ? Tại sao những
nơi đó giống như khu đất bỏ hoang, không
ai ra tay rẫy cỏ, không nỗ lực phát quang bụi
rậm. Nhất là tại sao ta sống không khác gì
người không biết Chúa ?
***
|